Nghi lễ trút tội và lối viết gothic: ứng xử với “cái khác quái dị”

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 147 - 168)

6. Cấu trúc của luận án

4.3.2. Nghi lễ trút tội và lối viết gothic: ứng xử với “cái khác quái dị”

Nếu như phần trên đây xem xét sự hiện thân của cổ mẫu hàm oan trên trang văn Faulkner từ phương diện xây dựng nhân vật gothic, thì phần sau đây đặt trọng tâm vào xem xét phương diện nhân học của nghi lễ trút tội và nghệ thuật gothic. Có một điểm gặp gỡ giữa nghi lễ trút tội và nghệ thuật gothic, đó là lối ứng xử với “cái khác quái dị”, với nhóm người yếu thế, với những phương diện bị xem là khác biệt, và vì thế, thường bị đánh đồng với phần bóng tối, xa lạ, hiểm nguy, tội lỗi. Tính chất gothic trong văn Faulkner không dừng lại ở một thể nghiệm tự sự, mà còn cần được nhìn nhận như một diễn giải về cội nguồn văn hoá của nhân loại.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ đặc biệt giữa văn học gothic nói chung và cái khuyết tật (disability). Một công trình đáng chú ý tập trung vào mối quan hệ này là cuốn Quỷ dữ trong thân thể và tâm trí: Những tiểu luận về cái khuyết tật

trong văn học gothic (2011) do Ruth Bienstock Anolik chủ biên. Các tiểu luận trong cuốn sách chia sẻ một hướng tiếp cận chung với thể loại tiểu thuyết gothic: tác phẩm gothic hình dung và thể hiện sự khuyết tật về thân thể và tinh thần như là một “cái khác quái dị” (monstrous otherness), và như thế, diễn ngôn trong tác phẩm gothic là diễn ngôn của sự khác biệt [148]. Có điều, ứng xử về cái khác của văn học gothic khác biệt so với tinh thần của thời đại Khai sáng. Tới nỗi, lối tự sự gothic bị xem như “đứa con xấu xí” của niềm tin Khai sáng, bởi nó khước từ truyền thống lí trí khi nhìn nhận thế giới [148, 1]. “Sự thôi thúc của Khai sáng là nhằm chế ngự bóng đêm, cái phi lí, cái bí ẩn, cái Khác. Quỹ đạo Gothic lại là khoảng không tối tăm, ẩn mật và bất định trú ngụ trong cái Khác phi nhân” [148, 2]. Tư duy Khai sáng là rạch ròi những đường cắt nhị nguyên nhân tính - phi nhân, bình thường - khuyết tật, tỉnh táo - điên rồ… và đẩy nhóm thiểu số vào những không gian cầm tù (nhà tù, bệnh viện, nhà thương điên) [148, 2]. Tư duy gothic, “thể hiện cái khác biệt của con người như cái quái dị, và sau đó, nghịch lí là, đánh sập các định kiến ngoại biệt để khẳng định khía cạnh nhân tính của quái vật” [148, 2]. Như thế, ở đây, bằng việc nhìn cái khuyết tật như phạm trù cái Khác và soi chiếu cách văn chương ứng xử với cái Khác, công trình này đã trở về với một vấn đề căn bản: định nghĩa về con người, về bản tính người. (Rõ ràng, nó cũng gợi mở mối liên hệ có ý nghĩa giữa nghệ thuật gothic và những diễn giải của Faulkner về nhân tính, vấn đề được bàn ở chương ba).

Cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội, từ văn hoá nguyên thuỷ, cũng cung cấp một khuôn mẫu ứng xử đối với “cái khác quái dị”. Trong cuốn sách Bung xung

(Yvonne Freccero dịch sang tiếng Anh, 1986), nhà nhân học triết học, phê bình văn chương người Pháp René Girad đã tiếp cận bung xung như một khuôn mẫu về sự ngược đãi - một hình thức bạo lực tập thể trong lịch sử nhân loại. Girard tìm về cội rễ của bung xung trong huyền thoại và các ghi chép lịch sử, những văn bản mà ông gọi là “văn bản về sự ngược đãi”. Khi đọc những văn bản ấy từ góc nhìn của bung xung - những nạn nhân vô tội, thay vì điểm nhìn của kẻ bức hại, Girard đã tìm ra những câu chuyện đáng bàn. Thứ nhất, tính chất yếu thế của bung xung (như ví dụ ông dẫn ra, thân phận ngoài lề của Oedipus cùng thương tật của anh ta, dân Do Thái bị Guillaume de Machaut buộc tội là đầu độc dòng sông lây lan đại dịch) khiến họ trở nên dễ bị đổ lỗi, dễ bị ngược đãi, và khi đó, “việc hành quyết có vẻ công bằng nếu nhìn từ phía người bức hại, và việc xoa dịu cơn thịnh nộ của cộng đồng trở nên hiệu nghiệm” [149, 89]. Trong chương hai của cuốn sách, “những mô thức ngược đãi”

(stereotypes of persecution), ông chỉ ra những tình trạng và những nhóm người trong xã hội dễ bị đổ lỗi. “Rút cục thì, kẻ bức hại luôn tự nhủ với bản thân rằng một nhóm nhỏ người, hay thậm chí một cá nhân đơn lẻ, cho dù yếu ớt, vẫn là cực kì nguy hại cho toàn xã hội” [150, 15]. Những tiêu chí để lựa chọn nạn nhân, một phần lớn, là dựa vào không chỉ tội lỗi mà họ gây ra, mà còn bởi xuất thân và sự bất toàn của họ. “Đau ốm, điên loạn, dị tật di truyền, chấn thương tai nạn và thậm chí những khuyết tật nói chung đều có xu hướng trở nên đối nghịch với kẻ ngược đãi” [150, 18]. Thứ hai, Girard đã phân biệt bung xung trong văn chương với bung xung trong huyền thoại (gồm huyền thoại nguyên thuỷ và huyền thoại tôn giáo). Ông cho rằng bung xung trong văn chương không có vẻ toại nguyện (complacency) như trong huyền thoại nguyên thuỷ lẫn tính ngây thơ (innocence) như trong huyền thoại Cơ đốc giáo. Bung xung trong văn chương, thay vào đó, là một tự sự phức tạp hơn, từ điểm nhìn nạn nhân và chất vấn cái lõi sự thật của bạo lực tập thể.

Những khảo cứu về văn học gothic và huyền thoại bung xung nói trên gợi mở hướng đọc sâu hơn với tiểu thuyết Faulkner. Cái gothic và dấu tích bung xung trong văn chương ông, như vậy, có thể xem là một ứng xử đối với “cái khác”, với nhóm yếu thế; văn chương ông là sự giải thiêng huyền thoại về sự ngược đãi.

Trong các tác phẩm của ông, những nhân vật mang dáng dấp của kẻ hàm oan thường thuộc nhóm yếu thế. Lấy ví dụ, những kẻ khuyết tật, điên dại (Benjy trong

Âm thanh và cuồng nộ, Jim Bond trong Absalom, Absalom!), người lai chủng (Joe trong Nắng tháng tám), kẻ nhạy cảm, hoá điên (Darl trong Khi tôi nằm chết), kẻ bị ruồng bỏ (Joanna, Hightower trong Nắng tháng tám)…. Oán giận và đổ lỗi là những cảm xúc, thái độ bao trùm trên trang văn Faulkner. Màu sắc gothic trong văn Faulkner, vì thế, không phải là ở việc dựng nên những sự kì bí kinh dị, hay những bí ẩn ma quái hoang đường, mà là ở chỗ: nó trình bày những khía cạnh “cái khác” có thật của con người, và chỉ ra rằng cả xã hội đối xử với những “cái khác” ấy bằng một thái độ khinh miệt như với những quái thai.

