Sự nghiệp sáng tác của Phan Bội Châu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 28 - 30)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.2. Sự nghiệp sáng tác của Phan Bội Châu

Nếu như trong lịch sử dân tộc, bóng dáng Phan Bội Châu vươn lên cao lớn trên chân trời đầy dông bão đầu thế kỷ, thì trong nền văn học yêu nước, Phan là một trong những cây cổ thụ mà cành lá vẫn che mát cho nhiều thế hệ sau” (Chương Thâu). Dù sinh thời Phan Bội Châu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “lập thân” với văn chương mà cụ luôn coi hai câu thơ của Viên Mai: “Túc dạ bất vong duy trúc bạch - Lập thân tối hạ thị văn chương” (Khuya sớm những mong ghi sử sách – lập thân hèn nhất ấy văn chương) như một lời châm ngôn quý báu. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã nhận thấy sức mạnh của văn chương “Sức vãn hồi bút mạnh hơn binh(Hải ngoại huyết thư). Vì vậy với năng khiếu từ nhỏ, với nguồn cảm xúc dạt dào trong trái tim đầy nhiệt huyết, lại thêm vốn sống được tích lũy qua những năm tháng bôn ba, Phan Bội Châu đã trở thành một nhà văn, nhà thơ lớn. Cụ được coi là người mở đường cho xu hướng văn học mang nhiệm vụ phục vụ cho cách mạng. Sự nghiệp văn chương của Phan Bội Châu chính là một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng của nhà chí sĩ ấy.

Phan Bội Châu sáng tác nhiều và liên tục suốt cả cuộc đời, không lúc nào ngừng nghỉ. Cụ đã để lại một kho tàng thơ văn đồ sộ vào bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Cụ cũng là nhà văn đã chịu khó và có gan đem ngòi bút mà thử thách trên nhiều thể loại khác nhau từ văn luận đề, văn ký sự, tiểu thuyết, thơ trữ tình đến tuồng, hát dặm, bia, phủ, trướng, câu đối,…

Thời kỳ thứ nhất: từ ngày Phan Bội Châu cầm bút viết văn cho đến ngày rời nước sang Nhật khoảng năm 1905 -1906. Đây phần lớn là những bài văn trường ốc nhưng đã ít nhiều thể hiện cái chí vá trời lấp biển của Phan. Tiêu biểu như bài hịch Bình Tây thu Bắc nhằm mục đích cổ động cho đồng bào Nghệ -Tĩnh hưởng ứng với phong trào của nghĩa binh Bắc kỳ. Hay tác phẩm Lưu cầu huyết lệ tân thư Phan Bội Châu viết năm 1904 nhằm mục đích mô tả “những thảm trạng thành tan, nước mất, những nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi” [8, tr 721]. Ngoài ra Phan Bội Châu còn sáng tác một số bài thơ ngâm vịnh, cảm tác, bài hát nói Chơi xuân, bài thơ làm để từ biệt bạn bè, đồng chí trước khi lên đường sang Nhật Xuất dương lưu biệt,…

Thời kỳ thứ hai: Thời gian hoạt động ở hải ngoại, ở Nhật, Xiêm và nhất là ở Trung Quốc, Phan Bội Châu sáng tác rất nhiều tác phẩm và gửi về trong nước. Tiêu biểu cho thơ văn gắn liền với hoạt động chính trị của cụ như: Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Tân Việt Nam (1907), Việt Nam quốc sử khảo...Ngoài ra Phan Bội Châu cũng viết nhiều truyện về các anh hùng, liệt sĩ:

Truyện Lê Thái Tổ, Truyện Trưng Nữ Vương, Kỷ niệm Lục (1901), Sùng bái giai nhân (1907), Trần Đông Phong truyện, Hoàng Phan Thái truyện (1907), Ngư hải ông liệt truyện, Tước thái thiền sư (1917), Chân tướng quân (1917), Phạm Hồng Thái truyện (1924),…; các bài ca Ái quốc, Ái quần, Ái chủng,…; cuốn hồi kí tự thuật Ngục trung thư (Viết trong thời kì bị giam ở nhà ngục Quảng Đông, 1914); tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử (khoảng từ 1905 -1914),…Với mục đích “cổ võ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống…gieo hạt giống cách mạng ở giữa khoảng biếc non xanh” (Ngục trung thư), cùng với giọng thơ hùng tráng, tràn đầy dũng khí và niềm tin, thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ “bút mực tung hoành” này đã có tác động không nhỏ đối với thế hệ thanh niên đương thời. Chỉ vì đọc Phan Bội Châu mà hàng nghìn thanh niên đã cắt cụt tóc bím, vất hết sách vở văn chương cử tử cùng cái mộng công danh, xa lìa làng mạc, nhà cửa vợ con rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi, trù tính việc đánh Tây.

Thời kỳ thứ ba: là thời kỳ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế. Trong 15 năm cuối đời này, Phan Bội Châu sáng tác rất nhiều thơ văn đăng trên các báo chí công khai Tiếng dân, Trung lập, Đông Pháp thời báo, Văn học tuần san, Phụ nữ tân văn,…để tuyên truyền kín đáo tấm lòng yêu nước, ưu thời mẫn thế của mình. Trong đó có những bài có giá trị cả về nội dung và tư tưởng như: Bài ca chúc tết thanh niên, Văn tế Phan Châu Trinh, Đêm trăng hỏi bóng, Từ giã bạn bè lần cuối cùng,…Đặc biệt cụ dành nhiều thời gian để biên khảo nhiều tác phẩm lớn như:

Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phật học đăng, Chu dịch quốc văn giải thích, Nhân sinh triết học, Phan Bội Châu niên biểu,…Đồng thời cũng cho xuất bản một số tập thơ ca, văn vần như: Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Thuốc chữa dân nghèo, Luân lý vấn đáp,…

Nhìn chung tác phẩm của Phan Bội Châu là những sáng tạo tinh thần của một người vừa có tài năng vừa có cái tâm cháy bỏng nhiệt tình cách mạng. Văn chương của cụ dù là thơ ca hay chính luận đều để lại cho đời sau những bài học lớn “về một loại văn chương có sức lôi cuốn mạnh mẽ, những “câu thơ dậy sóng”(Tố Hữu), những lời huyết lệ thống thiết, rực lửa đấu tranh “Nào những lúc câu thơ kiên chí – Bút hào hùng nhả phí phong lôi” (Võ Liêm Sơn), những áng văn kích động sấm chớp “Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan – Tay ngòi long vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ” (Huỳnh Thúc Kháng)” [11, tr 61]. Chính vì vậy mà trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu được coi là cây bút xuất sắc nhất của văn thơ cách mạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)