Phản ánh tín ngưỡng thờ thần biể nở Quảng Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 52 - 57)

7. Đóng góp của đề tài

2.2.4. Phản ánh tín ngưỡng thờ thần biể nở Quảng Ninh

Tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ thần là một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, nơi phản ánh tâm hồn Việt, cũng là một khía cạnh quan trọng để góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với người dân vùng biển, cuộc sống gắn liền với biển khơi, con người đã sớm hình thành ý thức về biển cả. Biển là môi trường để con người sống và lao động, biển cũng là nơi con người gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng. Theo đó, tín ngưỡng thờ thần của vùng biển cũng hướng đến thờ những vị thần của biển cả.

Trong đời sống tâm linh của ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân vùng biển Quảng Ninh nói riêng, tục thờ thánh thần, nhất là thần biển - thuỷ thần có từ lâu đời. Tất cả bắt nguồn từ ước vọng của ngư dân nhằm cầu mong mỗi chuyến đi biển được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Tục thờ thần biển ở Quảng Ninh có nhiều nét khác biệt so với tục thờ thần biển ở nhiều địa phương khác. Ngoài các thần biển mà nhiều nơi thờ cúng như Tứ vị thánh nương, Thủy cung Thánh mẫu… thì những người dân vùng biển Quảng Ninh còn có tục thờ cả những người chết đuối hiển linh: Bà chúa Cua, bà Men, bà Hang. Nơi thờ thần biển thường là ở các đình làng, ở các đền miếu nơi bến sông hoặc ở đầu sông cửa biển, đặc biệt ở các cống kéo thuyền qua đê của các làng.

Trong các địa phương thuộc vùng biển Quảng Ninh, Yên Hưng chính là vùng đất mà tín ngưỡng thờ thần biển biểu hiện rõ nhất. Do đặc trưng của một vùng đất được tạo thành bởi quai đê lấn biển nên cuộc sống của người dân nơi đây gắn chặt với biển. Không chỉ mưu sinh nhờ biển, hàng năm dân cư Yên Hưng còn phải gồng mình chống chọi với những thiên tai do biển tạo ra. Bởi vậy, tín ngưỡng thờ thần biển, thần sông đã trở thành một nét văn hóa độc đáo nơi đây.

Phạm Tử Nghi là một trong những vị thần được nhân dân vùng Hà Nam - Yên Hưng tôn lập đền, miếu nhiều nhất. Có thể nhận thấy như miếu Vu Linh (làng Yên Đông, phường Yên Hải), phối thờ tại đình Quỳnh Biểu (phường Liên Hoà), chùa Lái (phường Liên Vị)… Có nơi như làng Hải Yến (phường Phong Hải), làng Động Linh (xã Minh Thành) tôn Phạm Tử Nghi là thành hoàng làng thờ ở trong đình. Các nơi thờ Phạm Tử Nghi đều tôn ngài là Đức Thánh Niệm hay Linh ứng Đại vương, Đại Hải chi thần. Tại miếu Vu Linh hiện còn các đôi câu đối ca ngợi Phạm Tử Nghi như: Thánh đức linh thiêng, Đông Hải núi sông thiên cổ miếu/ Thần thông chính trực/ xã tắc vững bền bốn mùa hương hay Đức lớn yên dân thiên cổ thịnh/ Công cao hộ quốc vạn niên thường.

Truyền thuyết kể lại rằng “Phạm Tử Nghi là một tướng giỏi của nhà Mạc, đem quân sang đánh đòi lại vùng Quảng Đông (Trung Quốc). Đến khi nhà Mạc đầu hàng nhà Minh, nhà Minh bắt phải nộp Phạm Tử Nghi, bắt mẹ Phạm Tử Nghi để ép Phạm Tử Nghi đầu hàng. Để làm tròn chữ hiếu, Phạm Tử Nghi nộp mình cho nhà Minh và bị nhà Minh chém đầu. Vừa chặt xong, tên đao phủ hộc máu mồm mà chết và cũng vừa khi ấy có một dịch bệnh lan tràn trong dân chúng. Vua Trung Quốc sợ hãi, liền phong Phạm Tử Nghi làm Trạng Nguyên và vội vã làm quan tài bằng đá đặt đầu ông xuống bệ bằng tre cho thả trôi. Đến vùng An Hải, Hải Phòng thì báo mộng cho nhân dân. Dân làng ra sông, quả nhiên vớt được đầu Phạm Tử Nghi, nhưng khiêng mãi không được, phải dùng vải diều làm dây buộc mới khiêng được. Đi đến xã Vĩnh Niệm, An Hải thì gặp một cơn mưa to gió lớn, mọi người không đi được nữa, phải bỏ quách đá ở đây. Sáng hôm sau, người dân thấy mối công thành đượng. Dân làng để nguyên và xây lăng thờ.

