Quan điểm sáng tác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 39 - 40)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

2.1. Quan điểm sáng tác và thế giới quan Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế

2.1.2. Quan điểm sáng tác

Quan điểm sáng tác có vai trò quan trọng trong việc xác định bản chất của tác phẩm văn chương. Trong thời kỳ dài của văn học trung đại, thơ ca chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến nên quan niệm văn chương của các tác giả thường là “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”. Văn chương không chỉ là phương tiện giao tiếp truyền cảm đặc biệt giữa người đọc và tác giả mà còn là công cụ để tỏ chí, tỏ lòng; để giáo huấn nhân tâm, khuyến khích con người làm điều thiện, răn trừ điều ác, …

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng với sự xâm lăng của thực dân Pháp, đời sống xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc thì quan điểm sáng tác văn chương cũng thay đổi. Văn học yêu nước lấn át văn chương cử tử. Từ Nguyễn Đình Chiểu với quan niệm “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm – Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Than đạo) đến thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến, Tú Xương cũng nhằm lên án sự suy thoái của xã hội đương thời. Ngôn ngữ hàng ngày cùng với hiện thực đời sống đã đi vào thơ ca một cách tự nhiên thay thế cho những điển tích điển cố xưa, những lời ước lệ, châu ngọc sáo rỗng.

Với Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước đầu thế kỷ XX, văn chương đã vượt ra khỏi khuôn khổ tiêu khiển chật hẹp nơi “trà dư tửu hậu” của nhà nho trong thời kỳ trung đại để có một sứ mệnh thiêng liêng, một nội dung cao quý. Đặc biệt với Phan Bội Châu văn chương đã trở thành một lợi khí tuyên truyền một cách có ý thức cho cách mạng. Dù sinh thời Phan Bội Châu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “lập thân” với văn chương. Cụ coi hai câu thơ của Viên Mai (nhà thơ, nhà lí luận phê bình văn học Trung Quốc đời Thanh) như một lời châm ngôn quý báu: “Túc dạ bất vong duy trúc bạch - Lập thân tối hạ thị văn chương” (Khuya sớm những mong ghi sử sách – lập thân hèn nhất ấy văn chương), hay thường đọc câu thơ của Minh Nhân:

Văn chương thiên cổ sự Đắc thất tốn tâm tư

(Văn chương việc nghìn đời Hay dở chỉ mình biết)

Tuy nhiên khi chọn con đường làm người hào kiệt cứu nước, cứu dân, Phan Bội Châu cũng đồng thời sử dụng văn chương để làm cách mạng. Nói như Etuot Malicki (Ba Lan) “Phan Bội Châu vào đời không phải để làm văn mà làm một chiến sĩ. Nhưng nhiệm vụ chính trị bắt ông phải cầm bút. Nhà văn và người chiến sĩ ở ông là một.Vì chiến đấu mà viết và viết để chiến đấu. Văn thơ nhằm một đích duy nhất: phục vụ nhiệm vụ chính trị của cách mạng, hơn nữa văn thơ ấy phần lớn là văn thơ phục vụ việc vận động cứu nước” [17, tr 438]. Điều này thể hiện rất rõ ngay từ những tác phẩm văn chương đầu tiên của Phan Bội Châu như Bái thạch vi huynh phú - viết để ra mắt giới trí thức ở kinh đô Huế; Lưu cầu huyết lệ tân thư - viết để thăm dò ý tứ quan lại đối với sự nghiệp cứu nước,… Đặc biệt sau khi xuất dương, Phan Bội Châu lại càng có ý thức đầy đủ hơn về việc dùng văn chương để phục vụ cách mạng. Những tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ này từ Hải ngoại huyết thư, Việt Nam quốc sử khảo đến các bài ca Ái quốc, Ái quần, Ái chủng,… rồi Trùng Quang tâm sử, Ngục trung thư,… đều để truyên truyền chủ trương đường lối cách mạng, kích thích lòng yêu nước, căm thù giặc,…Lúc này hoạt động văn học của Phan Bội Châu không tách rời hoạt động chính trị. Cụ đã dùng ngòi bút của mình khơi dòng chảy cho một loại văn chương trữ tình – chính trị, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng đương thời và sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)