Về mô thức tự sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 90)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Về mô thức tự sự

Trong truyện thơ, yếu tố tự sự đóng vai trò quan trọng. Mỗi tác phẩm là những câu chuyện kể bằng thơ với những sự kiện, biến cố trong cuộc đời nhân vật. Truyện Nôm hầu như đều được xây dựng theo mô thức Hội ngộ - tai biến – đoàn viên. Mỗi truyện được kể thường bắt đầu bằng giới thiệu lai lịch, sau đó có sự kiện quan trọng chi phối cuộc đời của nhân vật. Chúng tôi thấy điều này ứng với cuộc đời của nàng Kiều và Lục Vân Tiên. Họ đều gặp những kẻ xấu hãm hại, nhưng sau hoạn nạn, vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của mình. Cách xây dựng mô thức này gần với quan niệm truyện dân gian. Nhưng Từ Hải có sự khác biệt. Mô thức xây dựng nhân vật Từ Hải theo chúng tôi có ảnh hưởng của kiểu nhân vật tài tử giai nhân. Như vậy ở Truyện Kiều chất tiểu thuyết đậm hơn.

Trước hết, Lục Vân Tiên tuân thủ tuyệt đối theo mô thức mở đầu – thử thách – hóa giải – kết thúc. Có nghĩa là cuộc đời nhân vật từ chuyện gặp gỡ Kiều Nguyệt

Nga đên khi gặp biến cố lớn (mẹ mất, mù lòa, bị hãm hại trong rừng sâu) rồi được cứu giúp, hóa giải (thi đỗ Trạng nguyên, gặp lại người đẹp, lập chiến công giết giặc Ô Qua, được ban thưởng, sống hạnh phúc). Trước sau dù trong hoàn cảnh nào, chàng vẫn giữ được cốt cách trung hiếu của mình (“Trai thời trung hiếu làm đầu”), tính cách không thay đổi. Như vậy kiểu nhân vật trong truyện thơ Nguyễn Đình Chiểu khá ổn định, tính cách bất biến. Qua cuộc đời của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục ngợi ca triết lí ở hiền gặp lành – triết lí ngàn đời trong truyện dân gian và cũng là lí tưởng thẩm mĩ của truyện Nôm. Đó là sự ban thưởng xứng đáng cho những con người có nhân cách cao đẹp. Kết thúc truyện, Vân Tiên đền ơn ân sư, mẹ con Võ Thể Loan bị cọp tha vào hang sâu, Nguyễn Đình Chiểu cho ta bài học “Làm người cho biết ngãi sâu”…Đây là môtip quen thuộc của truyện Nôm dân gian cũng như bác học, vừa là khuyến cáo, vừa giáo huấn mang tính khuôn mẫu. Vì vậy, mô thức tự sự truyện Lục Vân Tiên cũng như cuộc đời nhân vật chính gần với truyện cổ tích hơn là truyện thơ.

Khác với Lục Vân Tiên, Từ Hải là người anh hùng tài tử, không bị bó theo khuôn của môtip truyện trên. Từ Hải mang bóng dáng nhân vật trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa – vốn manh nha từ đời Hán, phát triển ở đời Đường và phổ biến thời Minh Thanh. Có một số khác biệt dễ thấy Từ Hải thoát ly khỏi mô thức tự sự dân gian. Thứ nhất, nếu như Vân Tiên không chủ động trong tình yêu, nghe theo sự sắp đặt của song thân để làm tròn chữ hiếu thì Từ Hải hoàn toàn chủ động và tự do tìm kiếm tình yêu. Đây là cách để Nguyễn Du tôn thờ và ngợi ca tình yêu tự do. Do vậy kiểu nhân vật trong thơ Nguyễn Du không còn trong khuôn mẫu tuân thủ trung hiếu mà là người anh hùng đa diện: có tài – yêu sắc – trọng tình – hiệp nghĩa. Con người ấy còn có thể hi sinh tình yêu. Trong mối quan hệ với Nguyệt Nga – Vân Tiên vì ân nghĩa nên duyên còn Từ Hải – Thúy Kiều là vi tình yêu, cùng đồng cảm, đắm say mà gắn bó. Với lại, vừa gặp đã yêu, đương nồng nàn thì cáo biệt. Qua mối tình Từ Hải – Thúy Kiều, Nguyễn Du thể hiện quan niệm hôn nhân dựa trên tình yêu, vì “muôn chung nghìn tứ” chứ không phải vì nghĩa đơn thuần. Hơn nữa, cũng bị tiểu nhân hãm hại nhưng nếu Vân Tiên được trợ giúp bởi những yếu tố thần kỳ - môtip vốn tồn tại trong truyện cổ tích thì Từ Hải “sa cơ”, bị đẩy đến cái chết một

sự dân gian. Dấu ấn tài tử giai nhân trong Truyện Kiều ở đây chính là những con người tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân, anh hùng phải ôm hận vốn tồn tại nhiều trong tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Đây là dấu ấn cho thấy Nguyễn Du ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết này, trực tiếp từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng Truyện Kiều không chỉ có những dấu ấn của tiểu thuyết tài tử giai nhân mà còn có dấu ấn đậm nét của bản thân Nguyễn Du, dấu ấn của thời đại và dấu ấn văn hoá của cả dân tộc. Đó chính là sự khác biệt trong mô tip tự sự giữa Truyện Kiều với hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 88 - 90)