B PHẦN NỘI DUNG
3.4. Các hình ảnh nghệ thuật đắt giá mang hai sắc thái thẩm mĩ tương phản
3.4.2. Hình ảnh nghệ thuật đắt giá mang chất văn xuôi
Đây là các hình ảnh nghệ thuật dung dị, mộc mạc nhưng mang ý nghĩa biểu tượng rất cao, bởi nó dồn nén trong hình thức giản dị kia những giá trị tư tưởng sâu sắc và ý nghĩa nghệ thuật lớn lao. Trong truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối, chúng ta cũng gặp những hình ảnh nghệ thuật như thế - những hình ảnh không hề được thi vị hóa hay lãng mạn hóa. Nhưng lại nói lên rất nhiều điều về tính cách của nhân vật, về thực trạng đời sống xã hội trong cơ chế quan liêu, bao cấp: “Có một việc thầy giấu kín. Mỗi khi đến giờ cho các con ăn, thầy cẩn thận buộc vào đầu đũa một miếng thịt, thầy bảo chúng há miệng nhưng chỉ nún chứ không được nhai, nún xong thầy lại bắt chúng há miệng, rút miếng thịt ra, bồi tiếp ngay một miếng cơm. Cứ thế lừa cho ăn hết bát”
[63, trang 28]. Đời sống kinh tế của cán bộ công chức nói chung và của người giáo viên nói riêng ở thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn vô cùng, một lạng thịt hay một bát cơm gạo trắng không phải độn ngô đã là mơ ước. Cao Duy Sơn không kể lể dài dòng về điều đó mà chỉ cần khắc họa một hình ảnh nghệ thuật kể trên, người đọc đã cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm chút và khéo léo của nhân vật thầy Hạc trong cảnh “gà trống nuôi con”, hơn thế nữa chúng ta nhìn thấy những gian khổ, thiếu thốn của cả một thời đại trong cơ chế bao cấp. Hay chỉ một hình ảnh thầy Hạc và nhân vật Tôi tắm suối, thầy áy náy bởi mình tắm phía trên, còn người hàng xóm tắm ở phía dưới, vậy thì bao nhiêu thứ dơ bẩn của mình thải ra lại đổ xuống cho người ở phía dưới hay sao? Chỉ cần một hình ảnh ấy đã nói lên rất nhiều điều về tính cách luôn lo lắng, nghĩ cho người khác, sẵn sàng chấp nhận sự hi sinh về mình của thầy giáo Hạc.
Truyện ngắn Song Sinh kể câu chuyện về hai anh em sinh đôi là Du và Sìu, giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về nhân cách và bởi vậy số phận của họ cũng rất khác nhau. Sau khi Sìu giúp Du cướp cô gái xinh đẹp là Lu về làm vợ của anh trai mình, Sìu đã có một hành động bộc lộ rõ bản chất xấu xa của hắn - đây cũng là một hình ảnh nghệ thuật giàu chất văn xuôi, báo trước những hành động loạn luân của Sìu sẽ diễn ra tiếp theo: “Đột nhiên gã quay lại đỉnh đèo bằng lối tắt. Không hiểu sao lại thế? Chân gã đã muốn quay về rừng, nhưng đầu không nghe? Sìu từ từ ấp hai bàn tay sần lên nhau. Gã mơ màng nhớ lúc ôm chị dâu vào võng bàn tay này vô tình đã
chạm đôi bầu vú căng mọng của nàng. Từ lúc đó đến giờ đầu gã có vẻ không được yên. Đến sau mô đá, Sìu thấy vợ chồng Du đang âu yếm nhau. Hai đứa chúng nó làm những điều Sìu chỉ được nghe mấy gã từng trải nói chuyện. Bằng mắt thật thế này đây là lần đầu. Sìu nuốt nước bọt dính ở cổ. Cặp đùi Lu dài và nõn nà quá! Bị Du ấp trên bụng một bên vú của Lu chật xuống nách, nhô cái núm nâu xinh xinh. Tiếng rên ư ử mỗi lúc một to, hệt tiếng hoang thú tru mùa động hớn. Ngực Sìu bỗng rộn tiếng thình thịch, mắt như bị lớp sương mù phủ” [63, trang 64-65]. Hành động bản năng hoang dã của Sìu khi lừa gạt và cưỡng hiếp chị dâu đã tạo “nhân” ác để gặp “quả” ác sau này. Kết thúc bi thảm của cuộc đời Sìu ở đoạn kết của tác phẩm khiến cho chúng ta vừa giận vừa thương nhân vật ấy.
