Kinh nghiệm thực tiễn QLTC của Tổng công ty Hàng Không Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tài chính tại công ty cổ phần vân tải và dịch vụ petrolimex hà tây​ (Trang 38 - 44)

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (TCT) được thành lập năm 1995 với chức năng chính là vận chuyển hàng không, đồng thời cung ứng một số dịch vụ về phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất như dịch vụ kỹ thuật sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, dịch vụ cung cấp xuất ăn trên máy bay, dịch vụ hàng hoá miễn cước....

Sau nhiều năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng vốn chủ sở hữu của TCT đã có sự tăng trưởng, mặc dù chậm. Trong cơ cấu vốn chủ sở hữu, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam chiếm tỷ trọng chi phối. Phần lớn vốn được bổ sung qua các năm từ lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT. TCT đã hoàn thành nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả theo quy định của nhà nước. Nguồn vốn chủ sở hữu chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào sơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị nên thu hồi chậm. TCT thiếu vốn kinh doanh nên phải đi thuê số lớn máy bay. Hàng năm chi phí cho việc thuê máy bay chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi phí của toàn TCT.

Cơ cấu vốn biến động theo hướng lành mạnh thông qua việc thu hút vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp. Các nhà quản lý cấp cao của TCT đã vạch ra chiến lược có tính đến nhu cầu vốn lâu dài để làm căn cứ hoạch định chính sách huy động vốn nhằm đầu tư phát triển đội máy bay sở hữu của TCT. Theo phân cấp trong TCT, mức tín dụng một lần vay trên 3% vốn điều lệ của TCT trở lên do Hội đồng quản trị quyết định, dưới mức đó do Tổng giám đốc quyết định. Tổng giám đốc còn có quyền quyết định phương án và phê duyệt các hợp đồng đầu tư tài chính, huy động vốn ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch hàng năm. Ngoài vay các tổ chức

tín dụng, TCT còn huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tuy nhiên mức huy động còn hạn chế. TCT cũng đã nỗ lực tìm chọn các đối tác nước ngoài mạnh, có công nghệ hiện đại và uy tín trên thế giới để thành lập các liên doanh chế biến xuất ăn, đặt vé giữ chỗ. Tính đến nay, huy động vốn qua kênh này cũng không đáng kể.

Tình hình quản lý các khoản nợ phải trả của TCT trong những năm qua cũng khá ổn thỏa, chủ yếu là trả nợ các khoản vốn vay đầu tư máy bay. Để quản lý khoản nợ này TCT đã mở sổ sách theo dõi chi tiết từng khoản nợ vay với từng đối tác cho vay, xác định chính xác số nợ đến hạn phải trả trong từng năm tài chính. Đồng thời, TCT định kỳ đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán để có giải pháp khắc phục kịp thời, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ được hạch toán toàn bộ chênh lệch tỷ giá phát sinh của số dư nợ phải trả vào chi phí kinh doanh trong kỳ để tạo nguồn trả nợ và đảm bảo hoạt động kinh doanh của TCT.

Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của TCT được thực hiện dưới hình thức góp vốn liên doanh, đầu tư chứng khoán, đầu tư vào trái phiếu chính phủ, các khoản ký quỹ đặt cọc dài hạn ở nước ngoài. Vốn góp của TCT trong các liên doanh, cổ phần không có biến động lớn và được theo dõi chặt chẽ. Nhìn chung, phần vốn góp tại các liên doanh được bảo toàn và phát triển đã đem lại nguồn lợi nhuận hàng năm đều đặn. Các công ty liên doanh có quy mô và tỷ suất lợi nhuận cao gắn liền với hoạt động của ngành hàng không. Do thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu nên hiện nay TCT đang nắm giữ một số cổ phiếu của công ty khác. Việc nắm giữ cổ phiếu này hiện đem lại thu nhập dương và một số lợi ích khác cho TCT.

Để thực hiện trách nhiệm của TCT đối với các hợp đồng thuê máy bay, TCT đã ký hợp đồng cầm giữ tiền như một khoản đặt cọc tại nước ngoài. Tổng số tiền đặt cọc dài hạn tại nước ngoài khá lớn.

