Quá trình sáng tác và quan điểm sáng tác của nhà văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 27 - 30)

B PHẦN NỘI DUNG

1.2.2.Quá trình sáng tác và quan điểm sáng tác của nhà văn

Cao Duy Sơn là một nhà văn trẻ về tuổi nghề, số lượng tác phẩm cũng chưa nhiều nhưng đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn văn học Việt Nam hiện đại, được các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đánh giá cao. Có thể kể tên các tác phẩm của Cao Duy Sơn theo hành trình thời gian:

Người lang thang (1992); Cực lạc (1995); Hoa mận đỏ (1999); Những đám mây hình người (2002); Đàn trời (2007); Hoa bay cuối trời (2008); Ngôi nhà xưa bên suối (2008); Chòm ba nhà (2009); Người chợ (2010). Có thể khẳng định rằng tất cả các tập truyện ngắn và tiểu thuyết của ông đều tập trung khai thác đề tài miền núi, vừa đậm đà bản sắc văn hóa Tày, gắn với quê hương của ông, vừa có sự tích hợp văn hóa với tinh hoa văn hóa Việt và văn hóa của nhân loại. Có lẽ Cao Duy Sơn là một trong số ít những nhà văn người dân tộc thiểu số thành công rực rỡ ở “mảng” văn xuôi của nền văn học Việt Nam hiện đại hôm nay.

Với tài năng, tâm huyết và lao động nghệ thuật kiên trì, bền bỉ, Cao Duy Sơn đã nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín như: Tiểu thuyết Người lang thang nhận giải A Văn học dân tộc thiểu số của Hội Nhà văn Việt Nam (1993); giải nhì do Hội Hữu nghị văn hóa Việt - Nhật trao tặng (1993); tập truyện Những chuyện ở lũng Cô Sầu được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1997) và được đánh giá là “mang một hương vị riêng biệt của vùng rừng xanh núi đỏ với những số phận vừa bi thương, vừa hào hùng nhưng lại thấm đẫm chất nhân văn cao cả” (trích lời tựa tác phẩm).

Tập truyện Những đám mây hình người nhận giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2003). Tiểu thuyết Đàn trời nhận giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2006). Đặc biệt, tập truyện

Ngôi nhà xưa bên suối đã vinh dự nhận được hai giải thưởng lớn: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2008) và giải thưởng văn học ASEAN của Hoàng Gia Thái Lan (2009). Gần đây nhất là tập truyện ngắn Người chợ xuất bản năm 2010. Vừa tiếp nối mạch nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Cao Duy Sơn là cảm hứng ngợi ca kết hợp với cảm hứng cảm thương dành cho những con người miền núi vượt qua những thử thách có tính bi kịch để tỏa sáng những tư tưởng nhà văn.

Như vậy, mặc dù Cao Duy Sơn là một nhà văn trẻ trong hàng ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, nhưng với hàng loạt tác phẩm đặc sắc về nghệ thuật tự sự, cao đẹp về giá trị nội dung đã vừa khẳng định vị trí danh dự của ông trên văn đàn Việt Nam hiện đại, vừa hứa hẹn những thành công sẽ đến trong hành trình sáng tạo của cây bút văn xuôi sung sức này.

* Quan điểm sáng tác của nhà văn

Cao Duy Sơn rất ít khi trực tiếp bộc bạch quan niệm sáng tác của mình mà để cho quan niệm nghệ thuật ấy ẩn sâu trong những trang văn vừa dữ dội vừa thấm đẫm chất thơ của mình. Nhưng trong cuộc phỏng vấn nhà văn ngày 22 tháng 02 năm 2019 của chúng tôi, bên cạnh những tâm sự sâu sắc về quê hương, về bản sắc văn hóa Tày, về những kinh nghiệm sáng tác của riêng ông, Cao Duy Sơn cũng đã phát biểu quan niệm sáng tác văn học của mình:

“Mỗi nhà văn đều có lối viết riêng. Qua tác phẩm của họ bạn đọc thấy rõ điều đó. Nói thì ngắn, nhưng mấy ai tỏ bếp núc văn chương nhọc nhằn thế nào. Tôi tự thấy chắc mình không ngoại lệ. Có điều luôn nhắc bản thân không nên mất thời gian viết cho được chuyện gì đó khi hiểu biết về nó còn giới hạn. Thói quen không dựng trước đề cương cho dù truyện ngắn hay dài, nên thường phải ngẫm nghĩ khá lâu trước khi viết. Cái “tứ” truyện khởi từ mông lung ấy cứ luôn trở đi trở lại trong suy tưởng, cho tới lúc trong đầu cất lên một giọng thích hợp,là cái giọng điệu khởi đầu ấy, có thể đưa truyện đi đến chữ cuối cùng thì bắt đầu viết. Như thế hình như mạch truyện cảm xúc hơn. Chữ nghĩa, nhân vật, chi tiết tự nhiên tràn chảy thoát khỏi chi phối của lý chí. Bằng cái tình riêng tôi luôn tâm niệm, viết là để trả nợ quê hương và bao phận người đã cho mình cảm xúc yêu thương, gợi mở sáng tạo đặng có được những tác phẩm. Nhưng cũng nhắc bản thân, không phải viết truyện gì ra cũng đều hay, có lúc phải biết tỉnh táo để nhận ra cái dở còn đâu đó trong tác phẩm của mình. Đi nhiều, đọc nhiều, viết như một nhu cầu khí thở, cơm ăn, nước uống hàng ngày, khám phá thế giới quanh mình, khám phá bản thân sẽ thấy được giới hạn năng lực của mình, ngưỡng tới đâu để vượt qua”. Những sáng tác thành công của Cao Duy Sơn là minh chứng cho quan điểm sáng tác này của nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 27 - 30)