“Kẻ hàm oan” như một khởi nguyên của nhân vật gothic

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 143 - 147)

6. Cấu trúc của luận án

4.3.1. “Kẻ hàm oan” như một khởi nguyên của nhân vật gothic

Faulkner vẫn thường được nhắc tới như người kế nhiệm thành công của dòng tiểu thuyết gothic miền Nam Hoa Kì, một thể loại được ra đời ở Anh từ thế kỉ

XVIII. Tiểu thuyết gothic (gothic novel/ gothic romance) ban đầu là “những câu chuyện được đặt trong bối cảnh trung cổ, thường là trong một toà lâu đài u ám đầy rẫy ngục tối, những lối đi ngầm và ô cửa bí mật, và đầy rẫy ma quỷ, những vụ mất tích bí ẩn, và những sự kiện giật gân và siêu nhiên khác”. “Mục đích chính là nhằm gợi lên nỗi kinh hoàng ớn lạnh bằng việc khai thác cái bí ẩn và kinh dị” [139, 74]. Về sau, “thuật ngữ “gothic” được mở rộng để chỉ loại văn học mà mặc dù không lấy bối cảnh trung cổ nhưng kế tục bầu không khí u ám và kinh hoàng, tái hiện các sự kiện lạ lùng hoặc rùng rợn hoặc bạo lực kịch tính, và thường khai thác những trạng thái tâm lí bất thường. (…) Văn học Mĩ, đặc biệt là văn học miền Nam, là mảnh đất màu mỡ của văn học gothic hiểu theo nghĩa rộng này, với những tiểu thuyết của Charles Brocken Brown (1771-1810) và những truyện kinh dị của Edgar Allan Poe cho tới những Thánh địa tội ác Absalom, Absalom! của William Faulkner và một số tiểu thuyết của Truman Capote” [139, 74-75]. Kế thừa thành tựu của văn học gothic miền Nam Hoa Kì, Faulkner sáng tạo nên trên mảnh đất Yoknapatawpha một thế giới nhân vật của “sự bất toàn, ám ảnh và nỗi đau” [75]. Kiểu nhân vật “bất toàn” ấy, theo chúng tôi, có cội rễ nhân học từ trong cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội trong văn hoá nguyên thuỷ.

Ở những chương 55 tới chương 58 trong Cành vàng, Frazer khảo cứu các tập tục chuyển dịch cái xấu, cái ác của người man dã. Trong xã hội nguyên thuỷ, người

ta tin rằng có thể trút bỏ những nỗi khổ cực, bất hạnh, bệnh tật, tai ương, tội lỗi của mình và tộc người của mình sang cho một đối tượng khác, gọi là “bung xung”/ kẻ hàm oan/ kẻ gánh tội (scapegoat). Bung xung có thể là một vật thể, một con vật, hoặc một con người, kẻ được/ bị cộng đồng lựa chọn làm kẻ thế mạng, nhằm mang gánh tất cả những bất hạnh và tội lỗi của tộc người, để lại tộc người đó vô tội và hạnh phúc. Frazer tập hợp ghi chép về các nghi lễ “chuyển dịch”/ “trục xuất” cái ác này, những “cuộc tổng quét dọn mọi nỗi đau khổ mà một tộc người đang phải gánh chịu” [141, 984]. Những người được chọn làm kẻ gánh tội, trong nhiều câu chuyện được kể lại, là những kẻ bất toàn hay bất thường. Đó có thể là những kẻ khuyết tật: “là một người đàn ông và một đứa bé trai, hoặc là một phụ nữ và một đứa con mà người ta lựa chọn do có một dấu vết hay một khuyết tật nào đó trên cơ thể” ở xứ Ouganda [141, 969]; những tên tội phạm: “một phụ nữ trong đám tù binh” ở Ouganda [141, 930], “một tên tội phạm” ở vùng Tân - Zélande [141, 929]; những người “mất giá”: “một phụ nữ đã trở nên mất giá do lối sống trác táng” ở nước Xiêm [141, 976]; những người ốm đau, bệnh hoạn: “hai người ốm đau” [141, 975] ở Onitsha; người điên: những nô lệ linh thiêng trong ngôi đền thờ Mặt trăng ở Đông Caucase, khi một trong số họ biểu hiện ra những dấu hiệu xuất thần hay điên rồ và đi lang thang trong các khu rừng, vị đại tư tế bèn cho trói anh ta lại bắt làm tù nhân để hiến tế [141, 978].

