Đặc thù nền kinh thế Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Một số giải pháp hoàn thiện các qui định về sử dụng giá trị hợp lý trong chế độ kế toán doanh nghiệp việt nam hiện nay (Trang 71 - 75)

- Tài sản cố định Có thể lựa chọn một trong hai phương pháp: Phương pháp giá

3.1.1.Đặc thù nền kinh thế Việt Nam hiện nay

Hiện nay, nền kinh tế nước ta phát triển theo hướng từ một nước nông nghiệp lạc hậu chuyển sang một nước có nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay vẫn còn mang nặng đặc điểm của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ. Tính quá độ thể hiện ở chỗ, trong nền kinh tế bao gồm nhiều loại hình sản xuất hàng hóa đan xen nhau: sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa và sản xuất hàng hóa nhỏ... Mỗi kiểu sản xuất hàng hóa có những nét đặc thù về bản chất kinh tế - xã hội và trình độ phát triển, nhưng đều là những bộ phận khác nhau của nền kinh tế thống nhất, hình thành và chịu sự chi phối của một thị trường xã hội thống nhất với các quan hệ cung - cầu, giá cả chung, một đồng tiền chung... Bởi vậy, chúng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau, bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu và quyền thu nhập hợp pháp. Nhưng các kiểu sản xuất hàng hóa này không còn giữ nguyên bản chất, vì nó mang tính chất quá độ. Nhân tố kinh tế và quan hệ kinh tế trong sản xuất hàng hóa của mỗi thành phần kinh tế đều đã xuất hiện những cái mới. Ví dụ: trong sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa đã có những nhân tố kinh tế của kinh tế nhà nước như điện, nước, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc... và đã có những quan hệ kinh tế với các thành phần kinh tế khác, chịu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường quá độ, sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo, định hướng đối với các kiểu sản xuất hàng hóa khác.

Kinh tế thị trường ở nước ta còn ở trình độ kém phát triển. Nó biểu hiện ở chỗ số lượng mặt hàng và chủng loại hàng hóa nghèo nàn, khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và kim ngạch xuất nhập khẩu còn nhỏ, chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa cao, chất lượng hàng hóa thấp, quy mô và dung lượng thị trường hạn hẹp. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa trên thị trường trong nước

cũng như thị trường nước ngoài còn rất yếu; đội ngũ các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi còn ít, thu nhập của người lao động còn thấp, do đó sức mua còn hạn chế; nhiều loại thị trường còn ở trình độ thấp như thị trường vốn, thị trường sức lao động... Trình độ phát triển thấp của sản xuất hàng hóa bắt nguồn từ trình độ thấp của lực lượng sản xuất, từ tính chất sản xuất nhỏ của nền kinh tế, từ trình độ phân công lao động xã hội kém phát triển, từ sự kém phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, lao động thủ công còn chiếm tỷ trọng lớn, ...

Nghiên cứu cụ thể hơn, nền kinh tế Việt Nam có một số đặc thù mà từ đó nếu muốn đưa việc áp dụng các mô hình và giải pháp kinh tế như tại các nước phát triển để giải quyết sẽ khó đạt được hiệu quả. Cụ thể như sau:

(1) Số liệu thống kê khó chính xác: Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, rất nhiều số liệu kinh tế không thể đo lường và Việt Nam cũng là nước đang phát triển nên các công cụ đo lường, thống kê nền kinh tế còn thiếu, các chế độ thông tin, báo cáo còn nhiều sơ hở và chưa minh bạch, công tác kiểm tra giám sát tính trung thực của các báo cáo cũng đang ở mức độ thấp. Do vậy, rất khó có thể có được một số liệu thống kê đáng tin cậy để đưa ra các quyết sách về kinh tế.

