Sự bất khả hồi sinh: phản đề của cổ mẫu

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 135 - 142)

6. Cấu trúc của luận án

4.2.3. Sự bất khả hồi sinh: phản đề của cổ mẫu

Tuy vậy, khi nói rằng cổ mẫu cái chết - sự tái sinh là ý niệm trung tâm trong tiểu thuyết Faulkner, điều đó không có nghĩa nhà văn trao quyền năng hồi sinh cho mọi nhân vật. Sự tái sinh ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, đúng hơn, là một phán quyết về khả năng tái sinh. Khác với huyền thoại cổ xưa, nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner có thể nhận phán quyết rằng anh ta không thể tái sinh, hoặc bị thay thế vĩnh viễn! Ngay ở nhân vật mà chúng tôi vừa nhắc tới ở mục trên, Caddy, vẻ đẹp trinh nữ của cô chỉ được ươm giữ trong tâm trí kẻ vừa trầm mình Quentin, hay đứa con Benjy khờ dại. Một Caddy thiếu phụ, phóng đãng và bất hạnh, vẫn sống và đi lại trên trang sách, giữa đời thực. Ở đây, sự phục sinh của một nhân vật được phán xét từ nhiều góc độ. Điều này được làm rõ hơn khi ta đọc nhân vật Caddy từ những nghi lễ, tập tục nguyên thuỷ liên quan tới các cô gái đến tuổi dậy thì được

nhắc tới trong Cành vàng của Frazer.

Trong chương 60 của cuốn sách, Frazer khảo cứu tập tục cấm cung thiếu nữ dậy thì ở các bộ lạc nguyên thuỷ. Khi những dấu hiệu dậy thì lần đầu tiên xuất hiện ở một thiếu nữ, cô gái phải bị/ tự giam nhốt mình trong những không gian biệt lập và chìm trong bóng tối. Chân cô không được chạm đất, mắt cô không được nhìn ánh mặt trời, và cô không được gặp gỡ ai hàng mấy năm trời. Nơi cư ngụ của cô gái, vì thế, phải là nơi cô quạnh và chìm sâu trong bóng tối. Nó có thể bị bao quanh bởi tre và lau sậy, “ngôi nhà nằm trong bóng cây dày đặc đến mức Mặt trời không thể nào chiếu sáng vào các cô gái”, hay có khi là một căn phòng xép, “được soi sáng bởi một cửa sổ nhỏ, mở ra một khu vực cô quạnh, cho nên cô thiếu nữ sống trong một nơi gần như hoàn toàn tối tăm” [141, 1023]. Tập tục này bắt rễ từ nỗi sợ hãi: “Động cơ của các quy tắc này vốn thường xuyên được áp đặt cho các thiếu nữ đến tuổi dậy thì, đó là nỗi khiếp sợ đã bắt rễ sâu sắc mà thứ máu kinh nguyệt tác động một cách phổ biến đến ý nghĩ của con người nguyên thuỷ” [141, 1032]. Người xưa tin rằng, người thiếu nữ, trong lần có kinh nguyệt đầu tiên, mang một sức mạnh siêu nhiên mà “nếu như không kìm giữ được sức mạnh đó lại, nó có thể huỷ diệt chính cô và tất cả những ai mà cô động chạm tới. Kìm giữ sức mạnh này ở trong những giới hạn cần thiết vì sự an toàn của mọi người có liên quan, đó là mục đích của những điều cấm kị đang bàn tới” [141, 1038].

