Vấn đề nhân tính và quan điểm tiếp cận

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 85 - 89)

6. Cấu trúc của luận án

3.1. Vấn đề nhân tính và quan điểm tiếp cận

Trước khi trở thành một khái niệm quan trọng trong nhân học hiện đại, nhân tính (human nature) vốn đã là một phạm trù then chốt trong triết học và liên quan tới nhiều lĩnh vực nghiên cứu về con người. Như một niềm đau đáu bản thể luận, câu hỏi về tính người không ngừng được chất vấn, đối thoại, từ những bộ óc lỗi lạc Hi Lạp cổ đại như Plato và Aristotle, những bậc hiền triết Trung Hoa như Mạnh Tử, Tuân Tử, những nhà Khai sáng như Rousseau, Kant, Hume, cho đến những học giả xuất chúng thời hiện đại như Darwin, Marx, Freud, Sartre… Các triết gia, học giả, cùng các học thuyết tư tưởng, tôn giáo, phương Đông và phương Tây, đã mở ra một lịch sử nghiên cứu dài rộng, vô cùng phức tạp và chưa có hồi kết về nhân tính.

Nhân học triết học (philosophical anthropology), ra đời như một bộ môn độc lập vào đầu thế kỉ XX, là điểm gặp gỡ giữa triết học và nhân học. Nhánh nghiên cứu liên ngành này đặt trọng tâm vào vấn đề nhân tính; nói cách khác, chính câu hỏi về bản tính con người đã khiến nhân học - triết học xích lại gần nhau và không thể tách lìa. Immanuel Kant, triết gia Khai sáng, đồng thời là người khai sinh ra nhân học

hiện đại, viết: “Triết học theo nghĩa công dân thế giới gồm bốn câu hỏi: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hy vọng gì? và Con người là gì? Siêu hình học trả lời câu hỏi thứ nhất. Luân lí trả lời câu thứ hai. Tôn giáo câu thứ ba và Nhân học câu thứ tư. Nhưng tất cả đều có thể quy về nhân học, bởi cả ba câu trước gắn liền với câu sau cùng” [theo 93, 320]. Đến thế kỉ XX, Helmuth Plessner, một trong những nhà nhân học hàng đầu của thế kỷ 20, tiếp tục khẳng định: “Một triết học về con người thì luôn luôn tồn tại, nếu “con người” được hiểu không chỉ là một tạo vật đặc thù của tự nhiên (…) mà còn cả một chân trời những phận sự được định ra cho nó, không phân biệt văn hoá hay lịch sử, những phận sự thích đáng của con người” [theo 94, 27]. Nhìn như thế, nhân học và triết học đã gặp gỡ nhau từ cấp độ bản thể. Sự giao thoa này đã đem đến những chuyển dịch đồng thời trong lòng nhân học và triết học. Vượt lên biên giới của những thực hành dân tộc học đơn thuần, nhân học được sắp xếp, định hướng, hệ thống hoá bởi cốt lõi các quan niệm triết học. Đến lượt nó, triết học cũng không gò mình trong dáng vẻ nghiêm cẩn chặt chẽ, mà tiệm cận chân lí “bằng con đường nghiệm sinh với mọi thông tin có thể có được, từ du khảo, du ký, tiểu sử, văn hoá, nghệ thuật, lịch sử thế giới…” [93, 320].

Vậy sự ra đời của nhân học đóng góp điều gì vào lịch sử các học thuyết về nhân tính, hay, một cách cụ thể hơn, cách tiếp cận nhân học về vấn đề nhân tính có những điểm gì nổi trội? Phần tiếp sau đây trình bày những quan điểm tiếp cận nhân học về vấn đề nhân tính, mà theo chúng tôi, là nền tảng để tiến hành những diễn giải cụ thể trên văn chương Faulkner. Các quan điểm tiếp cận xoay quanh ba vấn đề: tính thống nhất và đa dạng của nhân tính; nguồn gốc sinh học và văn hoá của nhân tính; mối liên hệ của nhân tính với đạo đức, luân lí học.

Thứ nhất, nhân học, khi nhìn nhận con người trong tập hợp rộng rãi nhất của nó - nhân loại, thường chia sẻ với triết học câu hỏi: liệu có tồn tại cái gọi là bản chất chung cho cả loài người? Ở cả hai khía cạnh sinh học và tinh thần (nếu có thể tạm chia như thế), đều có những tranh biện đã diễn ra, mà rút cục, nhân học hiện đại đều thừa nhận quan điểm về sự thống nhất, đồng nhất của bản tính người. Từ phương diện sinh học, sự thắng thế của quan điểm đơn nguồn gien (monogenesis) trước quan điểm đa nguồn gien (polygenesis) được xem như một trong những cột mốc đánh dấu cho sự ra đời của nền nhân học độc lập, tiến bộ đầu thế kỉ XIX. Từ phương diện tinh thần, “sự thống nhất tâm lí” (psychic unity) - niềm tin rằng toàn bộ nhân loại cùng chia sẻ một tâm tính chung bất kể những khác biệt về văn hoá hay giống loài - được xem như một trong những định đề quan trọng của nhân học hiện đại. Thuật ngữ này được đề xuất lần đầu bởi A. Bastian, cha đẻ của nhân học Đức,

sau đó được ông truyền lại tinh thần cho những vị học trò và hậu bối kiệt xuất của mình như F. Boas, E. B. Tylor, Lévi-Strauss tiếp nhận và cải biến.

