Tự hào về vốn văn hóa truyền thống của tộc người Mường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 54 - 57)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Tự hào về vốn văn hóa truyền thống của tộc người Mường

Bản sắc Mường được còn được thể hiện một cách rõ nét trong nghệ thuật thơ của Bùi Thị Tuyết Mai. Chúng tôi muốn đi sâu vào đặc điểm này để khẳng định bản sắc Mường đậm đà trong các sáng tác của chị.

Có thể nói, đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai là việc chị đã sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình vào trong quá trình sáng tác. Chính yếu tố ngôn ngữ đã khẳng định bản sắc Mường, phong cách Mường thấm đẫm trong thơ chị. Tiếp theo đó là việc kế thừa, tiếp thu tinh hoa của sử thi, truyện thơ, những là điệu, những bài hát dân ca Mường… một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn trong quá trình sáng tác. Chính diều đó đã tạo nên một sự mới lạ, hấp dẫn riêng trong các sáng tác của chị nhưng vẫn không làm mất đi cái quen thuộc, gần gũi, thân thương nhất là đối với người miền núi, người dân tộc Mường khi đọc thơ của chị.

Việc kế thừa thơ ca truyền thống Mường trong sáng tác của chị thể hiện khá rõ về mặt thể loại. Bùi Thị Tuyết Mai đã viết rất nhiều bài thơ mà người đọc rất dễ nhận ra sự ảnh hưởng của sử thi thần thoại: Đẻ Đất Đẻ Nước của dân tộc Mường, kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại rất xa xưa, chứa đựng những quan niệm người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới. Tác phẩm này được bảo tồn và lưu truyền dưới hình thức

truyền miệng, tập trung đầy đủ nhất dưới hình thức "mo" (hát cúng). Có thể kể

đến các câu thơ như: Mường ta nơi đẻ Đất đẻ Nước/ Đẻ ba tầng bốn thế giới

(Câu hát Mường) ; Trải dài bóng Si/ Cao rộng bóng Chu Đồng (Đường về);

Xôn xao cánh cọ/ Xôn xao bông Thau (Tiếng gió); Những mùa trăng cứ thế hồn nhiên/ Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động (Những câu thơ); Đây con suối Mường Thàng/ Đôi bờ thơm nương rẫy (Cho con tắm nước Mường Thàng);

Ngoài ra, Bùi Thị Tuyết Mai còn vận dụng sáng tạo những lời thơ cũng như những giai điệu của các bài ví, đúm, thường, rang... của dân tộc Mường vào trong các sáng tác của mình. Đó là lối hát giao duyên, đối đáp, lối ngâm thơ, lối viết thơ đậm chất trữ tình của dân tộc Mường trong đời sống văn hóa của họ. Ví dụ các bài: Cởi lửa/ Hát ru/ Ví đúm/ Rằng Thường (Mời anh); Rủ lòng thương mà đậu bồng bềnh ví đúm/ Đem lòng quý mà ngọt khúc đang thường (Lời rượu); Rằng thường/ Bộ Mẹng/ Xào xạc gió. Xào xạc gió (Lời hát của cô dâu); Mượn lời mây soi bóng nhau cho rõ/ Mượn lời tình lọ cọ cho quên nỗi đau xưa (Lời

tình lọ cọ)…

Trong các sáng tác, nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai còn rất hay sử dụng hình thức lập lời và đối ngẫu như trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước trong văn học dân gian Mường: Đi qua rừng bạc bạc/ Đi qua biển xa xa/ Nhớ giữ lời cho ấm/ Nhớ giữ bước cho êm (Trong đám cưới); Đây sừng rượu con ong/ qua suối vén vãy khẻ/ Đây sừng rượu con nai/ lên núi bước nhè nhẹ (Rượu rót lúc đưa dâu); Dúi mở mắt to tròn nghe lòng ta than/ Dúi ăn lá kìa nghe lòng ta đăng/ Ta yêu nhau từ bấy đến nay/ Muốn đến thăm nhau cách sông cách núi (Lời tình lọ cọ)... Bùi Thị Tuyết Mai đã vận dụng thủ pháp truyền thống đó vào trong thơ nên thơ chị luôn mang hơi thở của văn học dân gian quen thuộc của dân tộc. Tất cả các thể thơ truyền thống của dân tộc đều được chị còn sử dụng như: bốn chữ, năm chữ, bảy chữ và đặc biệt là thơ tự do không hạn định về câu chữ để diễn đạt phù hợp, hiệu quả hết tâm tư, tình cảm của con người. Ví dụ như: Tiếng gà gáy ban trưa/ Gọi gần tôi trở lại/ Tiếng thoi bà dệt vải/ Đưa tôi kịp về mùa (Thuyền gió). Với thể

thơ tự do, Bùi Thị Tuyết Mai một lần nữa khẳng định mình về tính hiện đại, về sự hòa nhập với đời sống thơ ca hiện đại, nhưng vẫn phát huy được những nét bản sắc riêng biệt của dân rộc mình với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt đậm màu sắc dân tộc trong thể thơ tự do đó.