Những kẻ gánh tội ấy được chọn để dâng cúng, hiến tế trong những nghi lễ trục xuất, chuyển dịch cái ác, ở đó, những hình thức tra tấn man dã được thực hiện trong sự hả hê, cuồng nộ của đám đông giận dữ và lo sợ. Ở Ouganda, “người ta bẻ gãy chân tay của các nạn nhân và để mặc họ chết dần chết mòn trên xứ sở của quân thù, bởi lẽ họ đã quá tàn tật, không thể nào bò lê bò lết về tới Ouganda. Người ta tin rằng như vậy là bệnh tật hoặc dịch bệnh đã được người chuyển dịch và thông qua con người các nạn nhân mang tới xứ sở nơi họ đến” [141, 969]. Ở Onitsha, người ta kéo lê người phụ nữ trên đường, mặt úp xuống đất, đám đông đi theo sau hét to: Đồ tai ác! Đồ tai ác! “Người ta kéo lê thân hình người phụ nữ một cách không thương tiếc, cứ tựa như làm như vậy người ta mang theo đi gánh nặng của các trò tai ác của tất cả mọi người” [141, 975]. Có khi bung xung được dẫn đi khắp đường phố, rồi được dẫn tới một khu thánh địa nội bộ và chặt đầu. “Những tiếng nói cuối cùng hoặc những tiếng thở dốc lúc hấp hối của anh ta là tín hiệu cho một niềm vui bùng nổ trong đám đông công chúng tập trung lại ở phía bên ngoài, đám công chúng này tin rằng lễ vật hiến tế đã được chấp nhận và cơn giận dữ của thần thánh đã được xoa dịu” [141,

976]. Ở vùng Đông Caucase, trong lễ hiến tế, một người đàn ông đâm một mũi giáo linh thiêng vào tim nạn nhân. “Động tác ngã xuống của nạn nhân cung cấp những điềm báo trước về hạnh phúc của cả cộng đồng. Rồi người ta chuyển xác nạn nhân ra một nơi nào đó, tại đây người ta dẫm đạp lên xác chết coi như nghi lễ tẩy uế” [141, 978]. Những nghi lễ, tập tục này, suy cho cùng, xuất phát từ nỗi sợ hãi nguyên thuỷ của con người. Sự diệt vong, tai ương, tội lỗi, bệnh dịch, chết chóc, rủi ro…, từ thời man dã, thậm chí cho tới thời văn minh, chưa bao giờ là phần được thấu hiểu, kiểm soát, chế ngự hoàn toàn. Chúng vẫn là địa hạt của bóng tối, bí ẩn, đầy quyền uy và sức đe doạ. Sự hả hê, cuồng nộ, những hành vi tra tấn của đám đông, ở đây, mang vẻ đẹp man dại của thời đại. Đó là khát vọng, niềm khoái cảm của con người trong một vị thế giả định - vị thế được kiểm soát, chế ngự, xua đuổi phần bóng tối mà trong thực tế, con người chưa bao giờ đủ thẩm quyền để chiến thắng tuyệt đối.

Nghi lễ bung xung khởi sinh từ văn hoá nguyên thuỷ, tồn tại tới tận ngày nay trong bóng dáng của cổ mẫu hàm oan. Tự cổ chí kim, “hàm oan”, “gánh tội” là một hiện diện trong văn hoá và văn học nhân loại. Cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội được sống lại trong những tiểu thuyết mang đậm tính gothic của Faulkner, cụ thể hơn, chúng tôi cho rằng các nhân vật gothic của Faulkner có gốc rễ nhân học từ kẻ hàm oan trong văn hoá nguyên thuỷ. Cổ mẫu hàm oan hiện thân trong những nhân vật này ở hai biểu hiện chính: thứ nhất, họ được xem như những kẻ lãnh chịu lấy tai ương, xui xẻo của cả cộng đồng; thứ hai, họ đều bị ruồng bỏ, xua đuổi, bức hại bởi một đám đông hữu hình hay vô hình.

