Về xung đột xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 72 - 74)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.3. Về xung đột xã hội

Trong xung đột xã hội, Từ là người anh hùng nổi loạn chống triều đình trong khi Lục Vân Tiên là người anh hùng trong khuôn khổ. Do vậy, tính chất phản phong của Từ mạnh mẽ, trái ngược hẳn với Lục Vân Tiên là con người lí tưởng của vương triều phong kiến, phụng sự và bảo vệ vương triều.

Trước tiên, Từ Hải xung đột với triều đình, chống lại triều đình phong kiến. Con người Từ không thể dung hòa và không chấp nhận xã hội ấy. Qua Từ ta thấy quyền lợi của giai cấp thống trị và tầng lớp bị trị trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Từ Hải của Nguyễn Du khác hẳn con người “dũng mãnh khôn ngoan (đi

nghe chiêu dụ vẫn mặc giáp trụ) nhưng tham lam, thiển cận, hèn nhát nên bị tiêu diệt” trong sử ký “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” 42, tr28] mà là “đấng” anh hùng,

“bậc” tài danh không chấp nhận sống cảnh “cá chậu chim lồng”, yêu tự do, chuộng công lý. Tuy nhiên, xã hội phong kiến Truyện Kiều là một không gian nhà tù ngột ngạt bóp nghẹt quyền tự do của con người, gây bao oan trái bất công. Cho nên Từ không thể dung hòa với chúng. Không chấp nhận cuộc sống của phường “túi áo giá cơm” hèn mọn, muốn hướng tới chân trời tự do, bác ái thì tất yếu Từ phải đối đầu với triều đình phong kiến. Con người Từ Hải đã quá thấu hiểu vương triều phong kiến chỉ rặt những kẻ tham lam, đê tiện với bọn quan lại chỉ là lũ “hàng thần lơ láo”. Với triều đình của Hồ Tôn Hiến, Từ được coi là kẻ “phản nghịch” của triều đình. Và bằng âm mưu xảo trá, Hồ Tôn Hiến đã lợi dụng lòng tin và niềm khao khát được bình yên của Kiều nên đã dụ nàng khuyên Từ ra đầu hàng. Dù ra hàng nhưng nhân vật vẫn không được triều đình chấp nhận, rơi vào bi kịch. Cái chết đứng đầy oan khuất của Từ là bản cáo trạng gay gắt với xã hội hiểm độc nhưng cũng đồng thời là minh chứng khẳng định mâu thuẫn giữa Từ và triều đình phong kiến thối nát là không thể giải quyết, không thể dung hòa. Cho nên trong không gian tù túng và ngột ngạt ấy, Từ là hình tượng anh hùng nổi loạn, ngang tàng. Là biểu tượng của tinh thần phản phong mạnh mẽ.

Khác với tính chất nổi loạn trong tính cách của Từ Hải, Lục Vân Tiên lại là tướng quân của triều đình, tuyệt đối trung thành với vương triều phong kiến. Trong cả tác phẩm, Vân Tiên không một chút mảy may nghi ngờ hay do dự về sự lựa chọn con đường sự phụng sự triều đình ấy. Khi ứng thí khoa thi, nhất tâm chàng mong mỏi đỗ đạt để “Trước là báo bổ sau là hiển vang” . Lúc nào người anh hùng ấy cũng ý thức về trách nhiệm “làm trai ơn nước thù nhà” của mình. Xung đột với Vân Tiên chỉ là xung đột với cái ác, với giặc Ô Qua, với tên tướng Cốt Đột. Chàng là rường cột quốc gia, là trạng nguyên tài năng được triều đình trọng dụng. Lục Vân Tiên là người bảo vệ triều đình, tuân theo mọi lễ nghi và phục tùng trung thành tuyệt đối với quân vương, sống trong khuôn khổ của vương triều ấy. Điều này khác hẳn Từ Hải. Chàng nho sinh thương dân mới đánh cướp Phong Lai để cứu dân, cũng là trang dũng tướng “tay cầm siêu bạc” chém đứt đầu tướng giặc Cốt Đột cứu

những tiếng gọi khẩn cấp nhất của lịch sử đương thời. Mất nước thì dân sẽ lầm than, không có dân thì không giữ được nước” 31, tr372. Và Vân Tiên văn võ kiêm toàn, trung hiếu rất mực, là chàng trai phong kiến lí tưởng của xã hội phong kiến ấy. Vân Tiên tuấn tú, rực rỡ đi từ người con trai thưở gian truân đến ngày vinh hiển. Kết thúc truyện cũng là khi tương lai huy hoàng của chàng mở ra “Trạng nguyên dẹp giặc đã bình/ Kiệu vàng tán bạc hiển vinh về nhà”. Nếu mâu thuẫn giữa Từ Hải và triều đình phong kiến là mâu thuẫn không thể giải quyết thì Vân Tiên lại là người trung thành và phụng sự triều đình. Cho nên Vân Tiên không có cái nổi loạn của Từ Hải, chàng là danh nho chính thống được thừa nhận. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Lục Vân Tiên và Từ Hải, làm nên sự phong phú của hai hình tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hình tượng anh hùng từ hải và lục vân tiên dưới góc nhìn văn hóa (Trang 72 - 74)