Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 69 - 71)

7. Đóng góp của đề tài

2.3.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Tư duy về con người, nhìn nhận đánh giá và giải thích các vấn đề về tự nhiên, xã hội, con người trong buổi đầu hình thành, đó là vai trò của văn học dân gian. Để lí giải tất cả những điều ấy, các tác giả văn học dân gian đã gửi gắm thông qua việc xây dựng hình tượng các nhân vật. Đó có thể là nhân vật sử thi, nhân vật truyền thuyết, nhân vật trữ tình trong ca dao, nhân vật trong truyện cười…

Hệ thống nhân vật trong truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh khá đa dạng, về cơ bản được xây dựng giống như các nhân vật trong truyện kể dân gian nói chung. Nhân vật trong thần thoại vẫn là những vị thần sinh ra để giải thích nguồn gốc sự hình thành của vạn vật, đất trời. Nhân vật trong truyền thuyết mang dấu tích lịch sử, có thể là những anh hùng văn hóa, những anh hùng lịch sử. Nhân vật trong truyện cổ tích khá đời thường, mang tính hiện thực rõ rệt hơn so với nhân vật thần thoại và truyền thuyết. Tuy nhiên, hầu hết các nhân vật trong truyện kể đều mang trong mình những niềm tự hào của người dân vùng biển. Đó có thể là những nhân vật huyền thoại đã có công chinh phục vùng biển Quảng Ninh nhưng Rồng trắng trong Truyền thuyết Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, sự tích Đảo Trà Cổ, ông Khổng Lồ trong thần thoại Ông khổng lồ gánh đá định lấp biển. Đó có thể là những nhân vật lịch sử có công bảo vệ vùng biển Quảng Ninh như bà hàng nước trong truyền thuyết Vua Bà, bà Men trong truyền thuyết bà Men, Phạm Tử Nghi trong

truyền thuyết Phạm Tử Nghi. Cũng có thể là những nhân vật có công kiến tạo nên vùng biển quê hương, hình thành nên những mảnh đất mang trong mình vị mặn mòi của biển như Truyền thuyết các vị tiên công, sự tích Đình Trà Cổ, truyền thuyết bà chúa Ngóe… Các nhân vật trong truyện kể dân gian Quảng Ninh cũng có thể là những nhân vật rất thật, được miêu tả hoàn toàn bằng yếu tố hiện thực bà hàng nước, các vị tiên công, ba anh em họ Phạm, cũng có thể là những nhân vật được hình tượng hóa bằng các yếu tố kì ảo như nàng Mây - Hoàng Tử Rồng, Ả Đào, bà chúa Cua...

Xây dựng các nhân vật trong truyện cổ, người dân Quảng Ninh xưa gửi gắm vào đó niềm tự hào về mảnh đất quê hương, sự biết ơn ca ngợi những người có công lao trong việc khai phá, mở mang và hình thành những cộng đồng dân cư mới, sự trân trọng, tôn vinh những người anh hùng đã bảo vệ, giữ gìn đất nước trước họa ngoại xâm.

Tiểu kết chương 2

Như vậy, thông qua khảo sát, nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng các truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh đã phản ánh đậm nét và vô cùng phong phú hầu hết mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như con người trong quá trình lịch sử. Đó là những cuộc đấu tranh bảo vệ vùng đất quê hương, những cuộc di dân để mở mang, khai khẩn những vùng đất mới, là những người anh hùng có công lao to lớn trong hành trình xây dựng, giữ gìn những phong tục, tập quán.

Bên cạnh những nét chung phổ biến, tương đồng với truyện kể dân gian cả nước, truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh vẫn mang những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên dấu ấn độc đáo, không lẫn trong kho tàng truyện cổ. Nghiên cứu về những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh một lần nữa khẳng định tình yêu, niềm tự hào của những người dân vùng biển về kho tàng văn học dân gian độc đáo, thú vị này.

Chương 3

TỪ TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN ĐẾN LỄ HỘI VÙNG BIỂN QUẢNG NINH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 69 - 71)