Người Mường có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ rất đặc sắc, ý tứ thâm sâu nhưng dễ hiểu và có tính triết lí, giáo dục rất cao. Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai rất có ý thức trong việc vận dụng các câu tục ngữ, thành ngữ đó vào trong thơ mình. Điều đó khiến thơ chị vừa dễ hiểu vừa sâu sa, vừa cổ điển lại vừa mang màu sắc hiện đại. Có thể kể đến các câu thơ sau: Nhà sàn đúc bằng vàng/ Không bằng có đứa con ngoan/ Trong nhà sẵn tiền sẵn của/ Chẳng bằng ai cũng chăm làm/ Lúc giàu nhớ lo khi khó/ Lúc có nhớ giúp người nghèo/.../ Chim khôn chọn cành cao mà đậu/ Người ngoan tìm bạn tốt cùng đi (Lời xóm lời làng)…

Bên cạnh đó, chị còn sử dụng nhiều ý tứ, nội dung của các câu thành ngữ, tục ngữ dân tộc để viết nên những câu thơ của mình, ví dụ như: Muốn chắc cột nhà cho con đi học; Sông sâu phải biết lội/ Được người phải biết thương (Lời

xóm lời làng)…

Ngoài ra, trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai chúng ta còn nhận thấy tác giả hay sử dụng từ láy một cách sinh động và sáng tạo đã giúp cho nhà thơ có các câu thơ hay, độc đáo như: Xào xạc gió/ Xao xác gió (Bài hát của cô dâu); Đi qua rừng bạc bạc/ Đi qua biển xa xa/…/ Vò rượu nồng cho con đẹp hồng vành vạnh rằm trăng (Trong đám cưới); Chim sa khắc khoải (Sình ca ban đêm); Tôi cỏ úa cỏ úa/ Rung rinh rung rinh/…/ Xôn xao cánh cọn/ Xôn xao Bông Thau (Tiếng gió); Bầy chim mở mắt đùa rí rich (Tinh mơ em trở dậy); Hồn ấy xa xôi thênh thang nẻo gió (Tượng ngồi); Những đồng bạc hia xòe rung reng (Của cha mẹ); Và đến khi vầng trăng hao hụt (Biển).

Bên cạnh đó, thì những đặc điểm về ngôn ngữ, về hình ảnh trong thơ của Bùi Tuyết Mai đã thể hiện sinh rất sinh động những nét độc đáo của bản sắc tộc

người. Điều đó đã phản ánh một cách cụ thể cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy, diễn đạt của người miền núi (ở đây là người Mường).

Ngôn ngữ trong thơ chị thật mộc mạc, hồn nhiên, dễ hiểu, nhiều lúc mang vẻ hoang sơ nhưng lại tươi mát, hồn nhiên, không cầu kì nhưng cũng đầy lãng mạn, bay bổng: Mùa em/ Mùa thiếu nữ/ Lần đầu biết nhớ/ Vì em như cái ớp pu quanh năm ôm lưng mẹ (Mùa em); Tôi lớn lên bằng lời ru nhưng nhức bồ hóng nhiều đời/ Gió nương/ Mật ong, ớt ré và mắc khén (Tháng giêng); Nào/ Chúng mình đi/ Chỗ nào cũng bản mà/ Ngồi đây thôi (Đồng hành)... Hoặc có lúc tác giả đã sử dụng các thủ pháp so sánh, ví von với những hình ảnh sinh động, phù hợp với cách nói của người dân tộc vùng cao: Đôi mắt em ấm và nóng như một hàng rào những con kiến lửa (Kiến lửa); Những người đàn bà như những con ong (Những người đàn bà)…

Có thể nói, nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai đã rất chú ý và đã thành công trong việc sử dụng lời ăn, tiếng nói, cách diễn đạt cùng lối so sánh ví von của người dân tộc miền núi cũng như cách tư duy của họ trong sáng tác của chị. Do đó, đã tạo nên một nét riêng với những câu thơ, hình ảnh thơ rất đặc biệt. Vừa hồn nhiên, chân thật, vừa lãng mạn, thú vị bởi bất ngờ, đáng yêu trong từng câu chữ, trong từng sự liên tưởng, trong từng hình ảnh của thơ chị. Qua đó, nữ nhà thơ đã có những đóng góp trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp của nền văn hóa dân tộc vốn rất phong phú và đặc sắc qua các sáng tác của mình. Chị cũng là một trong số các nhà thơ Mường trong việc góp phần làm hiện đại hóa thơ ca của dân tộc mình, làm phong phú, giàu thêm vốn ngôn ngữ thơ ca của dân tộc Mường. Chị là niềm tự hào, là người con ưu tú của dân tộc Mường nói riêng, của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung trong lĩnh vực văn hóa, văn học thời kì hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 54 - 57)