(2) Phá giá VND không làm giảm nhập siêu: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa và nguyên vật liệu do trong nước không sản xuất được. Khi phá giá VND thì theo lý thuyết kinh tế sẽ giảm nhập siêu (hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập khẩu). Tuy nhiên, trên thực tế VND liên tục phá giá nhưng nhập siêu của Việt Nam vẫn không hề giảm mà thậm chí còn tăng lên. Khi phá giá VND, nhập khẩu vẫn không giảm do hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước không thể sản xuất được, vẫn phải nhập theo giá của nước ngoài. Còn xuất khẩu cũng không rẻ hơn và cạnh tranh hơn vì giá nguyên liệu đầu vào không giảm nên giá xuất khẩu cũng không giảm. Một số hàng hóa và nguyên vật liệu thô trong nước có thể sản xuất được thì giá trị lại không cao nên dù có tăng cường xuất khẩu thì tỷ trọng cũng không đáng kể.

(3) Thắt chặt tiền tệ không làm giảm lạm phát: Thông thường muốn chống lạm phát thì một trong những giải pháp phổ biến là áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng tại Việt Nam, giải pháp này dường như không hiệu quả. Khi thắt chặt tiền tệ, thông thường người ta nâng lãi suất ngân hàng, lượng tiền của dân sẽ tăng

cường gửi vào ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hạn chế vay, lượng tiền lưu thông hạn chế hơn có tác dụng làm giảm giá hàng hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam kể cả khi lãi suất huy động tăng cao thậm chí có khi lên tới 20%/năm nhưng tâm lý gửi tiền của người dân vẫn rất ngắn hạn và có thể rút ra khỏi ngân hàng bất cứ lúc nào, các doanh nghiệp tuy có giảm nhu cầu vay vốn nhưng không giảm được nhiều vì doanh nghiệp buộc phải duy trì hoạt động. Cầu về hàng hóa của người dân cũng giảm không đáng kể vì cầu lớn nhất về hàng hóa vẫn là những hàng hóa thiết yếu không thể giảm mạnh hơn khi thắt chặt tiện tệ. Ngược lại, việc nâng lãi suất lại gây một tác dụng làm đẩy chi phí sản xuất và có thể gây ra đình đốn sản xuất, lượng hàng hóa sản xuất ra thiết hụt lại càng đẩy lạm phát lên cao. Ngoài ra, lạm phát do tâm lý tại Việt Nam rất lớn, cứ mỗi lần tăng giá năng lượng là một lần tất cả hàng hóa cơ bản khác lại tăng theo. Mặt khác, giá cả hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá cả hàng hóa thế giới do rất nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu trong nước không sản xuất được, nên chính sách thắt chặt tiền tệ chưa chắc đã làm giảm lạm phát.

(4) Doanh nghiệp hoạt động kém nhưng khó phá sản: Ngoài việc môi trường pháp lý chưa thực sự rõ ràng và thuận lợi cho việc sáp nhập, giải thể và phá sản doanh nghiệp thì một phần do văn hóa kinh doanh của người Việt rất sợ phá sản nên nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn cứ duy trì để tồn tại nhưng hoạt động lay lắt, tình trạng kém hiệu quả kéo dài triền miên, việc cải tổ và đổi mới cũng khó thực hiện. Khi nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả như vậy, tuy không tạo ra sự sụp đổ hàng loạt nhưng lại tạo sự một sự ì ạch rất lớn cho sự phát triển nền kinh tế.

(5) Vấn đề trái ngược qui luật chưa từng thấy: Tại thời điểm cuối tháng 04 năm 2012, tình hình kinh tế của đất nước đang có các vấn đề được coi là rất "nóng" như: Chỉ số lạm phát giảm thấp. Đây không phải hoàn toàn là do chính sách thắt chặt tiền tệ, nguyên nhân giảm lạm phát thực tế lại do sản xuất đình đốn, kinh doanh gặp khó khăn,doanh nghiệp sức cùng lực cạn khả năng tiếp cận vốn không còn. Do vậy, chi đầu tư và tiêu dùng đã giảm xuống đáng kể. Có thể nói chính sách thắt chặt tín dụng và kiềm chế lạm phát đã gây tác dụng "kép" và hiện tại nền kinh tế đang suy giảm mạnh theo quy luật tự nhiên đó là: Sản xuất đình đốn - tiêu dùng giảm

mạnh, doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tăng cao và người tiêu dùng không có tiền để chi tiêu.