Trong thế giới suy tàn của Yoknapatawpha, có những kẻ phải gánh nhận lấy những bất hạnh, tội lỗi thay cho cả cộng đồng. Những bất hạnh mà bản thân họ phải gánh chịu, tuy không được lí giải từ những nguyên cớ cụ thể, nhưng đều có chung một đặc điểm: chúng dường như là phán quyết của định mệnh. Nhà văn không cung cấp chứng cớ để ta hiểu vì sao Benjy câm, thiểu năng. Nhưng một linh cảm mơ hồ về định mệnh được gợi ra trong phần kể về tiểu sử gia đình trong phần Phụ lục: “BENJAMIN. Tên cúng cơm là Maury, theo tên người em trai duy nhất của bà mẹ: một gã độc thân bảnh trai khoe khoang khoác lác vô công rồi nghề (…). Sau cùng ngay cả bà mẹ cũng nhận thấy hắn như thế nào rồi và khóc lóc đòi phải đổi tên cho hắn, tên thánh đặt lại của hắn là Benjamin cho Quentin anh trai hắn đặt (Benjamin, con út của chúng tôi, đã bán sang Ai Cập)” [66, 460]. “Cũng nhận thấy hắn như thế nào” là một nỗi sợ hãi mơ hồ về lời nguyền, về định mệnh. Joe Christmas bị ông ngoại bắt đi ngay từ lúc lọt lòng. Đành rằng có một lí do rõ ràng: lão già Doc Hines là

kẻ kì thị chủng tộc, nhưng những đứa trẻ bị giết/ bắt bớ ngay từ lúc lọt lòng trong tiểu thuyết Faulkner bởi chúng đều bị xem như điềm xấu, những bóng ma của tai ương. Đây là lời biện hộ của Doc Hines, nhân danh ý Chúa: “Và từ miệng trẻ con, Chúa đã biểu lộ ý muốn của Ngài. Trước sự hiện diện của Chúa và của người đời, những đứa trẻ con la hét thẳng vào mặt nó Đồ mọi đen! Đồ mọi đen! (…) và Chúa nói. ‘Hãy chờ rồi con sẽ thấy, bởi vì Ta không có thì giờ để phí với tất cả những thứ bẩm thỉu và chó má của thế gian. Ta đã đánh dấu nó và bây giờ Ta sẽ giúp nó hiểu biết. Và Ta đặt con ở đó để mà con theo dõi nó, để mà con giữ gìn ý Ta” [70, 473]. Màu da đen được xem như một chỉ dấu của số phận.

