5. Bố cục của luận văn
1.2.3. Những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng cho tỉnh Bắc Ninh
Qua việc tìm hiểu các KCN trên địa bàn một số tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào KCN và phát huy hiệu quả từ quá trình phát triển các KCN sau đây:
Một là, sự thống nhất nhận thức và nhất quán hành động của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong quá trình quy hoạch, xây dựng KCN là vô cùng quan trọng. Cần có sự tuyên truyền vận động tốt để chính quyền địa phương, người dân trong vùng ảnh hưởng của KCN hỗ trợ tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và tham gia giám sát, quản lý hoạt động của các KCN. Và với chính sách thỏa đáng, hợp lý, nó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa để nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và kêu gọi đầu tư.
Hai là, quá trình quy hoạch phát triển KCN, đặc biệt là việc lựa chọn vị trí xây dựng, quy mô xây dựng, chọn ngành công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN phải phù hợp quy hoạch phát triển KT-XH chung, với tiềm năng và lợi thế của địa phương, với điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc quy hoạch phát triển KCN phải đảm bảo đồng bộ giữa phát triển công nghiệp với cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN và quá trình đô thị hóa. Phát triển các KCN cần đồng thời chú trọng đầu tư đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng ngoài hàng rào KCN: giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân KCN, khu dân cư dịch vụ phục vụ cho KCN.
Ba là, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh nghiệm quản lý, và năng lực thu hút đầu tư. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng phải đảm bảo đồng bộ, đúng quy hoạch, đáp ứng ngay các yêu cầu về giao thông, điện, nước, thu gom xử lý nước thải… phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp vào đầu tư và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bốn là, thực hiện quản lý đối với KCN theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại Ban Quản lý các KCN tỉnh đang là cơ chế quản lý phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo nâng cao vai trò và năng lực thực hiện chức năng quản lý trực tiếp đối với KCN và các doanh nghiệp KCN của Ban Quản lý, vừa đảm bảo yêu cầu giải quyết nhanh gọn, chính xác các yêu cầu của KCN và doanh nghiệp KCN đặt ra. Để thực hiện tốt cơ chế quản lý trên, cần tiếp tục quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý các KCN tỉnh thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Đồng thời cần phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ - công chức của Ban Quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN. Các lĩnh vực được giải quyết thủ tục hành chính tại Ban quản lý phải được công khai, minh bạch, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Và cần thực hiện tốt quy chế phối hợp với các Sở, ngành trong việc giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp một cách rõ ràng, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước để quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Năm là, ổn định chính sách vĩ mô tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, nhất là chính sách khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động đầu tư vào các KCN. Đồng thời cần ổn định chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng cho các KCN. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương cho người dân có đất bị thu hồi trong quá trình giải phóng mặt bằng cho các KCN để tiếp tục ổn định đời sống, có điều kiện chuyển đổi sang các nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, tiếp nhận được các ảnh hưởng tích cực từ quá trình phát triển các KCN để tự tạo việc làm,ổn định lâu dài.
Sáu là, thu hút nhiều dự án đầu tư vào KCN, lấp đầy diện tích đất cho thuê của KCN, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH là mục tiêu cuối cùng của phát triển các KCN, và cũng là mục tiêu của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Song thu hút đầu tư phát triển sản xuất phải gắn với bảo đảm môi trường và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, trong quá trình vận động thu hút đầu tư, bố trí dự án đầu tư phải tuân thủ các quy định về ngành nghề thu hút đầu tư và quy hoạch xây dựng của KCN. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Cần cân đối, giải quyết hài hòa lợi ích của chủ đầu tư hạ tầng KCN, với lợi ích của địa phương trong quá trình lựa chọn thu hút đầu tư, từ đó có sự phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết nhanh chóng và tốt nhất các yêu cầu của doanh nghiệp để hoạt động đầu tư vào các KCN vừa nhanh chóng, vừa có hiệu quả cao và đúng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương 2
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU