Dùng từ xưng hô thể hiện tâm hồn lãng mạn, bay bổng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ xưng hô trong văn xuôi vi hồng (Trang 97 - 133)

VI HỒNG

3.2.2. Dùng từ xưng hô thể hiện tâm hồn lãng mạn, bay bổng

Ngôn ngữ của người Tày rất giàu và đẹp, điều đó đã khiến cho lời ăn tiếng nói của người Tày trở nên hết sức phong phú, uyển chuyển, tinh tế và khái quát. Với số đơn vị ngữ âm phong phú trong ngôn ngữ dân tộc mình, người Tày đã tạo ra các từ ngữ diễn đạt mọi khía cạnh của đời sống vật chất và tinh thần bên cạnh vốn từ vay mượn từ tiếng Hán và tiếng Việt. Bởi thế bản sắc

dân tộc, bản sắc miền núi thể hiện ở cách nói mang tính ước lệ, tượng trưng, giàu hình ảnh, hay ví von, so sánh.

Dù được sáng tác bằng tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ các tác phẩm của Vi Hồng vẫn ảnh hưởng rất lớn từ tâm hồn bay bổng, lãng mạn của người miền núi. Và phương diện từ ngữ xưng hô trong văn xuôi cũng bị chi phối không nhỏ bởi nét đặc trưng này trong tính cách của người Tày.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy: trong lời trần thuật của tác giả cũng như trong đối thoại của của các nhân vật, lớp từ ngữ xưng hô có chứa những hình ảnh ví von, so sánh thường gần gũi với đời sống thiên nhiên, núi rừng, thường gắn với những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của người dân miền núi. “Hoa” và “nàng tiên” là hai hình ảnh biểu trưng cho cái đẹp xuất hiện nhiều nhất trong xưng hô của các tác phẩm văn xuôi Vi Hồng.

Trong một số tác phẩm văn xuôi Vi Hồng, “hoa” xuất hiện trong tên gọi như một biệt danh:

Trong tiểu thuyết Đất bằng, già Viền thường gọi Nhình là “bông hoa út” để gọi đứa cháu bé nhất nhà:

Bông hoa út của bà làm vừa vừa thôi nhá, về lại ốm đấy.” [56; 145].

“Đúng đấy, hoa út của bà giỏi” [56; 145].

Trong tiểu thuyết Dòng sông nước mắt, nhân vật Kim Ngần có biệt danh là “Hoa Nước” vì cô sống ở môi trường sông nước và đẹp như một đóa hoa. Kin Xa thường gọi tên cô bằng biệt danh đó:

“Bác buồn quá cháu Hoa Nước à!” [58; 212].

“Ôi, Hoa Nước yêu tôi thật đấy ư” [58; 220].

“Ta về nhà đi em - Hoa Nước của anh. Ôi, bông Hoa Nước kì diệu không ngờ lại rơi vào trái tim anh” [58; 221].

Ngoài cách xuất hiện trong tên gọi như một biệt danh, “Hoa” còn xuất hiện trong tên gọi một cách thường xuyên và được sử dụng lâm thời:

Trong tiểu thuyết Dòng sông nước mắt, Kin Xa đã chào gái làng chơi: Đại huynh xin chào gái hoa gái nụ... gái hoa có còn nguyên cánh, gái nụ còn phong nhụy? “[58; 148]; “Đại huynh của nàng xin đánh tiểu tiểu thôi, nhưng số bạc thì cũng khá đấy có phải không búp nụ và bông hoa của anh?”

[58; 149].

Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc loỏng, Cặm Cang nói: “Tôi là người

Mẹ Hoa đúc nhầm khuôn, Mẹ Đất đẻ nhầm lối, nên tôi không giống người trần gian. Xin các bạn xinh đẹp như hoa nư nụ đừng mời mọc tôi làm người sang người quý” [60; 26]; Tua be nói: “Thôi thế là thế nào, hỡi người bạn gái xinh đẹp như một đóa hoa.” [60; 24].

Cùng với cách so sánh mang tính ước lệ vẻ đẹp người con gái với loài hoa, Vi Hồng đã sử dụng dày đặc một hình thức ước lệ quen thuộc trong truyện cổ tích dân gian với hình ảnh nàng tiên. Tiên chỉ những người đẹp nhưng khồng có thật, tiên chỉ xuất hiện trong các huyền thoại. Nhưng trong tác phẩm Vi Hồng con người rất nhiều lần được so sánh với nàng tiên và được gọi là nàng tiên.

Trong tiểu thuyết Dòng sông nước mắt, tên quan tuần phủ Trần Hồi đã

gọi Thu Khoan: “ôi, nàng tiên Thu Khoan của ta” [58; 123].

Kin Xa nói với cô gái làng chơi: “Hỡi nàng tiên bé nhỏ của chàng đại ca!” [58; 156].

