Tinh thần lạc quan chiến thắng hoàn cảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 65 - 70)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

2.2. Thơ Nôm Đường luật và bức chân dung tự họa của ông già Bến Ngự

2.2.1.3. Tinh thần lạc quan chiến thắng hoàn cảnh

Cuộc đời Phan Bội Châu là cuộc đời của một bậc anh hùng “hoàn toàn thất bại” (chữ dùng của Phan Bội Châu). Cụ nếm cảnh thất bại ngay từ những năm đầu xuất dương cho đến khi trở về với Bến Ngự cũng chỉ là thay đổi hoàn cảnh cụ thể. Song điều đáng quý, đáng trọng, đáng khâm phục là “từ trong bối cảnh tối tăm đó, viên ngọc Sào Nam đôi lúc có bụi bám mờ song rồi vẫn tỏa sáng. Phan Bội Châu vẫn giữ khí phách con người hào kiệt bất khuất không chịu quỳ gối trước uy quyền; khước từ mọi cám dỗ; kiên trinh trong cơn nghèo túng, bệnh tật; sống trong sự đùm bọc của nhân dân và kính trọng của cả nước” [20, tr 14]. Người chiến sĩ ấy vẫn chiến đấu và chiến đấu kiên cường trên một mặt trận mới bằng sức mạnh của ngòi bút, bằng tác dụng của ngôn ngữ thơ ca để tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp của cuộc đời mình. Vì vậy nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã khẳng định: Cái hay của thơ văn ông già Bến Ngự là ở chỗ “đau xót rất nhiều mà vẫn tràn đầy dũng khí và niềm tin” [13,tr 510]. Thơ ca Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế đặc biệt là những bài Nôm Đường luật dù nhuộm thắm, tràn ngập một nỗi buồn đau song vẫn có không ít những vần thơ thể hiện tinh thần lạc quan chiến thắng hoàn cảnh. Từ niềm lạc quan về sức khỏe, tuổi tác:

Sáu mươi bảy tuổi còn trai tráng, Mò bụng quên mình bạc cả đầu !

(Ngẫu đắc)

Đến lạc quan trong cuộc sống khó khăn của bản thân: Có đâu “bít tếch” với “sâm banh”

Thôi cũng “măng giê” gọi chút tình. Lếu láo tương cà nghe cũng thú. Vác râu ra phách trượng phu kềnh.

(Vô đề - bài II)

Ngay cả những lúc đau yếu bệnh tật, Cụ vẫn yêu đời phơi phới: Chim gáy trên ngành đờn tạo hóa.

Cá bơi dưới nước cảnh thiên nhiên.

Lửng lơ một lão cười ngây ngất, Thế cũng nguồn đào cũng cõi Tiên.

(Trong cơn bệnh, thuyền đậu bến Cây Cừa)

Niềm lạc quan ấy là sự nối tiếp tinh thần của Phan Bội Châu đặc biệt là ở thời kỳ đầu. Trước tình cảnh đất nước lầm than, nhân dân đau khổ Phan Bội Châu hiểu rằng nếu chỉ ngồi đó mà than khóc hoặc nhấm nháp quá khứ oanh liệt của cha ông thì phỏng có ích gì. Cụ chủ động ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc (điều mà rất nhiều nhà nho cùng thời chưa nhận ra). Nhưng trên con đường cách mạng đó, biết bao gian nan nguy hiểm đã diễn ra liên tiếp. Trong nước giặc Pháp vây bắt. Ra nước ngoài, nhiều khi thiếu thốn cả cơm áo. Sang Nhật, niềm vui chưa đến, thất bại đã chờ. Về Trung Quốc, chẳng bao lâu đã bị bọn thống trị bắt giam để làm quà tặng Pháp. Trước hoàn cảnh đó, thái độ của người chiến sĩ cách mạng là phải biết ngẩng cao đầu, nhìn vào hiện thực mà đấu tranh, nhìn vào tương lai mà tin tưởng lạc quan. Tinh thần ấy đã đi vào trong thơ một cách rất tự nhiên. Ngồi trong nhà ngục, tính mệnh treo trên đầu sợi tóc, Phan Bội Châu vẫn sáng ngời ý chí lạc quan:

(Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông)

Phan Bội Châu đã vượt lên những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến, đón nhận được luồng sinh khí của tư tưởng cách mạng tư sản cho nên mới có được tinh thần lạc quan đó. Vì vậy có ý kiến cho rằng “Tinh thần lạc quan này đã làm cho thơ văn Phan Bội Châu đượm màu sắc lãng mạn, một thứ lãng mạn tích cực, vì nó bắt rễ sâu từ hiện thực cuộc sống và đấu tranh cho cuộc sống”.

