5. Bố cục của luận văn
1.2.2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư của một số địa phương trong nước
1.2.2.1. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp tỉnh Bình Dương
- Chính sách thu hút vốn đầu tư của tỉnh:
Trong những năm qua đã thấy được sự quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Sự quyết tâm được thể hiện ngay trong đội ngũ lãnh đạo tỉnh, luôn sát cánh cùng nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, qua đó cải thiệt môi trường đầu tư lành mạnh và thông thoáng hơn. Cụ thể về việc cấp phép đầu tư, Bình Dương thực hiện theo cơ chế “một cửa”. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối duy nhất giải quyết việc cấp phép và không quá 5 ngày, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh và mã số thuế.Cũng trong quá trình thu hút vốn đầu tư, Bình Dương luôn đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp, không có chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư nằm ngoài khuôn khổ pháp luật quy định. Thay vào đó, Bình Dương tạo ra một môi trường bình đẳng, thuận lợi và an toàn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
- Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN của tỉnh Bình Dương:
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Liên tục trong nhiều năm qua Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển của các KCN và sức lan tỏa của nó đã tạo ra cho Bình Dương một sức sống mới với tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hút lao động lớn trong và ngoài tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại…
Tính đến tháng 12/2017, Bình Dương đã thu hút tổng cộng 3.037 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ước tính đạt 28 tỷ 473 triệu USD, đứng thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.878 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19 tỷ 524 triệu USD, chiếm 68,5% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh.
Về đối tác đầu tư, đến nay đã có hơn 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương, trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore, Samoa là những quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ lâu dài và bền vững với tỉnh Bình Dương. Trong đó Đài Loan có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 772 dự án có tổng số vốn đăng ký là 5 tỷ 869 triệu USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 250 dự án có tổng số vốn đăng ký là 5 tỷ 253 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ 3 với 163 dự án có tổng số vốn đăng ký là 2 tỷ 764 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 633 dự án có tổng số vốn đăng ký là 2 tỷ 756 triệu USD, chiếm 9,68% tổng vốn đầu tư.
Về lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 2.406 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 19 tỷ USD, chiếm 82% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn tỉnh. Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tỉnh đã thu hút những dự án có quy mô lớn đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư với 37 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn tỉnh. Những lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ phân phối hàng hóa, xây dựng, vận tải từng bước chiếm số vốn tương đối lớn trong cơ cấu lĩnh vực đầu tư tại tỉnh Bình Dương.
- Thành tựu đạt được của KCN tỉnh Bình Dương:
Trong những năm qua kinh tế Bình Dương tăng trưởng rất nhanh, trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp (CN) phát triển mạnh nhất nước. Thành công đó có đóng góp quan trọng của các khu công nghiệp (KCN) là đòn bẩy đưa CN Bình Dương đi lên. Với tỷ trọng CN chiếm 63% trong cơ cấu kinh tế và giá trị sản xuất CN hàng năm trên 105.000 tỷ đồng, Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh, thành CN có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Theo phân tích của các nhà quản lý, yếu tố để làm nên thành công này chính là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong xây dựng các KCN tập trung làm đòn bẩy, đưa CN của tỉnh phát triển nhanh chóng.
Đến nay, tỉnh Bình Dương phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến năm 2017, cơ cấu kinh tế của tỉnh với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ có tỷ trọng Công nghiệp -
Dịch vụ - Nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm có tỷ lệ tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% - 8,59%.
Hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về những cái được và chưa được của thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chính sách mở cửa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài chính là một trong những quyết định sáng suốt nhất để Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Riêng tại Bình Dương, từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, qua gần 30 năm đổi mới và 20 năm tái lập, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới đã được xác định rõ tại Chương trình số 34-Ctr/TU ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 là sẽ tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách.
- Hạn chế trong việc thu hút vốn đầu tư vào KCN tỉnh Bình Dương:
Việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa theo một quy hoạch thống nhất, hầu như địa phương nào cũng có các khu công nghiệp với chức năng tương tự nhau nên không tận dụng được những lợi thế so sánh, dẫn tới tình trạng cạnh tranh nhau gay gắt, thậm chí có tình trạng chèn lấn để thu hút đầu tư.
Thiếu sự phối hợp giữa các KCN, giữa các địa phương trong các vùng. Các KCN thường phát triển riêng rẽ, đầu tư tất cả các hạng mục công trình, kể cả xây dựng các cụm dân cư, đầu tư tốn kém, giảm hiệu quả hoạt động của các KCN.
Các KCN không có sẵn đất để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư do thiếu quỹ đất, mặc dù khách hàng không nhiều, trong khi quỹ đất còn nhiều nhưng lại không khai thác được do giá đền bù giải tỏa tăng mạnh, giá san lấp mặt bằng lớn. Mặt khác giá thuê đất trong KCN khá cao.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN, KCX. Các dự án đầu tư thu hút vào các KCN ở các địa phương có nhu cầu lớn về cán bộ
quản lý người Việt Nam giỏi, công nhân tay nghề cao, kỷ luật lao động tết, song đa số các nơi không đáp ứng được.