Đầu Phạm Tử Nghi khi được vua Minh thả trôi sông thì trôi đến đâu, dân làng lập đền thờ ở đó. Riêng vùng Hà Nam có rất nhiều nơi thờ ông như: làng Hải Yến, làng Niệm, làng Yên Đông...” [47, tr.199]

Với người dân, Phạm Tử Nghi không chỉ là vị tướng, là người anh hùng, với nhiều công lao đóng góp cho xóm làng, cho đất nước mà sau khi ông chết, việc đầu ông trôi đến đâu, dân làng các nơi lập đền thờ ở đó càng khẳng định vị trí quan trọng của ông trong đời sống người dân vùng biển. Phạm Tử Nghi đã trở thành một vị thần biển đầy uy lực và linh thiêng, có sức sống lâu bền trong quần chúng.

Vẫn ở vùng đảo Hà Nam, nhân dân nơi đây còn thờ Tứ vị Thánh Nương. Tứ Vị Thánh Nương, như tên gọi, là để chỉ 4 vị thánh nữ. Bốn vị thánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được thờ ở nhiều nơi của nước ta, nhiều nhất là ở vùng Thanh Hóa và Nghệ An. Ở vùng biển Quảng Ninh, Tứ vị Thánh nương được thờ ở đình Cốc (Hà Nam). Truyền thuyết xưa kể rằng, với mục tiêu xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc để lập nên đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh, năm 1279, quân Nguyên ồ ạt đánh vào Nam Tống (Trung Quốc). Mất nước, hoàng hậu nhà Tống đã cùng 2 công chúa và 1 thị nữ xuống thuyền chạy ra biển. Quân Nguyên đuổi theo. Thuyền của hoàng hậu và công chúa nhà Tống chạy về phương nam, giữa biển chẳng may gặp gió bão, thuyền đắm khiến tất cả tử nạn. Xác cả 4 người trôi dạt đến Kiền Hải - Nghệ An và được lập miếu thờ. “Về sau dân thuyền chài tổng Hà Nam đi đánh cá gặp gió to sóng lớn trôi dạt vào Kiền Hải, dân đi thuyền vào miếu đốt hương, cúng bái để thoát qua tai họa và sau đó xin chân hương về lập miếu thờ tại xã Phong Cốc. Hàng năm bị nắng hạn, dân làng tổ chức lễ cầu mưa rước tứ vị thánh nương từ miếu Phong Cốc về đình để cầu tế và sau đó lại đưa về miếu.” [47, tr.207]. Trong tâm thức dân gian, Tứ vị Thánh nương đều là những vị thần có thể cứu giúp, bảo trợ cho người dân ven biển có cuộc sống no đủ, yên bình.

Tại khu vực Hạ Long có di tích đền bà Men, một ngôi đền nằm trong ranh giới vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long thuộc dãy đảo Đầu Bê, tiếp giáp Vịnh Lan Hạ - Cát Bà (Hải Phòng). Bà Men - thần chủ của đền không có vị thế xã hội như Tứ vị Thánh nương nhưng trong tâm thức của ngư dân trên

