Trạng thái suy tàn của thế giới nhân sinh

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 125 - 127)

6. Cấu trúc của luận án

4.2.1. Trạng thái suy tàn của thế giới nhân sinh

Faulkner quan tâm tới thực trạng nhân sinh ở trạng thái đang suy tàn của nó. Thế giới Yoknapatawpha của ông là một miền Nam suy tàn, trong đó có những gia tộc hết thời, những con người suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Ở cấp độ cá nhân, nhà văn thường tái dựng nhân vật ở trạng thái mất mát, lụi tàn. Quentin trước giờ tự vẫn, Sutpen khi mộng đã tiêu tan, Rosa Coldfield khi đã mất tất cả, Doc Hines khi đã phạm tội ác… Ngay cả những nhân vật đẹp như Caddy thì cô gái cũng phải hiện lên khi “sự hồn nhiên đã mất”. Ở cấp độ cộng đồng, như đã viết ở chương hai, khi tìm về căn tính miền Nam, Faulkner lựa chọn nhìn quê hương mình từ khúc gãy lịch sử: cuộc Nội chiến Bắc Nam (1861-1865). Nhưng ông không tái dựng Nội chiến khi nó đương diễn ra, như cách Margaret Mitchell làm trong Cuốn theo chiều gió, mà nhìn cuộc chiến khi nó đã đi qua. Khi đó, miền Nam đã trở thành một miền Nam chết (the dead South), miền Nam xưa cũ (the Old South), một miền Nam sâu thẳm (the Deep South). Cảm thức về sự chết hiện diện ngay ở những định danh địa lí.

“Tao đã thấy cái bắt đầu, và bây giờ tao thấy cái kết thúc” [66, 411], bà vú già Dilsey nói sau bao nhiêu “âm thanh và cuồng nộ”. Trên mảnh đất hư cấu Yoknapatawpha, có những gia tộc suy tàn: Compson, Sutpen, Sartoris và McCaslin. Họ đã từng là những quý tộc kiêu hãnh, sở hữu tư gia điền sản rộng lớn hay những tướng lĩnh quân đội kiêu hùng. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Faulkner sau khi viết Âm thanh và cuồng nộ, đã thêm vào phần phụ lục về gia phả nhà Compson, với lai lịch oai hùng của những “tổ phụ da trắng vĩ đại” [66, 443]. Nhưng kết cục của những gia đình, dòng họ ấy thường buồn thảm. Hình ảnh đọng lại của họ đa số là, sau rất nhiều cái chết, sự ruồng bỏ, còn lại những đứa trẻ/ người điên đi tha thẩn, lạc lối. Hình ảnh Benjy khờ dại, gào rống thê lương giữa đồng cỏ xưa, hình ảnh Jim Bond lang thang gào rống trong đống tàn tro của điền trang nhà Sutpen không khỏi gợi liên tưởng tới gia tộc Buendia “trăm năm cô đơn” của Marquez. Trong các tác phẩm, những chi tiết gợi đến sự chết, sự diệt vong day đi day lại như một định mệnh. Lấy ví dụ, trong đoạn mở đầu Absalom, Absalom!, tính từ “dead” (chết) được nhắc ba lần [82, 7]. Ám ảnh chết quyện hoà trong miêu tả thiên nhiên, quang cảnh.

Mặt trời lặn, ánh hoàng hôn của chiều tháng chín dài tịch mịch yếu ớt lụi tàn, những vết gạch vàng phủ bụi trên tường nhà như những xác sơn khô cũ, trong một căn phòng mờ tối, nóng bức, âm u, những miêu tả này mở đầu cho một câu chuyện về quá khứ, lịch sử. “Cái bóng đen vĩnh cửu bà đã mặc trong bốn mươi ba năm”, từ lời kể của Rosa Coldfield, là lịch sử của dòng họ Sutpen suy tàn. Những miêu tả phông nền, trong trường hợp này, là một trong vô vàn những ví dụ cho thấy quy luật “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trong văn chương nghệ thuật. Quy luật ấy, suy cho cùng, có cội nguồn sâu xa từ trong tư duy nguyên thuỷ: ngay từ buổi đầu, con người đã cảm thấy sự sống chết của con người không tách rời với lẽ diệt sinh của tạo hoá, thiên nhiên, vũ trụ. Thế nên, “doom” (cái chết, sự diệt vong, sự bất hạnh) hay “death” (cái chết), trong tiểu thuyết Faulkner, thường được kể lại bằng câu chuyện của ánh sáng và bóng tối. Ở Absalom, Absalom!, mạch truyện về sự suy vong của gia tộc Sutpen trong suốt chín chương tiểu thuyết được kể bằng hành trình từ chạng vạng tới đêm khuya, mặc dù ở những không gian và thời gian khác nhau. Dõi theo các đoạn văn mở đầu mỗi chương, có thể thấy câu chuyện mở đầu bằng khoảnh khắc ngày tàn: “chiều tháng Chín dài tịch mịch yếu ớt lụi tàn” (chương 1) [82, 6], ánh chạng vạng trong buổi chiều đậm mùi thuốc xì gà, mùi đậu tía và những con đom đóm bị cuốn đi (chương 2) [82, 19], câu chuyện chuyển dần tới căn phòng cô tịch tăm tối chưa thắp đèn (chương 4), đến khi ánh đèn được thắp lên trong căn

