Cuộc đời Phan Bội Châu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 25 - 28)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.1. Cuộc đời Phan Bội Châu

Phan Bội Châu sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867, tên thuở nhỏ là Phan Văn San, sau vì trùng trên với vua Duy Tân (Vĩnh San) mới đổi thành Phan Bội Châu (Bội: đeo, Châu: ngọc châu). Biệt hiệu chính của Phan Bội Châu là Sào Nam (lấy từ tích: Việt Điểu Sào Nam Chi – con chim Việt sinh ra ở phương Nam nên tìm đến làm tổ ở cành phía Nam để tỏ ý luôn thiết tha với quê hương đất nước). Ngoài ra Phan Bội Châu còn có tên hiệu khác như: Thị Hán, Độc Tỉnh Tử, Hải Thụ,…

Phan Bội Châu quê ở làng Đan Nhiễm (nay thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An) nơi tả ngọn sông Lam, một vùng đất địa linh nhân kiệt nhưng luôn quặn đau trong nắng lửa và gió nóng “mỗi hạt thóc trên vùng đất này là một ngôi sao chứa đựng đầy đủ ánh lửa ý chí và nghị lực” [4, tr 12]. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống “lấy nghiên làm ruộng, lấy bút làm cày” [4]. Cha là cụ Phan Văn Phổ, một bậc thâm nho, thông hiểu kinh truyện nhưng không đỗ đạt gì, suốt đời theo đuổi nghề dạy học. Mẹ là bà Nguyễn Thị Nhàn, cũng xuất thân trong một gia đình dòng dõi nho học là một người phụ nữ phúc hậu, hay giúp đỡ những người nghèo khổ.

Cậu bé Phan Văn San ngay từ nhỏ đã có “khuôn mặt sắc nét ẩn hiện một sức mạnh cương nghị…Trán cao như một vòm tròi thu nhỏ. Đôi mắt như lúc nào cũng ánh lên sức mạnh xuyên qua đêm tối” [4, tr 15]. Cậu nổi tiếng là thần đồng xứ Nghệ và cả miền Trung. 6 tuổi theo cha đi học, ba ngày thuộc hết Tam tự kinh. 7 tuổi đã hiểu nghĩa kinh truyện, có thể sử dụng chữ Hán viết Phan tiên sinh luận ngữ để chế giễu bạn bè. Năm 8 tuổi thông thạo các loại văn cử tử, 13 tuổi đi thi ở huyện đỗ đầu. Năm 16 tuổi đỗ đầu xứ nên được gọi là Đầu xứ San.

Sinh ra trong cảnh nước nhà gặp cơn nguy biến “tiếng khóc oe oe chào đời như đã báo trước mày là một người dân mất nước” [11, tr 56] lớn lên trong không khí chống Pháp sôi sục của cả nước và đặc biệt là của quê hương Nghệ An, Phan Bội Châu có tư tưởng yêu nước từ rất sớm. Dù mới 17 tuổi, Phan Bội Châu đã viết hịch Bình Tây thu Bắc (tức đánh giặc Pháp thu lại Bắc Kỳ) làm rung động lòng người. Năm 18 tuổi khi kinh thành Huế thất thủ, trước sự hung bạo của giặc Pháp, Phan Văn San đã vận động anh em bạn học tập hợp khoảng 60 người, lập đội Thí sinh quân nhưng chưa kịp hành động đã bị dàn áp dẫn đến tan rã. Cũng từ đó, thấm thía lời dạy của cha: “Muốn lập công bằng cách lo việc lớn, trước hết phải lập danh, lập ngôn” [5,tr 85] Phan Bội Châu tiếp tục đi dạy học. Trong khoảng 10 năm từ năm 21 tuổi đến năm 31 tuổi là thời kỳ “ẩn nhẫn, nấp náu” (lời Phan Sào Nam viết trong tập niên biểu) “tu dưỡng ngấm ngầm” [8] của Phan Bội Châu. Ngoài việc không ngừng ôn kinh sử, luyện thi phú với đèn sách bút nghiêng, Phan Văn San còn tìm đọc các sách binh thư từ thời Chiến quốc như Tôn tử thập tam thiên, thời Tam quốc như Vũ Hầu tâm thư cho đến sách của các danh tướng nước nhà như Hổ trướng xu cơ, Binh gia bí quyết. Ngoài ra Phan Bội Châu cũng tìm đọc thêm Tân thư, Tân báo và mở rộng giao du tìm người đồng tâm đồng chí để thuận lợi cho việc cứu nước nhà về sau.

Năm 1900, sau nhiều năm bị cấm thi, nhờ sự can thiệp của Khiếu Năng Tĩnh và nhiều người khác, Phan Văn San được đi thi lại và đậu giải nguyên trường Nghệ An với vinh dự độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng: “bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn” [24]. Cũng từ đây Phan Văn San “đã có cái hư danh để che mắt đời” – như cách nói của ông. Đây cũng chính là thời điểm ông bước vào cuộc đời hoạt động cứu nước đầy sôi nổi và sóng gió với cái tên Phan Bội Châu. Cụ là một trong những nhà nho Việt Nam đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm một con đường cứu nước mới. Cùng bạn bè đồng chí, Phan thành lập Duy Tân hội (năm 1904), chủ trương dùng vũ trang bạo động và nhờ ngoại viện để đánh đổ thực dân Pháp khôi phục nước Việt Nam lập ra Chính phủ độc lập. Đây là tổ chức cách mạng

Từ năm 1905 – 1908, Phan Bội Châu tham gia thành lập hội Đông du, tổ chức cho 200 thanh niên yêu nước sang Nhật học tập để tạo cốt cán cho phong trào cách mạng ở trong nước. Tháng 3 năm 1909, tổ chức Đông du bị giải tán, Phan Bội Châu bị chính phủ Nhật trục xuất, phải về ẩn náu ở Trung Quốc một thời gian, rồi sang Thái Lan mở trại cày Bạn Thầm để tính kế lâu dài. Năm 1911, Phan Bội Châu là sáng lập viên của Việt Nam Quang phục hội. Hội cử người về nước hoạt động và gây nên một số vụ bạo động vũ trang có tiếng vang nhưng kẻ thù thẳng tay đàn áp. Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam vào đầu năm 1914 cho đến năm 1917 ông mới được ra tù. Giữa năm 1924, phỏng theo Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, ông đã cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng.

Có thể nói thời kỳ từ 1905 đến trước năm 1925 là quãng đời “oanh liệt và vẻ vang trong thân thế nhà chí sĩ” [8, tr 636]. Trong 20 năm ròng rã không một cuộc vận động yêu nước nào trên dải đất Việt Nam dù ôn hòa hay bạo động mà không có bóng dáng tinh thần của Phan Bội Châu. Nhưng chính lúc cánh chim bằng ấy đang tung cánh ngang dọc khắp bầu trời phương Đông thì lại bị bắt. Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải (năm 1925) định đem về nước bí mật thủ tiêu. Sự việc bại lộ, chúng phải đưa ông ra xét xử công khai ở tòa Đề hình Hà Nội. Một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị rầm rộ khắp toàn quốc đòi thả tự do cho cụ Phan. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân trong đó có cả những người Pháp tiến bộ cũng ủng hộ, ngày 11 tháng 12 năm 1928 thực dân Pháp buộc phải xóa án tử hình và tuyên bố tha bổng cho Phan Bội Châu nhưng bắt an trí tại Huế. Cụ Phan đã sống ở nơi đây trong sự kính trọng, ngưỡng mộ của nhân dân và nhiều vòng giám sát của kẻ thù cho đến lúc qua đời.

Ngày 20 tháng 10 năm 1940, tại căn nhà tranh ở dốc bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu mất. Trước khi mất cụ để lại cho đồng bào một lời từ biệt: “Cứu nước, bảo toàn giống nòi, tôi có chí nhưng không có tài. Nay tôi từ biệt quốc dân mãi mãi. Tội tôi rất lớn xin quốc dân tha thứ” [24].

Tuy sự nghiệp cứu nước không thành nhưng tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên cường, khó khăn không nản, nguy hiểm không sờn và tấm lòng yêu nước thiết tha nồng cháy của Phan Bội Châu mãi mãi không phai nhòa trong tâm trí của người Việt Nam. Phan Bội Châu luôn luôn là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu - Nguyễn Ái Quốc).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)