Nếu như trong xã hội man dã, tập tục trục xuất cái xấu qua bung xung được thực hiện khi tộc người được tiên báo những dấu hiệu của một thảm hoạ sắp tới, hay một lời nguyền sắp sửa ập xuống, thì trong tiểu thuyết của Faulkner, xung quanh những nhân vật mà chúng tôi coi là sự hiện thân của cổ mẫu bung xung này, cũng là những lời nguyền và dự cảm không lành. Trong chương hai, chúng tôi đã có dịp bàn về quan niệm của Faulkner về quá khứ như một lời nguyền. Những lời nguyền định mệnh ấy thường được đặt vào vai những người quan sát tỉnh táo, khách quan, khi họ nhận xét về các nhân vật – bung xung. Trong Âm thanh và cuồng nộ, ở một phiến đoạn năm 1910, ông Rokus nói: “Chứ không phải cái nghiệp chướng đang nằm chềnh ềnh trên giường [bà Compson] kia à? Chứ không phải cái nghiệp chướng sờ sờ ở đây trước mắt bàn dân thiên hạ mười lăm năm nay [Benjy, lúc đó 15 tuổi] rồi à?” [66, 50]. “Hai rồi đấy”, Rokus nói. “còn nữa kia. Tôi đã thấy điềm gở” [66, 51]. “Đêm qua nghe con cú kêu”, T.P. nói. “Con Dan không dám đến ăn. Chẳng dám lại gần chuồng gia súc nữa. Chập tối [con Dan] đã hú” [66, 51]. Đoạn hội thoại này có thể diễn ra sau cái chết tự vẫn của Quentin năm 1910. Hai năm sau, ông Compson mất. Rokus một lần nữa nhắc: “Thế là ba, lạy Chúa”, Rokus nói. “Tôi đã bảo bà từ hai năm trước. Cái nhà này xui xẻo lắm” [66, 53]. Đặc biệt, những kẻ khuyết tật, những kẻ điên, bị xem là gàn dở, bị ruồng bỏ lại chính là những người nhạy cảm, có thể tiên cảm được những tai hoạ sắp ập tới. Nhiều lần, người nhà Compson lặp lại một câu nói: Benjy ngửi thấy nó. Quentin dằn vặt: “Nó ngửi thấy cái tên mới người ta đặt cho nó không? Nó ngửi thấy nỗi bất hạnh không?” [66, 133]; “Benjy biết cái đó khi bà nội chết. Nó khóc. Nó ngửi đúng. Nó ngửi đúng” [66, 135]. Những lời nguyền hay điềm báo này gợi liên tưởng về những nô lệ linh thiêng, nơi người cổ đại tin vào những tiên đoán khi họ xuất thần.

Trong tiểu thuyết Faulkner, những hiện thân của bung xung cũng chịu một số phận tương tự: họ bị trục xuất, lưu đày, ruồng bỏ, hạ sát bởi đám đông cuồng nộ và

khoái trá. Họ hoặc là bị hành hình, truy sát, hoặc là bị dồn vào các không gian lưu đày (nhà tù, nhà thương điên) hoặc rơi vào quên lãng vĩnh viễn (ngôi nhà bị bỏ hoang như những phế tích) - đó đều là những không gian quen thuộc mang màu sắc gothic. Đáng chú ý là, cho dù bị hạ sát, cầm tù hay quên lãng, thì những hành động ấy đều có điểm chung: chúng được thực hiện bởi một đám đông đồng lòng, một đám đông muốn trút bỏ mọi giận giữ, thù hằn, đau khổ lên nạn nhân khốn khổ. Không phải một đại diện của pháp luật, hay một kẻ có hằn thù cá nhân, mà sự cam kết ngầm của cả cộng đồng mới chính là chủ thể bức hại bung xung. Nhớ lại hình ảnh đám đông của một “cộng đồng xa lạ” (được bàn ở chương hai), có thể thấy hiện thân của cách hành hình bung xung thời nguyên thuỷ. Joanna, Hightower bị cả thành phố quên lãng, sống ẩn dật trong căn nhà hoang phế; thành phố chôn vùi họ trong quên lãng như chôn vùi nỗi điếm nhục. Tương tự là hình ảnh Jim Bond đi bơ vơ gào rống giữa đống đổ nát của cơ ngơi nhà Sutpen, như một thiết kế bị rủa nguyền. Joe bị truy sát: dù kẻ muốn ra tay là một cá nhân - Doc Hines, nhưng hắn không ngừng muốn đưa Joe ra để lynched - một kiểu hành hình tập thể; và dù kẻ cuối cùng giết Joe cũng là một người - tên Grimm Percy, nhưng cảnh giết hại dã man ấy cũng được thuật từ con mắt đám đông khoái trá lẫn ghê tởm. Benjy, Darl bị đưa tới nhà thương điên như một cam kết ngầm của chính gia đình mình: Benjy bị Jackson tống đi cho đỡ tội nợ; Darl buộc phải đi để tránh cho nhà Bundren hoạ vào tù. Cho dù là nỗi thống khoái, hả hê, sự ghê tởm hay buồn thảm, tất cả chúng đều là những cam kết ngầm của một đám đông dành cho bung xung - những kẻ được/ bị chọn từ trong chính gia đình, họ tộc, láng giềng, cộng đồng mình.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 143 - 147)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w