Trong truyện dài Người làm mồi bẫy hổ, Thỉ nói với Nen trong niềm

sung sướng: “Anh nhất định mang Pèng về cho em. Trời ơi hạnh phúc của anh

đây rồi! nàng tiên của anh đây rồi.” [61; 50].

Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc loỏng, Tua Be nói: “À, anh Cặm Cang dạy mình nói đấy, các bạn gái đẹp như nàng tiên của em ạ!” [60; 24].

Cặm Cang nói: “Các nàng tiên xinh đẹp của xuân xanh, hãy trao những chiếc còn có tua bảy sắc vào trong tay các chàng mà các nàng muốn gửi ở đấy cả mùa xuân vĩnh cửu” [60; 25].

Các nhân vật cũng thường gọi tên các “nàng tiên” ở ngôi thứ ba:

Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc loỏng, Cặm Cang nói với bố mẹ: “Con

vừa mới ôm nàng tiên và chạy về báo cho bố mẹ” [60; 204]; “Vợ con là một

nàng tiên đấy” [60; 204]; “Con lấy nàng tiên Thu Lạ” [60; 205].

Trong truyện dài Người làm mồi bẫy hổ, Thỉ nói với Xấn Xáng: “Tại sao

lạo pản không giữ lời hứa ban đầu mà lại thả cái con Nen nàng tiên của tôi đi”. [61; 51]. “Ông giả Pèng cho tôi nguyên vẹn thì tôi xí xóa mọi công cán, giao kèo trong cuộc mua bán Nen nàng tiên của tôi với ông!” [61; 53].

Xấn Xáng nói với Thỉ một cách ngọt ngào và điềm tĩnh: “Nàng tiên Nen

của tài cá đang học vũ ba lê.” [61; 52].

Khi đối thoại, các nhân vật trong tác phẩm Vi Hồng cũng thường so sánh vẻ đẹp của con người với nàng tiên: Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc loỏng,

Bố Thu Lạ nói với mẹ Cặm Cang: “Con gái tao là nàng tiên. Con trai mày là con khỉ già què chân” [60; 218].

Mẹ Cặm Cang nói với dân quân: “Bá xin nói thật! Vì bá thấy Thu Lạ nó

đẹp như nàng tiên mà lũ con của bá thì xấu xí” [60; 190].

Nhìn chung, hình ảnh biểu trưng “hoa” và “nàng tiên” xuất hiện trong tên gọi của rất nhiều các nhân vật trong văn xuôi Vi Hồng, nhất là ở mảng đề tài tình yêu đôi lứa và để gọi tên những người trẻ tuổi có vẻ đẹp hình thức.

Tính ước lệ cao trong ngôn ngôn ngữ của người Tày thể hiện qua cách gọi tên: trai non gái nụ, trai non gái trẻ, trai thanh gái lịch, trai nụ gái hoa... được sử dụng với mật độ dày đặc.

Trong truyện dài Đường về với mẹ chữ, những người chủ chó đã hỏi:

Các bạn trai trẻ, trai non ơi! Các bạn có thấy con chó nào sủa ở phía núi bên kia không?” [62; 56].

“Cảm ơn các bạn trai non. Các bạn rất dũng cảm.” [62; 56].

Trong tiểu thuyết Đất bằng, Già viền đã nói với già Xanh: “Trai non, gái trẻ

Không chỉ trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, mà trong lời trần thuật của tác giả, Vi Hồng cũng có cách gọi mang tính ước lệ, tượng trưng như vậy. Trong tiểu thuyết Mùa hoa bioóc loỏng: “Ở Khoang Đông với những ngày hội

Xuống Đồng, trai thanh gái lịch, trai nụ gái hoa, trai non gái trẻ mặt sáng như gương, mắt long lanh như họa mi, như quả nhót chín mọng.” [60; 5].

Ảnh hưởng sâu sắc từ những làn điệu dân ca của dân tộc và đặc trưng giao tiếp vùng dân tộc miền núi. Các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn thường đối thoại với nhau bằng một thứ ngôn ngữ rất giàu cảm xúc, phong phú về nhạc điệu, giàu hình ảnh, giống như lời thơ lối nói, lối hát của người Tày. Điều này thể hiện ở lời thoại đưa đẩy, bay bướm, theo kiểu của lối hát đối đáp trong các làn điệu sli, lượn của người Tày - Nùng: trong lời thoại của Ai Hoa nói với Tú: “Em thấy anh là con bướm lớn khỏe đi ngang đồng. Hoa em muốn

đậu, nụ em muốn ong anh đỡ dậy sắc xuân” [57; 124].