Ngay truyện ngắn Hoa bay cuối trời thấm đẫm chất thơ đã xuất hiện nhiều hình ảnh đậm chất văn xuôi. Đây là cuộc đấu võ và thi sức mạnh của những đám trai tráng đã cố cướp đầu pháo để đem lại may mắn cho bản làng mình: “Đôi tay chỉ quen đục đẽo của Khơ bỗng vươn ra phía trước. Một loạt người ngã đè lên nhau. Khơ nhào đến chộp lấy chiếc vòng. Không thấy mặt người, vẫn bắp tay cuồn cuộn đó vươn tới chặn Khơ lại. Khơ cảm giác bản tay mình bị kẹp chặt trong cục gỗ ép mía (…) Khơ chộp vội, nhún chân nhảy bật qua vòng người đang mỗi lúc một thắt chặt” [63, trang 102].
Trong truyện ngắn Mùa én gọi bầy, nhà văn cũng sử dụng ba hình ảnh nghệ thuật đắt giá giàu tính hiện thực để khắc họa ba nét tính cách tiêu biểu của nhân vật Thùng: Sự thô lỗ, bạo liệt là hình ảnh Thùng đốt nhà sau khi chốt cửa bên ngoài: “Chỉ ít phút đôi bàn tay gân guốc của Thùng đã chèn chặt cửa ra vào. Ngôi nhà này đã do chính công sức của gã dựng lên, nó nằm riêng rẽ phía mé đồi. Cách lán của tập thể công nhân gần hai trăm mét, từ đây chạy xuống đường cái rất thuận tiện sẽ không ai phát hiện ra. Không một chút chần chừ, ngọn lửa từ que diêm trong tay gã nhảy nhót như một chú quỷ nhỏ bắt đầu liếm vào mái tranh” [65, trang 26]. Khắc họa tính cách ghen tuông đến bệnh hoạn và đa nghi qua hình ảnh “Bường đã tỉnh giấc. Việc đầu tiên anh phải làm là từ từ nâng một cẳng chân của gã khỏi bụng mình. Anh suýt bật cười với ý nghĩ “Gã đã canh chừng hành vi bất chính có thể xảy ra ngay cả khi say như chết”” [65, trang 17]. Nhưng ẩn đằng sau vẻ ngoài dữ tợn, hành động và ngôn từ thô
lỗ ấy lại là tình yêu thương vô bờ bến ấy dành cho đứa con trai bé bỏng của hắn: “Năm đó tao mua cho nó cái quần này để diện tết, thế mà nó chưa kịp mặc. Biết thế nào cũng có ngày thằng Nuôi trở về. Năm nào gần tết tao cũng đi chợ tìm mua cho nó một đôi quần như thế này”. [65, trang 35]. Năm nào Thùng cũng mua bộ quần áo nhỏ xinh cho đứa con trai, với vóc dáng không thay đổi đã hằn sâu vào thương nhớ của hắn, mà không biết rằng đứa bé đã lớn lên và bộ quần áo ấy sẽ không mặc vừa được nữa. Có biết bao yêu thương một cách vụng về nhưng đầy xúc động trong hành động ấy của nhân vật Thùng.
Còn với truyện ngắn Nơi đây không một bóng người, hình ảnh nghệ thuật gắn với sự kiện nhân vật Ò Lình ra đời với bộ lông trên người đã mở đầu cho mọi bi kịch:
“Một tiếng rú man dại xé lên từ căn buồng, quên cả điều cấm kị, ông lao đến cửa, đẩy toang cửa buồng. Toàn thân ông bỗng tê dại, sững sờ trước mắt ông chẳng phải một đứa trẻ như ông thầm mong, mà là hình hài một con khỉ. Cái thân thể trần truồng đỏ hỏn đó, phủ một lớp lông màu vàng, ướt nhớp nháp. Toàn thân ông run lên hoảng loạn (…)[65, trang 71]. Hình ảnh nhân vật bà đỡ bị bắn chết, và như vậy cái thiện, cái đẹp bị hủy hoại bởi sự ngu dốt, tăm tối của dân làng: “Con quái vật bỗng đứng sững, tấm khăn chùm đầu tuột xuống vai, lộ ra khuôn mặt nhăn nheo. Mái tóc dài trắng như cước dập dành trong gió. Nó chúm mồm thổi đống lửa cầm trong tay, làm bùng lên một ngọn lửa đỏ rực. Nó vươn cái lưng còng lấy hơi định đi tiếp thì bỗng - Đoàng…đoàng! Nhiều tiếng nổ cùng vang lên, con quái vật sững lại rồi từ từ gục xuống. Cái đốm lửa trong tay nó văng xuống đất, bén vào vạt cỏ khô chân đồi, làm bốc lên ngọn lửa cao dần, soi sáng một khoảng rừng lạnh lẽo” [65, trang 86]. Nhưng hình ảnh nghệ thuật đắt giá nhất trong đoạn văn này là hình ảnh nhân vật Ò Lình cứu bọn trẻ khỏi đám cháy một cách quên mình, rồi bị cha mẹ chúng đánh đập, gắng tìm về hang đá gục vào lòng mẹ với tiếng gọi mẹ ơi đầu đời thấm đầy nước mắt: “Nước mắt nó bỗng trào ra, miệng mấp máy như muốn bật ra điều gì? Đôi môi Ò Lình bỗng run bần bật… Bất thần từ cổ họng nó, cái cổ họng từ khi chào đời đã hoàn toàn câm lặng bỗng bật ra một tiếng nói, một tiếng nói đầu tiên: Mẹ! Mẹ ơi…!” [65, trang 101]. Sự ngu dốt sinh ra tội ác, cái thiện nguyên sơ ẩn trong hình hài của Ò Lình khát khao tìm
lên tiếng nói của con người thì lại không được làm con người nữa, có biết bao yêu thương đau xót và căm giận trào ra theo dòng nước mắt của em bé tội nghiệp này, và chảy vào trái tim của người đọc.
Một hình ảnh nghệ thuật xuất hiện trong truyện ngắn Âm vang vong hồn, hình ảnh lão Khuề gõ thanh la dẫn đầu đám tang của bà Ban trên đường ra nghĩa địa, lần đầu tiên trong cuộc đời giông bão và chai sạn ấy, lão Khuề đã khóc rồi gục chết bên mộ bà Ban. Nước mắt không chỉ gột rửa những ám ảnh, lỗi lầm trong tâm hồn nhân vật, mà còn làm hồi sinh những phẩm chất tốt đẹp, tưởng đã ngủ quên lâu rồi trong con người từng đớn hèn bỏ chạy trước tình yêu của bà Ban dành cho lão.
