2.1.1. Nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Xuất phát từ vị trí và tầm ảnh hưởng giữa hai cường quốc kinh tế lớn trên thế giới: Mỹ là nước phát triển lớn nhất thế giới, Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước chiếm 1/3 GDP của thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hoá chiếm 40% toàn thế giới:
Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới. Dự báo, đến năm 2030, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Song, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của Trung Quốc hiện nay đã vượt Mỹ. Trong những năm gần đây, thị trường Mỹ đang có dấu hiệu xuống dốc trong khi Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng với vị trí thống lĩnh nền kinh tế - chính trị thế giới, thay thế Mỹ. Chính vì vậy, sau khi đảm nhận vị trí là người lãnh đạo nước Mỹ, với cương vị Tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump ngay lập tức đã lên kế hoạch áp chế mối đe dọa từ Trung Quốc và đưa
Mỹ trở lại với ngôi vị thống lĩnh toàn cầu.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân cụ thể khởi nguồn cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đầu năm 2018:
Thứ nhất, chính sách bảo hộ, từ những ngày tranh cử vị trí Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump luôn đề cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết (American first)”, sau khi đắc cử thành Tổng thống Mỹ, ông giữ nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động cũng
như chính sách kinh tế của mình. Tổng thống Donald Trump đã ban hành chính sách bảo hộ mậu dịch và mục tiêu nước Mỹ trên hết được ông nhấn mạnh. Việc giảm thuế
thu nhập của các công ty xuống còn 21%, thấp hơn cả thuế suất trung bình 25% của các công ty ở các nước Âu, đây không chỉ có lợi cho các nhà tài phiệt Mỹ mà còn là một điểm lợi thế để thu hút FDI vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, thuế lợi tức công ty được giảm tới 14% nhằm lôi kéo các công ty Hoa Kỳ đang đầu tư ở nước ngoài quay trở về Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc tăng vốn cho các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cá nhân cho người dân Mỹ và nâng giá trị cạnh tranh của hàng hóa Mỹ xuất cảng. Việc gia tăng việc làm trong nước sẽ giúp Mỹ
tăng nguồn thu từ thuế thu nhập vào ngân sách, đồng thời gia tăng mức tiêu thụ nội địa, góp phần tăng trưởng nội thương. Hơn nữa, việc áp thuế nhập khẩu các mặt hàng
thép tăng thêm 25% và nhôm tăng thêm 10% để đối phó với tình trạng các công ty sản xuất thép và nhôm trong nội địa Mỹ bị phá sản do lượng thép và nhôm nhập khẩu
từ nước ngoài quá nhiều làm giảm khả năng cạnh tranh của mặt hàng này ở trong nước, đồng thời gây bất lợi cho ngành công nghiệp thép của Trung Quốc, buộc Trung
Quốc phải thương thảo lại với Hoa Kỳ và tạo cơ hội để Hoa Kỳ đặt các điều kiện có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Thứ hai, cải thiện cán cân thương mại Mỹ và giảm bớt thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc
là một trong những nguyên nhân chính cho sự bùng nổ xung đột thươn mại giữa hai quốc gia này khi thâm hụt thương mại kéo dài làm tổn thương đến nền kinh tế, làm tăng nợ quốc gia, thậm chí làm cho quốc gia có cán cân thương mại cao mất khả năng
cạnh tranh. Nhận thấy mối nguy cơ lớn từ sự mất cân bằng giữa lượng hàng hóa nhập
khẩu lớn gấp nhiều lần so xuất khẩu trong cán cân thương mại của Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra chính sách áp thuế nhằm điều chỉnh lại cán cân thương
mại quốc gia, đặc biệt đối với Trung Quốc - nhà cung cấp lượng hàng hóa nhập khẩu lớn nhất của Mỹ trong những năm vừa qua. Theo dữ liệu từ cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc liên tục gia tăng từ năm 2016 (346,9 tỷ USD) - 2018 (419,2 tỷ USD). Trong năm 2017, thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia này đã tăng mức 375,6 tỷ USD, điều này được giải thích rằng do Trung Quốc sản xuất nhiều hàng tiêu dùng với chi phí thấp hơn các quốc gia khác, và người
mua, bao gồm cả những người ở Hoa Kỳ, bị thu hút bởi giá thấp. Ngoài ra, hầu hết các nhà sản xuất Hoa Kỳ đều gửi nguyên liệu thô đến Trung Quốc để sản xuất, lắp
ráp với chi phí thấp, sau đó được vận chuyển trở lại Mỹ nên chúng được gọi là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng kinh tế diễn ra, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2018 vẫn không có dấu hiệu giảm xuống mà ngược lại nó
lại tăng lên mức kỷ lục mới là 419,2 tỷ USD, tăng 43,6 tỷ USD ( tương đương 11,6%)
so với năm 2017. Thương mại Hoa Kỳ với Trung Quốc bị chi phối bởi thâm hụt trong
các sản phẩm sản xuất. Mặc dù Hoa Kỳ áp thuế từ 10 - 25% đối với 250 tỷ USD hàng
được nhập từ Trung Quốc, Trung Quốc đã chơi trò “át chủ bài” bằng cách hạ giá đồng
nhân dân tệ bằng khoảng 10% so với đồng đô la. Do đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng nhanh hơn (11,6%) so với thâm hụt của Mỹ với toàn thế giới (10,4%). Để đối phó với tình trạng này, ngoài biện pháp tăng thuế, ông Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ trao đổi thương mại với các công ty công nghệ của Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch kiểm soát lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào. Do đó, mức thâm hụt cán cân thương mại đã có chiều hướng giảm xuống, đến năm 2019 còn 345,6 tỷ USD, mặc dù lượng nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc vẫn còn nhiều vì một phần do lượng nhà máy sản xuất của các công ty Hoa Kỳ vẫn còn đang hoạt động ở Trung Quốc, song một tín hiệu đáng mừng cho Hoa Kỳ khi mức thâm hụt thấp hơn 18% so với năm 2018.
