5. Bố cục của luận văn
1.2.1. Tình hình thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam
1.2.1.1. Chủ trương, chính sách về hoạt động thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam
Kể từ khi có Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực năm 1988, dòng vốn FDI luôn là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong suốt 30 năm qua.Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn phát triển năng động. Môi trường kinh doanh ổn định là một tiền đề không thể thiếu để quyết định đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế trên thế giới, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xác định FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường thu hút các dự án FDI sẽ tiếp tục được triển khai cụ thể: Thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng và có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ
cao; công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vac-xin, sinh phẩm), bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia,...
Các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh và các văn bản pháp luật chuyên ngành phải được rà soát, thống nhất đồng bộ; hệ thống các quy ñịnh về điều kiện đầu tư và kinh doanh chuyên ngành phải được xây dựng đầy đủ và công bố công khai nhằm minh bạch hóa các tiêu chuẩn, điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện tiến hành sản xuất, kinh doanh; cơ chế hậu kiểm, giám sát, quản lý đối với dự án FDI theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 đã được xây dựng và ban hành mới nhất để tạo cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước thực thi chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải được quy định và điều chỉnh trong một văn bản quy phạm pháp luật cấp đạo luật, nhằm tránh tình trạng mất cân đối, cấp phép tràn lan, gây dư thừa, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp trong bối cảnh việc cấp phép và quản lý đầu tư đã được phân cấp về các địa phương.
Các yếu tố về điều kiện cơ sở hạ tầng gây cản trở tới hoạt động ĐTNN cần được tập trung giải quyết như: hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển; sự ổn định về cung cấp năng lượng, công tác giải phóng mặt bằng,... Tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án ĐTNN có quy mô lớn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo; sự lạc hậu trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo, trường nghề; phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp lao động nhằm hạn chế các cuộc đình công có thể xảy ra.
Công tác xúc tiến đầu tư cần được đổi mới, nâng cao chất lượng và cần được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp và tổ chức thực hiện hoạt động này. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa
phương cần được tăng cường, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan. Xây dựng cơ chế báo cáo để tổng hợp thông tin kịp thời, đánh giá tình hình nhằm đề xuất các giải pháp điều hành của Chính phủ có hiệu quả.
Đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đem lại hiểu quả lớn cho việc thu hút và thúc đẩy sự phát triển của FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội mà hội nhập mang lại cũng như nâng cao hiệu quả thu hút FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có chiến lược phát triển hợp lý, phát huy được lợi thế cạnh tranh để có thể đáp ứng được nhu cầu và khả năng hợp tác của các doanh nghiệp FDI cũng như độc lập, đứng vững trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
1.2.1.2. Kết quả hoạt động thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 12/2017 Việt Nam thu hút được với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tình hình chung về thu hút ĐTNN:
Lũy kế đến 20/12/2017: Cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Trong 12 tháng năm 2017:
Vốn đăng ký: Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn thực hiện: Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu: Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 25,9 tỷ USD không kể dầu thô.
Tình hình ĐTNN luỹ kế tới tháng 12/2017:
Tính đến ngày 20/12/2017, Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).
Đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông. ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,18 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Đồng Nai với 27,34 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 27,28 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
Tình hình thu hút ĐTNN 12 tháng năm 2017:
Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016; có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Trong 12 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn là 15,87 tỷ USD,chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2017. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ
hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư:
Trong 12 tháng đầu 2017 có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong 12 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 12 tháng năm 2017 là:
- Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
- Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320MW.
- Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
- Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
- Dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang.
- Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư mới mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.