5. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Kinh nghiệm quản lý NSNN ở Việt Nam
* Tỉnh Quảng Ngãi: Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, hệ thống các chính sách, chế độ về tài chính không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, Ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã có những chuyển biến rõ nét. Với trọng trách điều phối, kết hợp với các nguồn tài chính thành một thể thống nhất, ngành Tài chính Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách, thực hiện công tác đổi mới trong quản lý điều hành ngân sách, thực thi chính sách kinh tế - tài chính nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung sát sao và quyết liệt của các cấp ủy chính quyền các cấp, sự đồng thuận của hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân. Kết quả thực hiện đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ thu, chi ngân sách của địa phương đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Năm 2013 thu ngân sách đạt 30.073 tỷ đồng tăng gấp 2 lần con số 15.273 tỷ đồng của năm 2010. Theo ông Lê Văn Huy-Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãicho biết: “Thu ngân sách năm 2014 dự kiến 27.621 tỷ đồng tuy giảm so với 8,1% so với năm 2013 do nhà máy lọc dầu tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng đình kỳ, ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Năm 2015, dự kiến thu ngân sách sẽ đạt 33.333 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 20,7%. Như vậy, dự kiến tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2011-2015 của Quảng Ngãi đạt 16,5%”. Kết quả đạt được trong những năm qua cùng với
sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, Quảng Ngãi đã cơ bản đảm bảo nguồn ngân sách phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Có thể nói, hiệu quả từ nguồn vốn đầu tư được thể hiện rõ nét qua những bước chuyển biến tích cực của Quảng Ngãi trên nhiều lĩnh vực. Các nguồn lực được huy động cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, mang lại diện mới cho các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, khang trang hơn, dần khẳng định vai trò hạt nhân góp phần tạo những bước đi vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Để đạt được nhiệm vụ thu, chi ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 các cơ quan thu, các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thu NSNN trên địa bàn. Các cơ quan Thuế, Hải quan: triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), rà soát, nắm chắc đối tượng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra thuế, tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp với cơ quan thuế, hải quan trong công tác quản lý nợ thuế, cưỡng chế thu hồi nợ thuế và đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng và theo đúng chế độ quy định, phấn đấu hoàn thanh vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác… Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn, quan tâm chỉ đạo công tác quản lý tài sản công, quản lý sử dụng đất đai từ khâu quy hoạch sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, chuyển nhượng đất đai để quản
lý và thu ngân sách đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định đảm bảo tránh thất thoát lãng phí tài sản công.
* Huyện Quế Võ- tỉnh Bắc Ninh: Theo đánh giá, việc thực hiện thu NSNN của huyện Quế Võ đã vượt dự toán thu ngân sách hàng năm, với tỷ lệ tăng thu bình quân Ngân sách từ 3-5%/ năm. Nhìn chung, công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu phát sinh; các địa phương đã tạo điều kiện về môi trường cũng như ban hành những chính sách khuyến khích phát triển các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng và tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, xã. Về chi ngân sách, các huyện, xã trong cụm đã tổ chức quản lý theo đúng quy định cơ chế phân cấp hiện hành, các địa phương đã bám sát dự toán được giao để điều hành chi ngân sách, chủ động cân đối nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi thường xuyên... Tuy nhiên, trong công tác quản lý thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, như: Một số xã chưa rà soát, đánh giá và bao quát nguồn thu, nên việc dự toán thu chưa sát với thực tế; việc chấp hành dự toán, chế độ tài chính, chế độ kế toán chưa đúng quy định. Một số xã chưa quản lý chặt chẽ các chương trình mục tiêu phân cấp theo quy định, công tác quyết toán còn chậm, chi sai mục tiêu, nhiệm vụ…
Để khắc phục những yếu kém và hạn chế trên, huyện Quế Võ đã đưa ra một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài chính, ngân sách của huyện, xã, trong đó tập trung vào một số giải pháp, như: Tập trung quy hoạch đồng bộ phát triển kinh tế, xã hội của các huyện, từ đó định hướng lộ trình đầu tư, phát triển hiệu quả các chính sách, dự án; thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình nhằm nâng cao năng lực, phát huy nhanh hiệu quả nguồn vốn, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thực hiện các chính sách, dự án. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tập trung thực
hiện các giải pháp ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...
1.2.3. Những bài học kinh nghiệm về quản lý NSNN cho huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Qua nghiên cứu công tác quản lý thu chi NSNN ở trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Hầu hết các địa phương đều tăng cường thực hiện công tác ủy nhiệm thu, điều này vừa tăng thu được cho ngân sách về thuế, chống thất thu sót hộ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các xã, phường trong công tác thu ngân sách.
- Coi việc thực hiện công khai tài chính ngân sách các cấp là biện pháp để tăng cường giám sát của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc quản lý sử dụng ngân sách ở địa phương, đơn vị, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
- Đẩy mạnh thực hiện việc khoán biên chế và quỹ lương, coi đây là biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác của bộ máy hành chính, tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ đồng thời tăng thu nhập cho cán bộ công chức.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị, các xã, phường.
- Quan tâm đến công tác tập huấn, ứng dụng phần mềm quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn.
- Chủ động khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương để tận thu NSNN.Có kế hoạch cụ thể, chi tiết ngay từ đầu năm NS đối với các khoản thu từ tiền đất để tăng tích lũy chi đầu tư XDCB
Chương 2
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU