Lòng yêu nước thương dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 45 - 53)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

2.2. Thơ Nôm Đường luật và bức chân dung tự họa của ông già Bến Ngự

2.2.1.1. Lòng yêu nước thương dân

Trong toàn bộ tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, văn chương yêu nước đầu thế kỷ XX là sự tiếp nối một khuynh hướng, một truyền thống lớn đã có từ lâu đời của văn học dân tộc. Con đường đó được tiếp nối bởi những nhà Nho, nhà chí sĩ – những đại biểu cuối cùng của loại hình tác giả nhà Nho trong văn học trung đại. Phan Bội Châu là một trong những nhà Nho, nhà khoa bảng xuất sắc đầu thế kỷ XX, đại diện cho những đại biểu kiệt xuất cuối cùng của văn chương

truyền thống. Như giáo sư Đặng Thai Mai nói: “Thành công rõ rệt nhất qua mấy mươi năm “bút mặc tung hoành” của thơ ca Phan Bội Châu chính là ở chỗ đã thể hiện được tất cả cái tinh thần yêu nước nồng nàn của cả một dân tộc trong thời đại bấy giờ” [8, tr 773].

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An giàu truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ, tư tưởng yêu nước đã thấm nhuần trong con người Phan Bội Châu. Mười bảy tuổi cậu bé San đã thể hiện lòng yêu nước của mình qua những hành động cụ thể: tập đánh trận giả, nửa đêm viết hịch Bình Tây thu Bắc để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào văn thân ở Bắc kỳ. Cùng với thời gian tấm lòng yêu nước lớn dần lên thôi thúc Phan Bội Châu đi tìm con đường cứu nước. Và trên con đường hoạt động chính trị, sáng tác văn chương, tư tưởng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận xuyên suốt thơ văn Phan Sào Nam. Vì vậy thơ văn Phan Bội Châu “tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và chí khí anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ” [12, tr 14].

Tấm lòng yêu nước được Phan Bội Châu được biểu hiện không bay bổng cao xa mà hết sức tự nhiên, giản dị gần gũi, rõ nét ngay từ những tác phẩm thơ văn thời kỳ chưa xuất dương và khi xuất dương. Với Phan Bội Châu, yêu nước là ca ngợi về vẻ đẹp của quê hương đất nước:

Nay ta hát một thiên ái quốc Yêu gì hơn yêu nước nhà ta Trang nghiêm bốn mặt sơn hà Ông cha để lại cho ta lọ vàng Trải mấy lớp tiền vương dựng mở Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa Biết bao công của người xưa

(Ái quốc ca)

Yêu nước là tự hào về truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta:

Nọ thuở trước đánh tàu mấy lớp Cõi trời Nam cơ nghiệp mở mang Sông Đằng lớp sóng Trần vương Núi Lam rẽ khói mở đường nhà Lê Quang Trung đế từ khi độc lập Khí anh hùng đầy lấp giang san.

(Hải ngoại huyết thư)

Yêu nước là nhớ nước và đau lòng khi nhìn thấy từng phần của mảnh đất quê hương dần dần rơi vào tay giặc Pháp:

Than ôi ! Lục tỉnh Nam Kỳ,

Nghìn năm cơ nghiệp còn gì hay không ? Mịt mù một dãi non sông…

Hỏi ai, ai có đau lòng chăng ai ?

(Ai cáo Nam Kỳ phụ lão thư)

Có thể nói với những vần thơ xuất dương ấy mà “Đọc Phan, chúng ta thấy thơ văn của cụ thấm đượm một chủ nghĩa yêu nước nồng nàn - Đọc Phan, chúng ta thấy sung sướng tự hào về dân tộc ta anh hùng - Đọc Phan, chúng ta thấy căm thù giặc sâu sắc, muốn xông lên diệt thù cứu nước” [17, tr 86]. Lòng yêu nước của Phan Bội Châu giống như một ngọn lửa luôn luôn nung nấu tim gan Cụ, có khi sôi nổi trào dân mãnh liệt, cũng có khi dạt dào mênh mông. Với lòng yêu nước thương dân mà trước tòa án Đề hình của thực dân Pháp tại Hà Nội năm 1925,

