Giá trị hợp lý được sử dụng để đánh giá và ghi nhận ban đầu. Đây là cách sử dụng khá phổ biến trong các Chuẩn mực và Chế độ Kế toán Việt Nam hiện hành. Cụ thể như sau :
- Trong đa số các trường hợp, tài sản của doanh nghiệp được ghi nhận theo chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có quyền sở hữu tài sản đó. Trường hợp này thường được gọi là ghi nhận theo giá gốc. Ví dụ như: Nhà xưởng, máy móc, thiết bị; Bất động sản đầu tư; Tài sản thuê tài chính, các khoản đầu tư tài chính, các khoản công nợ phải thu,…Với trường hợp này, giá gốc được coi là giá trị hợp lý xác định theo phương pháp chi phí.
- Đối với một số tài sản mang đi góp vốn, đơn vị nhận góp vốn cũng tiến hành ghi nhận giá trị tài sản ban đầu theo giá trị hợp lý tại thời điểm nhận tài sản.
- Trong trường hợp hợp nhất kinh doanh, kế toán được qui định áp dụng theo phương pháp mua, trong đó, điều quan trọng là xác định được giá phí hợp nhất kinh doanh. Giá phí hợp nhất kinh doanh là giá trị hợp lý của toàn bộ tài sản, các khoản nợ, các công cụ vốn mà doanh nghiệp mua đã trả và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc hợp nhất kinh doanh.
- Trong trường hợp bàn giao tài sản của Nhà nước thì đơn vị nhận bàn giao ghi nhận giá trị tài sản theo giá gốc bàn giao. Giá gốc trường hợp này không được coi là giá trị hợp lý mà nó chính là giá trên sổ kế toán của đơn vị bàn giao.
- Trường hợp nhà đầu tư được nhận cổ phiếu do công ty cổ phần tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu: Khi nhà đầu tư được nhận thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không
ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần. Trường hợp này, không có việc xác định giá trị nào được áp dụng để ghi nhận khoản giá trị cổ phiếu này.