Thời kỳ đầu, cây quýt được gieo trồng bằng hạt nên phát triển rất chậm, 10 đến 15 năm sau mới cho thu hoạch. Sau đó người dân chuyển sang phương pháp chiết cành, nhưng số lượng nhân giống ít, giá trị kinh tế không cao. Đến năm 2000, chính quyền đã thành lập nhiều đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệp ở một vài địa phương khác. Sau đó xã được tỉnh, huyện và Viện Rau quả Trung ương hỗ trợ triển khai kỹ thuật ghép giống quýt bằng mắt với gốc bưởi,
đồng thời triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây quýt mắt ghép và phục tráng cây cằn cỗi. Ưu điểm của phương pháp này là nhân giống nhanh với số lượng nhiều, thời gian bói quả sớm và chăm sóc dễ dàng hơn. Nhận thấy cơ hội thoát nghèo, người dân nhanh chóng mở rộng diện tích trồng quýt. Đến nay toàn xã đã có 530ha quýt, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng nên nhân dân các xã Đôn Phong, Dương Phong, Tú Trĩ, Sỹ Bình, Cao Sơn cũng chủ động đưa cây cam quýt về trồng, góp phần đưa tổng diện tích loại cây đặc sản này của toàn huyện Bạch Thông lên hơn 1.000ha. Hơn chục năm nay, quýt đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn huyện Bạch Thông. Ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, gia đình ông Lưu Chấn Thụ là hộ đi đầu trồng cây quýt ghép do Viện Rau quả Trung ương khảo nghiệm tại địa phương. Ông Thụ cho biết: Lúc bấy giờ nhận thức của người dân còn hạn chế, cho rằng ghép bằng gốc bưởi thì quả quýt sẽ chua. Nhận cây giống về nhưng nhiều nhà bỏ không trồng. Thấy tiếc số cây giống này, gia đình ông Thụ đã mạnh dạn mang về trồng. Chỉ sau 3 đến 4 năm, các cây quýt ghép đã bói quả lứa đầu tiên, chất lượng quả ngon hơn. Đến nay gia đình ông đã sở hữu 3 ha quýt, hằng năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.