Ghi nhận chênh lệch phát sinh do sự biến động của giá trị hợp lý. Các khoản chênh lệch phát sinh do sự thay đổi giá trị hợp lý giữa các thời điểm báo cáo có thể được xử lý theo các phương án:
- Ghi nhận là thu nhập, chi phí trong báo cáo lãi, lỗ (Ví dụ: Tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý qua báo cáo lãi lỗ, bất động sản đầu tư, tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp).
- Ghi nhận điều chỉnh chỉ tiêu thuộc nguồn vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán (Tài sản tài chính nắm giữ để bán).
- Ngoài ra, các khoản chênh lệch giá đánh giá lại được tính trên cơ sở giá trị hợp lý (áp dụng với nhà xưởng máy móc thiết bị, tài sản vô hình) được xử lý theo nguyên tắc:
o Chênh lệch giá trị đánh giá lại của tài sản giảm (Do giá trị hợp lý giảm) được ghi nhận là chi phí trên báo cáo lãi, lỗ hoặc ghi giảm vốn chủ sở hữu nếu trước đó có phát sinh chênh lệch giá lại tăng đã được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu.
o Chênh lệch giá đánh giá lại của tài sản tăng (Do giá trị hợp lý tăng) được ghi nhận tăng vốn chủ sở hữu hoặc ghi nhận vào thu nhập nếu trước đó có phát sinh chênh lệch giá đánh giá lại giảm đã được ghi nhận vào chi phí trên báo cáo lãi, lỗ.
Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng giá trị hợp lý trong đánh giá và ghi nhận tài sản, nợ phải trả được quy định trong các chuẩn mực kế toán quốc tế đều kèm theo điều kiện nhất định, đặc biệt là điều kiện về sự tồn tại của thị trường hoạt động của tài sản, nợ phải trả và doanh nghiệp có thể thu thập được thông tin từ thị trường một cách đáng tin cậy để áp dụng các phương pháp kỹ thuật xác định giá trị hợp lý. Vì vậy,
việc sử dụng giá trị hợp lý trong đo lường và ghi nhận tài sản và nợ phải trả thường được xác định là một mô hình mà đơn vị báo cáo có thể lựa chọn. Bên cạnh đó các chuẩn mực còn quy định các mô hình định giá và ghi nhận thay thế như mô hình ghi nhận theo giá gốc hoặc mô hình ghi nhận theo giá gốc được phân bổ.
Trên đây là tóm tắt các qui định về kế toán giá trị hợp lý theo các Chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. Các chuẩn mực riêng biệt đòi hỏi nhiều thước đo giá trị hợp lý. Sự khác nhau trong các hướng dẫn tạo nên sự mâu thuẫn và thêm vào sự phức tạp trong việc áp dụng các nguyên tắc kế toán chung được chấp nhận. Để tăng tính thống nhất và khả năng so sánh trong các qui định về thước đo giá trị hợp lý và mở rộng các qui định về thước đo giá trị hợp lý, tháng 9 năm 2006, Ủy ban Chuẩn mực kế toán tài chính đã ban hành Chuẩn mực kế toán tài chính số 157 - Đo lường giá trị hợp lý và các sửa đổi bổ sung sau đó. Ngày 01/01/2013, Chuẩn mực Lập và Trình bày báo cáo tài chính số 13 - Đo lường giá trị hợp lý có hiệu lực thi hành. Nội dung cơ bản của chuẩn mực này được trình bày dưới đây.