Việc thừa nhận sự thống nhất về “tâm tính nhân loại” không chỉ đơn thuần là khám phá nhằm thoả mãn sự hiếu kì về con người, mà nó còn có ý nghĩa về đạo đức khoa học và đạo đức chính trị. “Không nghi ngờ gì nữa, thành tựu hàng đầu của nhân học trong lĩnh vực này là đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Cầm tấm gương soi nhân học để nhìn lại chính mình, nhân loại, đặc biệt nhân loại phương Tây, có cơ hội để nhận ra vì sao những định kiến về chủng tộc là sai lầm và mù quáng” [95, 1254]. Không dừng lại ở đó, đây còn là nền tảng cho những tranh đấu sau này trong nhân học nhằm chống lại chủ nghĩa bá quyền văn hoá, thứ tham vọng vô độ của phương Tây mà S. Job đã ví như “chiếc dạ dày văn hoá muốn ngốn ngấu hết tất cả những văn hoá khác vào trong mình” [95, 1254]. “Các lí thuyết về tiến hoá văn hoá, cũng như các lí thuyết tương đối sau này của các nhà nghiên cứu chống phân biệt chủng tộc trong thế kỉ XX phụ thuộc vào sự chấp nhận tính tương đồng về căn bản về sinh học và tri thức của toàn thể nhân loại” [96, 43]. Nền tảng này, theo chúng tôi, rất cần được quan tâm khi đọc văn Faulkner, kiểu văn chương đau đáu với những vấn đề nhức nhối của nhân loại như nạn phân biệt chủng tộc, định kiến giới, sự kì thị người khuyết tật, người điên. Những diễn giải của nhà văn về sự tương đồng và khác biệt, công bằng và bất công giữa các nhóm người sẽ được nhìn nhận, đối thoại từ khung lí thuyết nhân học này.

Vấn đề trọng tâm thứ hai mà các nhà nhân học thường xuyên đối thoại, tranh biện là vai trò của cội nguồn sinh học và môi trường văn hoá đối với sự hình thành nhân tính. Cần phải nhìn nhận như thế nào về những đường biên nhị nguyên: con người/ tự nhiên, con người/ văn hoá, và cội nguồn sinh học/ cội nguồn văn hoá của con người? Ở mối quan hệ thứ nhất, một trong những quan niệm thống trị dài lâu trong nhận thức phương Tây là sự phân biệt rạch ròi giữa con người và tự nhiên, trong đó, con người - chủ thể là kẻ thống lĩnh, người cai trị tự nhiên - khách thể. Được cổ vũ thêm nhờ những thành tựu của thời kì Phục hưng và những cuộc cách mạng kĩ thuật công nghiệp sau đó, tư tưởng “nhân loại trung tâm luận” (anthropocentrism) càng khắc sâu lằn ranh giữa con người và tự nhiên. Nhưng vào thập niên cuối của thế kỉ XX, những khảo cứu dân tộc học ở những cộng đồng văn hoá ngoài phương Tây đã góp phần tạo nên sự xô dịch đường biên này. Các nhà nhân học, trong đó có những nhà nhân học triết học, như David Parkin, Nurit Bird- David, Phillippe Descola, Gísli Pálsson, Tim Ingold, đã khẳng định “việc phân chia hệ thống bản thể luận nhị nguyên hay tính lưỡng phân tự nhiên và văn hóa là hoàn

toàn không có cơ sở trong thế giới quan của những cộng đồồ̀ng [mà họ nghiên cứu] này” [theo 97]. Trong thế giới quan (mà những nhà sinh vật học hay những bộ óc duy lí rất khó hình dung) này, “mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ mang tíí́nh xã hội hay là mối quan hệ giữa chủ thể - chủ thể hay còn gọi là liên chủ thể, có sự đàm phán và trao đổổ̉i qua lại lẫẫ̃n nhau” [theo 97].

