Khái niệm Lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 71 - 73)

7. Đóng góp của đề tài

3.1.1. Khái niệm Lễ hội

Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, bắt nguồn và phát triển từ thực tiễn hoạt động của đời sống xã hội, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cộng đồng, là “tấm gương” phản chiếu khá trung thực đời sống văn hoá của mỗi dân tộc. Lễ hội chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, đặc biệt là tính cộng đồng làng xã- vun đắp, nâng đỡ tinh thần cho từng cá nhân.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thống lễ hội không hề bị mai một, ngược lại ngày càng trở nên có ý nghĩa, trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của nhân dân. Lễ hội ra đời, tồn tại gắn với quá trình phát triển của nhiều tộc người nói chung và làng xã người Việt nói riêng, nó phản ánh nhiều giá trị trong đời sống kinh tế- xã hội, văn hóa, đặc biệt là tính liên kết trong cộng đồng. Chính giá trị ấy là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho lễ hội có sức sống lâu bền, tồn tại với lịch sử của các cộng đồng làng xã cho đến hôm nay.

Trong “Từ điển hội lễ Việt Nam” của Bùi Thiết thì “Lễ được hiểu là các hoạt động đã đạt đến trình độ lễ nghi” [53, tr.5]. Còn trong công trình Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam, tác giả Hoàng Lương kết luận “Đối với các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung và ở miền bắc nói riêng, lễ được thực hiện chủ yếu liên quan đến việc cầu mùa, "người an, vật thịnh". Có thể nói, Lễ là phần đạo, phần tâm linh của cộng đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng của mọi thành viên trong cộng đồng” [35, tr.35].

Lễ hay nghi lễ là những nghi thức được con người tiến hành theo những quy tắc, luật tục nhất định mang tính biểu trưng nhằm đánh dấu hoặc kỉ niệm một sự kiện, một nhân vật nào đó với mục đích cảm tạ, tôn vinh. Đặc biệt thông qua nghi lễ, con người gửi vào đó niềm tin đến những đối tượng thờ cúng, bộc lộ mong muốn về những điều tốt lành, may mắn. Dưới góc độ nào đó, có thể coi Lễ như một “bức thông điệp” của hiện tại gửi quá khứ, là hoạt động biểu trưng của thế giới hiện thực gửi thế giới siêu hình.

Trong tiếng Việt, Hội là danh từ để chỉ sự tập hợp một số cá nhân vào trong một tổ chức nào đó, tồn tại trong một không gian và thời gian cụ thể. Tác giả Bùi Thiết quan niệm “Hội là các hoạt động lễ nghi đã phát triển đến mức cao hơn, có các hoạt động văn hoá truyền thống” [53, tr.5]. Đôi khi Hội chỉ sự liên kết giữa các cá nhân, tổ chức có chung mục đích hoặc các mục đích gần giống nhau. Hội còn được coi là một cuộc vui được tổ chức cho đông đảo người đến dự theo phong tục tập quán, hay phong trào, trào lưu ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển xã hội. Đặc điểm cơ bản, xuyên suốt của hội (trong lễ hội) là có sự tham gia của đông người và trong hội người ta được vui chơi thoải mái. Bởi vậy, hội bao giờ cũng mang tính chất cộng đồng. Tổ chức hội là tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, đem lại tiếng cười, sự vui vẻ, náo nhiệt cho các đối tượng tham gia. Mỗi một địa phương khác nhau có thể có những các thức tổ chức khác nhau, tùy theo phong tục tập quán của địa phương đó. Bởi vậy, đến với hội là đến với kho tàng di sản văn hoá đặc sắc của địa phương và dân tộc.

Từ khái niệm Lễ và Hội, các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra những quan niệm, cách hiểu về lễ hội. Vẫn trong Từ điển Hội lễ, Bùi Thiết cho rằng: “Hội lễ là cách gọi cô đọng nhằm để chỉ toàn bộ các hoạt động tinh thần và ứng xử, phản ánh những tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, những hội hè đình đám của một cộng đồng làng xã nhất định [53, tr.5]. Các tác giả trong Từ điển Bách khoa Việt Nam đưa quan niệm: “Lễ hội là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kinh của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân

Như vậy, có thể thấy rằng, các tác giả trên đã đưa ra những quan niệm khá tương đối và toàn diện trong cách hiểu hai từ Lễ hội. Phải hiểu rằng, lễ hội là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, bởi vì đây là hoạt động văn hoá của tập thể, thuộc về tập thể, do tập thể tổ chức. Dù ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào lễ hội cũng phải do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành. Chính họ là những người sáng tạo chân chính những giá trị bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu. Họ là chủ nhân, đồng thời là người đánh giá, thẩm nhận và hưởng thụ những thành quả sáng tạo văn hoá ấy. Không bao giờ lễ hội chỉ thuộc về một nhóm người nào đó trong xã hội. Bởi không có đông người tham dự thì sẽ không thành hội. Tổ chức lễ hội là để nhắc lại một sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại; đồng thời là dịp để biểu hiện cách ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, thần thánh và con người trong xã hội. “Là môi trường nhập thân và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, không những đảm bảo sự thông cảm văn hóa của cộng đồng mà còn gìn giữ nhất quán, thống nhất văn hóa cộng động giữa các thế hệ già và trẻ.” [49, tr.129]. Có thể khẳng định lễ hội là tài nguyên nhân văn quý giá, là quốc hồn, quốc túy của mỗi dân tộc. Bởi vậy, mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi con người đều có ý thức bảo tồn những giá trị truyền thống đặc sắc và có ý nghĩa đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng biển quảng ninh (Trang 71 - 73)