Tập tục cấm cung thiếu nữ ở tuổi dậy thì hiện thân trong những nhân vật nữ của Faulkner, nhưng ở dạng đối nghịch: thiếu nữ tự giải thoát cho mình. Trong văn xuôi Faulkner có một motif quen thuộc: những cô gái nhìn/ trèo qua cửa sổ. Nếu như trong truyện ngắn Bông hồng cho Emily, nhân vật Emily mang dáng dấp của thiếu nữ bị cấm cung: cánh cửa nhà đã tám năm hay mười năm nay khép kín, người ta chỉ thấy cô qua khung cửa sổ, ngồi trước ánh đèn, im lìm như một pho tượng, “cứ như vậy cô sống trải từ thế hệ này qua thế hệ khác, cao giá, không lẩn trốn, bất khả xâm phạm, trầm tĩnh, ngang bướng” [143], thì trong các tiểu thuyết, người nữ của Faulkner đã tự mình vượt qua khung cửa sổ ấy. Cửa sổ là nơi khám phá ra điều cấm kị: Caddy đã trèo lên cây và nhìn qua cửa sổ, phát hiện ra cái chết của bà nội. Cửa sổ là nơi giải thoát: Caddy, Quentin (con gái Caddy), Lena trèo qua cửa sổ để chạy theo tình yêu và dục vọng; Joe cũng trèo qua cửa sổ phòng ngủ để trốn khỏi gã cha nuôi ác nghiệt, trèo qua cửa sổ vào căn bếp của Joanna. Motif cấm cung, hình ảnh cửa sổ tiếp tục mang chở ý nghĩa biểu tượng: đằng sau cửa sổ là một không gian chứa đựng những bí mật, những điều cấm kị, những ẩn ức; nhưng cửa sổ cũng mở

ra lối thoát, sự giao lưu. (Vậy nên những căn phòng có cửa sổ của Faulkner thường rất tối: căn bếp tối của Joanna nơi Joe trèo vào từ cửa sổ, căn nhà tối nơi có đám tang bà nội nhà Compson, căn phòng chạng vạng nơi Hightower tựa đầu bên cửa sổ, căn phòng bà Addie hấp hối ngóng tiếng cưa quan tài qua cửa sổ, ngay cả một nơi tưởng chừng như phải sáng trưng - cửa hiệu đồ chơi trong thành phố, nơi có đoàn tàu mơ ước của Vardaman, thì vẫn lại là “các cửa hiệu tối, nhưng những ngọn đèn đi qua trên các tủ kính [cửa sổ]” [68, 240]). Nhưng motif cấm cung, hình ảnh cửa sổ cũng không còn nguyên bản dạng như trong tập tục nguyên thuỷ. Trong tư duy nguyên thuỷ, việc chấp hành tập tục cấm cung là một cách để người xưa tôn trọng, kìm giữ sức mạnh thiêng, bảo vệ sự an toàn cho chính mình và cộng đồng. Vì thế, việc vi phạm điều cấm kị bị coi như vi phạm vào sức mạnh siêu nhiên, ắt lãnh chịu lấy tai ương. Nhưng ở tác phẩm của Faulkner, vượt thoát qua cửa sổ trở thành một ẩn dụ cho sự tự giải thoát khỏi những định kiến, hủ tục, hoặc rời bỏ những giá trị đạo đức truyền thống. “Chỗ ngủ của nàng là cái phòng dưới mái che nằm đằng sau căn nhà. Nó có một cửa sổ nàng học được cách mở và đóng trong bóng tối mà không gây ra tiếng động (…). Nàng ở được tám năm thì mới mở cánh cửa sổ đó lần đầu tiên. Nàng đã mở nó chưa đến mười hai lần thì nhận ra là nàng đáng lẽ không nên mở nó bao giờ” [70, 18-19]. “Hai tuần sau nàng lại còn leo qua cửa sổ đó” [70, 19]. Mỗi lần tả nhân vật nữ trèo qua cửa sổ để đi tìm tình yêu, nhà văn đều viết với một giọng văn bình thản, lời văn giản lược. Người nữ trong tác phẩm của ông thường mang sức mạnh, bản lĩnh kiên cường trong dáng vẻ bình thản ấy. Quay trở lại với cổ mẫu cái chết - tái sinh, có thể thấy, ở đây, với cùng một nhân vật (Caddy), nhà văn để ngỏ những khả năng tái sinh khác nhau: nàng mãi là trinh nữ trong tâm trí những người con trai Compson, nhưng nàng cũng là một thiếu phụ bất hạnh, sống chui lủi giữa cuộc đời. Ở nhân vật này, vừa có sự kế thừa cổ mẫu nguyên thuỷ (Caddy được phục sinh trong cái chết của Quentin), vừa phản biện lại cổ mẫu ấy (Caddy tự lựa chọn tha hoá, vi phạm điều cấm kị và do đó, không thể phục sinh).