Những “cái khác” của những kẻ gánh tội đều bị cảm thấy là “quái dị”, từ điểm nhìn của kẻ “bình thường”. Cái ác, sự phân biệt chủng tộc, giới tính, địa vị… đều gắn với sự đổ lỗi. Cả xã hội trong tiểu thuyết Faulkner quay quắt để đổ lỗi cho kẻ yếu thế. Rosa đổ lỗi cho Sutpen vì huỷ hoại đời mình. Thành phố nguyền rủa Joe và Joanna. Gia đình Compson đổ lỗi cho đứa con khuyết tật. Cả nhà Bundren trút gánh cho thằng con trai nhạy cảm. Ông Anse nói mãi câu “tôi đã cố gắng hết sức” để không chuốc lấy tội cho mình. Không khó để bắt gặp hàng loạt những câu chửi rủa

của những người “bình thường” dành cho những kẻ “bất thường” ấy – dành cho Joe, cho Benjy, cho Joanna, cho bóng ma Sutpen… Khi ruồng bỏ cũng như đưa ra phán quyết cuối cùng dành cho những nạn nhân, cái tên riêng của họ thường mất đi, và bị thế chỗ bởi cái bất thường mà họ đại diện: “Đồ con hoang! Đồ chó đẻ! Làm tao dính mẹ vô cái chuyện rắc rối này, trong khi tao xưa nay đối xử với mày như thể mày là thằng da trắng! Một thằng da trắng!” [70, 279]. “Giờ thì mày để yên đàn bà con gái da trắng, ngay cả ở địa ngục” [70, 592].

Nhưng nhờ sức mạnh của văn chương, Faulkner có cơ hội tái dựng nghi lễ trút tội từ điểm nhìn của nạn nhân. Nói như Girard, đó không còn là một bung xung thuần khiết hay mang tính thiêng như trong huyền thoại nguyên thuỷ hay huyền thoại tôn giáo. Lịch sử không chỉ được kể từ vai người hành quyết, mà còn từ vai kẻ bị bức tử. Hành trình trốn chạy của Joe luôn bị ám ảnh bởi sự phán quyết của định mệnh. Benjy, không nói, nhưng đã thực sự nói bằng ngôn ngữ không lời suốt một phần tư tác phẩm. Là kẻ bị chọn ngay từ lúc sinh ra, hắn “vẫn rống chậm rãi, hèn mọn, không có nước mắt; cái tiếng kêu trầm trầm vô vọng của tất cả những khốn khổ âm thầm dưới ánh mặt trời” [66, 435]. Ở trường hợp của Darl, kẻ được chọn làm bung xung tại chặng cuối của hành trình, nạn nhân đối thoại với kẻ bức tử mình. Đây có lẽ là một trong những quãng trầm buồn bậc nhất trong tác phẩm:

“Anh có muốn em đi không?” [Darl nói với Cash].

“Như thế tốt hơn cho em”, tôi nói. “Ở dưới ấy [nhà thương điên] sẽ yên tĩnh, không có chuyện gì bực mình nữa. Nó sẽ tốt hơn cho em, Darl ạ” tôi nói.

“Tốt hơn”, nó nói. Nó lại bắt đầu cười. “Tốt hơn”, nó nói. Nó ngồi trên đất, chúng tôi nhìn nó, nó cười, cười mãi” [68, 230].

Từ con mắt của Cash, xuất hiện sự truy vấn về đường biên bình thường/ bất thường khi chuyển dời điểm nhìn, vị thế phán xét: “Nhưng tôi không biết liệu một người có quyền nói cái gì là điên cái gì là không. Nó như thể trong mỗi người có một gã làm một việc điên và không điên, người ấy nhìn những việc làm điên và không điên của gã kia với cùng nỗi khiếp sợ và kinh ngạc như nhau” [68, 230].

