Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tỉnh thái nguyên (Trang 52 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi nằm ở vùng TD&MNPB, có diện tích tự nhiên 3.533,19 km2, chiếm 1,07% diện tích cả nước. Năm 2014, dân số toàn tỉnh là 1.173,2 nghìn người, chiếm 1,30% dân số cả nước. Về tổ chức hành chính, sau khi chia tỉnh (theo Nghị quyết Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX) Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và 6 huyện (Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương) với tổng số 181 xã, phường và thị trấn (trong đó vùng cao: 16, vùng núi: 109, vùng trung du và đồng bằng: 56).

Tỉnh Thái Nguyên phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc kạn, phía Tây giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang, phía Đông giáp với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên cách Hà Nội 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45 km.

Về vị trí địa kinh tế, chính trị: Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng TD&MNPB và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng TD&MNPB với vùng đồng bằng sông Hồng.

Thái Nguyên là đầu mối giao thông nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, là vành đai bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội. Trước đây và hiện nay, tỉnh Thái Nguyên vẫn được Chính phủ coi là trung tâm văn hóa và kinh tế của các dân tộc phía Bắc; là trung tâm đào tạo lớn thứ ba trong cả nước (với 9 trường đại học, 12 trường cao đẳng, 7 trường trung học và dạy nghề, 33 trung tâm đào tạo nghề), có bệnh viện đa khoa khu vực, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp cơ khí, luyện kim sớm được hình thành và phát triển ở nước ta.

Thái Nguyên là tỉnh có mối liên hệ chặt chẽ với vùng tam giác kinh tế phát triển mạnh là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong tương lai, Thái Nguyên sẽ nằm trong vùng tứ giác tăng trưởng kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Nguyên, phát triển dọc QL18 nối vùng TD&MNPB với cảng nước sâu Cái Lân và đường cao tốc QL5 nối với cảng Hải Phòng.

Với vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng và với mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối phát triển, Thái Nguyên được kết nối với bên ngoài rất thuận lợi. Tỉnh có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là điểm đầu mối xuất phát. Đường quốc lộ số 3 từ Hà Nội lên Bắc Kạn, Cao Bằng là tuyến trục dọc của toàn Tỉnh qua thành phố Thái Nguyên, là cửa ngõ phía Nam nối Thái Nguyên với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh khác trong cả nước, đồng thời còn là cửa ngõ phía Bắc qua tỉnh Bắc Kạn lên Cao Bằng thông sang biên giới Trung Quốc. Các quốc lộ 37, 1B cùng với hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch giao thông quan trọng nối Thái Nguyên với các tỉnh xung quanh. Tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều, Lưu Xá - Kép - Đông Triều nối với khu công nghiệp Sông Công, khu Gang Thép và thành phố Thái Nguyên. Vị trí này đã và đang tạo điều kiện cho Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế vùng TD&MNPB và gắn kết thuận lợi với ‘Hà Nội, nhất là sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được xây dựng xong.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước, than mỡ trữ lượng trên 15 triệu tấn, than đá trữ lượng khoảng 90 triệu tấn; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thuỷ ngân… Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tỉnh thái nguyên (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)