Tự trị và hoà nhập

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 79 - 85)

6. Cấu trúc của luận án

2.3.3. Tự trị và hoà nhập

Tâm lí kiêu hãnh và nét tính cách bảo thủ khiến miền Nam không dễ đưa ra một ứng xử nhất quán trước lựa chọn: truyền thống hay tương lai, tự trị hay hoà nhập? Miền Nam tất yếu không thể nằm ngoài xu hướng hiện đại hoá của quốc gia Mĩ và toàn cầu. Có những di sản quá khứ vùng miền buộc phải bị bỏ lại. Nhưng miền Nam không dễ gì cởi mở đón nhận sự can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là miền Bắc. Tự quyết hay bị can thiệp, tách biệt hay hoà nhập vẫn là một nan đề trong đời sống tinh thần miền Nam hậu nội chiến. Vấn đề này được Faulkner diễn giải một cách kín đáo và sâu sắc trong những tiểu thuyết của mình.

Người ta thường nhắc đến Âm thanh và cuồng nộ như một niềm hoài nhớ về quá vãng. Nhưng ta thường quên rằng nỗi trăn trở về “ngày mai” được thể hiện kín đáo từ ngay nhan đề tác phẩm. Âm thanh và cuồng nộ được trích từ cảnh 5 hồi 5 vở Macbeth: “Ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai/ Lê lết theo nhịp đời nhỏ mọn ngày qua ngày/ Tới thanh âm cuối cùng của thời khắc ghi dấu;/ Và tất thảy ngày hôm qua đều nhen nhóm cho những kẻ khờ/ Con đường tới cái chết tối tăm. Tắt thôi, tắt thôi, hỡi nến nhỏ!/ Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn,/ Khuệnh khoạng và u sầu trên sân khấu/ Để rồi đi đến vô thanh. Đó là câu chuyện/ Được kể bởi gã ngốc, ồn ào và điên loạn,/ Phô bày điều vô nghĩa” [89].

Jason có lẽ là nhân vật biểu hiện cho cuộc giằng co giữa hiện tại và tương lai của miền Nam nước Mĩ rõ nhất trong Âm thanh và cuồng nộ. Khác với hai người anh em trai của mình là Quentin và Benjy, hắn có một ý thức rõ ràng về việc thích ứng với tương lai. Nhưng việc thích ứng đó vẫn đem lại cho hắn một gánh nặng về tâm lí, cảm xúc. Sự không tương thích giữa Jason và thế giới hiện đại được thể hiện trong những cảm giác. (Faulkner thường hay chuyển hoá những ý niệm nhận thức vào trong những cảm giác, giác quan). Jason rất tự hào vì sở hữu chiếc xe hơi hạng sang (xe hơi - một dấu hiệu của xã hội công nghiệp hiện đại, thay vì ngựa trong xã hội trưởng giả, quý tộc thế kỉ XIX). Nhưng mùi xăng luôn là một gánh nặng đối với hắn. “Và bây giờ tôi nghĩ mình về nhà thật đúng lúc để chạy như bò ra sau một thúng cà chua hay gì đó suốt chặng đường dài rồi phải lộn về thị trấn sặc sụa mùi xí nghiệp long não khiến đầu tôi như sắp nổ tung trên vai. Tôi vẫn bảo bà cụ rằng aspirin chẳng có cái quái gì, ngoài bột hoà với nước cho những con bệnh tưởng. Tôi

nói mẹ không biết nhức đầu là thế nào đâu. Tôi nói mẹ tưởng tôi cứ ngồi trên cái xe quỷ ấy suốt ngày là vì tôi thích thế chắc” [66, 330].

Vốn kiêu hãnh và tự phụ, người miền Nam trong tác phẩm Faulkner trút mọi cuồng nộ và oán giận lên những kẻ can thiệp vào cuộc đời mình, kể cả khi đó là những người làm việc tốt. Joanna Burden trong Nắng tháng tám tiêu biểu cho nạn nhân của sự giận dữ đó. Chịu ảnh hưởng từ cha ông mình, những nhà bãi nô miền Bắc, Joanna, một người da trắng, dành cả đời để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen - làm tự thiện, cưu mang người da đen, bảo vệ pháp lí cho họ. Và đây là kết cục cho cuộc đời cô: “Cổ nằm dài trên sàn nhà. Đầu gần như bị cắt đứt: một người đàn bà tóc bắt đầu bạc. (…) Bởi vì cái mền mở ra khi rơi xuống đất, và cổ thì nằm nghiêng người, quay về một phía, cái đầu thì quay hẳn lại phía kia như thể cổ nhìn ra đằng sau mình” [70, 125-126]. Đầu gần như lìa khỏi cổ, quay hẳn về phía sau lưng, thi thể người đàn bà toát lên vẻ hài hước đen, một thứ pha trộn giữa hài hước và kinh dị. Dimock phát hiện ra sự liên tưởng thú vị về chi tiết cái đầu ngoảnh ra sau trong Thần khúc của Dante. Đây là miêu tả về những kẻ dưới địa ngục: “Khi tôi nghiêng đầu sang một chút, tôi bắt đầu thấy từng cái một, thật đáng kinh ngạc, lần lượt hiện ra dị dạng giữa cằm và ngực. Mặt họ bị vặn xoáy lại phía hông, và họ cần phải bước lùi bởi họ không thể nhìn thấy phía đằng trước” [theo 59]. Trong tác phẩm của Dante, những kẻ này phải chịu hình phạt đầu ngoảnh ngược là bởi khi còn sống, họ vốn là những nhà tiên tri (soothsayers). Biết trước tương lai là một tội lỗi, và phải bị trừng trị. Phải chăng có một mối tương đồng giữa những nhà tiên tri này và những nhà cải cách xã hội đến từ miền Bắc của Faulkner: mối ưu tư về tương lai, nhận thức về đặc quyền của mình trong việc dự đoán tương lai? Tự cho mình quyền hoạch định đường đi cho miền Nam, Joanna có kết cục giống như những nhà tiên tri bị trừng phạt trong địa ngục của Dante.

Faulkner đã xây dựng những nhân vật của mình dựa trên hiểu biết của ông về thực trạng xã hội nước Mĩ thời Tái thiết. Rất nhiều nhà cải cách miền Bắc (Northern reformers) vào Nam, tự coi mình là những kẻ cải tạo, giáo dục các cựu nô lệ, điều chỉnh xã hội miền Nam sau nội chiến. Do một số trong đó lạm quyền và tham nhũng, những nhà cải cách được người dân địa phương ở miền Nam mỉa mai là những “carpetbaggers”. “Ở quanh đây người ta thù ghét chúng tôi lắm. Chúng tôi là dân Yankee mà. Người nước ngoài mà. Còn tệ hại hơn cả người nước ngoài nữa đó: chúng tôi là kẻ thù của họ. Một loại cha căng chú kiết nào đó bỗng dưng lù lù sống trên đất họ” [70, 321], Joanna đã nói như thế khi kể về cái chết của những người trong gia đình mình. Trong thực tế, thời Tái thiết, nước Mĩ nói chung, miền Bắc nói

riêng nỗ lực áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm nhào nặn lại miền Nam theo con đường chung của miền Bắc và quốc gia Mĩ. Thế nhưng, các sử gia cũng rút ra bài học từ thời Tái thiết: “theo thời gian, càng ngày người ta càng thấy rõ rằng các vấn đề của miền nam không thể giải quyết bằng luật pháp khắc nghiệt và mối ác cảm kéo dài đối với các bang thuộc phe Liên minh cũ. Tháng 5.1872, Quốc hội thông qua Luật Ân xá, phục hồi đầy đủ các quyền lợi chính trị cho mọi người, ngoại trừ khoảng 500 nhân vật kiên quyết ủng hộ Liên minh” [90, 189]. Nếu nhìn từ góc độ căn tính văn hoá, có thể thấy ý muốn can thiệp và áp đặt không dễ thành công ở một mảnh đất vốn mang trong mình sự kiêu hãnh, tự tôn và cả sự bảo thủ. Sự xâm phạm vào mảnh đất đó, cho dù bằng lòng tốt hay ý đồ xấu xa, nếu không đủ khéo léo, tất yếu lãnh nhận lại sự giận dữ và trừng phạt.

Ưa chuộng sự tự trị hơn hoà nhập, người miền Nam không dễ đón nhận những kẻ lạ gia nhập vào cộng đồng. Hãy thử dõi theo phản ứng của dân địa phương trước sự xuất hiện của những người miền Bắc, từ ví dụ của Reverend Shegog trong Âm thanh và cuồng nộ. Shegog không phải là mục sư địa phương, ông đi từ một thành phố khác tới nhà thờ của những người da đen. Và đây là ngoại hình vị mục sư từ con mắt của người dân bản địa: “Vị khách quá thấp bé, mặc một chiếc áo vải đen alpaca, gương mặt đen đủi nhăn nheo như một con khỉ già loắt choắt. (…) Khi vị khách đứng dậy để nói, ông phát âm như một người da trắng. Giọng ông bằng phẳng và lạnh lùng. Nó quá lớn với một người như ông và đầu tiên họ nghe vì tò mò, như thể nghe một con khỉ nói. Rồi họ bắt đầu nhìn ông như nhìn một người đi trên dây” [66, 405]. Có thể đọc thấy một chút thất vọng, một chút tò mò, một chút mai mỉa, một chút nghi ngờ trong cách dân bản địa quan sát vị khách phương xa. “Ông phát âm như một người da trắng”, cả chút định kiến chủng tộc, tách vị khách ra khỏi cộng đồng. Những con chiên trong nhà thờ da đen chỉ bắt đầu chấp nhận Shegog khi ông cất giọng, hoà vào bài ca tôn vinh khoảnh khắc Phục sinh hiển linh: “đến khi ông không còn gì nữa và họ không còn gì nữa cũng không còn cả cái giọng chỉ còn lại trái tim họ đang nói với nhau qua những nhịp hát không cần đến lời, khi ông tới dựa vào bàn để nghỉ, khuôn mặt loài khỉ của ông ngước lên và toàn bộ đáng điệu của ông như của người bị hành hình trên cây thập tự, bình thản siêu phiệt, vượt lên trên sự tiều tuỵ và tầm thường, một tiếng rên dài thoát ra khỏi lồng ngực của họ, và một giọng nữ cao đơn độc thốt lên: “Vâng, Jesus!’” [66, 406-407]. Bỏ qua định kiến vùng miền, đồng ca trong nghi lễ nhà thờ là điểm hoà điệu những tâm hồn người. Vậy là, để trở thành một phần của miền Nam, phải sống cho tới phần sâu thẳm trong căn cốt văn hoá của cả cộng đồng.

Nan đề này không chỉ được thể hiện ở phản ứng của miền Nam đối với những người đến từ xứ khác, mà còn ẩn sau cách miêu tả những người miền Nam di chuyển ra miền Bắc. Sự di chuyển của nhân vật (da trắng và da đen) in dấu những dịch chuyển địa lí giữa hai miền Nam - Bắc Hoa Kì đang trở nên sôi động hơn lúc bấy giờ. Dấu ấn của những lai ghép văn hoá này có thể được tìm thấy trong những chi tiết nhỏ. Hãy thử nhìn bức chân dung T.P trong Phụ lục Âm thanh và cuồng nộ: “T.P: Trên phố Beale ở Memphis, diện những bộ đồ bảnh bao rạng rỡ rẻ tiền kiên định do các ông chủ xí nghiệp hút máu ở Chicago và New York sản xuất riêng cho gã” [66, 463]. Bảnh bao, rạng rỡ, rẻ tiền, dành riêng cho gã da đen - các chỉ dấu khập khiễng từ miền Bắc đặt cạnh nhau tạo nên một bức chụp nhanh hài hước: nó vừa gợi hình dung về sự công nhận, lại vừa ẩn cặp mắt khinh thị về một thân phận không-nô-lệ/ đã từng là nô lệ. Và đây là những ý nghĩ chợt tới khi Quentin ngồi cạnh một gã da đen, cũng với vẻ ngoài bảnh bao chân đi giày bóng lộn, tay cầm điếu xì gà, trong toa tàu. Hãy nghe cách Quentin tự chất vấn khi tự đặt mình vào con mắt người miền Nam và miền Bắc: “Nhưng thoạt đầu tôi đinh ninh rằng tôi cảm thấy thiếu đám da đen xung quanh là vì tôi cũng có tâm trạng mà những người miền Bắc gán cho tôi, mãi tới buổi sáng hôm ấy ở Virginia, tôi mới biết rằng tôi thực sự cảm thấy thiếu Roskus và Dilsey và họ” [66, 130]. Trong chi tiết nhỏ này, Quentin nhận ra sự xâm lấn của con mắt miền Bắc: họ nghĩ rằng người miền Nam nhìn người da đen như “đám da đen”, những cựu nô lệ. Nhưng rút cục, Quentin, cũng như người miền Nam, từng “ăn chung ở lộn với vô số người da đen” [66, 130], nhìn họ như những Roskus, những Disley, những “con người” [66, 130]. “Nếu như tôi đã không ăn chung ở lộn với vô số người da đen, tôi sẽ phải mất nhiều thời gian để học cách cư xử với tất cả mọi người” [66, 130]. Trong trường hợp của Quentin, việc tiếp xúc và đặt mình từ địa vị miền Bắc giúp nhân vật có thể tự hiểu sâu hơn về mình và văn hoá quê hương mình, mà ở đây là một khía cạnh trong mối quan hệ giữa người da đen và da trắng ở miền Nam. Ở chi tiết nhỏ này, có thể thấy sự kháng cưỡng của nhân vật đối với những định kiến của kẻ khác đối với căn tính cộng đồng mình.

Tự trị hay hoà nhập là một nan đề không dễ trả lời với miền Nam, từ ngay sau nội chiến, thời kì Tái thiết và thậm chí đến tận bây giờ. Tiểu thuyết Faulkner đối diện với nan đề ấy. Ông không phủ nhận tính nước đôi, tính mơ hồ trong đáp án sau rốt: người miền Nam, cho dù chấp nhận hoà nhập, rút cục, vẫn giữ lấy cho mình một ý thức về bản sắc vô cùng quyết liệt. Đóng góp của Faulkner là ở chỗ, ông xác quyết một hướng tiếp cận cho những câu chuyện khó gỡ này: tiếp cận từ căn tính cộng đồng! Cách các nhân vật của ông ứng xử với những “kẻ lạ” là cách Faulkner

kín đáo gửi bức thông điệp của mình cho những người đang “dò hỏi” mảnh đất quê hương ông: được đón chào hay bị cự tuyệt, được yêu thương hay bị trừng phạt, điều đó tuỳ thuộc vào việc anh có tôn trọng, có chạm tới, có sống sâu tới căn cốt văn hoá miền Nam hay không. “Hãy nói cho tôi nghe về miền Nam. Nó như thế nào ở nơi xa xăm ấy? Người ta đang làm gì nơi đó? Tại sao người ta còn ở đó? Tại sao người ta sinh sống ở nơi đó?” [82, 254]. Trong đêm đông ở Harvard, Shreve, một người bạn Canada, đã hỏi Quentin như thế, khi cả hai đang chìm trong những câu chuyện xưa cũ sâu thẳm về lịch sử miền Nam. Tại sao người ta còn ở đó? Tại sao người ta sinh sống ở nơi đó? Những câu chuyện Quentin kể lại nói riêng, những câu chuyện được viết lên trong những tiểu thuyết của Faulkner nói chung, như những câu trả lời của miền Nam về chính mình. Tiểu thuyết Faulkner, vì vậy, như một hành trình tự nhận thức, hành trình đi tìm tấm căn cước văn hoá của mình.

Thôi thúc giải mã bản sắc cộng đồng nhằm tìm kiếm một ứng xử phù hợp đã từng được nhà nhân loại học Ruth Benedict bàn tới trong công trình nổi tiếng của mình - Hoa cúc và gươm. “Tháng 6 năm 1944, tôi [Benedict] được giao nhiệm vụ nghiên cứu về nước Nhật” - một kẻ thù đặc biệt mà Mĩ phải đương đầu. Để thực sự hiểu được họ, điều quan trọng không phải là những niên giám lịch sử lâu đời, hay những tài liệu thống kê dày đặc, mà ở việc “chúng ta phải nắm được thói quen tư duy và tình cảm của người Nhật, cũng như mô thức mà những thói quen này hình thành” [91, 21]. Hiểu căn tính cộng đồng là cửa ngõ để ứng xử với cộng đồng ấy. Ở đây, Benedict không chỉ nói về một thực hành nhân học có mục đích cụ thể; suy rộng ra, ấy có thể là suy tư về tinh thần nhập cuộc, sự can dự của nhân học với cuộc đời. Điều này gặp gỡ với sứ mệnh của văn chương. Nhìn từ phương diện này, có thể khẳng định phẩm tính nhân học của văn chương Faulkner. Bởi như đã phân tích ở trên, những tự sự về lịch sử, chính trị… miền Nam, dưới góc nhìn của nhà văn, đã được kể như những câu chuyện nhân học về căn tính cộng đồng.

Ở một chiều kích khác, trong mối liên hệ giữa văn hoá miền Nam và quốc gia - đất mẹ Hoa Kì, có thể thấy tinh thần can trường, kiêu hãnh, thậm chí tới mức cao ngạo, bảo thủ của miền Nam thống nhất với tính cách dân tộc Mĩ. Lịch sử lập quốc và quá trình trưởng thành nhanh chóng, tự lực, kiên cường đã chưng cất nên ở cường quốc này một niềm tin về sự ưu việt của chính mình (và cũng phải thừa nhận, ở phương diện tiêu cực, niềm tin ấy dẫn đến chủ nghĩa ngoại biệt Mĩ). Niềm kiêu hãnh ấy, dẫu vậy, vẫn là một điểm quyến rũ của văn hoá, văn học Mĩ. Giấc mơ của ông lão Santiago về những con sư tử, cá voi trắng của Melville vùng vẫy giữa đại dương, nàng Scarlet không thôi nghĩ về ngày mai dù nếm trải bao nhiêu đổ vỡ… đã

trở thành những huyền thoại đẹp về tính cách Mĩ. Miền Nam, từ sâu thẳm, thừa hưởng nét quyến rũ lẫn ương ngạnh ấy từ trong tinh thần dân tộc Hoa Kì.

Tiểu kết

Địa hạt Yoknapatawpha trong tiểu thuyết Faulkner chính là nơi ghi dấu hành

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 79 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w