Ở mối quan hệ con người - văn hoá, nhân học triết học “nỗ lực thông hiểu các cá nhân vừa như là tạo vật của môi trường vừa là kẻ sáng tạo nên các giá trị cho chính họ” [98]. Khước từ cả hai cách nhìn cực đoan, coi con người là sản phẩm thụ động của văn hoá hay là kẻ sáng tạo quyền uy của văn hoá, nhân học triết học nhìn con người ở tư cách kép: vừa được tạo ra từ văn hoá, vừa không ngừng biến chuyển văn hoá ấy. Chính nhờ điều đó, con người có một khoảng không tự do: nó luôn đối thoại, phản biện những kiến tạo văn hoá mà nó đương tạo ra. Tương tự như thế, ở mối quan hệ thứ ba, các nhà nhân học triết học tiếp tục xoá mờ đường chia cắt rạch ròi giữa cội nguồn sinh học và cội nguồn văn hoá của nhân tính. Bản chất con người được nhìn nhận trong mối tương thuộc chặt chẽ với cội rễ sinh học lẫn văn hoá, mà sự chia tách chúng sẽ đưa lại những định kiến. Quan điểm này, đặt trong bối cảnh thế kỉ XX, là sự tranh đấu mang khuynh hướng đạo đức với những quan điểm cực đoan như thuyết ưu sinh, chủ nghĩa bài Do Thái… Nhận thức về quan điểm nhân học nói trên là nền tảng để chúng tôi nghiên cứu cách Faulkner đối thoại, diễn giải và chất vấn những định kiến văn hoá trong cộng đồng. Đó là những định kiến về chủng tộc, giới, người điên, người khuyết tật, tội phạm…

Cuối cùng, trên hành trình tự nhận diện bản ngã, loài người không ngừng suy tư về thiện - ác, đúng - sai, chân - giả; nói cách khác, mối bận tâm về nhân tính thường gắn liền với mối bận tâm về đạo đức, luân lí. “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Mạnh Tử) hay “nhân chi sơ tính bản ác” (Tuân Tử)? Con người vốn dĩ là cá thể ích kỉ (John Locke) hay mang tính xã hội (Émile Durkheim)? Ẩn nấp trong ta là quỷ dữ (Thomas Hobbes) hay thiện lương (Jean-Jacques Rousseau)? Từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim đều tồn tại những khuynh hướng đối lập trong việc truy tìm cội nguồn thiện ác của bản tính người. Nhân học triết học tham gia vào cuộc đối thoại đó theo lối đi riêng của mình: nỗ lực thông hiểu thang giá trị đạo đức từ thế giới quan, nhân sinh quan của những cộng đồng người. Và như thế, câu hỏi quan trọng nhất nhà nhân học đặt ra về phạm trù đạo đức không phải là rút cục, ai đúng ai sai, cái gì tốt cái gì xấu, mà là mỗi cộng đồng văn hoá, ở những bối cảnh khác nhau, đã có những phán xét và định đoạt của riêng mình về câu chuyện đạo đức như thế nào. Ở công trình nổi tiếng Các hình mẫu văn hoá (1934), nhà nhân loại học Ruth Benedict đã so

sánh 3 tộc người Zuni, Kwakiutl và Dobuans và kết luận rằng văn hoá quyết định những gì được coi là hành vi đúng đắn và trạng thái tâm lí đúng đắn. “Theo thuật ngữ tâm thần học phương Tây, chúng ta có thể coi người Zuni như là neurotic (loạn thần kinh), người Kwakiult như là megalomaniac (hoang tưởng tự đại) và người Dobuans như là paranoid (hoang tưởng)” [96, 152]. Tuy vậy, những hành vi và trạng thái tâm lí đó được xem là bình thường ở cộng đồng mà nó thuộc về. Dễ thấy, văn Faulkner có nhiều kẻ ác, người khuyết tật, những gã điên, những kẻ trắng lai đen, những người đàn bà mang khuôn mặt đàn ông... Văn Faulkner là tiếng nói của những cái bất thường, bất toàn, phạm giới, vượt ngưỡng. Ở đây, nhân học cung cấp thêm một hướng tiếp cận Faulkner, cụ thể là kiếm tìm hệ quy chiếu văn hoá mà Faulkner đã dùng để kiến giải các phạm trù đạo đức trong văn chương mình.

Từ hướng tiếp cận nhân học về nhân tính, chương ba của luận án nỗ lực hướng tới việc thông hiểu sự diễn giải về nhân tính của Faulkner trong tiểu thuyết của mình. Ở vấn đề phức tạp và bộn bề này, chúng tôi lựa chọn các phạm trù cụ thể để khảo sát, những phạm trù nổi bật trong tiểu thuyết Faulkner và phù hợp với những nền tảng lí thuyết như đã trình bày ở trên. Phần đầu của chương tập trung vào chủ đề về chủng tộc giới - hai chủ đề nổi bật và thú vị trong tiểu thuyết Faulkner. Thú vị bởi lẽ, chúng là nơi biểu hiện rõ nhất cho những phân biệt, định kiến về tính thống nhất/ đa dạng, về cội nguồn sinh học/ văn hoá trong bản tính người. Phần sau của chương khảo sát cái khuyết tật cái ác trong tiểu thuyết Faulkner. Đây tiếp tục là những địa hạt không hề an ổn, nó là những trạng thái vượt ngưỡng, liên tục chất vấn những định kiến, quan niệm đương có về con người. Đích đến của chương ba là nhận diện những quan niệm về nhân tính của Faulkner, đặt trong sự đối thoại với bối cảnh văn hoá và liên hệ với các tri thức nhân học.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w