PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 97 - 100)

1. Cao Duy Sơn là một trong những nhà văn hàng đầu của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Đã có nhiều hướng tiếp cận khác nhau về truyện ngắn của Cao Duy Sơn (Hướng tiếp cận văn hóa học, thi pháp học…). Nhưng nghiên cứu truyện ngắn Cao Duy Sơn trong những biểu hiện của giao thoa thể loại vẫn giúp chúng ta phát hiện, khám phá và khẳng định thêm những giá trị tiềm ẩn trong truyện ngắn của nhà văn dân tộc thiểu số xuất sắc này. Đây là hướng tiếp cận mới mẻ và khó khăn nhưng thú vị bởi sự mở rộng "ranh giới" của thể loại văn học, sự kết tinh những phẩm chất thẩm mĩ khác nhau của các thể loại văn học khác nhau trong một tác phẩm văn học đã trở thành một xu thế nghệ thuật của văn học hiện đại thế giới, và đang hiện diện rộng khắp trong văn học Việt Nam đương đại hôm nay.

2. Luận văn có cấu trúc gồm 3 chương, chương 1 giới thiệu khái quát về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, quan điểm sáng tác của Cao Duy Sơn. Đặc biệt chúng tôi đặt sự giao thoa thể loại trong truyện ngắn Cao Duy Sơn vào trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam đương đại để khẳng định sự đặc sắc của tác phẩm, phong cách độc đáo và đóng góp của nhà văn Cao Duy Sơn vào thành tựu chung của văn xuôi Việt Nam đương đại.

Chương 2 tập trung nghiên cứu sự giao thoa thể loại thể hiện ở phương diện nội dung của truyện ngắn Cao Duy Sơn, đó là sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong bức tranh thiên nhiên - bản làng miền núi và đặc biệt trong hình tượng con người miền núi. Tất cả đều được xây dựng bằng một bút pháp nghệ thuật có sự kết hợp hài hòa hai sắc thái thẩm mĩ tương phản với nhau. Đó là sắc thái thẩm mĩ thơ mộng, trữ tình được miêu tả bằng nguyên tắc lãng mạn hóa, thi vị hóa thậm chí phi thường hóa của chủ nghĩa lãng mạn với những hình tượng nghệ thuật giàu chất thơ; Đó là sắc thái thẩm mĩ khách quan hóa, trần tục hóa, được miêu tả bằng nguyên tắc điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực với những hình tượng nghệ thuật giàu chất văn xuôi. Tất cả được kết hợp hài hòa để tạo thành bức tranh hiện thực xã hội miền núi bên cạnh những ngọt ngào, mơ mộng thật lãng mạn là bao đắng cay, bi kịch của bao thân phận nghèo đói, ít học với bao vấp ngã, lầm lạc rồi đứng dậy và đi tới ấm no, hạnh phúc dưới ánh sáng soi đường của Đảng và cách mạng. Sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi ở

đây không chỉ dừng lại là phương thức nghệ thuật cần thiết cho một nhà văn viết nên tác phẩm của mình mà còn biểu hiện cái nhìn nghệ thuật tinh tế, sâu sắc của một tài năng văn học, với bức tranh hiện thực cuộc sống đã và đang có sự vận động theo chiều hướng tích cực, lạc quan từ bóng tối cho tới ánh sáng, từ nghèo đói lầm than đến ấm no, hạnh phúc và đổi đời nhờ cách mạng.

