7. Đóng góp của luận văn
3.2.1. Bút pháp và ngôn ngữ miêu tả
Nghệ thuật miêu tả nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều chủ yếu vẫn là bút pháp ước lệ, nhưng nhân vật được Nguyễn Du dùng những hình ảnh phi thường, tráng lệ để nhấn mạnh sự xuất chúng. Nguyễn Du bên cạnh việc kể lại cuộc đời, số phận và tính cách, tức là thể hiện các yếu tố tự sự của truyện thơ thì luôn chú ý đến nghệ thuật tả người anh hùng. Nhân vật được đặt trong không gian kì vĩ, rộng lớn với những nét vẽ khỏe khoắn, mạnh mẽ về người anh hùng mang đậm tính sử thi. Truyện Lục Vân Tiên chủ yếu để kể hơn là tả nên chú trọng đến các tình tiết, hành động của nhân vật hơn là miêu tả nội tâm, do đó tính cách của nhân vật thường bộc lộ qua việc làm, lời nói, cử chỉ giống như truyện cổ dân gian. Thái độ ca ngợi hay phê phán của tác giả đều thể hiện qua cách miêu tả nhân vật. Nhân vật chính trong truyện được giới thiệu bằng vài nét ước lệ còn chủ yếu được đặt trong những mối quan hệ xã hội, trong những tình huống xung đột của đời sống, rồi bằng hành động, cử chỉ, lời nói của mình tự bộc lộ tính cách. Nguyễn Đình Chiểu xây dựng nên mẫu nhân vật nhất phiến, cố đinh về tính cách. Tính cách xây dựng có đủ yếu tố, thiện – ác, xấu – tốt, tính cách nhân vật trước sau như một, người tốt thì thật tốt, mà người xấu thì rõ ngay tâm địa từ lúc đầu.
Khi xây dựng nhân vật Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu có sự kết hợp độc đáo giữa “truyện dân gian và tự truyện của tác giả”. Truyện có mô típ dũng sĩ cứu người đẹp - đánh giặc lập công - được lấy công chúa. Người công chúa chính là món quà cho người anh hùng tốt bụng, dũng cảm mưu trí vượt qua thử thách. Hơn nữa Vân Tiên cũng là nhân vật minh họa cho cuộc đời của chính tác giả, cho nên nhân vật vừa có tính dân gian, vừa mang tinh thần dân tộc. Chính vì vậy ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Chiểu dùng để khắc họa tính cách và số phận nhân vật gần với ngôn ngữ của người bình dân, kết tinh triết lý sống của nhân dân với niềm tin “ở hiền gặp lành”. Cho nên tràn vào Lục Vân Tiên là văn hóa, đời sống, thực tiễn tâm lý, tính cách hồn hậu bộc trực của người nông dân Nam Bộ. Nguyễn Đình Chiểu
“đã khéo léo lựa chọn nguồn suối dân gian trong mát đó ùa tràn vào tác phẩm của mình” 52, tr376. Ngoài ra, tác giả còn “sử dụng các yếu tố thần kỳ như một thủ pháp nghệ thuật theo truyền thống của thể loại truyện Nôm” 18, tr172. Theo thống kê của Nguyễn Quang Vinh trong Tạp chí văn học số 4 – 1972, thì trong truyện Lục Vân Tiên đã có tới 12 lần các yếu tố thần kì xuất hiện để phù trợ cho Vân Tiên như Tôn Sư cho Vân Tiên hai đạo búa thần, ông Quán cho Vân Tiên thuốc tiên phòng thân, Giao Long dìu Vân Tiên từ giữa vời vào trong bãi....Đây là những chi tiết khiến nhân vật mang màu sắc huyền thoại. Hơn nữa, sự khác biệt trong ngôn ngữ xây dựng nhân vật chính là tính Nam bộ, tính phương ngữ rõ nét trong Lục Vân Tiên. Điều này do không gian văn hóa quy định và đây cũng là yếu tố khiến “truyện thơ Lục Vân Tiên được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân đến nỗi ở Nam kỳ lục tỉnh không một người chài lưới hay người lái đò nào lại không ngâm nga vài ba câu khi đưa đẩy mãi chèo” 18, tr 213.
Truyện Kiều sáng tác để đọc, để xem hơn là để kể cho nên, trái ngược với nhân vật mang mô típ từ truyện dân gian qua hình tượng Lục Vân Tiên, Từ Hải có
“tính nghệ thuật cao hơn (ngôn ngữ trong sáng, lưu loát hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, nhân vật có sinh hoạt tâm lí phong phú hơn” 49, tr220 - 221. Là người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, có trình độ học vấn uyên bác, sống trong không gian văn hóa nghệ thuật của kinh thành Thăng Long nên ngôn ngữ Nguyễn Du khi khắc họa người anh hùng Từ Hải cũng trau chuốt, giàu điển tích, điển cố khác chương
Nguyễn Đình Chiểu vốn mộc mạc, bình dị, mang màu sắc địa phương Nam Bộ. Ta gặp trong hai tác phẩm khá nhiều chỗ cùng một nội dung, ý tứ, nhưng do tài năng vận dụng, chọn lọc ngôn ngữ nên Nguyễn Du miêu tả nhân vật sinh động, sâu sắc hơn. Lời nói của Từ bao giờ cũng thể hiện chí khí ngang tàng, luôn giàu hình ảnh và rất sinh động, bóng bẩy: “ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu làm chi ?”; Trong tình yêu cũng là sự đưa đẩy tình tứ “Mắt xanh nào để ao vào có không”. Nguyễn Du không chỉ kể mà còn tả . Tác giả vận dụng có sáng tạo một điền cố “Mắt xanh Nguyễn Tịch” thể hiện trí tuệ và tâm hồn lãng tử của Từ. Có khi nghệ thuật hoán dụ đã phát huy tác dụng để thể hiện sự tài ba của Từ “Một tay gây dựng cơ đồ”, “Bó thân về với triều đình» thể hiện một Từ Hải mạnh mẽ và bản lĩnh. Sự nam tính của nhân vật bao giờ cũng thể hiện qua những động từ có ngữ khí mạnh mẽ “chọc trời”, “khuấy nước” ... Điều đó cho thấy mỗi hành động của Từ đều rất đàng hoàng đầy uy quyền khác hẳn hành động "ngồi tót sỗ sàng" của Mã Giám Sinh, hành động gian xảo lén lút “lẻn vào” của Sở Khanh. Nếu truyện thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn giữ được cách kể chuyện đều đều do âm điệu những câu lục bát thì đoạn thơ miêu tả Từ Hải của Nguyễn Du vô cùng hào sảng, vừa phóng túng gân guốc, lại vừa tình tứ trữ tình.