Thứ ba, tham vọng trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ số, Bắc Kinh (Trung Quốc) lên kế hoạch 10 năm phát triển ngành công nghiệp chế tạo kể từ năm 2015 đến 2025 với chiến lược đầy tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường chế tạo cạnh tranh được với Mỹ. Đây được cho là kế hoạch cực kì táo bạo vì nó nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới. Không ngần ngại đổ hàng tỷ USD vào các ngành công nghiệp chế tạo trọng điểm bao gồm Công nghệ tin Internet 5G, hàng không vũ trụ, người máy, trí tuệ nhân tạo, ô tô dùng nguồn năng lượng mới, y dược sinh học và thiết bị y tế tính năng cao. Tuy nhiên, chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc (Made in China 2025)” đang gặp nhiều hạn chế do trình độ công nghệ của Trung Quốc đang còn kém so với Mỹ và phải dựa vào các công nghệ cốt lõi từ Mỹ. Trong một thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tiến hành và hỗ trợ các cuộc
xâm nhập mạng vào các trang mạng thương mại của Hoa Kỳ nhằm lấy cắp thông tin, bí mật công nghệ của các công ty sản xuất công nghệ chế tạo của Hoa Kỳ. Mỹ cáo
buộc Trung Quốc rằng nếu muốn hợp tác liên doanh, các công ty của Mỹ phải đồng những thỏa thuận ngầm để chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc. Phía Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này. Một hướng khác, Mỹ cho rằng việc ăn cắp công nghệ cao của Mỹ có thể diễn ra ngay cả khi các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như ZTE, China Mobile, Huawei mua bán hoặc sáp nhật các công ty Mỹ. Đáp lại, tham vọng thống lĩnh công nghệ toàn cầu của Trung Quốc, Mỹ lên tiếng
cảnh báo sự bành trướng của các công ty được chính phủ nước này hậy thuẫn sẽ gây ra các rủi ro lớn đối với an ninh quốc tế. Huawei chính là con tốt thí đầu tiên mà Mỹ chọn. Việc ban hành các chính sách áp thuế, lệnh cấm cung cấp linh kiện của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ làm cho ngành công nghệ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, các nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc chịu mức thiệt hại đáng kể, đồng thời kéo theo lợi nhuận đi xuống, khiến khối hoạt động nghiên cứu của khối doanh nghiệp này cũng
chịu ảnh hưởng. Mỹ tin rằng, việc này sẽ gây ra bât lợi và kìm hãm sự phát triển mạnh
mẽ ngành công nghệ chế tạo của Trung Quốc trong những năm qua.
Thứ tư, Trung Quốc đang vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc đã diễn ra cuối thế kỷ XX, xuất phát từ việc sao chép lậu băng đĩa, cho đến nay với sự phát triển
nhanh chóng của Internet và công nghệ số, nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là sự bùng nổ của nạn sao chép phần mềm lậu, ăn cắp thông tin, bí quyết kinh doanh. Theo Reuters đưa tin, các công ty nước ngoài muốn có quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc họ buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung
Quốc trong liên doanh cũng như việc không loại bỏ nạn đánh cắp tài sản trí tuệ là những vấn đề tồn tại dai dẳng đối với nhiều đời tổng thống Mỹ. Ủy ban chống Ăn cắp Sở hữu Trí tuệ Mỹ ước tính trong năm 2015 nước này đã mất 180 - 540 tỷ USD bởi các vụ tấn công mạng, ăn cắp bí mật thương mại, chủ yếu đến từ tin tặc Trung Quốc. Tình trạng ăn cắp bản quyền của Trung Quốc ngày một nghiêm trọng, ngay cả trong các bài phát biểu tranh cử Tổng thống của Donald Trump, ông luôn đề cập đến vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ lấy mất hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD của
đất nước. Điển hình là Huawei, Mỹ nhiều lần cáo buộc rằng hãng này ăn cắp bí mật thương mại của các công ty công nghệ của Mỹ liên quan đến mã nguồn của bộ định tuyến internet, công nghệ anten trạm phát sóng di động, mã nguồn Internet và robot.