Do ảnh hưởng từ cách diễn đạt dài dòng, vòng vo của người Tày, lối xưng hô trong tác phẩm của Vi Hồng cũng có đặc điểm dài dòng và sử dụng rất nhiều mĩ từ. Xuất hiện đậm đặc nhất là mô hình xưng hô A của B (với 60 lượt sử dụng) thể hiện quan hệ của người nghe với người nói (thường là quan hệ gần gũi, thân thiết). Đó là các từ: hoàng tử của em, nàng tiên của anh, con trai rất

thông minh của bố, con trai vô vàn yêu quý của cha, thằng cháu nội yêu quý của ông, anh vô vàn yêu quý của em, nàng xiêm vàng ngọc của ta, quan đại hiền đệ của em, anh bạn Kin Xa thân yêu, anh bạn nghệ sĩ dân gian lượn tuyệt vời của tôi, người đẹp của anh, tình yêu lí tưởng và thần diệu của anh... (Xem

thêm Bảng 5- Phần Phụ lục).

Sau đây là một số ví dụ cụ thể trong tác phẩm:

Trong tiểu thuyết Mùa hoa Bioóc loỏng, Mi Tráng nói với Cặm Cang:

Anh bạn nghệ sĩ dân gian lượn tuyệt vời của tôi. Anh thật là con người tốt bụng. Tao quý mày đấy, Cặm Cang à!” [60; 162].

Mi Tráng nói với Xinh Xông: “Người đẹp của anh, tình yêu lí tưởng và thần diệu của anh! Em đừng nói thế, đừng nghĩ thế” [60; 49].

Thu Lạ nói với Cặm Cang: “Thế nào, người yêu muôn thuở của em, anh có biết biểu hiện tình yêu không?” [60; 200].

Bà Xẳn Lần nói với Hạ Chi: “Con gái Hạ Chi của mẹ. Con gái đẹp, con gái xinh, con gái thơm của mẹ, về nhà đi!” [60; 268].

Trong tiểu thuyết Người trong ống, ông Hoàng nói với Ba: “Tôi đi là để

nhường đường đi nước bước cho cậu đấy. Cậu bác sĩ trẻ, đẹp trai của tôi ạ!” [57; 145].

Trong tiểu thuyết Dòng sông nước mắt, Thu Khoan nói với Kim Công:

“Thôi được rồi đấy anh pupa của em ạ!” [58; 44]

Bà mối nói với Thu Khoan: “Ôi, nàng Thu Khoan của tôi thật là có được một hạnh phúc thần tiên” [58; 65]

Quan phủ Trần Hồi nói với Kin Xa: “Ôi, anh bạn Kin Xa của tôi bây giờ trở nên sang trọng và quý phái quá!” [58; 160].

Cô gái làng chơi nói với Kim Công: “Quan đại hiền đệ của em nằm xuống đây” [58; 181].

Có thể thấy rằng, ngôn ngữ mang tính ước lệ, tượng trưng của người miền núi không chỉ xuất hiện ở lời ăn tiếng nói, mà còn xuất hiện ở lời thơ lời hát, ở cách xưng hô có cánh của các chàng trai cô gái trong các sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt đời thường. Ẩn sâu lớp từ ngữ xưng hô mang đậm chất thơ trong văn xuôi Vi Hồng là tâm hồn bay bổng, lãng mạn, mang đậm màu sắc mang phong vị miền núi, giản dị, tươi tắn nhưng hết sức tự nhiên.

Tiểu kết chương 3

Nghiên cứu về hiệu quả sử dụng từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng, điều dễ nhận thấy là, cùng với việc vận dụng sáng tạo ngôn ngữ dân tộc, Vi Hồng đã đưa vào tác phẩm của mình một hệ thống từ ngữ xưng hô phong phú, đa dạng và đậm màu sắc dân tộc Tày. Trong giới hạn của đề tài, trong chương này, chúng tôi tập trung làm rõ những vấn đề sau:

1. Vi Hồng là nhà văn của dân tộc Tày. Quê hương Cao Bằng là cái nôi nuôi dưỡng, là cội nguồn làm nên chất văn trong sáng tác của ông. Dấu ấn văn

hóa Tày hiện lên sâu sắc và đậm đặc trong văn xuôi Vi Hồng. Qua việc sử dụng lớp từ ngữ xưng hô, các tác phẩm của ông thể hiện văn hóa gắn bó tự nhiên, tôn thờ thần linh và văn hóa cộng đồng, làng bản.

2. Vi Hồng là người con đích thực của quê hương miền núi, mang trong mình phẩm chất, cốt cách của dân tộc Tày. Qua lớp từ ngữ xưng hô của các nhân vật trong văn xuôi Vi Hồng phần nào thể hiện rõ tính cách, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của người miền núi. Người dân tộc thiểu số không chỉ mang trong mình tính chân thật, hiền lành, hồn nhiên, chất phác, ngay thẳng mà còn ẩn chứa một tâm hồn lãng mạn, bay bổng giàu cảm xúc và đượm tình yêu thương.

