Những biểu tượng thơ mang đậm bản sắc Mường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 76 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Những biểu tượng thơ mang đậm bản sắc Mường

Mỗi một nhà thơ đều gắn bó với một mảnh đất, một miền quê cụ thể nào đó. Bởi vậy, mà trong các sáng tác của họ ít nhiều đều mang những nét riêng của văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của mảnh đất đã sinh thành ra họ. Cũng như các nhà thơ dân tộc thiểu số khác, Bùi Thị Tuyết Mai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Mường- Hòa Bình nên từ lâu văn hóa Mường đã ngấm sâu vào tâm hồn nhà thơ. Mỗi trang viết, mỗi hình tượng thơ đều thể hiện thái độ trân quý trước những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Nhà thơ không chỉ tái hiện lại các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thổi vào đó linh hồn, sức sống thiêng liêng của dân tộc mình. Ta thấy các sáng tác của Bùi Thị Tuyết Mai đã lưu đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của người Mường (qua việc yêu quý và bảo vệ ngôi nhà sàn truyền thống, trân trọng những tục cưới hỏi, cúng ma, tha thiết với âm thanh tiếng cồng chiêng, tự hào với áo pắn, khăn tênh, mũ đội đầu...).

Đọc những sáng tác của Bùi Thị Tuyết Mai, người đọc hiểu được những nét riêng về giá trị văn hóa vật chất của đồng bào Mường. Trước hết, là hình ảnh những ngôi nhà sàn dân tộc Mường. Nếu như nhà sàn của người Thái là một công trình kiến trúc đẹp, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật, từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mĩ cao, mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng cũng không kém phần bề thế, sang trọng: Ngôi nhà sàn/ Mang hình dáng chim Phượng Hoàng/ Hai đầu hồi kết Khau

Cút,/ Như hai ngọn rau rún (Xa quê- La Quán Miên). Biểu tượng “Khau Cút” trên nóc nhà sàn có nhiều ý kiến khác nhau như: Đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là búp cây “rau rún” có nhiều ở Tây Bắc; hay gắn với cuộc thiên di đi tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau... Dù hiểu theo cách nào thì khi bắt gặp hình “Khau Cút” trên nóc nhà sàn là người Thái lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản làng yêu dấu- thì nhà sàn của người Mường không chỉ là nơi ở, nơi tồn tại và sinh sống của người dân mà còn là nơi chứa đựng những ý nghĩa linh thiêng liên quan đến con vật thiêng của người Mường là hình tượng con rùa với cái mai khum khum như: Hát đi anh, hát lên nào!/ Hát cho Pố Mế biết anh cũng vùng cao/ Có mái nhà khum khum hình mai rùa/ Trước nhà trồng cau phía sau trồng mít(Mời hát)…

Nhà sàn của người Mường được làm theo hình con rùa tượng trưng cho sự may mắn, yên ấm, thịnh vượng, bền vững lâu dài: “Bốn cây cột giống bốn chân Rùa. Cửa thang là cái đầu Rùa. Thang chồ là cái đuôi Rùa. Mái nhà người Mường ta có hai cái chái rộng khum khum cũng giống cái mai Rùa. Trong Chu Chiêng Mường Nước ai không làm nhà theo hình rùa thì bậc cầu thang cũng không êm. Sàn trong nhà không ấm. Mái trên đầu không vững...” (Hà Thị Cẩm Anh trong cuốn Những đứa trẻ mồ côi [tr82]). Ngoài ra, ngôi nhà sàn của Mường cũng chính là nơi thờ tổ tiên của mỗi gia đình, nơi lưu giữ để truyền lại cho con cháu nhiều đời. Để dựng được ngôi nhà sàn, người Mường không dùng cưa mà tất cả được đục đẽo bằng rìu rất cầu kì, tài hoa với bao công sức, sự khéo léo và tinh tế của bàn tay người thợ. Chính vì vậy mà người Mường luôn gìn giữ ngôi nhà sàn và coi đó là vật gia bảo mà tổ tiên để lại. Bùi Thị Tuyết Mai không chỉ am hiểu sâu sắc mà còn rất yêu quý và đang cố gắng níu giữ và thức tỉnh mọi người phải biết giữ gìn những giá trị văn hóa ngàn đời ông cha để lại- qua hình ảnh ngôi nhà sàn khum khum giống mai rùa của dân tộc mình.