Theo Bloomberg, Chính phủ Trung Quốc đưa ra văn bản chỉ đạo tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ tuy nhiên khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước này đang còn rất yếu kém trong bối cảnh chuyển giao công nghệ vẫn tràn lan. Để chấm dứt tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường, Donald Trump ban bố chính sách áp thuế bổ sung lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường quốc.
Thứ năm, Trung Quốc đưa ra những chính sách hạn chế đầu tư nước ngoài. Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc không trao cho các công ty nước ngoài
tiếp cận thị trường nước này một các tương xứng. Một số công ty nước ngoài muốn tiếp cận vào thị trường Trung Quốc không được phép sở hữu 100% cổ phần và phải liên doanh với một đối tác nội địa giữ phần lớn cổ phần của Trung Quốc. Điển hình trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc buộc phải tìm một đối tác nội đại và không được phép sở hữu quá 49% cổ phần trong
liên doanh. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cam kết nới lỏng giới hạn chủ sở hữu cho các hoạt động đầu tư nước ngoài vào nước này, đồng thời thúc đẩy các biện pháp
công bố mở cửa lĩnh vực tài chính, các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc mà không cần phải tìm kiếm một đối tác nội địa giữ phần lớn cổ phần như trước đây. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn tỏ ra hoài
nghi trước lời cam kết trên, bởi Trung Quốc đã từng đưa ra những hứa hẹn về quyền sở hữu trí tuệ khi gia nhập WTO (năm 2001), song vẫn chưa thực thi. Điều này, buộc Mỹ phải mạnh tay xử lấy lại sự tương xứng trong các hoạt động đầu tư và hội nhập.
Thứ sáu, xuất phát từ chính lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt trong kinh tế - thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và thậm chí cả về chính trị. Từ trước đến nay, Mỹ luôn ở ngôi vị thống trị toàn cầu, tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, Mỹ đang đứng trên bờ vực giảm dốc, đặc biệt trên phương diện kinh tế - thương mại. Trong khi đó, một sự nổi lên mạnh mẽ của một đất nước nằm ở phía Bắc của Đông bán cầu - Trung Quốc với những chính sách “Một vành đai, một con đường (Con đường tơ lụa mới)”, “Made in China 2025” nhằm bành trướng thế lực, thống lĩnh bản đồ chính trị thế giới, thay thế ngôi vị bá chủ của Mỹ trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất công nghệ cao, không phụ thuộc vào việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài,
tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, Trung Quốc không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ USD vào chương trình “Made in China 2025” tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ vào
phát triển 10 ngành công nghệ cao gồm tự động hóa & robot, công nghệ thông tin thế
hệ mới, thiết bị hàng không vũ trụ, vận tải công nghệ cao (chủ yếu là đường sắt cao tốc), xe hơi sử dụng năng lượng sạch, tàu thuyền và thiết bị hàng hải công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng mới, thiết bị nông nghiệp, dược phẩm và công nghệ sinh học. Trung Quốc 2025 đặt ra các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được 70% khả năng tự túc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao và đến năm 2049, kỷ niệm một trăm năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc tìm kiếm một vị trí thống lĩnh trong thị trường toàn cầu. Để thực hiện kế hoạch trên, các công ty Trung Quốc, cả tư nhân và nhà nước, được hỗ trợ và khuyến khích từ Chính phủ Trung Quốc đầu tư vào các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty bán dẫn, để có thể tiếp cận với công nghệ tiên tiến bởi trình độ công nghệ Trung Quốc
còn nhiều hạn chế. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như ZTE, Huawei,..tại
Hoa Kỳ được cho là công cụ để Trung Quốc có được bí quyết thương mại, nâng cấp công nghệ cốt lõi thông qua mua bán hoặc sát nhập với các công ty tại Mỹ. Với chính
sách tạo ra “ Một Vành đai, Một con đường (con đường tơ lụa mới)” kết nối Trung Quốc với các châu lục Á - Âu và cả châu Phi bằng đường bộ và đường thủy nối liền các vùng ven biển Đông Nam Á, Ản Độ Dương, Địa Trung Hải và Nam Thái Bình Dương. Với tổng kinh phí lên đến hơn 1.000 tỉ đô la, “Một Vành đai, Một con đường”
là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Theo một số chuyên gia, Bắc Kinh muốn vẽ lại bản đồ thế giới theo tiêu chí của Trung Quốc và phô trương sức mạnh của quốc gia này trong trung hạn. “Con đường Tơ lụa mới” có thể giúp Trung Quốc kiểm soát các nước có tuyến đường chạy qua, nó còn được xem như chiếc mạng nhện được giăng trên nửa địa cầu và chiếc mạng nhện này chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc tự xây và mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Vì thế, đây được xem là mối đe dọa lớn đối với Mỹ, thúc giục Mỹ phải hành động, chiến tranh thương mại xảy ra với mục đích kìm hãm những ảnh hưởng ngày càng tăng lên của Trung Quốc đồng thời đánh vào tham vọng thống trị toàn cầu của nước này.