Phan Bội Châu đã khẳng khái: “Tôi chỉ có mỗi một tội là muốn giải phóng đất nước tôi, làm cho đất nước tôi được độc lập, ngoài ra tôi không có tội gì hết” [5]. Từ ngày bị giam lỏng ở Huế, con chim bằng coi như bị sả cánh nhưng không vì thế mà rã rời đợi chết một cách vô vị. Phan Bội Châu vẫn cố vươn lên, vẫn hi vọng hành động cứu nước. Buộc phải sống cuộc sống người tù “trăng gió nhốt ba gian”, trong hoàn cảnh nguy hiểm, bị kẻ thù uy hiếp đe dọa nhưng Phan Bội Châu vẫn thể hiện nỗi niềm yêu nước, lòng căm thù giặc của mình qua mỗi trang thơ. Tuy nhiên nếu thời gian hai mươi năm sống ở nước ngoài, ngòi bút của Phan Bội Châu tha hồ tung hoành trên mặt giấy, thể hiện trực tiếp lòng yêu nước, tự hào về quê hương đất nước, lòng căm thù sâu sắc với những tội ác của giặc “Mỗi năm mỗi thuế, mỗi phần mỗi tăng - Người chịu thuế nai lưng cố đóng - Của lâu ngày hết rỗng trơ trơ - Kìa như thuế chợ, thuế đò - Thuế đinh, thuế thổ, thuế chồng mà đi…” (Hải ngoại huyết thư) thì nay Cụ phải vừa viết vừa “lách” mới tránh được lưỡi kéo kiểm duyệt của tòa khâm sứ Pháp. Và đặc biệt, thay vì sáng tác theo các thể thơ như giai đoạn trước, Phan Bội Châu đã gần như ưu tiên hoàn toàn thể thơ Đường luật - một thể thơ hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” để thể hiện tư tưởng hoài cổ và tấm lòng yêu nước thầm kín của mình. Vì vậy “nét nổi bật trong cách viết của Phan Bội Châu thời kỳ này là nói bóng gió, khai thác gửi gắm tâm sự trong loại thơ vịnh cảnh vịnh vật trước đây” [27]. Trong những bài thơ Nôm Đường luật của mình, từ những bài thơ vịnh đồ vật như cái gầu, đòn gánh, đôi thùng, đôi gióng, cái gáo, cái chum sảnh cho đến vịnh thiên nhiên, cảnh sông nước, cảnh hạn hán, cảnh lũ lụt Phan Bội Châu đều lợi dụng hai chữ “nước” đồng âm để nhắc đến cảnh thiếu nước, không có nước, mất nước của dân tộc ta lúc bấy giờ:

Hạn mãi trời toan giết chúng con, Mấy lâu trông nước, nước đâu còn. May chi cổ cóc chưa khan tiếng,

(Trách trời hạn – bài II)

Hay Cụ mượn sự việc pha trà để thấy được sự cần thiết của “nước”: Vì cớ sao mà khát nước hoài

Trà đâu ta sẽ nếm mày chơi Chẳng Tàu thì Huế tha hồ thú, Pha tục và tiên tặc bõ đời.

Sốt nguội tình đời năm bảy chén. Lạt nồng mùi thế, một vài hơi. Trà ơi ! Còn nước là vinh hạnh, Cháy lưỡi khô môi thảm những ai

(Gọi trà)

Phan Bội Châu dùng cách nói bóng gió để lên án sự xâm lược, tố cáo hành động bán nước cầu vinh của quan lại triều đình nhà Nguyễn, vạch trần bộ mặt giả dối của chế độ thực dân cùng tay sai. Cụ mượn lời của chim cà cuỗng trách chim tu hú giành tổ của mình để lên án quân xâm lược:

Ai ơi ! ai có nợ nần chi Sao ổ ai mà ai chiếm ngay

Chồng vợ tôi đành cam chịu khó Bố con bác khéo bợm làm lỳ ! Tưởng là ở độ vài ba bữa,

Ai biết chơi luôn tám chín ngày ! Thiên hạ có đâu kỳ quái dữ,

Chẳng mời mà tới, đuổi không đi !

Cụ xót xa dùng hình ảnh đàn gà mất mẹ để miêu cả hiện thực dân ta mất nước lúc bấy giờ:

Gà ơi, gà nhớ mẹ gà không? Mẹ vịt nào thương lũ khác giòng Sắp chọi những e phường thiếu cựa Toan kêu còn ngại bợm mang lồng Cậy vườn xưa vẫn khoe mồng mỏ. Vỡ ổ nay còn chút cánh lông. Thương mẹ càng đau thân phận trẻ Thóc người thôi chớ cậy mà mong.

(Lời than gà mất mẹ - bài II)

Dù cũng có lúc viết với giọng thơ trào phúng hài hước nhưng tình cảm của Phan Bội Châu luôn căm giận sục sôi, đau xót khôn nguôi. Trước cảnh nước mất nhà tan, đời sống thay đổi, Phan Bội Châu tủi hận vì sự bất lực của bản thân:

Nghĩ xem sự thế thế nào đây ? Ngoảnh lại giang sơn giọt lệ đầy. Một lũ quan dân phường lính lệ. Vài câu kinh kệ giấc đêm khuây.

(Nghĩ xem thế sự)

Đó là những lời thơ Nôm Đường luật được viết bằng máu và nước mắt của một con người ngày đêm đau đáu vì mối nhục mất nước, khao khát đi tìm con đường cứu nước giờ đây lại trở thành “con voi già” bất lực nơi dốc Bến Ngự.

Càng yêu nước, căm thù bọn cướp nước và bè lũ tay sai bao nhiêu thì Phan Bội Châu lại càng yêu thương và rất đậm đà tình nghĩa với nhân dân bấy nhiêu. Những năm tháng Phan Bội Châu về sống ở Bến Ngự là những tháng ngày tình

bố đẫm máu của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng do Đảng cộng sản phát động, lãnh đạo trái tim luôn gắn bó với nhân dân của Phan càng thổn thức. Bằng tấm lòng “đau đời xót tục” nhà chiến sĩ họ Phan đã hòa nhịp con tim của mình với trái tim của nhân dân trong những vần thơ Nôm Đường luật để cất lên tiếng kêu than xót thương:

Nuôi xác ai kia thêm nặng thịt. Gò lưng khiến tớ quá đau lòng. Cha trời, con cũng con chung cả. Tuồng bất bình kia có chán không !