Vịnh Hạ Long được tôn là bà chúa. Tương truyền, xưa có một người đàn bà đi biển, gặp gió bão thuyền đắm nên bị chết đuối. Dân chài cảm thương đã vớt xác bà lên chôn cất trên đảo và lập đền thờ. Cũng có tích khác kể rằng: Ngày xưa vào một ngày cuối đông khu vực miền Trung có một nhóm 6 người phụ nữ cùng đi trên một chiếc thuyền ra biển. Đang khi trời yên biển lặng, tự nhiên mặt biển nổi lên một con sóng lớn cuốn cả thuyền và người ra biển, những người phụ nữ này đã thác mất vào giờ thiêng. Xác các bà trôi dạt ra vùng biển Hạ Long - Cát Bà, mỗi người trấn giữ một nơi. Những địa phương có xác trôi dạt vào, dân chài trong vùng tổ chức mai táng và lập miếu thờ. Địa điểm các bà dạt vào ngư dân đều lập miếu thờ gồm các khu vực sau: Khu vực đảo Đầu Bê (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, khu vực Cửa Chúa Chỏn (Xã Hiền Hào, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng), khu vực Bến Gót (Huyện Cát Hải, Hải Phòng), khu vực Gia Luận (xã Gia Luận, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng), khu vực Tay Lai (xã Việt Hải, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải - Hải Phòng) và khu vực Hùng Thắng (phường

Hùng Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh) [48].

Người dân nơi đây tin rằng Bà Men chính là một vị thần biển đã đến vùng đất này để phù trợ cho con cháu. Bởi vậy, mỗi lần ra khơi bám biển, những thuyền nhỏ thuyền to lại ghé qua đền Bà Men để khấn cầu một chuyến ra khơi thuận lợi. Và vào những ngày 19 và 20 tháng giêng hàng năm, ngư dân trên Vịnh Hạ Long và Cát Bà (Hải Phòng) lại tụ về dâng lễ và tổ chức đua thuyền chải giữa các xóm chài rất sôi nổi.

Do đặc điểm cuộc sống của những người dân vùng biển Quảng Ninh là gắn liền với biển, bởi vậy, tín ngưỡng thờ thần biển đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu được ở các địa phương. Trên đảo Quan Lạn - Vân Đồn, người dân thường kể câu chuyện liên quan đến miếu Bà Hang. “Từ xa xưa, việc giao lưu buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra rất thuận tiện. Lúc bấy giờ có một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình buôn thuốc,

đã đi theo thuyền buôn đi lại nhiều lần, giữa hai vùng đất này. Trong một lần giao thương, không may bà bị bọn cướp biển bắt, bị hiếp rồi vứt xác xuống biển. Xác bà trôi dạt vào một hang đá của xã đảo Quan Lạn. Bà báo mộng cho ngư dân biết. dân xã đảo ở đây đã lập mộ và thờ bà trong miếu gọi là miếu Bà Hang. Ngư dân tin rằng oan hồn của bà vẫn phù hộ các chàng trai đi biển. Do đó vào đầu năm trước khi ra biển hay mỗi lần nhổ neo, ngư dân ở một số xóm lẻ thường tập trung về miếu Bà Hang cúng lễ” (Theo lời kể bà Vũ Thị Tươi, ngư dân thôn Hải Yến - Quan Lạn)

Các cụ già thường kể lại rằng, trong lễ hội xưa đàn bà không bao giờ được vào trong miếu, chỉ có đàn ông không mặc gì, cầm một cành lá cây che phần dưới vào làm lễ. Ngày nay hoạt động này đã bị bỏ đi vì yếu tố văn hóa. Mặc dù miếu nhỏ bé, sơ sài nhưng theo dân cư ở đây, miếu rất linh thiêng. Bởi vậy, mỗi khi chuẩn bị ra biển, người dân đều đến miếu này để xin được Bà phù hộ.

Trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, nhất là về các nhân vật được thờ vẫn biết có những tích rất liêu trai. Cho dù các điển tích trên có hư hay thực thì nó đều thể hiện tính nhân văn của người Việt Nam nói chung, ngư dân Hạ Long nói riêng.

Có thể nhận thấy tín ngưỡng thờ thần biển đã ăn sâu vào đời sống tinh thần - tâm linh của người dân vùng biển. Tín ngưỡng thờ thần biển thực chất là sự thể hiện khát vọng hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cầu mong thiên nhiên đem lại nguồn lợi kinh tế và sự bình an cho con người. Niềm tin tín ngưỡng tạo ra sự cân bằng về tinh thần, tâm lý khi người dân lênh đênh trên biển, sẵn sàng đối mặt với phong ba bão táp. Tín ngưỡng thờ thần biển không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh mang tính nhân bản, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, đầy ắp tình người mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng. Bởi đi liền với tín ngưỡng thờ thần là các lễ hội, là dịp để để những cư dân ven biển tập trung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)