Sinh thời, Faulkner chứng kiến những “nghi lễ ngược đãi”, những bạo lực tập thể của đất nước và thời đại mình. Quay trở lại với những vấn đề đã bàn, căn tính cộng đồng và nhân tính trong văn Faulkner đều rất gần với câu chuyện về định kiến, sự đổ lỗi, phân biệt đối xử - một hình thức bạo lực tập thể. Đó cũng không phải là câu chuyện của riêng nước Mĩ. Mối bận tâm về nhóm người yếu thế, về cổ mẫu bung xung và khuôn mẫu ngược đãi trong văn hoá đã kết nối Faulkner với những

nhà văn toàn cầu. Ở phương diện này, có thể nhắc tới Morrison, Coetzee, Faulkner như những người viết nên những khúc bi ai về sự ruồng bỏ, điếm nhục. (Thú vị là, Coetzee cũng nhiều lần trích dẫn Girard trong các tiểu luận của mình).

Vậy là, những trang văn đậm tính gothic của Faulkner có cội rễ từ cổ mẫu hàm oan và những nghi lễ nhằm chuyển dịch, trục xuất cái ác. Từ cách đọc này, có thể thấy Faulkner đã thăm dò một hiện hữu mang tính bản thể của con người: nỗi sợ. Sợ cái ác, cái xấu, sợ tai ương, bệnh tật, sợ rủi ro, sợ tội lỗi, sợ hình phạt, nỗi sợ đeo đẳng con người từ khi sinh ra và chưa bao giờ buông bỏ. Từ nỗi sợ diệt vong, và đằng sau nó là khát vọng, tham vọng sống, con người mới có những nghi lễ, tập tục để xua đuổi, trút gánh lo âu và tai hoạ sang cho vật hiến tế. Trong những đám đông cuồng nộ trên trang văn Faulkner, trong nỗi thống khoái hành hạ hay buông bỏ kẻ khác, có thể thấy dấu vết của nỗi sợ hãi, âu lo mang tính bản năng của nhân loại. Vậy nhưng, huyền thoại xưa sống dậy còn để kể câu chuyện thì hiện tại. Tự sự của Faulkner không còn mang vẻ đẹp man dã bản nguyên của huyền thoại. Mượn cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội, Faulkner muốn kể câu chuyện của lương tri. Theo ông, con người không thể đổ lỗi cho nhóm yếu thế, họ cần dũng cảm lãnh chịu tội lỗi của chính mình. Rõ ràng, các nhân vật - người trong cuộc của Faulkner cảm được lời nguyền ứng lên số phận cộng đồng mình, họ là nạn nhân; nhưng mặt khác, họ hả hê để trút bỏ nỗi đau lên đồng loại, lên những kẻ yếu thế, khi đó, họ là kẻ thủ ác. (Điều này một lần nữa khẳng định vì sao khi đi tìm cội nguồn nhân học trong văn Faulkner, chúng tôi dành một chương để bàn về nhân tính, và ở đó, chất vấn quan niệm của Faulkner quanh những đường biên giữa các nhóm người có uy quyền và những nhóm người yếu thế). Những kẻ bị hiến tế của Faulkner không mãi mãi biến mất trong sự thở phào của tộc người. Họ, ngược lại, vẫn ám ảnh như những bóng ma. Benjy vẫn tha thẩn trên đồng cỏ trong nỗi nhớ của Quentin: “Benjy. Gào rống. Benjamin đứa trẻ bằng tuổi tôi đang gào rống” [66, 133]. Darl để lại khoảng trống không trong tâm trí người em: “Darl anh ấy đã đi Jackson rồi anh Darl tôi” [68, 242], “Nhưng không lâu bằng sự trống trải. Darl là anh tôi. Anh Darl tôi” [68, 243]. Là anh tôi, em tôi, là gia đình, dòng họ, là xóm giềng tôi, là dân nước tôi, những kẻ bị trút tội. Suy tư này của Faulkner, đặt trong bối cảnh nước Mĩ và những kí ức về tội ác tập thể của nó, trở thành một truy vấn quyết liệt. Nghệ thuật gothic, vì thế, không chỉ dừng lại ở một thể nghiệm hình thức. Từ gốc rễ nhân học của nó, lối viết gothic chạm tới những vấn đề về căn tính cộng đồng và bản tính con người.