Chương 3, nghiên cứu sự giao thoa thể loại trong hình thức biểu hiện của truyện ngắn Cao Duy Sơn. Sự giao thoa thể loại ấy biểu hiện ở rất nhiều phương diện trong nghệ thuật tự sự của Cao Duy Sơn. Nhưng có bốn phương diện tiêu biểu và nổi bật nhất thể hiện sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi: Đó là cốt truyện với cốt truyện giàu chất thơ trong truyện ngắn trữ tình, cốt truyện giàu chất văn xuôi của tác phẩm tự sự và kiểu cốt truyện “trung gian”; Đó là hệ thống các biểu tượng nghệ thuật với hai kiểu loại song hành và đan xen, một bên là các biểu tượng mang vẻ đẹp lãng mạn hóa, lí tưởng hóa thậm chí phi thường hóa, một bên là các biểu tượng nghệ thuật mang sắc thái thẩm mĩ trần tục, đời thường; Hai kiểu loại hình tượng người trần thuật cũng xuất hiện song hành trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn: Hình tượng người trần thuật thi sĩ bộc lộ trực tiếp tư tưởng và tình cảm chủ quan của của mình với cường độ mạnh mẽ, bao giờ cũng gắn với cái đẹp, cái cao cả ở mức độ lí tưởng. Đó là hình tượng người trần thuật khách quan đáng tin cậy của tác phẩm tự sự, luôn giấu kín tư tưởng và tình cảm chủ quan của mình, để bức tranh hiện thực mang tính khách quan và điển hình trong tác phẩm tự bộc lộ chủ đề và tư tưởng của nó; Như một hệ quả tất yếu của sự giao thoa thể loại ở ba phương diện kể trên, ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn cũng xuất hiện với hai kiểu loại vừa tương phản, vừa gắn kết theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn: Đó là ngôn ngữ giàu chất thơ với tính biểu cảm giàu hình tượng, sử dụng với tần suất cao nhiều biện pháp tu từ như khoa trương, cường điệu, so sánh tầng bậc, tượng trưng, nhân hóa… Nhưng bao giờ cũng gắn với hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp lãng mạn hóa, lí tưởng hóa. Đó là ngôn ngữ văn xuôi trần tục đời thường mang tính khách quan cao độ khi người trần thuật giấu kín tư tưởng, tình cảm mang tính chủ quan của mình, kiểu loại ngôn ngữ này mang lại tính cá thể hóa sắc nét cho các hình tượng nhân vật mà nó khắc họa.

3. Sự giao thoa thể loại dù được biểu hiện ở nội dung hay hình thức nghệ thuật của truyện ngắn Cao Duy Sơn đều có chung một đăc điểm: Gắn bó máu thịt với bản sắc văn hóa Tày quê hương Cao Bằng của nhà văn, hầu hết các tác phẩm đều chọn lựa không gian nghệ thuật là thị trấn Cô Sầu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, với quê hương thắm thiết nghĩa tình của nhà văn ấy, "mạch nguồn" văn hóa Tày trở thành mảnh đất màu mỡ để nhà văn "gieo trồng" những "hạt giống" tác phẩm của mình, nhân vật trung tâm của không gian nghệ thuật đặc thù ấy đều là những con người miền núi, dù là nhân vật phản diện hay chính diện, nhân vật tích cực hay tiêu cực, tất cả đều đã hợp thành một bức tranh thiên nhiên - bản làng với số phận của bao con người dù vấp ngã, trưởng thành, khổ đau hay hạnh phúc, họ đều đạt tới tính điển hình. Qua đó, người đọc ngỡ ngàng nhận ra sau khi đọc truyện ngắn của Cao Duy Sơn sẽ thấy từ một "giọt nước" thấy cả "biển khơi". Chuyện trong một ngôi nhà, một bản làng cũng là chuyện của quê hương, đất nước đang đi từ đói nghèo tăm tối tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhờ công ơn của Đảng và Cách mạng. Trong hành trình nhiều chông gai và gian khổ ấy, những con người miền núi mang cả chất thơ và chất văn xuôi trong tâm hồn của họ sẽ gặp cả hoa thơm và gai nhọn. Tính điển hình của truyện ngắn Cao Duy Sơn nằm ở đó, và hiệu quả nghệ thuật từ sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong tác phẩm của ông, cũng đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất khi phản ánh hành trình của những con người miền núi tài hoa và dũng cảm kia. Họ không chỉ đi qua những thử thách giàu chất văn xuôi để tới với những mơ ước đậm chất thơ của mình, mà còn vượt qua những bi kịch thế sự và đời tư để đi tìm lại chất thơ sâu thẳm trong chính nhân cách của mình.

4. Nếu có thể tiếp tục được nghiên cứu ở những cấp độ cao hơn, chúng tôi nghĩ có thể mở rộng đề tài này theo các hướng tiếp cận sau đây:

Sự giao thoa thể loại trong sáng tác của Cao Duy Sơn; Chất thơ và chất văn xuôi trong sáng tác của ba nhà văn người Tày: Cao Duy Sơn, Vi Hồng, Ma Trường Nguyên; Sự mở rộng "ranh giới" thể loại trong sáng tác của một số nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại: Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Y Phương…./.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)