Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang từng bước thay đổi đất nước ta, từ kinh tế, đến chính trị, xã hội. Định hướng nghề Kiểm toán cũng từng bước đổi thay mở rộng và hội nhập với các Hiệp hội nghề nghiệp như: Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hiệp hội KTV hành nghề Việt Nam (VACPA), các tổ chức kinh tế và đặc biệt là các DNKT. Thành công của các tổ chức, hiệp hội là tiền đề cho sự bùng nổ của ngành Kiểm toán. Song, để có thể bùng nổ và tạo được những dấu ấn riêng biệt, ngành Kiểm toán cần có những bước đổi mới hơn, ví dụ như:
Thứ nhất, các giải pháp thay đổi cần phải phù hợp trong thị trường hội nhập quốc tế hiện nay: Kể từ sau năm 1986 đến nay, nước ta từng bước hội nhập vào các tổ
chức từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, đến Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Đây vừa có thể coi là cơ hội để đất nước ta có thể hội nhập sâu rộng, kết mối liên giao với các cường quốc trên khắp năm châu. Song đây cũng là thách thức để Đảng và Nhà nước ta xây dựng và phát triển các bộ Luật, thông tư, nghị định, tạo một môi trường kinh doanh an toàn, thông thoáng, góp phần giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn. Đồng thời, khiến cho các NĐT nước ngoài đến Việt Nam và đầu tư phát triển kinh doanh, giúp giải quyết các vấn đề về kinh tế, việc làm, an sinh xã hội cho dân cư của nước ta. Trước thềm hội nhập đó, sự chính xác, minh bạch, trung thực khách quan của các thông tin tài chính qua sự kiểm chứng của KTV càng là điều không thể thiếu. Thêm vào đó, kiểm toán còn là một ngành cần cập nhật kiến thức rất thường xuyên, liên tục cho nên việc thay đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường là điều đặc biệt cấp thiết và quan trọng.
Thứ hai, Kiểm toán Việt Nam mới có tuổi ngành khoảng 30 năm. So với Thế
giới, chúng ta có xuất phát điểm chậm hơn rất nhiều. Điều này có thể là yếu điểm nhưng cũng có thể coi như thuận lợi của chúng ta. Bởi lẽ, vì xuất phát muộn nên chúng ta một kho tàng kinh nghiệm và bài học quý báu của các quốc gia đi đầu để kế thừa và áp dụng vào việc xây dựng các chuẩn mực, các hướng dẫn, .. .giúp ta giảm thiểu được thời gian, cũng như chi phí để từng bước hội nhập với Thế giới.
Thứ ba, xây dựng chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam dựa trên chuẩn mực quốc tế nhưng phải điều chỉnh sao cho phù hợp với Việt Nam. Việt Nam là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mỗi một nền kinh tế khác nhau thì những thủ thuật gian lận thực hiện trên đó cũng khác nhau. Tại Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp cũng rất đa dạng, có thể kể đến như Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Cổ phần, Công ty TNHH, Doanh nghiệp Tư nhân,... Đa dạng các loại hình doanh nghiệp cũng khiến cho gian lận biến hóa trở nên phức tạp hơn. Nếu ở các doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn để hoạt động chính là nguồn ngân sách của nhà nước, các hành vi gian lận thường thấy như: Biển thủ, gian lận trong công tác mua sắm trang thiết bị hay trong các công trình, dự án XDCB.Thì tại các doanh nghiệp tư nhân, CTCP các gian lận thường thấy lại là khai khống doanh thu/ chi phí, che giấu công nợ để làm đẹp tình hình tài chính của doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp và trốn nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN. Bởi vậy, khi xây dựng các chuẩn mực, các cơ quan Nhà nước cũng cần phải lưu tâm để các quy định sau khi được ban hành là phù hợp với các đặc điểm của nền kinh tế nước nhà. Từ đó KTV mới có được những định hướng để hoàn thành tốt nhất công việc cũng như trọng trách của mình.