Hai mươi năm trời vùng vẫy khắp chân trời góc bể, người anh hùng ôm hận trở về quê hương đất nước và rơi vào một cảnh đời khắc nghiệt. Cuộc sống thiếu thốn “bữa cơm thết khách không dám năm xu”, “ngoài một đĩa và hai chén cơm gạo lứt, vỏn vẹn chỉ có một đĩa chuối tiêu luộc, một đĩa ruốc đen và hai con cá bống kho mặn bằng hai ngón tay”[13] cùng với cô đơn, bệnh tật, tâm sự ngổn ngang trăm bề nhưng về bản chất ông già Bến Ngự vẫn là Phan Bội Châu. Trước phong ba bão táp, cây tùng già vẫn hiên ngang đứng vững:

Bâu mật, bâu gừng, ruồi kệ kiếp Sủa hình, sủa tiếng, chó thây đời ! Giữa trời ta đứng ta reo nhỉ

Một cụm xanh xanh, một cụ tùng. (Vô đề - bài II)

Ông “trượng phu kềnh” vẫn thi gan thách đố bắt trời phải chầu, Phật cùng nghe:

Bầu bạn với trời trên mặt nước, Láng giềng cùng Phật dưới sườn non

(Đậu thuyền dưới chùa Thiên Mụ)

Đúng là trong mười lăm năm ở Huế, Phan Bội Châu vẫn còn không ít những “câu thơ dậy sóng”. Người đọc có thể cảm nhận rõ tinh thần lạc quan, phong thái

ung dung tự tại của người chiến sĩ cách mạng qua những vần thơ Nôm Đường luật tự họa chân dung của chính Phan Bội Châu:

Thân vừa đúng mực hơn năm thước Tuổi hãy còn son ngoại sáu mươi Miệng tựa chuông đồng vang dậy đất Râu ria sao chổi quét ngang trời

(Bán mình)

Mắt xanh dường biển thêm sâu hoáy, Râu bạc hơn sương lại khí dài.

Cồn má đen thui trồi núi sắt,

Lông mày trắng toát vạch đường vôi. Gan vàng một khối nghe sôi mãi, Biết đã sờn chưa, sẽ hỏi trời.

(Xem guơng trong lúc bệnh)

Thật là những bức chân dung đáng giá ngàn vàng của một người anh hùng, một vị lãnh tụ dân tộc hồi nửa đầu thế kỉ XX! Ta như gặp lại ở đây hình ảnh Phan Bội Châu trong buổi đầu ra đi tìm con đường cứu nước đầy lãng mạn hào hùng sánh ngang cùng vũ trụ:

Làm trai phải lạ ở trên đời, Há để càn khôn tự chuyển dời? Trong khoảng trăm năm cần có tớ, Sau này muôn thuở há không ai? Non sông đã chết, sống thêm nhục, Hiền thánh còn đâu, đọc cũng hoài!

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió, Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

(Lưu biệt khi xuất dương)

Chính nhờ tinh thần lạc quan chiến thắng hoàn cảnh mà thơ Nôm Đường luật ông già Bến Ngự tuy có đau buồn nhưng không hề bi lụy, càng không bao giờ có cái giọng khóc mướn thương vay như thứ thơ văn kiểu như Giọt lệ thu, Một tấm lòng, Tuyết hồng lệ sử trong văn học công khai đầu thế kỷ. Nhìn chung thơ văn Phan Bội Châu vẫn đầy hào khí, vẫn giữ được tính chiến đấu, tích cực. Nhà thơ vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc:

Mưa sấm âm trầm giữa buổi khuya, Chốc vang tiếng trống tỷ tè te. Tác lên vừa lúc năm canh rạng, Kêu lớn cho người bốn bể nghe. Vỗ cánh ba hồi khua chúng dậy, Che then muôn cửa rước xuân về. Lẽ nào câm được non sông ấy, Một gáy vừng đông bỗng lập lòe.

(Gà gáy sáng)

Ta bắt gặp trong thơ Nôm Đường luật Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế rất nhiều hình ảnh của “vừng đông” cùng âm thanh của tiếng gà gáy sáng. Đó là:

Ngẩng cổ vừng đông giục bóng lòe Đánh thức non sông vang đất dậy Gáy tan mưa gió mất trời khuya

(Thơ gà gáy) Gà nghểnh vừng đông gáy ỏm sòm

(Đi thuyền hôm) Vừng đông bát ngát gió pha sương

(Tạ ơn hoa cúc) Chợt thấy vừng đông hé nửa đầu ……… Ba tiếng gà kêu thiên hạ rạng Dậy xem tia sáng khắp năm châu

(Đêm gần sáng) Vừng đông mọc đó ma xong kiếp

(Cười mấy anh sợ ma)...

Với tần số xuất hiện 10 lần của "Vừng đông", chiếm tỉ lệ 1,75% ; 13 lần của "tiếng gà", chiếm tỉ lệ 2,27% trên 572 bài thơ Nôm Đường luật của Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế làm thành hệ thống tư tưởng thẩm mỹ độc đáo trong thơ của nhà chí sĩ cách mạng. Văn học cổ dường như ít nghe tiếng gà gáy, họa chăng chỉ lẻ tẻ theo kiểu :"Xao xác năm canh một tiếng gà"(Đêm dài- Tú Xương) rồi tan biến giữa đêm trường dầy đặc. Với thơ Phan Bội Châu,"tiếng gà" trở thành âm vang thời đại; "vừng đông" trở thành ánh sáng của tương lai, hi vọng. Quá trình vận động thời gian từ tối đến sáng thể hiện niềm tin, niềm lạc quan tràn đầy của nhà thơ. Chính phong thái ung dung, cười cợt với đau khổ, ngạo nghễ với lao lung “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” đã góp phần tạo nên sinh khí khỏe khoắn, sức lôi cuốn mạnh mẽ trong những vần thơ Nôm Đường luật của Phan Bội Châu thời kỳ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ nôm đường luật phan bội châu thời kỳ ở huế (từ 1925 đến 1940) (Trang 65 - 70)