Với truyện ngắn Mưa phố, nhân vật Pẩu đã mang toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình lên thành phố để đi hát Karaoke và đánh bạc, mặc vợ con đói nghèo, bệnh tật. Nhân vật Pẩu cũng được xây dựng bằng nguyên tắc điển hình hóa khi tiêu biểu cho không ít những người đàn ông từ nông thôn, từ những bản làng nghèo đói vùng sâu, vùng xa bị thu hút, choáng ngợp trước những thú ăn chơi ngoài thành phố, lao vào như thiêu thân rồi tay trắng trở về. Nhưng có một hình ảnh nghệ thuật xuất hiện trong truyện ngắn này làm cho chúng ta vừa xót thương vừa hi vọng cho những số phận khốn khổ như nhân vật Pẩu: Sau khi mua và diện bộ quần áo mới cho hợp với thị thành, Pẩu đã vo tròn bộ quần áo chàm bỏ trong túi nilong, giấu dưới hòn đá ven đường. Đánh bạc rồi thua trắng tay, bị tống ra ngoài đường đến quần áo cũng chẳng có, Pẩu đã lần mò tìm mặc lại bộ quần áo chàm để trở về bản: “Bộ quần áo đựng trong chiếc túi nilon vẫn còn nguyên. Gã cố lồng vào cơ thể đang run lên vì lạnh cóng. Mặc xong chiếc áo cũng là lúc gã thấy toàn thân mình nặng đến nỗi đôi chân không còn đỡ nổi. Gã từ từ nằm xuống” [65, trang 190]. Thì ra văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Tày nói riêng, dù đã bị văn minh đô thị hiện đại làm phai nhạt như bộ quần áo chàm bị vứt bỏ kia, nhưng vẫn không thể rời xa nó. Rồi sẽ có thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số phải tìm lại và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mình - cái “căn cước” tinh thần để xác định một dân tộc tồn tại và phát triển độc lập, đầy tự hào bên cạnh các dân tộc khác, bởi mất đi văn hóa truyền thống là mất đi tất cả.
Như vậy, những bức tranh thiên nhiên và bản làng miền núi giàu chất thơ, chất văn xuôi đã tạo ra một không gian nghệ thuật đậm sắc màu văn hóa miền núi. Hình tượng những con người miền núi được khắc họa bằng nguyên tắc lãng mạn hóa, phi thường hóa chủ yếu ở vẻ đẹp tâm hồn. Rồi hệ thống các hình ảnh nghệ thuật đắt giá gắn với cái đẹp, cái cao cả ở mức lí tưởng đã đem lại cho truyện ngắn Cao Duy Sơn một vẻ đẹp đặc sắc, vẻ đẹp ấy còn tỏa sáng hơn vì gắn với bản sắc văn hóa Tày, và được đặt vào trong không gian miền núi còn nhiều thiếu thốn, nghèo nàn về vật chất nhưng vẫn rất giàu có về nghĩa tình. Nhưng biểu hiện cụ thể của chất thơ ấy đã kết hợp hài hòa với chất văn xuôi làm chúng ta chợt liên tưởng đến vẻ đẹp và sự quyến rũ lạ lùng của tập truyện Núi đồi và thảo nguyên của tác giả Aimatop. Sự giao thoa thể loại kể trên trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn còn khiến chúng ta liên tưởng tới truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Trong truyện ngắn ấy, chất thơ và chất văn xuôi có sự giao hòa kì diệu, tạo ra vẻ đẹp và sức cuốn hút bền lâu cho tác phẩm này. Chất văn xuôi tập trung ở những khó khăn, gian khổ có thật trong cuộc sống, trong công việc của nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao. Sự cô độc của anh được khắc họa qua một hình ảnh đặc sắc: - Lấy cây gỗ chắn đường để tìm cách dừng những xe ô tô đi qua phải dừng lại, tìm cớ trò chuyện với khách trên xe cho đỡ “thèm người”. Chất thơ lại kết tinh trong vẻ đẹp nhân cách có tính lí tưởng của anh thanh niên, trong chiếc khăn tay được cô gái cố tình “bỏ quên”, trong thiên nhiên trong trẻo, đẹp đẽ đến kì diệu ở nơi này. Nhưng chất thơ trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long không “đậm đặc” bản sắc văn hóa Tày như trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn.