Quê hương xứ Mường với vẻ đẹp đầy huyền tích, huyền thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 37 - 42)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Quê hương xứ Mường với vẻ đẹp đầy huyền tích, huyền thoại

Là người con gắn bó máu thịt với quê hương miền núi, Bùi Thị Tuyết Mai luôn yêu mến, tự hào về quê hương xứ Mường của mình. Cho dù thời gian qua đi, trải qua bao biến cố trong cuộc sống, thì chị vẫn dành cho quê hương yêu dấu bằng tình cảm thiết tha nhất. Trong các bài thơ của chị luôn thấp thoáng hình ảnh núi non xanh biếc, những nếp nhà sàn, những thửa ruộng, nương ngô, con suối, cọn nước, những tiếng mõ trâu lốc cốc: Đã thấy/ Những/ Mảnh/ Ruộng/ Bậc/ Thang/ Những con đường/ Mòn mõ trâu (Trở về);Ai về/ Quê trong nếp nhà sàn/ Khói vỗ/ Như mèo ru (Chiều nay ai về); Mời anh về mùa hội Mường em/ Rau cải đắng trên đồi biêng biếc/ Chiều đổ sương thơm lựng cá đồ (Mời anh). Đây con suối Mường Thàng/ Đôi bờ thơm nương rẫy (Cho con tắm nước Mường

Thàng).

Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, với màu xanh mơn mởn của ruộng lúa, nương ngô, của đồi rau cải đắng; những mái nhà sàn thoáng đãng ẩn hiện trong màu xanh của không gian của núi rừng thơ mộng, những chiều

sương huyền ảo, thơ mộng ... Nơi đó đã nuôi dưỡng một tâm hồn thơ, đã cho chị một trái tim nhạy cảm, dễ rung động trước cuộc đời. Thiên nhiên trong thơ chị dường như đẹp hơn, gần gũi nhưng cũng lung linh, huyền ảo hơn: Xứ mây/ Tôi với người buộc/ Có trời/ Trời cao cao/ Tôi cũng cao cao/ Trời với tôi biết nhau lâu rồi/ Trời cũng bình thường thôi (Người xứ mây). Trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thân thương ấy thì con người hiện lên thật đẹp, thật dũng mãnh:

Người Mường trong leo núi như mặt trời/ Đeo kiếm lên nương như cây núc nác/

Đổ khói đổ sương vành khăn piêu đung đưa trăng mùa lũ/ Bám độc mộc xuôi về như con ốc con cua (Mường trong) ...

Với chị thì núi đá không chỉ là người bạn, là nơi che chở, đùm bọc con người, mà nó còn là nơi để người dân dựa vào đó để mà sinh sống. Vì vậy niềm thương nỗi nhớ đối với quê hương miền núi bao giờ cũng bắt đầu là hình ảnh của núi đồi trùng điệp, của nương rẫy, của những ngọt ngào hương nếp xôi:

Những mảnh nương hiền lành/ Đếm đủ khói sương mùa giáp hạt/ Chân đất cùng tôi chạy quanh mùa gặt/ Áo nâu cùng bà thơm ngọt nếp sôi (Nương quê tôi).

Niềm thương nỗi nhớ quê hương miền núi còn thể hiện ở những hình ảnh của những cọn nước thong thả nhịp chày giã gạo. Cọn nước là chứng nhân của nền văn minh lúa nước; cọn nước còn là hơi thở, bóng dáng của Mường, thấp thoáng tâm hồn, tình cảm và sự chịu thương chịu khó, tính cần cù nhẫn nại của người vùng cao; Bên chiếc cọn thân thương, là những mối tình đơm hoa kết trái của những đôi lứa yêu nhau sau những đêm trăng hẹn hò; Cọn cũng là mối thắt khẳng định tình đoàn kết thắm thiết của bản trên, làng dưới. Mỗi khi mùa vụ đến, người dân lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về. Vì thế, đứng trước cọn nước, trong lòng không khỏi xao xuyến: Những mảnh nương quê tôi/ Mùa gieo/

Rực rỡ son môi/ Thong thả chày đôi ngọn nước (Nương quê tôi).