Một biểu tượng thơ mang đậm bản sắc Mường không thể không nhắc đến, đó chính là vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ. Người phụ nữ Mường vốn đã có

vẻ đẹp tự nhiên lại càng duyên dáng hơn trong những bộ áo cóm váy Mường và những chiếc thắt lưng có họa tiết cây, cỏ. Vẻ đẹp đó làm mê hồn các chàng trai:

Những lời thu nép vào lá xanh/ Như nón trắng cùng váy dài, áo pắn/ Bóng em xa/ Gùi mây trên vạt sắn/ Con ong làm ngọt câu thường (Hoa đất Mường);Ngủ đi cái khăn bịt trôốc/ Ngủ đi cái klôốc wặl/ Tênh khăn/ Áo pắn (Ru con)... Cùng với sắc hoa đào, hoa mận, hoa lê nở rộ thì vẻ đẹp của những chiếc áo cóm, khăn tênh của người phụ nữ Mường đã làm cho không gian thiên nhiên xứ Mường sáng bừng rạng rỡ và ấm áp. Nếu trong sáng tác của Triều Ân, các cô gái Tày đẹp lên trong trang phục bộ áo chàm dài tha thướt, bộ quần áo, cả thắt lưng vải đều óng ánh một màu chàm tím cao sáng bó sát lấy người; các cô gái Dao đầu đội khăn xì miên, chân quấn xà cạp lùng peng; thì những cô gái Mường trong thơ Bùi Thị Tuyết Mai lại hiện lên rất duyên dáng mặc áo cóm váy Mường, áo thì rất ngắn, váy thì rất dài và kín đáo. Cái váy Mường có nhiều lớp, không giống váy Thái, buộc người ta phải tưởng tượng vì nó khi ẩn khi hiện. Ở đây ta thấy tỏa lên một văn hóa trang phục đặc sắc qua rất nhiều lớp, nhiều khuất khúc đã có từ xa xưa mà bây giờ nó vẫn giữ được.

Ngay cả cái khăn đội đầu cũng vậy, chị quan niệm rằng: khi ta đội mũ tức là ta đội cả một vũ trụ quan của người Mường. Mà vũ trụ quan của người Mường là ba tầng bốn thế giới mà cái tầng trên cùng là trời. Cái tầng giữa là nơi mình đang sống còn tầng bên dưới cùng là âm phủ và những mường bên dưới (chị đã viết : Tôi sinh ra giữ vũ trụ Mường/ Ba tầng bốn thế giới/ Xênh xang áo váy

(Tháng giêng). Chính vì bản sắc văn hóa đậm đà trong trang phục đó mà chị đã

viết nên bài thơ Tháng giêng như khắc họa nét của văn hóa đậm bản sắc Mường. Bên cạnh những biểu tượng thơ mang đậm bản sắc Mường như đã nói ở trên, thì không thế không nhắc tới biểu tượng của tiếng cồng chiêng. Tiềng cồng chiêng trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của Bùi Thị Tuyết Mai. Nó có ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí trong đời sống tinh thần của người Mường. Mỗi khi gia đình có chuyện thì tiếng cồng chiêng đó lại vang lên như một báo hiệu để

kêu gọi mọi người trong làng cùng biết, cùng chia sẻ kể cả khi vui hay khi buồn, khó khăn, hạnh phúc hay khổ đau: Ta là chú ong khát mật nhụy hoa môi em/

Những bông hoa diệu kì hé nở/ Mùi thơm ngất ngây/ Bản hợp hoan chiêng cồng/

Tứ mùa không bao giờ tàn úa (Bài hát người chăn bò); Ơi chiêng/ Ơi chiêng/

Đôi núm chiêng phập phồng hơi ấm (Ơi chiêng); Mặt trời xuống núi/ Bỏ âm vang trống đồng vào túi/ Đựng tiếng chiêng tiếng cồng vào ống tay áo (Đi hội)…

Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Một bộ cồng chiêng của người Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ gồm: chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Người Mường có 24 lễ hội sử dụng cồng chiêng như: lễ mừng nhà mới, thành hôn, Lễ hội Khai Hạ (Lễ hội xuống đồng)... Đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với đồng bào Mường lại là nữ giới. Văn hóa cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường quan niệm cồng chiêng là nhạc cụ mang tính biểu tượng và giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ.

