6. Cấu trúc của luận án
1.2.3. Hướng nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa của luận án
án Như đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng nhân học diễn giải là khung lí thuyết thích hợp để tiếp cận văn chương. Trong luận án, tư duy diễn giải được áp dụng như một định hướng phương pháp luận xuyên suốt. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới những điểm gặp gỡ giữa nhân học diễn giải và sáng tác, nghiên cứu văn chương. Diễn giải văn hóa, cũng như sáng tác và nghiên cứu văn chương, là một hành trình “đọc từ vai kẻ khác”. “Văn hóa của một dân tộc là tổng thể những văn bản, mà những tổng thể ấy, nhà nhân học phải thật nỗ lực để đọc qua đôi vai những chủ nhân của chúng” [30, 452]. Cũng như nhà văn viết văn, nhà phê bình bình văn dựa trên sự thông hiểu và niềm trắc ẩn với đất và người trong tác phẩm, nhà nhân học thăm dò văn hóa bản địa trong hệ quy chiếu của ý thức địa phương. Sự đọc này phải là một sự “mô tả sâu” (thick description) - sự quan sát, thông hiểu, cắt nghĩa văn bản không tách rời với bối cảnh của nó, để có thể thực sự “chạm tới cuộc đời của những kẻ lạ” [30, 16]. Với phương pháp này, diễn giải văn hóa là một sự đọc không hoàn tất. Nó không nhắm tới việc quy thành công thức hay tìm kiếm một đáp án sau cùng. Thay vào đó, nó là quá trình không ngừng tìm kiếm những tầng bậc ý nghĩa biểu tượng vô tận, và không chỉ thế, bằng việc diễn giải bối cảnh, nó vẫy gọi khả năng can dự của mọi người vào hành động đồng diễn giải.
Khi đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa, chúng tôi nhìn tiểu thuyết gia trong hai tư cách. Trước hết, Faulkner được nhìn nhận như một nhà văn giàu tri thức và cảm thức nhân học. Nương theo hành trình đọc tiểu thuyết của ông, người đọc có thể tìm thấy những dấu vết tri thức nhân học giàu có ẩn chứa trong tác phẩm. Mảnh đất huyền thoại Yoknapatawpha trong tiểu thuyết của ông chính là nơi chưng cất những hiểu biết nhân học của nhà văn thông tuệ Faulkner (mà có khi ông không tự ý thức về việc tích bồi “tri thức” trong tác phẩm, nhưng thứ “cảm thức” nhân học mà nhà văn có được thì tự hiện diện trong các sáng tác). Việc khám phá những lớp trầm tích tri thức nhân học ấy trong tác phẩm giúp ta hiểu hơn về thiên hướng thẩm mĩ, quan điểm nghệ thuật và nhân sinh của nhà văn.
của Faulkner như một hành động diễn giải văn hóa. Ở đây, Faulkner được nhìn trong bóng dáng một nhà nhân học. Đến lượt các học giả, độc giả (trong đó có chúng tôi), việc đọc Faulkner lại là một hành trình đồng diễn giải một “văn bản văn hóa”, mà bản thân văn bản ấy vốn là sự diễn giải của một văn bản văn hóa khác. Khi nhìn Faulkner như một nhà nhân học, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn là lần ngược trở lại để tìm những tri thức nhân học được khảo cứu trong tác phẩm. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc thông hiểu cách nhà văn đối thoại, diễn dịch và sáng tạo lại những tri thức nhân học đó trên trang giấy. Khi đó, quá trình diễn giải của Faulkner, trên cả những tri thức và lối viết nhân học, cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Trong lúc đó, chúng tôi ý thức rằng bản thân mọi thao tác được thực hiện, từ hành trình tới kết quả, cũng là một sự diễn giải, gắn sát với kinh nghiệm cá nhân người diễn giải, và không nhằm đem tới một đáp án tối thượng sau cùng.