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân giảm lạm phát hoàn toàn không như mong đợi mà vấn đề nhìn thấy là lạm phát có thể trở lại bất cứ lúc nào vì các nguyên nhân gây lạm phát hiện còn nguy cơ cao vào cuối năm 2012, đầu năm 2013 do còn có những yếu tố gây áp lực của mục tiêu tăng trưởng.

Trong 4 tháng đầu năm 2012, cân thanh toán nhìn thấy có cải thiện như cán cân thương mại, nhập siêu giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (0,2 tỷ USD so với 4,83 tỷ USD), tỷ lệ xuất khẩu cũng giảm (1,2% so với 17,7%). Tỷ lệ xuất khẩu giảm ít hơn tỷ lệ nhập khẩu. Điều này không có nghĩa là kinh tế hàng hóa trong nước phát triển mà vấn đề khả năng sử dụng nguyện vật liệu nhập cho sản xuất giảm - vì sản xuất đình trệ, còn hàng nhập khẩu cho tiêu dùng thì không bán được do người tiêu dùng không có tiền để chi tiêu.

Một đặc trưng hiếm thấy từ trước tới nay là người dân, doanh nghiệp dường như đang thờ ơ với việc tăng giá của các mặt hàng chủ chốt "xăng, điện " không như trước đây, có tình trạng các mặt hàng khác lên giá theo giá điện, xăng. Nếu giá cả các mặt hàng khác tăng cao thì người tiêu dùng sẽ tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu dẫn đến các mặt hàng đó không bán được, hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao. Có rất nhiều doanh nghiệp bán các mặt hàng thiết yếu như: xà phòng, dầu ăn, mắm..., mặc dù giá xăng, điện tăng cao, nhưng không những không dám tăng giá mà còn áp dụng chính sách giảm giá hàng hóa với hy vọng giải phóng được lượng hàng tồn kho. Thế nhưng hàng vẫn không bán được do người tiêu dùng không có tiền để mua.

Như vậy, suy giảm tăng trưởng đã được thể hiện qua con số tăng dần theo cấp số nhân, các doanh nghiệp ngừng sản xuất, làm thủ tục phá sản, ngừng nộp thuế... dẫn đến thu ngân sách nhà nước giảm dần đều theo thời gian. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế xuất phát từ những nguyên nhân bất ổn của nền kinh tế không được giải quyết và chưa biết đến khi nào bức tranh này sẽ tươi sáng hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/04/2012 thì: Qua khảo sát 319 doanh nghiệp nhà nước, 7.343 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 711 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cho thấy, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động

chiếm 91,6%; số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm gần 4,3%. Loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 9,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 2,7%, thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2,6%.

Trong sáu yếu tố cản trở lớn nhất hoạt động của các doanh nghiệp, thì lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở hàng đầu (chiếm 27,5%, hiện có tới 70% doanh nghiệp đang phải vay với lãi suất hơn 17%/năm, thậm chí có tới 15,7% doanh nghiệp đang vay với lãi suất hơn 20%); lạm phát cao và biến động thất thường là cản trở thứ hai (19,2%); tiếp đến là khó khăn tiếp cận vốn vay (17,5%); chi phí vận tải cao, cung ứng điện và chính sách điều hành kinh tế không ổn định. Trong số 706 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có 69,4% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,4% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 15,1% không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% khó khăn về địa điểm sản xuất; 4,4% doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề và 4,7% do sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Tất cả các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nêu trên có một ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách kinh tế đưa ra. Kế toán là một trong những công cụ quan trọng giúp điều hành nền kinh tế. Áp dụng các chính sách kế toán như thế nào cũng không nằm ngoài qui luật này. Chính sách kế toán phải làm cho nền kinh tế ngày càng minh bạch hơn và phát triển hơn. Vấn đề đặt ra là với nền kinh tế như hiện nay, Việt Nam có cần thiết phải bổ sung áp dụng phương pháp kế toán theo giá trị hợp lý hay không? Các phân tích dưới đây sẽ làm rõ câu hỏi này.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp hoàn thiện các qui định về sử dụng giá trị hợp lý trong chế độ kế toán doanh nghiệp việt nam hiện nay (Trang 71 - 75)