Về số phận nguời anh hùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 64 - 66)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.1. Về số phận nguời anh hùng

Số phận đã làm nên sự khác biệt của hai hình tượng anh hùng.

Ở Từ Hải anh hùng gắn với bi kịch. Chàng trở thành mẫu người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Miêu tả Từ Hải, Nguyễn Du sử dụng thuyết tài mệnh tương đố, quan niệm tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân. Từ Hải mang số phân của con người “Chữ tài đi với chữ tai một vần”, phải mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Tài năng, khí phách, hiệp nghĩa bao nhiêu nhưng lại có số phận bi thảm và oan khuất bấy nhiêu. Mặc dù Từ Hải là bậc trượng phu khác người, có sức mạnh vô song, lối sống ngang tàng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” không chịu sống luồn cúi, lập nên một vương quốc, một triều đình riêng nhưng trong con mắt của triều đình phong kiến chính thống, Từ là kẻ phiến loạn, là giặc mang tội bất trung. Người anh hùng “trí dũng có thừa” đã trở thành nỗi sợ hãi trong mắt bè lũ phong kiến. Vì thế tên tổng đốc trọng thần “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến chỉ có thể dùng quỷ kế đê hèn “Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng”. Trong thơ Nguyễn Du, Hồ Tôn Hiến được giới là tên quan tổng đốc trọng thần “kinh luân gồm tài”.

Nhưng thực ra bản chất của hắn chỉ là kẻ phản trắc, dâm ô đê hèn ném đá dấu tay.

Hắn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của Kiều để nàng thuyết phục Từ Hải quy hàng triều đình. Do Kiều cả tin lại cũng mệt mỏi với cảnh“mặt nước cánh bèo”, “đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân” nên “thật dạ tin người”. Từ không muốn quy thuận, nhưng Kiều, vốn “sắc sảo mặn mà”, những lời nàng nói đã “xiêu anh hùng” khiến Từ chấp thuận. Những tưởng triều đình sẽ ban thưởng chức tước, nhưng tráo trở thay, Hồ Tôn Hiến “ba bề phát súng bốn bên kéo cơ” đã vây giết Từ. Chàng trở tay không kịp:

“Đương khi bất ý chẳng ngờ, Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!”

Người anh hùng đã chết, chết trong sự oan ức, chết đứng “trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”. Cái chết của Từ Hải là những trang thơ bi hùng nhất của Nguyễn Du. Cái chết của Từ Hải và giọt nước mắt đau đớn của Thúy Kiều đã nói lên một cách tập trung và vô cùng xúc động tấn bi kịch về số phận của con người bị áp bức. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, “cái hình ảnh sừng sững ấy như tố cáo với muôn đời rằng con người còn ôm ấp những ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hãy nhớ lấy bài học thấm thía về sự nhẹ dạ phản trắc, hãy nhớ lấy để không bao giờ được khoan nhượng với bất cứ một lực lượng thù địch nào của con người” 31, tr515. Hồ Tôn Hiến và xã hội phong kiến đã không thể dung nổi một con người như Từ Hải nên Từ phải chết. Miêu tả cái chết của Từ Hải, Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh nghi trang trọng như “Hùm thiêng”, “gan liền tướng quân”, “khí thiêng về thần”, “trơ như đá”, “vững như đồng”. Cách miêu tả này khác hẳn cách miên tả Từ Hải trong truyện của Dư Hoài “Sau đó bị quân của Hồ Tôn Hiến đánh bất ngờ thì Từ Hải hoảng hốt đâm đầu xuống sông, quan quân vớt lên chém lấy đầu” 31, tr532. Rõ ràng hình ảnh chết đứng của Từ Hải của Nguyễn Du là một sự sáng tạo độc đáo so với nguyên mẫu. Từ chết, Kiều ân hận vì Từ “tin tôi nên quá nghe lời”, đẩy chàng vào cảnh “đem mình đi bỏ chiến trường như không”. Cái chết “bất ý chẳng ngờ” vì “sa cơ” chứ đâu phải vì bất tài bất lực. Số phận Từ Hải tưởng huy hoàng là thế “Năm năm trời bể ngang tàng” nhưng cuối cùng bi đau đớn đau chỉ còn “một phút tan tành thịt xương”. Từ Hải chết vì “sa cơ”, vì tin Kiều, vì uất hận, vì những mưu hèn kế bẩn của bè lũ quan lại phong kiến đã lừa gạt một người đàn bà mềm yếu “thật dạ tin người”. Cái chết của Từ Hải cũng là bi kịch của Nguyễn Du và cũng là bi kịch của lịch sử, sự bế tắc của cả xã hội lúc bấy giờ không tìm được đường ra.

Khác với Từ Hải, Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của truyện được nhà thơ xứ Gia Định xây dựng theo quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Vì vậy dù trải qua bao biến cố giống nhân vật chính diện trong truyện cổ tích: gặp nạn, phải chịu tang mẹ, vì thương xót mẹ mà mù lòa, bị Võ Công bội ước, lừa bỏ vào hang Thương Tòng, bị Trịnh Hâm, Bùi Kiệm vì đố kị mà hãm hại...nhưng Vân Tiên được Du thần và ông Tiều đem ra khỏi hang, gặp Hớn Minh được chàng chăm sóc. Qua

chiến công, trở thành dũng sĩ triều đình, có được người đẹp. Cuộc đời Lục Vân Tiên như một câu chuyện cổ tích có hậu, thể hiện ước mơ và đạo lí làm người: ở hiền sẽ gặp lành, ác giả sẽ ác báo.

Xét về mặt nào đó, nhân vật Lục Vân Tiên cũng gặp những biến cố như chính cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu. Trong truyện, tác giả tạo ra nhiều biến cố hơn cho Vân Tiên qua việc xây dựng các nhân vật phản diện như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ công... để thể hiện chân lí ở ác gặp điều ác. Cuối cùng kẻ thù của chàng đều có kết cục bi đát: Trinh Hâm bị sóng Hàn Giang lật thuyền làm mồi cho cá, mẹ con Võ Thể Loan hại chàng cuối cùng làm mồi cho cọp dữ… Lục Vân Tiên phản ánh cuộc giao tranh giữa cái thiện với cái ác, giữa chính nghĩa với phi nghĩa và khẳng định dứt khoát rằng: cái thiện, cái chính nghĩa, dù có phải trải qua muôn vàn khó khăn, thì rồi cuối cùng nhất định cũng thắng lợi; và cái ác, cái phi nghĩa cuối cùng tất yếu sẽ thất bại và bị trừng phạt..

Như vậy với thuyết tài mệnh tương đố, Từ Hải là mẫu anh hùng gắn liền với bi kịch. Còn Vân Tiên ở hiền gặp lành. Nguyễn Du ảnh hưởng tư tưởng trong các tiểu thuyết Trung Quốc trong khi Nguyễn Đình Chiểu ảnh hưởng quan niệm trong sáng tác dân gian, trong truyền thống dân tộc. Số phận khác nhau đó đã tạo ra những hình tượng phong phú trong mỗi truyện thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 64 - 66)