TCT đã có các biện pháp dự phòng để cân đối nguồn vốn cố định và nguồn vốn lưu động bằng cách ký hạn mức tín dụng đối với ngân hàng thương mại. Việc ký hạn mức tín dụng đã thực hiện trong các năm qua là rất cần thiết, cho phép

TCT hoàn toàn chủ động xử lý để cân đối tiền tệ, nguồn vốn. Tuy nhiên, công tác quản lý và điều hành tiền tệ chưa được tốt. Các khoản chuyên thu được tổ chức và điều hành phân tán. Hệ thống các tài khoản chuyên thu ở nước ngoài được mở tại nhiều ngân hàng và sử dụng để thu nhận tiền thanh toán của văn phòng chi nhánh, các đại lý khu vực quản lý. Một phần tiền thu được cấp sang tài khoản chuyên chi cho các văn phòng chi nhánh theo lệnh điều từ TCT. Tiền còn lại được chuyển về TCT bằng các lệnh điều được lập tại Ban Tài chính - Kế toán TCT. Đối với các thị trường nguồn thu không đủ chi, tiền ngân sách được cấp tại TCT. Đối với các văn phòng khu vực trong nước chưa tổ chức được hệ thống tài khoản chuyên thu thì đang sử dụng một tài khoản ngân hàng cho các mục đích của văn phòng khu vực. Trên thực tế, lệnh cấp ngân sách cho các mục đích chi tiêu từ nguồn thu tại các văn phòng khu vực chỉ để cấp nguồn, không có việc chuyển tiền. Số dư tiền của các văn phòng khu vực được nộp về TCT, các đơn vị không có nguồn thu, tiền ngân sách TCT cấp trực tiếp cho đơn vị. Đối với các đơn vị hạch toán độc lập, TCT thực hiện quản lý các tồn khoản, tồn quỹ tiền mặt theo quy chế quản lý tài chính của TCT, được quyền chủ động và thực hiện việc bảo toàn, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, quỹ của đơn vị.

Với cách điều hành trên, ở khối hạch toán tập trung của TCT, nguồn tiền thu được từ các đơn vị không được hạch toán kịp thời vào tài khoản tập trung của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Số cấp dư trên các tài khoản chi thường xuyên tồn đọng lớn làm cho tổng lượng tiền cần thiết để duy trì hoạt động của Hãng ở mức cao.

Các đơn vị thực hiện báo cáo số dư hàng tuần, tháng về TCT thông qua hình thức chuyển văn bản. Hình thức báo cáo này không đáp ứng về mặt thời gian và không có khả năng kiểm soát, phân tích các dòng tiền phát sinh tại các đơn vị theo kỳ. Báo cáo tiền tệ cũng không gắn được với báo cáo quản lý công nợ.

Với mục tiêu không ngừng hiện đại hoá, phát triển đội máy bay và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, TCT đã tận dụng thời cơ giá thuê và mua máy bay, các thiết bị hàng không trên thị trường thế giới giảm mạnh sau sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 để phát triển đội máy bay. Vì thế nguyên giá tài sản cố định (hữu hình và vô hình) tăng nhanh qua các năm.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư đồng bộ theo chiến lược phát triển đội máy bay sở hữu. Việc tính khấu hao tài sản cố định của TCT được thực hiện theo quy định của Nhà nước. Phương pháp khấu hao theo thời gian, căn cứ thời gian hữu hiệu của TSCĐ để khấu hao theo đường thẳng. Các TSCĐ hiện có của TCT đều được trích khấu hao. Tỷ lệ khấu hao TSCĐ phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của từng nhóm và phụ thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Toàn bộ khấu hao tài sản cố định thuộc vốn nhà nước được để lại TCT để tái đầu tư, thay thế đổi mới thiết bị và sử dụng cho nhu cầu kinh doanh của TCT.

Quỹ khấu hao được quản lý như một nguồn tài chính cùng với nguồn vốn đầu tư bổ sung khác. TCT đã sử dụng rất linh hoạt quỹ khấu hao tài sản cố định, kể cả việc đặt cọc mua máy bay theo nguyên tắc có hoàn trả, nên đã góp phần vào việc sinh lời, giảm chi phí lãi vay và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh.