phòng ở Harvard (chương 6), cho tới khi trời về khuya, lạnh giá, tuyết rơi (chương 7), các cửa sổ trong trường đều đã tối, tiếng chuông sắp điểm nửa đêm, “những nốt nhạc du dương và an bình, nhẹ nhàng và trong vắt như thuỷ tinh trong không khí” [82, 152], lạnh như cắt, tuyết ngừng rơi [82, 152], và khép lại bằng khoảnh khắc tận kiệt của một ngày, đêm khuya lạnh giá, khi “bóng tối sắt đá bất khả xâm phạm hoà làm một với chiếc chăn băng giá đắp lên da thịt buông thõng mỏng tang” [82, 186].

Nhưng đáng chú ý là, ta thường thấy ở văn Faulkner, ở sự tận cùng của diệt vong, có mầm mống của hồi sinh. Cổ mẫu cái chết - sự tái sinh không ngừng hiện diện. Quay trở lại với Absalom, Absalom!, hãy quan sát những chuyển dịch ngay trong khoảnh khắc tận kiệt của ngày tàn: “trời dường như lạnh hơn bao giờ hết, như thể chỉ có một chút ít hơi ấm yếu ớt mờ nhạt của ngọn đèn đơn lẻ trước khi Shreve tắt đi và giờ đây bóng tối sắt đá bất khả xâm phạm hoà làm một với chiếc chăn băng giá đắp lên da thịt buông thõng mỏng tang. Rồi bóng tối dường như đương thở, chảy ngược lại; khung cửa sổ Shreve đã mở nay trở nên rõ hình hài rọi rõ màn tuyết rơi nhẹ nhàng ấm nóng huyền ảo bên ngoài, dưới sức nặng của bóng tối, dòng máu trào lên và mỗi lúc một ấm hơn” [82, 186]. Có một sự chuyển hoá kì diệu: bóng tối, ở đỉnh điểm đen đặc và phủ trùm của nó, lại sinh ra ánh sáng. Ánh sáng, vốn bị huỷ diệt, nay được sinh ra từ chính khoảnh khắc uy quyền nhất của bóng đêm. Ý niệm về sự sản sinh thể hiện ở ngay cách dùng chữ: “impregnable” vừa có nghĩa là bất khả xâm phạm, hoà điệu với từ “iron” (sắt đá) trong nghĩa một màn đêm đen đặc, lại vừa mang nghĩa là có thể hoài thai, trong sự cộng hưởng với những hình ảnh “thở”, “rõ hình hài”, dòng máu ấm nóng, gợi ý niệm về sự tái sinh từ trong bóng tối.

Faulkner phục sinh các nhân vật của mình theo nhiều cách. Nhân vật có thể tái sinh bằng sự cứu rỗi trong tâm hồn, khi đó, cái chết được miêu tả gắn liền với sự giải phóng, sự tự do, của một trạng thái tươi mới, thanh thản. Hightower và Joe Christmas là những ví dụ điển hình. Nhân vật có thể tái sinh trong một tác phẩm khác, hay trong một sinh linh khác. Quentin của Absalom, Absalom! được xem như sự tái sinh của chàng sinh viên trùng tên tự vẫn năm nào trong Âm thanh và cuồng nộ. Trong Nắng tháng tám, Joe bị giết trong đúng ngày Lena sinh con, hai khoảnh khắc được miêu tả đối ứng, đồng thời. Đặc biệt, Faulkner có một ý hướng riêng về sự tái sinh: tái sinh đồng nghĩa với việc vĩnh hằng hoá cái đẹp, phục hưng quá khứ.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 125 - 127)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w