Việc lựa chọn kim chỉ nam của nhân học diễn giải giúp khắc phục, ở chừng mực nhất định, một rào cản khi lựa chọn đối tượng nghiên cứu là một tác gia nước ngoài. Tây phương, mảnh đất của Faulkner, vốn không phải là văn hóa bản địa đối với tác giả luận án. Trên tinh thần nhân học diễn giải, sự gián cách này có thể được nhìn với một con mắt độ lượng hơn chăng, khi luận án chỉ là một trong một số lượng triển hạn những phiên bản diễn giải văn bản của ông? Hai nữa, khi tuyên bố về một nền nhân học tôn trọng bối cảnh và ý thức bản địa, Geertz cũng bày tỏ niềm tin rằng “có lẽ rằng chính trong những nét đặc thù văn hóa của từng dân tộc – trong sự dị biệt của họ - ta mới có được những khám phá hữu dụng nhất về ý nghĩa phổ quát của việc làm người” [30, 43]. Việc tìm kiếm những màu sắc và giá trị bản địa trong văn Faulkner, được tiến hành từ một con mắt bản địa khác ở bên kia bán cầu, có thể là một thử nghiệm cho việc diễn giải những văn bản vừa rất lạ vừa rất quen. Hơn nữa, như đã khảo sát ở trên, “Faulkner toàn cầu” hiện là xu hướng của nghiên cứu Faulkner đương đại. Việc góp thêm một góc diễn dịch khiêm tốn từ một ý thức bản địa khác không nằm ngoài hi vọng làm giàu thêm Faulkner toàn cầu.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đề xuất một khung lí thuyết cụ thể của nhân học văn hóa để đọc tiểu thuyết Faulkner trong luận án. Trong đó, ba ý niệm cột trụ được quan tâm là căn tính (identity) của cộng đồng người, nhân tính (humanity) và
huyền thoại – nghi lễ (myth - rituals). Chúng tôi quan niệm sự vĩ đại của Faulkner không chỉ đến từ việc ông đã mô tả sâu tâm thức tập thể miền Nam Hoa Kì mà còn ở chỗ ông đã mang đến những diễn giải nhân văn về bản tính con người. Trong cả hai trường hợp, tính dị biệt và tính phổ quát không loại trừ lẫn nhau, khiến Faulkner vừa là nhà văn gắn với mảnh tem thư Yoknapatawpha, vừa là một đại diện cho linh
hồn nhân loại. Và cuối cùng, tiếp thu tinh thần của nhân học nửa cuối thế kỉ XX, chúng tôi hiểu rằng nhân học còn phải là chính nó ở ngay lối viết. Vì thế, việc khảo sát những biểu hiện của huyền thoại - nghi lễ cũng được đặt ra nhằm tô đậm thêm phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết Faulkner.
Trước hết, khi đọc lại hành trình Faulkner “đọc” văn hóa miền Nam, khái niệm căn tính (identity) được dùng như chìa khoá để hiểu về miền Nam của Faulkner dưới cái nhìn nhân học. Từ diễn giải về thực trạng nhân sinh, chúng tôi nỗ lực hình dung về một “căn tính miền Nam” trên trang văn Faulkner, một hệ thống những đặc điểm trong tâm thức cộng đồng, làm nên tấm căn cước cộng đồng. Thứ hai, chúng tôi đặt điểm nhìn vào sự diễn giải của Faulkner về vấn đề bản tính con người (human nature). Các phạm trù chủng tộc, giới, cái khuyết tật, cái ác sẽ được khảo cứu nhằm thăm dò cách ứng xử và diễn giải của nhà văn về các phạm trù của nhân tính. Thứ ba, chúng tôi tìm về những dấu tích của huyền thoại - nghi lễ nguyên thuỷ trong tiểu thuyết Faulkner, trên nhận thức rằng huyền thoại - nghi lễ chính là một phần quan trọng tạo nên phẩm tính nhân học trong văn chương ông.
Tiểu kết
Chương đầu tiên của luận án, trước hết, đưa ra một giới thuyết tổng quan về vấn đề nghiên cứu văn chương từ nhân học văn hóa. Trong đó, hành trình nhận thức về mối quan hệ hai chiều nhân học - văn chương được đánh dấu bằng sự chia sẻ các tri thức nhân học đầu thế kỉ XX cho tới mối bận tâm chung về lối viết từ nửa cuối thế kỉ trước. Hướng đọc từ nhân học đem đến một phối cảnh sâu rộng cho nghiên cứu văn chương, đồng thời, cũng đòi hỏi những phương pháp và đối tượng phù hợp. Cũng trong chương này, luận án tiến hành phác thảo sơ lược lịch sử tiếp nhận Faulkner trên thế giới và ở Việt Nam, nhằm khẳng định bước đầu rằng hướng đọc tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học là có ý nghĩa và hợp xu hướng. Đồng thời, các công trình đi trước nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học, hoặc có hướng tiếp cận giao cắt, gần gũi với nhân học văn hoá, được giới thiệu với tư cách là nguồn tư liệu phong phú và giá trị mà luận án có thể học hỏi, kế thừa.