Một phản đề khác là trường hợp nhân vật bà Addie trong Khi tôi nằm chết, kẻ cũng nhận lãnh kết cục không được tái sinh. Có những điểm tương đồng thú vị giữa trường ca Đất hoang của Eliot và Khi tôi nằm chết của Faulkner, khi cả hai đều làm sống lại nghi lễ chôn cất vua Osiris - một huyền thoại được Frazer khảo cứu trong

Cành vàng. Ở phần chú thích cho bản trường ca dày đặc những biểu tượng, huyền thoại, ẩn ngữ này, Eliot cho biết “không chỉ nhan đề, mà kế hoạch và rất nhiều biểu tượng ngẫu nhiên của bài thơ” hàm ơn những tri thức từ hai tác phẩm: huyền thoại

Chén Thánh (Holy Grail) trong Từ nghi lễ đến tiểu thuyết của Jessie L. Weston và nghi lễ thực vật trong Cành vàng của Frazer. Ông viết: “tôi đã dùng đặc biệt là hai tập Adonis, Attis, Osiris. Bất cứ ai quen thuộc với các tác phẩm này sẽ lập tức nhận ra trong bài thơ một số tham chiếu nhất định đến các nghi thức của thực vật” [144, 21]. Đất hoang làm sống lại huyền thoại về ông Vua Cá (Fisher King). Sau khi vua bị phù phép và chết đi, đất nước trở thành miền “đất hoang”. Đất đai chỉ có thể phục hồi màu mỡ khi vị vua tái sinh, và muốn thế, chàng hoàng tử trải qua rất nhiều thử thách để đến được Nhà nguyện Hiểm nghèo (Perilous Chapel) để nhận biết những nghi thức về Chén Thánh. Truyền thuyết về ông Vua Cá bắt rễ từ huyền thoại về Ông vua của rừng trong Cành vàng, theo đó, sự màu mỡ hay hoang tàn của đất đai, sự thịnh vượng hay suy kiệt của con người phụ thuộc vào sự sống chết của vị vua thần thánh. Mượn huyền thoại cổ xưa, bản trường ca được in lần đầu năm 1922 phơi bày thực trạng nhân sinh của nhân loại châu Âu hậu Thế chiến: đổ nát, hoang toàn, trống rỗng cả thể xác lẫn tinh thần. Cổ mẫu cái chết - sự tái sinh, huyền thoại ông vua thần thánh và nghi lễ chôn cất sống lại trong một phiên bản mang ý vị bi quan và giễu nhại của Eliot: ý niệm về sự bất khả tái sinh. Đến lượt Faulkner, nhà văn lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Eliot, tới mức Ida Fasel cho rằng có cái gọi là “giai đoạn Đất hoang trong sự nghiệp của Faulkner” - những năm 1920, 1930, vốn bắt nguồn từ bầu không khí thẩm mĩ của thời đại, và sức ảnh hưởng lớn của Eliot đương thời [145, 195]. Sự liên hệ tới Eliot như trên cung cấp một vài bằng chứng để giải mã một vài chi tiết thú vị trong Khi tôi nằm chết sau đây, đồng thời, có một tham chiếu để hình dung về bầu sinh quyển hiện đại đang nuôi dưỡng các huyền thoại cổ xưa.

Có thể đọc Khi tôi nằm chết của Faulkner như một sự thực hành nghi lễ đối với người chết: từ khi người đó hấp hối cho tới khi được chôn cất. Trọng tâm tác phẩm đặt vào hành trình gia đình nhà Bundren - gồm ông chồng Anse, các con trai Cash, Darl, Jewel, Vardaman và cô con gái Dewey Dell, đưa quan tài bà Addie, vượt qua cơn nước lũ và lửa cháy, để chôn cất tại thành phố Jefferson như di nguyện của bà. Cái tứ này rất gần gũi với nghi lễ chôn cất vua Osiris được miêu tả trong Cành vàng. Huyền thoại Ai Cập kể rằng vị vua Osiris bị phản bội, giết chết. Quan tài của ông bị ném xuống sông Nil rồi thi thể của ông bị chặt thành nhiều mảnh. Người em gái, cũng là vợ, nữ thần Isis biết tin, lang thang than khóc tìm xác chồng mình, rồi chôn cất từng phần cơ thể mỗi khi tìm thấy được. Để không một ai biết đến ngôi mộ của chồng mình và ngôi mộ ấy được tôn vinh bởi mọi người cư trú

ở trong nước Ai Cập, Isis đã chôn ở mỗi thành phố một pho tượng của vị thần, giả bộ như đó là cơ thể của Người. Chuyện còn kể rằng, khi Isis tìm thấy thi thể chồng mình, bà và người em gái Nephthys đã ngồi bên xác chết và than khóc. Những lời than khóc đã làm động lòng Thần Mặt trời Ra. Vị thần này, cùng thần Thoth, và những người thân của Osiris: người vợ Isis, em gái vợ Nephthys, và con trai Horus, đã “sắp xếp lại tất cả những mảnh cơ thể của vị thần bị sát hại rồi bao bọc trong những dải băng hoa” [141, 636] và thực hiện mọi nghi lễ với người quá cố. Osiris sống lại và kể từ đó, trị vì như là nhà vua của những người chết ở thế giới bên kia. Osiris trở thành “Chúa tể của sự vĩnh cửu”, vị thần phán xử linh hồn của những người chết: “họ nhận được phần thưởng về phẩm hạnh của họ trong một cuộc sống vĩnh cửu hoặc sự trừng phạt thích đáng đối với tội lỗi của họ” [141, 636]. Từ đó, các nghi lễ chôn cất của người Ai Cập như là một bản sao các nghi lễ dành cho thần Osiris: “Trong mỗi lễ mai táng, người ta trình diễn việc làm thần bí của thần thánh xưa kia đã thực hiện đối với Osiris, khi mà con trai, em gái, các bạn hữu của vị thần đã tập trung lại xung quanh các mảnh cơ thể còn lại của ngài và bằng các bùa phép và sự động chạm của họ đã thành công trong việc biến cơ thể rách nát của ngài thành xác ướp đầu tiên, mà sau đó họ làm cho sống lại, và cung cấp cho phương tiện để bước vào một cuộc đời mới của các cá nhân ở phía bên kia nấm mộ. Xác ướp của người quá cố là Osiris, những người khóc lóc chuyên nghiệp là hai cô em gái của ngài, Isis và Nephthys; Anubis, Horus và mọi thần thánh trong truyền thuyết về Osiris, đều tập trung lại xung quanh xác chết”. Bằng cách đó, mọi người Ai Cập chết đều được đồng nhất với Osiris và mang tên của ngài” [141, 636-637]. Huyền thoại và nghi lễ về thần Osiris ươm giữ khát vọng của người xưa về một cuộc sống vĩnh cửu. Frazer viết: “Thông qua bước tái sinh của Osiris, những người Ai Cập nhìn thấy một bảo đảm cho một cuộc sống vĩnh cửu ở bên kia nấm mồ đối với chính họ. Họ tin rằng mỗi người sẽ sống vĩnh viễn ở thế giới bên kia, miễn là bè bạn của họ xử lí đối với xác chết của họ, giống như những gì thần thánh đã xử lí xác chết của Osiris” [141, 636].