Bằng vốn sống vốn hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ dân tộc mình, Vi Hồng đã đem đến cho từ ngữ xưng hô những giá trị mới trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Với việc sáng tác bằng tiếng Kinh, nhà văn đã mở ra góc nhìn về văn hóa, con người của dân tộc thiểu số. Cách sử dụng hiệu quả lớp từ ngữ xưng hô chọn lọc và phù hợp với từng ngữ cảnh đã góp phần để lại dấu ấn sâu đậm, không thể trộn lẫn Vi Hồng với bất kì một nhà văn nào khác.

KẾT LUẬN

1. Nghiên cứu về phạm trù xưng hô trong tác phẩm văn học cụ thể là một hướng đi mới mẻ và thú vị. Tìm hiểu văn xuôi Vi Hồng từ góc nhìn từ ngữ xưng hô sẽ giúp cho chúng ta có được một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về tác phẩm của ông qua một phong cách nghệ thuật riêng, cùng những đóng góp của ông cho bức tranh văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

2. Hệ thống từ ngữ xưng hô trong tác phẩm Vi Hồng là một hệ thống sống động, đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Ngoài việc vận dụng các từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt một cách linh hoạt, tinh tế, từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng còn mang những phong vị đặc biệt do ảnh hưởng bởi lối giao tiếp của người Tày. Tài năng sử dụng ngôn ngữ của Vi Hồng được thể hiện bằng việc dùng từ ngữ xưng hô qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật và qua lời trần thuật của chính tác giả.

2.1. Xét về từ ngữ xưng hô qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Số lượng từ ngữ xưng hô trong tác phẩm tương đối lớn. Trong 13 tác phẩm lựa chọn để khảo sát có 837 từ ngữ, 15052 lượt sử dụng.

Xét về mặt nhóm loại, từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng có mặt đầy đủ ở 5 nhóm: Đại từ nhân xưng; danh từ thân tộc; từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp; tên riêng; các từ ngữ xưng hô khác. Nét độc đáo trong các từ ngữ xưng hô của Vi Hồng là sự xuất hiện của rất nhiều kiểu xưng hô mới lạ. Ở mỗi kiểu xưng hô nhà văn có cách vận dụng riêng độc đáo phù hợp với từng chủ đề, qua đó làm nổi bật thêm giá trị cũng như tư tưởng của tác phẩm.

Xét về vai giao tiếp, từ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng được sử dụng phổ biến ở cả hai vai: vai xưng và vai hô. Trong đó số lượng và tần số sử dụng của vai xưng ít hơn so với vai hô. Đặc biệt từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng có sự kiêm vai theo đúng quy luật sử dụng từ xưng hô của tiếng Việt. Hiện tượng sử dụng chuyển vai một số từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng diễn ra rất tự nhiên và hợp lý.

2.2. Xét về từ ngữ xưng hô qua lời trần thuật của tác giả: cách gọi nhân vật trong tác phẩm văn xuôi của Vi Hồng mang sắc thái biểu cảm cao qua một số từ được nhà văn sử dụng phổ biến: lão, mụ, hắn, nàng, chàng. Ở mỗi mảng đề tài, mỗi kiểu loại nhân vật, nhà văn đều có cách gọi riêng và có điểm nhìn trần thuật hết sức linh hoạt, đa dạng. Việc sử dụng các từ ngữ xưng hô qua lời trần thuật của tác giả góp phần thấy được thái độ của nhà văn với các nhân vật trong tác phẩm của mình.

3. Hệ thống từ ngữ xưng hô trong văn xuôi Vi Hồng được sử dụng phong phú, đa dạng, vừa mang tính toàn dân vừa mang sắc thái địa phương sâu sắc. Đặc điểm sử dụng từ ngữ xưng hô trong tác phẩm tự sự của nhà văn phần nào phản ánh được văn hóa dân tộc Tày và tính cách của con người miền núi. Đó chính là văn hóa gắn bó tự nhiên, sùng bái thần linh và văn hóa đoàn kết được hình thành, gìn giữ lâu đời trong cộng đồng, làng bản. Đó chính là nét tính cách chân thật, hiền lành chất phác, ngay thẳng nhưng lại không thiếu yếu tố lãng mạn bay bổng đẫm chất thơ của người đồng bào miền núi.

4. Vi Hồng là cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Thành công của Vi Hồng không chỉ đến từ tài năng và niềm đam mê văn chương mà còn đến từ những trải nghiệm cuộc sống mà ông đã từng đi qua. Đắm mình trong dòng suối thơ ca dân gian của

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) từ ngữ xưng hô trong văn xuôi vi hồng (Trang 97 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)