Cùng với các biểu tượng thơ mang đậm bản sắc Mường như nhà sàn, áo pắn khăn tênh, cồng chiêng , thì văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường từ bao đời nay vô cùng phong phú đa dạng, không chỉ độc đáo từ những món ăn mà đến các loại đồ uống cũng được đồng bào chế biến hết sức hấp dẫn. Rượu cần là một trong những thức uống như thế, nó tạo nên nét đặc trưng riêng biệt và được nhiều người yêu thích bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần còn trở thành niềm tự hào của không ít người con xứ Mường. Chính vì vậy mà rượu cần cũng là một biểu tượng mang tính tượng trưng trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường.

Theo tiếng Mường rượu cần gọi là rjão tjỏng (rão tỏng- rượu đóng). Không ai biết người Mường biết làm rượu từ bao giờ, chỉ biết rằng rượu cần dùng để uống trong gia đình, uống chơi vui, tiếp khách, uống trong đám cưới, mừng nhà mới, lễ hội: Rượu có lời thơm tiếng ngọt/ Rượu ra tiếng chào người già trước(Lời rượu);

Dụng cụ đựng rượu cũng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền: Đây sừng Rượu con ong/ qua suối vén váy khẽ/ Đây sừng rượu/ con nai lên núi/ bước nhè nhẹ/ Đây sừng Rượu của Mường (Rượu rót lúc đưa dâu). Chúng ta có thể thấy sự khéo léo, nhiệt tình trong cách mời rượu của cô gái khiến cho khách khó có thể từ chối được: Uống đi anh/ Uống cho tay nắm tay bén lửa/Uống cho mắt nhìn nhau nên sấm chớp đổ trời/ Uống cho cạn lời ông Mo bà Mỡi/ Uống cho song suối ông bà về lại tuổi xuân (Mời rượu. Đến cả cái cách uống rượu cũng thật tự nhiên, hết mình: Sừng một uống cho ấm/ Sừng hai uống cho êm/…/ Uống cùng hai bản được con trâu cái/Uống cùng bốn mường được mái nhà to/ Uống cho cây chu dồng bông thauquả thiếc đồi đỏ rực/ Sừng uống hết nghe coong coong/ Sừng cạn hẳn nghe coọch coọch(Lời rượu). Người dân tộc miền núi khi đã uống rượu, họ uống hết mình, uống cho say nghiêng ngả, uống cho cạn vò, cạn chum, cho say chuếnh choáng.

Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống, song rượu cần của người Mường vẫn hiện hữu là một đồ uống đặc sản mang hương vị truyền thống dân tộc. Điều quan trọng hơn cả, nét văn hóa rượu cần chứa đựng tính cố kết cộng đồng, tình yêu, sự chia sẻ và đâu đây như vang vọng lời của khách trong điệu rằng thường (điệu hát đối đáp của người Mường): Ngọt lắm, ngọt vô cùng/ Mía mường nào chưa dài dóng/ Uống vào bình rượu này sẽ dài dóng/ Cau mường nào chưa nhiều trái/ Uống vào bình rượu này sai trái/ Ai chưa có dòng con trai con gái/ Uống vào bình rượu này/ Có dòng con trai con gái/ Con trai ngồi cửa sổ ngoài/ Con gái ngồi cửa sổ trong/ Con trai đi cày đầy đồng đầy bãi/ Con gái đi cấy đi hái đầy ruộng đầy nương/ Uống vào bình rượu này vừa sinh sôi/ Lại vừa nối dõi dài lâu em nhỉ?

Tóm lại, đọc những sáng tác của Bùi Thị Tuyết Mai, ta hiểu sâu hơn về những lớp trầm tích văn hóa đã được hình thành từ lâu đời của dân tộc Mường. Bùi Thị Tuyết Mai đã có những đóng góp đáng trân trọng vào việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời qua những trang thơ tràn đầy tình yêu thương và lòng tự hào về quê hương. Mỗi trang viết của nhà thơ đều được nảy nở trên mảnh đất trù phú và màu mỡ của nền văn hóa mang đậm bản sắc Mường. Chính mảnh đất ấm áp tình người của xứ Mường đã khiến cảm xúc thơ ca của chị được thăng hoa. Mỗi trang viết của chị như một bức thông điệp thể hiện lòng trân trọng và biết ơn của mình đối với xứ Mường yêu thương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ bùi thị tuyết mai (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)