Nếu như nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa- một nhà thơ Tày luôn viết về nỗi nhớ quê hương (Yên Thịnh- Bắc Kạn) với bao nỗi niềm, khao khát được quay

trở về với tuổi thơ: Thèm trở lại ngày xanh thời xưa ấy/ Tôi đi tìm trầm tích tuổi thơ tôi/ Khi nuối tiếc lật tìm trang quá khứ/ Vẫn ngọt ngào, cháy bỏng mãi khôn nguôi (Tìm lại tuổi thơ); Hay nhà thơ Đoàn Ngọc Minh- một cây bút nữ dân tộc Tày viết về quê hương Cao Bằng với tình cảm tha thiết, tự hào: Cho ta mơ về Pắc Bó/ Vấn vương một bóng áo chàm/ Tiếng chày nhịp nhàng giã gạo/ Quen rồi bỗng nhớ mang mang(Tiếng bọng), thì trong thơ của Bùi Thị Tuyết Mai- điều làm chúng ta ấn tượng nhất chính là sự hoài niệm về quê hương miền núi vùng Tây Bắc đầy dấu yêu của mình. Tuy được sinh ra ở miền núi cao nhưng chị đã sớm rời quê để đến với phố phường. Đọc thơ chị ta thấy dưng dưng một nỗi đau, nỗi nhớ mong khôn nguôi về quê hương với bao tâm trạng và nỗi niềm da diết: Đau như người xa xứ/ Đêm mùa đông này/ Bóng chiếc lá già nua khẽ nở/ Tịnh không một tiếng chuông chùa (Ban đêm); Mùa em xa Mường/ Bước chân như con nai nhỏ/ Mùa em xa Mường/ Đêm cựa mình nhớ lời ru của mẹ (Mùa em).Chính vì vậy, chị đã bao lần khao khát được quay trở lại với quê hương, với những kí ức ngọt ngào, cùng những sản vật đặc trưng của dân tộc mình: Tôi mơ giữa căn nhà có đệm bông lau/ Có bếp nhà sàn mùa đông ấm sực/ Gác bếp treo lủng lẳng những tảng thịt thú rừng khô/ đã đen kịt bồ hóng lâu ngày (Tôi mơ

giũa căn nhà cha mẹ); Hát đi anh, hát lên nào/ Hát cho Pố Mế biết anh cũng

vùng cao/ Có mái nhà khum khum hình mai rùa/ Trước nhà trồng cau phía sau trồng mít (Mời hát).

Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền. Việc dựng nhà sàn được thể hiện ở bản mo nổi tiếng của họ là "Te tấc te đác" (Đẻ đất đẻ nước). Trong bản mo đồ sộ này có đoạn nói về sự tích của nhà sàn người Mường. Mo rằng: “Khi người Mường sinh ra nhà chưa có nên phải sống trong các hang núi, hốc cây, họ phải đối mặt với nhiều thiên tai hiểm hoạ. Một hôm, ông Đá Cần (còn gọi là lang Cun Cần) bắt được một con rùa đen trong rừng đang định đem ra làm thịt. Rùa van xin Đá Cần tha chết và hứa nếu được thả thì rùa sẽ dạy cho ông cách làm nhà để ở, làm kho để lúa để thịt: Bốn chân tôi làm nên cột cái/

Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui/ Nhìn qua đuôi làm trái/ Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ/ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài/ Muốn làm mái thì trông vào mai/ Vào rừng mà lấy tranh, lấy nứa làm vách/ Lấy chạc vớt mà buộc kèo (Đẻ đất đẻ nước).

Và trong lần dựng nhà đầu tiên nhà bị đổ. Ông Đá Cần đã doạ làm thịt rùa. Rùa lại dặn lấy gỗ tốt để mà làm cột, làm kèo… kể từ đó, người Mường đã biết cách làm nhà sàn để ở.

Ngoài ra, Đẻ đất đẻ nước còn là bộ sử thi lớn, kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời xa xưa, thể hiện quan niệm của người Mường về sự hình thành trời đất và thế giới. Cũng như các dân tộc khác, để lý giải về nguồn gốc của dân tộc mình, trong dân gian người Mường ở Hòa Bình vẫn còn giữ truyền thuyết kể những huyền thoại về sự xuất hiện của dân tộc bằng những áng Mo: “Thuở xưa, khi con người chưa xuất hiện, trời làm hạn hán, khô khan, cây cối khô mà chết, rồi trời lại mưa. Một trận mưa to chưa từng thấy. Nước chảy thành suối thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò thành đống, thành đồi thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si. Cây si lớn như thổi trở thành một cây cổ thụ, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Cái ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Cái Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Cái Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh’’ (Đẻ đất đẻ nước).

Như vậy, có thể thấy rõ quê hương xứ Mường còn mang vẻ đẹp gắn với những huyền tích, huyền thoại, gắn liền với bộ sử thi nổi tiếng "Te tấc te đác"

(Đẻ đất đẻ nước), gắn liền với câu hát Mường: Mường ta/ nơi Đẻ đất Đẻ nước/

Bùi Thị Tuyết Mai là nhà thơ nữ giàu tình cảm, có một trái tim đa cảm, tinh tế và nhiều mộng mơ nhưng đồng thời cũng là một nữ trí thức dân tộc thiểu số thời kì hiện đại, nên ở chị có một cái nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc sống cũng như số phận của con người miền núi; về một tương lai tốt đẹp hơn nhưng cũng đầy chông gai và thách thức. Đó là cái nhìn hiện thực sâu sắc, đầy cảm xúc của một người phụ nữ trí thức Mường. Nhà thơ ngậm ngùi, xót xa trước những nỗi nhọc nhằn, những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống con người miền núi; Để rồi trăn trở, suy tư về những số phận con người miền núi. Chính vì vậy, khác với một số cây bút nữ (thường thi vị hóa quê hương của mình), Bùi Thị Tuyết Mai lại luôn luôn nhìn thấy những khó khăn vất vả, đầy thử thách đang đối mặt với con người nơi miền núi: Bằng đôi chân trần/ Đạp lên đá tai mèo