Tiểu kết

Chương cuối của luận án đặt trọng tâm nghiên cứu vào những dấu tích của huyền thoại và nghi lễ nguyên thuỷ, nhằm tô đậm thêm phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết của Faulkner. Việc nghiên cứu huyền thoại - nghi lễ trong chương này tập trung vào việc tìm hiểu sự hiện diện của những cổ mẫu và nghi lễ nguyên thuỷ trong các tác phẩm của nhà văn.

Để trở về với văn hoá nguyên thuỷ, chúng tôi tìm đến và hàm ơn Cành vàng, bách khoa tri thức về văn hoá nguyên thuỷ của nhà nhân học vĩ đại Frazer, và cảm thấy thú vị khi phát hiện ra những chỉ dấu cho thấy Frazer đã ảnh hưởng tới nhà văn bang Mississippi như thế nào. Trong cái bóng rậm rạp linh thiêng mà Cành vàng

ngả xuống, chúng tôi tìm thấy những liên hệ mật thiết với sở trưởng, phong cách của nhà văn. Cổ mẫu cái chết - sự tái sinh như một ý niệm trung tâm, chi phối cách xây dựng thế giới nghệ thuật của Faulkner. Nhà văn diễn giải, tái dựng số phận của cá nhân và cộng đồng từ quan niệm về lẽ diệt - sinh. Nét riêng của Faulkner trong tư cách nhà văn là, ông xem quá khứ là cái đẹp đã suy tàn; ông muốn ươm giữ, vĩnh hằng hoá cái đẹp quá khứ, nhưng đồng thời, ông không né tránh hiện tại. Ông chấp nhận thực tại tội lỗi, tai ương và mong cầu sự trường tồn, thủ thắng của loài người.

Cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội cũng được khảo cứu như một liên đới rất gần với lối viết gothic của nhà văn, cụ thể ở phương diện xây dựng nhân vật. Kẻ hàm oan được đọc như một khởi nguyên của các nhân vật gothic trong tiểu thuyết Faulkner. Trở về với huyền thoại nguyên thuỷ, Faulkner thăm dò nỗi sợ hãi diệt vong và khát vọng sinh tồn từ sâu thẳm văn hoá của loài người. Nhưng, quan trọng hơn, là một nhà văn, ông đặt ra vấn đề lương tri khi đối chất với thảm trạng bạo lực và ngược đãi của cả cộng đồng, kể lại câu chuyện ấy từ điểm nhìn kẻ bức tử và nạn nhân. Một lần nữa, những phạm trù của căn tính cộng đồng và nhân tính lại được diễn giải, theo lối đi riêng của văn chương, trong một hành trình không hoàn kết.

KẾT LUẬN

1. William Faulkner, nhà văn Mĩ, có lịch sử phê bình nghiên cứu dày dặn gần một thế kỉ, vẫn đang tiếp tục thu hút những hướng tiếp cận từ các lí thuyết phong phú trên thế giới. Thực tiễn tiếp nhận Faulkner gợi mở một phẩm chất trong văn chương ông: sự gắn bó bền chặt và linh động với đời sống văn hóa trong lịch sử và đương đại. Nhân học văn hóa, ngành học nghiên cứu con người trong cái nhìn toàn diện, đặt trọng tâm vào khía cạnh văn hóa, xã hội, đã đáp ứng đòi hỏi cách tiếp cận bao quát đối với văn chương Faulkner. Từ những nhận thức ban đầu ấy, chúng tôi đặt giả thiết sáng tác của Faulkner, cụ thể là tiểu thuyết của ông, là một đối tượng nghiên cứu phù hợp với hướng tiếp cận nhân học văn hóa.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 147 - 168)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w