1.2.2.2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư vào KCN thành phố Hà Nội
Đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng, năng động và có tốc độ tăng trưởng cao trong thành phần kinh tế của thành phố Hà Nội. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đạt được thành tựu đáng kể. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Từ năm 2010 - 2015, Thành phố đã thu hút được 1.637 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,551 tỷ USD. Riêng trong năm 2015, Hà Nội thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8% so với năm 2014.
Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) quan trọng như KCN Thăng Long I, Nội Bài, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, khu công nghệ cao Hòa Lạc… là những nơi thu hút nhiều vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm qua, thu hút FDI vào các KCN Hà Nội đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Thủ đô, điều đó thể hiện trên các khía cạnh: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP và nguồn lực tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố; Kích thích phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên cơ sở tạo ra năng suất lao động cao hơn, tiếp thu chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến hiện đại, tạo giá trị nộp ngân sách lớn. Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI tăng dần qua các năm, thường chiếm tỷ trọng cao trong các thành phần kinh tế và có tác động quyết định đến mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của Thành phố; Góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động...
Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của thu hút FDI vào KCN Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp, định hướng thu hút FDI theo ngành, theo đối tác còn hạn chế. Các dự án FDI trong các KCN thời gian qua sử dụng khai thác nhiều tài nguyên, thường tận dụng chính sách ưu đãi bảo hộ công nghiệp trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường chưa nhiều, phần lớn các dự án trong lĩnh
vực công nghệ cao thường chỉ thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp. Xuất khẩu của khu vực đầu tư FDI trong các KCN chưa có sự thay đổi mạnh về chất, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao, doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp được khoảng 15- 20%, còn lại phải nhập khẩu.
Hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI trong các KCN sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế. Phần lớn các dự án được đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI (chiếm khoảng 76%), tỷ lệ dự án nhà đầu tư nước ngoài hợp tác liên kết trực tiếp với nhà đầu tư Việt Nam để triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh còn rất hạn chế. Quy mô vốn đầu tư bình quân dự án nhỏ, trung bình chỉ đạt 7,51 triệu USD/1 dự án so với mức trung bình của cả nước là 14,42 triệu USD/1 dự án. Tỷ lệ vốn giải ngân chưa cao, mức vốn thực hiện chỉ chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các doanh nghiệp FDI trong KCN với lợi thế về hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ kỹ thuật khá hiện đại, có thị trường ổn định lại được khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng nên có sự tăng trưởng nhanh so với các khối công nghiệp khác và góp phần tăng nhanh số lượng, chất lượng các sản phẩm xuất khẩu của Thành phố, trong đó đa số là sản phẩm mới, công nghệ, kỹ thuật cao.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hệ thống điện xe ôtô, linh kiện máy ảnh, phần mềm, ti vi mầu màn hình phẳng, xe máy, linh kiện kỹ thuật số... Các doanh nghiệp FDI cơ bản tự bảo đảm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm của mình, không cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Đến 2015, có 15 doanh nghiệp FDI trong số 38 doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội có quy mô doanh thu hơn nghìn tỷ đồng (Canon, Yamaha…).
Tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất (SamSung, Nokia, LG,…), khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu và phát triển mạnh thị trường tiêu thụ trong các năm tới.
Các giải pháp nổi bật mà thành phố Hà nội đã triển khai để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài:
- Công tác xây dựng cơ chế, chính sách: tập trung cải cách thủ tục hành chính, đã rút ngắn đáng kể thời gian xem xét cấp giấy phép đầu tư từ trên 1 tháng xuống dưới 15 ngày đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND Thành phố.
- Xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư: Thành phố xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư với việc tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo giới thiệu tiềm năng, kêu gọi đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ở các quốc gia, các vùng có tiềm năng về vốn, công nghệ, trình độ quản lý.
- Định kỳ lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài: Danh mục dự án tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên phát triển, các sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành dịch vụ, lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị... bằng các thứ tiếng Anh, Nhật, Hàn, Pháp, Trung để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với thị trường từng nước. Trong các năm gần đây, phù hợp với chủ trương của Nhà nước và Thành phố, phạm vi đề xuất đối tác hợp tác đầu tư với nước ngoài đã được mở rộng hơn đến tất cả các thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
- Rà soát, đánh giá, phân loại, hỗ trợ các dự án đẩy mạnh triển khai: Thành phố đã quan tâm đến công tác rà soát, phân loại các dự án đã được cấp phép đầu tư, bám sát quá trình thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án; hàng năm tổ chức các đoàn công tác đi nắm tình hình, làm việc với các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhằm hướng dẫn triển khai dự án, đôn đốc thực hiện báo cáo, kịp thời chấn chỉnh các sai sót do không nắm vững quy định pháp luật.