TCT quy định cụ thể quy trình ghi chép, theo dõi, đối chiếu, thu hồi nợ, phân tích khả năng trả nợ cũng như trách nhiệm cụ thể của những cá nhân, phòng ban có liên quan trong quản lý các khoản nợ. Đối với các khoản nợ khó đòi TCT lập hội đồng xử lý, xác định rõ số nợ không có khả năng thu hồi, nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân để bù đắp bằng khoản dự phòng nợ khó đòi. Nếu quỹ dự phòng không đủ, TCT được hạch toán vào chi phí kinh doanh hoặc vào kết quả kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của Nhà nước.

TCT thực hiện việc kiểm kê tài sản thường xuyên trên cơ sở số liệu trên sổ sách kế toán và đối chiếu với số dư thực tế để xác định lại tài sản vào các kỳ báo cáo quyết toán. Khi xảy ra tổn thất tài sản, TCT lập hội đồng xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất, lập phương án xử lý báo cáo Hội đồng quản trị quyết định. Trường hợp xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường. Mức bồi thường đối với tổn thất được quy định: nếu dưới 100 triệu đồng, Hội đồng quản trị uỷ quyền cho Tổng giám đốc quyết định, từ 100 triệu đồng trở lên do Hội đồng quản trị quyết định. Tài sản mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.Trường hợp tổn thất vì lý do bất khả kháng, TCT không thể khắc phục được, Hội đồng quản trị lập phương án xử lý báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Giá trị tài sản tổn thất, sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí bất thường trong kỳ.

TCT thực hiện việc đánh giá tài sản trong các trường hợp sau: Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước; Thực hiện chuyển đổi sở hữu công ty: Cổ phần hoá, bán công ty, đa dạng hoá hình thức sở hữu; Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài công ty như góp vốn liên doanh, cổ phần. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị tài sản do đánh giá lại được hạch toán tăng hoặc giảm vốn Nhà nước tại TCT.

TCT đã xây dựng cơ chế xác định doanh thu, chi phí: Doanh thu của TCT là tổng doanh thu của các doanh nghiệp hạch toán độc lập và đơn vị hạch toán phụ thuộc. Chi phí của TCT bao gồm chi phí của các doanh nghiệp thành viên và chi phí bộ máy quản lý điều hành của TCT do văn phòng đối ngoại TCT điều hành và được quản lý như một đơn vị hạch toán phụ thuộc, bao gồm chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí hoạt động tài chính và chi phí hoạt động khác. Các chi phí phải có hoá đơn chứng từ hợp pháp, hợp lý, hợp lệ.

Cơ chế quản lý lợi nhuận: Lợi nhuận thực hiện trong năm của TCT là tổng số lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên TCT bao gồm: lợi nhuận hoạt động kinh doanh, lợi nhuận hoạt động tài chính và lợi nhuận hoạt động khác. Lợi nhuận phát sinh bao gồm lợi nhuận năm trước phát hiện trong năm trừ các khoản lỗ năm trước đã được xác định trong quyết toán.

Căn cứ vào quy định của Nhà nước TCT phân phối lợi nhuận sau thuế như sau: bù lỗ theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thuế thu nhập theo luật định, lợi nhuận còn lại được phân phối theo quy định của Nhà nước và Điều lệ TCT.

TCT được trích lập và sử dụng các quỹ tập trung từ nguồn lợi nhuận để lại sau khi đã trừ đi các khoản phải giảm trừ theo quy định và huy động từ lợi nhuận được trích hàng năm của các DN thành viên hạch toán độc lập để hình thành các Quỹ dự trữ tài chính; Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi.

Trong các doanh nghiệp đã hình thành các bộ phận kiểm toán nội bộ bên cạnh việc sử dụng các dịch vụ kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, mục tiêu chính của kiểm toán nội bộ mới chỉ dừng lại ở việc xác định tính đúng đắn, độ trung thực và tin cậy của các báo cáo kế toán và các kết quả kế toán - tài chính trước khi được kiểm toán độc lập và công bố rộng rãi.

CHƯƠNG 2

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý tài chính tại công ty cổ phần vân tải và dịch vụ petrolimex hà tây​ (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)