Tiểu sử nhà văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 26 - 27)

B PHẦN NỘI DUNG

1.2.1.Tiểu sử nhà văn

Nhà văn Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn, dân tộc Tày, sinh năm 1956 tại Trùng Khánh - Cao Bằng. Thị trấn Cô Sầu thuộc huyện Trùng Khánh - Cao Bằng là nơi nhà văn sinh ra, cũng là một địa danh nổi tiếng bởi mái trường ở vùng đất ấy có tới ba nhà văn, nhà thơ nổi tiếng học tập. Địa danh Cô Sầu ấy cũng đã trở thành một không gian văn hóa đặc biệt, trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của Cao Duy Sơn và quả thực, các nhà văn chỉ có thể sáng tác thành công khi viết về những gì mình gắn bó, yêu thương nhất. Đúng như nhà văn Cao Duy Sơn từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Đó là một thị trấn cổ rất nổi tiếng. Nghiệp văn chương của tôi cứ bám lấy thị trấn Cô Sầu mà khám phá, viết mãi vẫn chưa thấy đủ, chưa thấy cái tầng sâu văn hóa tiềm ẩn ở vùng đất này. Tôi viết như một

sự trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ những người đã sinh ra mình, bạn bè, xóm giềng… Cả đời tôi, sẽ vẫn là những cuộc khám phá về Cô Sầu với những con người miền núi chân chất”.

Cao Duy Sơn kiên trì theo đuổi đề tài miền núi, dù viết về vùng đất nào, số phận con người nào thì ông cũng tâm niệm một điều: “Trên thực tế, không gian truyện của tôi trải dài trong nhiều tỉnh, vào tận Đà Lạt, sang tận Trung Quốc, nhưng… vẫn là bám theo những bước chân của người Cô Sầu. Hiện tại tôi đang có ý định viết về người Cô Sầu di cư vào Tây Nguyên để xem sau nhiều năm xa quê hương, văn hóa của họ đã bị đồng hóa ra sao, cái gì còn giữ được, cái gì đã mất…”.

Sau khi theo học tại mái trường ở thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng. Tháng 8 năm 1973 nhà văn đã nhập ngũ và trở thành người chiến sĩ trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Những năm tháng trong quân ngũ ấy không chỉ rèn luyện cho nhà văn một bản lĩnh vững vàng, cứng cỏi, mà còn làm đầy đặn thêm vốn sống, sự từng trải - một “kho báu” vô cùng cần thiết cho nghề cầm bút.

Tháng 8 năm 1980, Cao Duy Sơn trở về làm Phóng viên đài Phát thanh truyền hình tỉnh Cao Bằng. Năm 1984, ông tham dự Hội nghị sáng tác văn học dân tộc thiểu số Việt Nam ở Tuyên Quang. Trong đợt này ông đã sáng tác truyện ngắn Dưới chân núi Nục Vèn, được đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, và truyện ngắn đầu tay ấy không chỉ gây tiếng vang trên văn đàn mà còn trở thành một tín hiệu báo trước về sự xuất hiện của một tài năng văn học.

Tháng 10 năm 1989, ông học tại trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1992, nhà văn ra trường cùng với sự “trình làng” tiểu thuyết Người lang thang được bạn đọc yêu quý và được giới nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá cao. Thời gian sau đó, ông trở về tiếp tục công tác tại Đài phát thanh truyền hình Cao Bằng.

Cao Duy Sơn về Hà Nội và đảm nhận cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đến nay. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 26 - 27)