Những thành công và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếng tày nùng trong truyền thông trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 70 - 72)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Những thành công và nguyên nhân

Việc dùng tiếng Tày - Nùng trong truyền thông bước đầu đạt được những thành công nhất định, thực sự là niềm cổ vũ đối với người làm truyền thông, đồng thời củng cố ý thức về việc giữ gìn linh hồn của dân tộc Tày - Nùng.

3.1.1.1.Về sử dụng ngôn ngữ

Ngôn ngữ Tày - Nùng trong các chương trình về cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí của ngôn ngữ truyền thông.

Xét về độ chính xác, chương trình truyền thông bằng tiếng Tày - Nùng đảm bảo phản ánh đúng hiện thực. Bản dịch không bị sai lệch quá nhiều về nghĩa so với bản tiếng Việt.

Xét về tính cụ thể, từ ngữ được dùng trong các bản tin luôn gắn với con người, sự việc, thời gian, không gian cụ thể. Việc dùng các từ mang nhiều nghĩa hay nghĩa mơ hồ bị loại bỏ.

Xét về tính ngắn gọn, như đã đề cập ở chương 2, câu từ được trong diễn ngôn Tày - Nùng khá cô đọng, súc tích nhằm đạt hiệu quả cao trong việc tiếp nhận thông tin. Câu có cấu trúc dài, rườm rà, nghĩa khó hiểu ít được dùng.

Xét về tính đại chúng, phương ngữ Tày - Nùng được chọn làm ngôn ngữ truyền thông mang tính phổ biến, rộng khắp, đại đa số đồng bào nghe, hiểu được, lượng thông tin nắm bắt tương đối nhiều.

Xét về tính khuôn mẫu, từ, câu, ngữ pháp được sử dụng cơ bản hợp lý tùy theo mỗi thể loại chương trình, đáp ứng các yêu cầu chuẩn và không làm mất đi sự giản dị, trong sáng vốn có của tiếng Tày - Nùng.

3.1.1.2. Về việc tạo điều kiện cho người làm truyền thông

Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp bước đầu đã có những đãi ngộ nhất định đối với người làm truyền thông tiếng Tày - Nùng bằng việc chi trả chế độ nhuận bút với hệ số là 0,5 cho người viết kịch bản; 2 cho biên dịch viên và 0,2 cho phát thanh viên.

Ở Thái Nguyên, đội ngũ làm công tác truyền thông được trau dồi, bồi dưỡng nghiệp vụ phát thanh, truyền hình bằng ngôn ngữ DTTS định kỳ. Mới đây nhất, phát thanh viên, biên tập viên chương trình tiếng Tày - Nùng đã tham dự lớp tập huấn tiếng Tày - Nùng trong 3 tháng do Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức.

3.1.1.3. Về đội ngũ làm công tác truyền thông

Đội ngũ làm truyền thông hầu hết đều có trình độ cử nhân chuyên ngành báo chí, xã hội trở lên. Đồng thời, bằng lòng nhiệt huyết với nghề và tinh thần cầu thị, tự bản thân họ luôn tích cực trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất các chương trình dành cho đồng bảo DTTS với Đài PT - TH Bắc Kạn, Cao Bằng về kỹ năng, chuyên môn và việc sử dụng ngôn ngữ Tày - Nùng trên sóng phát thanh để đạt hiệu quả, hiệu lực cao nhất.

Giọng đọc của phát thanh viên với âm lượng vừa phải, tốc độ trung bình, lối nói từ tốn, diễn đạt rành mạch được bà con cho là có sức truyền cảm nhờ vào kỹ năng như cao độ, cường độ, tiết tấu, ngữ điệu.

3.1.1.4. Về nội dung truyền thông

Nhờ mang tính đại chúng nên nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Tày - Nùng đã tác động đến hầu hết đồng bào cư trú ở khắp các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Truyền thông bằng tiếng Tày - Nùng vì vậy đã có sức mạnh đặc biệt trong việc hình thành dư luận rộng khắp.

Bằng tiếng Tày - Nùng, dù còn nhiều từ bắt buộc phải vay mượn tiếng phổ thông nhưng mỗi thông điệp về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật khi phát đi đều được thể hiện một cách hấp dẫn, sinh động, không cứng nhắc, khô khan nên đồng bào dễ dàng đón nhận, lắng nghe, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Từ ngữ trong tin ngắn tổng hợp, phóng sự chính luận phần nào đáp ứng phần nào nhu cầu của người Tày, Nùng về nội dung chương trình. Các tiết mục dân ca Tày, Nùng với ca từ mượt mà, đằm thắm, đậm đà bản sắc dân tộc được bà con đón nhận với tâm thế vô cùng phấn khởi, tự hào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiếng tày nùng trong truyền thông trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)