Trên những cơ sở đó, chúng tôi xem nhân học diễn giải như quan điểm phương pháp luận xuyên suốt khi đọc tiểu thuyết Faulkner. Theo đó, hành trình đọc không chỉ hướng tới việc tìm kiếm những dấu vết tri thức nhân học dày dặn trong tác phẩm, mà còn là sự diễn giải lại hành trình nhà văn đối thoại, diễn dịch và sáng tạo lại những tri thức nhân học đó trên trang tiểu thuyết. Với tinh thần đó, chúng tôi lựa chọn tập trung nghiên cứu quan niệm nhân học của Faulkner về căn tính cộng đồng, về bản tính người cũng như huyền thoại - nghi lễ trong tiểu thuyết của ông.
Chương 2. SỰ “MÔ TẢ SÂU” CĂN TÍNH MIỀN NAM NƯỚC MĨ
Trong chương này, chúng tôi nhìn tiểu thuyết gia Faulkner như một nhà nhân học kiên định và nhẫn nại trong việc “mô tả sâu” (thick description) mảnh đất văn hóa nơi ông sinh ra - miền Nam nước Mĩ. “Mô tả sâu”, trong tinh thần của nhân học diễn giải, là hành trình liên tục thâm nhập, diễn dịch, phân tích, phỏng đoán những mạng ý nghĩa hàm chứa trong các biểu tượng văn hóa. Từ chối xem mình như kẻ quan sát khách quan và thụ động, Clifford Geertz, đại diện xuất sắc của nhân học diễn giải, tin rằng nhà nhân học là những cá nhân sáng tạo ra những câu chuyện kể, với giọng nói của chính họ. Khi đó, thực hành dân tộc học đòi hỏi phương pháp “mô tả sâu”, ở đó, quá trình phỏng đoán ý nghĩa luôn được đặt trong các bối cảnh văn hóa và, đặc biệt là, không có điểm kết. Geertz viết: “phân tích văn hóa là (hoặc nên là) đoán ra các ý nghĩa, đánh giá những phỏng đoán ấy và đưa ra những luận giải từ những phỏng đoán tốt hơn” [30, 20]. Hành trình “mô tả sâu” trong nhân học tìm thấy điểm gặp gỡ với hành trình viết và đọc văn chương, nơi vẫy gọi những khả năng diễn giải bất tận và in đậm tính chủ quan của nghệ sĩ.
Nhiệm vụ đặt ra ở đây là diễn giải lại quá trình Faulkner “mô tả sâu” thực trạng nhân sinh ở miền Nam nước Mĩ. Tiểu thuyết gia nhìn nhận miền Nam trong bối cảnh đụng độ của lịch sử, ở đó, miền Nam hiện diện như một thực thể suy tàn. Từ những mối ưu tư về các vấn đề dân tộc học ấy, văn chương Faulkner chạm tới một vỉa tầng rất sâu của cấu trúc tinh thần cộng đồng: căn tính văn hóa (cultural identity). Với giả thiết đó, phần nghiên cứu này nỗ lực hướng tới việc hình dung về “căn tính miền Nam” được Faulkner thể hiện. Việc phân tích các dữ kiện về thực trạng nhân sinh miền Nam xuyên suốt chương sẽ không tách rời ý hướng kiếm tìm, gọi tên những giá trị căn cốt, cội rễ bền sâu của cả cộng đồng người. Đích đến của chương, vì thế, là đề xuất một bộ từ khóa, gói ghém những nét cá tính, bản sắc, vừa hòa hợp vừa xung khắc, kết nối và đan cài, cùng kiến tạo nên một miền Nam mang tên Faulkner.