(Phu xe than trời mưa – bài I)

Hình ảnh những người phu xe An Nam vất vả, mệt nhọc phải gò lưng kéo chiếc xe nặng để chở tên thực dân béo mập dưới trời mưa khiến nhà thơ không khỏi chạnh lòng. Nhưng đây lại là hiện thực tối tăm của đất nước ta thời kỳ này. Sự đối lập giữa cuộc sống của nhân dân và bọn thực dân cho thấy những chính sách bóc lột tàn bạo, dã man của kẻ thù đã đẩy những người nông dân vốn hiền lành chất phác vào cuộc sống tối tăm của những kiếp nô lệ.

Không chỉ vậy đọc những vần thơ Nôm Đường luật thời kỳ này, ta thấy càng yêu nước thương dân bao nhiêu thì Phan Bội Châu càng bất bình trước sự vô lí bất công của xã hội. Cũng là con người vậy mà dân ta phải chịu cảnh làm trâu ngựa sống cuộc sống lầm than còn bọn chúng lại ăn chơi phè phỡn, sung sướng trên mồ hôi nước mắt của dân ta. Đè nặng lên tâm trí Phan Bội Châu là cảnh khốn khổ của nhân dân.

Cạnh bếp nhà nông cười lẫn khóc Dọc đường lao động chạy vừa rênh Vớt rong mụ nọ cò bờ bến

(Khổ trời mưa lạnh dai - bài I)

Nôm Đường luật Phan Bội Châu không những tái hiện cảnh nhân dân bị xiềng gông nô lệ lầm than:

Đầu đội ông xanh vang sấm sét Lòng thương con đỏ lấm bùn than. Tôi yêu tôi quý dân tôi lắm,

Tôi nói với dân nát ruột gan.

(Thức tỉnh)

Mà còn vạch trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đế quốc: Tiền bạc bàn trong mười ngón ép,

Tháng ngày qua trọn một đời thuê (Tết thợ thuyền)

Chính những thủ đoạn khai thác triệt để của Pháp đã khiến đất nước ta lâm vào tình trạng hạn hán, lũ lụt triền miên. Trước cảnh đồng bào từ Phan Rang, Bình Phú đến Nghệ Tĩnh phải chịu cảnh “Bùn tắm da vàng đen quá mực – Nước ngâm đốt bạc trắng hơn vôi – Muôn đầu người, họa mười còn sống – Trăm nóc nhà may một chửa trôi” Phan Bội Châu đã sáng tác 9 bài Nôm Đường luật Dân bị bão lụt kêu trời và 2 bài Nhà nông than bão lụt. Trái tim nhà thơ như se thắt lại. Cụ đau đớn vì mình không có cách gì giúp đỡ nhân dân:

Dân khổ bao nhiêu đau bấy nhiêu Nước kia ai đắm, lửa ai thiêu, Trơ trơ, thế mãi trơ trơ mãi, Hạn lụt còn lưa lại cái nghèo.

Với quan niệm lấy ngòi bút làm vũ khí “Phải mượn ba tấc lưỡi làm bộ máy xoay đời, lập một ngòi lông làm khuôn lò nấu tục” [15] Phan Bội Châu đã phản ánh rất thành công nỗi khốn khổ của người dân trong thơ Nôm Đường luật thời kỳ ở Huế. Đồng thời thơ văn của Cụ đã khơi dậy được tấm lòng yêu nước căm thùgiặc của dân tộc ta, tiếp thêm sức mạnh để thúc giục mọi người cứu nước. Chính Phan Bội Châu đã từng nói:“Cái hoàn cảnh của tôi bây giờ tuy khác trước nhưng tấm lòng ái quốc của tôi trước sau như một” (Lời tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc, đăng trong Trung Bắc tân văn ngày 14 – 1- 1926) [15]. Cho đến ngày phải từ giã cõi đời, Phan Bội Châu trước sau vẫn là một con người chân thành yêu nước, vẫn một lòng căm thù giặc Pháp. Tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu “vừa là kết tinh tư tưởng của thời đại, vừa mang sắc thái cá nhân của Phan Sào Nam. Tư tưởng đó làm ngọn đuốc soi đường cho cả dân tộc không chỉ trong thời gian ông hoạt động mà còn có ảnh hưởng rất lớn về sau” [3, tr 102]. Vì vậy ngay trong khi ngâm vịnh cảnh hay trò chuyện cùng với bạn bè Ông già Bến Ngự vẫn không quên khẳng định tấm lòng yêu nước trước sau như một của mình bằng một thể thơ vốn đã ngấm vào máu thịt:

Danh lợi bên đường ai mặc kệ Tấm lòng tươi héo với non sông

(Vịnh cây đa ở nhà lục Hỏa Lò)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 45 - 53)