(Chuyện tình trên núi); Tôi vẫn thấy những đứa trẻ ăn mày/ Những người đói

quắt queo ngay tại gốc/ Và đàn đàn lũ lũ những cơn lốc/ bùn lầy lửa chiến tranh

(Ngày vỡ). Chính vì thế, khi xa quê chị cũng nhớ thương da diết với những hình

ảnh cụ thể: Ôi Mẹ của con, con nhiều lần nằm trong lòng mẹ/ Suốt tuổi dế mèn diều hoa vỏ ốc trăng tròn/ Tắm lời ru, uống lời ru xứ Mường ăm ắp ngọt/ Và bây giờ con tạm biệt Mẹ yêu/ Rồi đây giấc ngủ của con chắc sẽ bớt êm đềm/ Con sẽ khát lời ru của Mẹ/ Con sẽ nhớ Mẹ nhiều đêm/ Mẹ/ Quê Hương (Tạm biệt Mẹ yêu). Tâm trạng ấy của chị có điểm gặp gỡ nỗi niềm tâm trạng của nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa khi viết về quê hương đầy gian khó của mình: Tôi đã có một tuổi thơ gầy guộc/ Tóc rối mù khét chay, phất phơ bay/ Mặt lem luốc trưa bắt cua, bắt hến/ Gánh củi đầy rớm máu nát hai vai (Tìm lại tuổi thơ).

Mặc dù yêu thương và xót xa về quê hương miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong trái tim người con dân tộc ấy vẫn nồng nàn hơi thở với mảnh đất quê hương. Bởi chính khó khăn, gian khổ, cực nhọc đó đã thúc giục con người vươn lên, vượt qua khó khăn và thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Chị đã viết những vần thơ rưng rưng, cảm động nhưng cũng đầy tự hào về sức sống mãnh liệt của thiên nhiên cũng như con người nơi đây: Mùa Mường trong cũng

biết đếm mương phai/ Cái gió con trăng biết đếm cây gộc cụt/ Khói cũng nhuộm nâu người như đất/ Con đường mòn biết đếm bước lạ quen (Mường trong); Mường anh/ Mường thắt eo/ Mường thổn thức men theo lời bài hát (Về Mường).

Đọc thơ Bùi Thị Tuyết Mai luôn thấy bóng dáng, hơi thở của văn hóa dân gian, của cuộc sống bình dị, tự nhiên, mang tính truyền thống nơi Mường động. Chính vì vậy thực tại và quá khứ luôn tồn tại song song trong thơ của chị như một sự đối sánh để khẳng định ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thơ chị không chỉ là sự hoài niệm về quá khứ mà nó còn là sự trân trọng những hoài niệm trong quá khứ và ý thức về cội nguồn.

Vì thế, trong thơ chị, hình ảnh một người phụ nữ Mường thật đa tình, đa cảm: Hoa ấm áp/ Nép vào cánh tay mùa đông khẳng khiu giá buốt/ Bởi vậy/ Em/ Khi khóc/ Khi cười/ Mây về phố/ Áo/ Khăn/ Xa núi/ Khói người/ Màu/ Chếnh choáng/ Men mưa (Lời say). Người phụ nữ ấy rất miền núi, rất dân tộc nên khi về chốn đô thành, vẫn còn muốn giữ nguyên cái “mầu” miền núi, cái mầu rất Mường ấy.

Có thể thấy, dù miêu tả thiên nhiên với nhiều cảm xúc khác nhau nhưng điểm chung trong thơ chị chính là niềm tự hào về mảnh đất tươi đẹp, hữu tình, đầy màu sắc huyền tích, huyền thoại và sự biết ơn đối với thiên nhiên miền núi. Với chị quê hương chính là nỗi nhớ, niềm thương, là niềm tự hào, kiêu hãnh trong mỗi trang thơ. Bằng cái nhìn chân thực, sâu sắc, đa chiều về quê hương miền núi trong nỗi nhớ của người dân tộc thiểu số xa quê, Bùi Thị Tuyết Mai đã ít nhiều đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc mới mẻ cùng những cảm nhận sâu sắc về quê hương của người dân tộc thiểu số với những nét đặc sắc, vốn có độc đáo và tràn đầy tình yêu của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 37 - 42)