Trong Khi tôi nằm chết, di nguyện của bà Addie là được chôn cất ở thành phố Jefferson, được đưa tang bởi những người thân trong gia đình. Trước hết, hãy thử bàn về địa điểm chôn cất: nghĩa trang gia đình bà Addie ở thành phố Jefferson. Bằng di nguyện được chôn ở đây, Addie từ chối việc lưu lại vĩnh cửu ở mảnh đất của chồng con mình. Nhưng ý nghĩa của địa điểm này dường như không nhắm tới việc đó là quê hương bản quán của Addie: không một chi tiết nào về người thân của

bà Addie tại quê hương được nhắc đến, và hành trình của Addie không mang ý hướng một hành trình về nguồn. Nhưng nếu nhìn Jefferson như một địa danh mang tính biểu tượng, bắt rễ từ nghi lễ, thì có thể tìm được câu trả lời khả dĩ cho những chất vấn của nhân vật Cora:

“Nhưng bà ấy muốn đi” ông Tull bảo thế. “Chính bà ấy muốn được nằm giữa những người trong họ bà ấy.”

“Vậy sao bà ấy không đi lúc còn sống?” Tôi [Cora] nói” [68, 28].

Tại sao bà ấy không đi lúc còn sống? Bằng việc bắt đầu khi nhân vật chết đi, hành trình mới mang dáng dấp một thực hành nghi lễ: nghi lễ chôn cất. Có thể thấy dù phải “đi bốn mươi dặm để chôn cất bà, coi thường cả ý Chúa để làm thế” [68, 28], người nhà Bundren vẫn bất chấp, kiên định. Dẫu “ý Chúa” là dự báo về cơn mưa định mệnh ngay cả trước khi khởi hành (“và nay tôi có thể thấy chẳng khác gì bằng linh cảm cơn mưa chắn giữa chúng tôi, như thể không có một cái nhà khác để mưa lên trong cả vùng đất sống này” [68, 41]), là dòng sông mùa lũ chảy xiết, là ngọn lửa thiêu giữa đêm, là cái chân gãy, là lũ kền kền vờn xác chết …, họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình, một cách nhẫn nại, nghiêm cẩn, tự đoạ đày, như thực hành một hành vi nghi lễ. Thành phố Jefferson mang dáng dấp thành phố thiêng, người nhà Bundren gợi kí ức về những người thân quanh thi hài vua Osiris. Ở chương hai, chúng tôi đã có dịp bàn về hành trình đưa tang bà Addie như bằng chứng cho phẩm tính bất khuất, gan góc - một nét căn tính của cộng đồng miền Nam. Tinh thần “cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”, một ý niệm đạo đức, nay, khi nhìn từ góc độ huyền thoại - nghi lễ, lại có thể được xem như sự hiện thân cho nguồn năng lượng sống nguyên thuỷ, bản năng của nhân loại, nó thuộc về một phạm trù siêu đạo đức.

Thế nhưng, cũng như Đất hoang của Eliot, huyền thoại nguyên thuỷ khi bước vào tiểu thuyết thế kỉ XX đã mang một sinh mệnh khác. Tính đa âm của nghi lễ chôn cất trong Khi tôi nằm chết nằm ở chỗ: nó vừa vang vọng những âm hưởng thiêng, tráng lệ của huyền thoại, lại vừa không ngừng giải thiêng huyền thoại đó. Cụ thể là, hành trình chôn cất bà Addie, một mặt, làm sống lại mối gắn bó tình thân trong huyền thoại vua Osiris, khi cả gia đình chung lưng đấu cật đưa tang mẹ, mặt khác, lại phơi trải sự cô độc, rời rã đến lạnh tanh ngay trong gia đình ấy. Di nguyện

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 135 - 142)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w