Ngôn ngữ văn xuôi trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 92 - 97)

B PHẦN NỘI DUNG

3.5. Sự giao thoa thể loại trong ngôn ngữ nghệ thuật của truyện ngắn Cao Duy Sơn

3.5.2. Ngôn ngữ văn xuôi trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn

Đan xen với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ là ngôn ngữ văn xuôi đích thực trong truyện ngắn của nhà văn này. Đó là ngôn ngữ nghệ thuật có sự giấu kín cảm xúc, tình cảm và tư tưởng của người trần thuật, để tạo ra tính khách quan tối đa cho bức tranh hiện thực đời sống miền núi được tái hiện trong tác phẩm, là ngôn ngữ luôn hướng người đọc tới sự miêu tả và xác định đặc điểm của đối tượng thẩm mĩ đang được khắc họa, chứ không hướng người đọc tới cảm xúc tình cảm chủ quan của người trần thuật thi sĩ gắn với ngôn ngữ giàu chất thơ. Từ ngôn ngữ mang tính khách quan ấy, các hình ảnh, hình tượng được miêu tả trong tác phẩm có tính đời thường, trần tục hóa và điển hình hóa, triệt tiêu sắc thái lãng mạn và thi vị hóa. Đây là tình huống nhân

vật Thùng trong truyện ngắn Mùa én gọi bầy, vì ghen tuông đã đốt căn nhà của mình nhằm thiêu cháy cả tình địch và người vợ mà hắn vốn rất yêu thương: "Không một tiếng động nhỏ, gã nhẹ nhàng tụt xuống gốc cây. Chỉ ít phút, đôi bàn tay gân guốc của Thùng đã nhanh chóng chèn chặt cửa ra vào. Ngôi nhà này do chính công sức của gã dựng lên, nó nằm nghiêng rẽ phía mé đồi (…) Tiếng tre nứa nứt toách vọng vào vách núi dội lại những âm thanh chát chúa, xen lẫn tiếng la hét thất thanh, inh ỏi của đám công nhân đến chữa cháy đã dần lụi tắt trong tai Thùng" [65, trang 26]. Tình huống truyện mang kịch tính cao với hàng loạt hành động quyết liệt và tàn bạo của nhân vật Thùng, tất cả nhằm diễn tả cơn ghen tuông đã bùng cháy như chính ngọn lửa kia để thiêu rụi ngôi nhà là biểu tượng cho hạnh phúc gia đình của mình.

Với truyện ngắn Những đám mây hình người, đoạn văn miêu tả tiếng chửi chồng của nhân vật Hử là ngôn ngữ đời thường với sự dung tục, chua ngoa, đanh đá phù hợp với tính cách của nhân vật này: "Con Lơ là ma gà, là hạng rắn giả lươn, đớp hết hồn vía đàn ông ở đất Pác Gà! Sao mày còn u mụ tối đầu rúc vào đấy? Thảo nào hai tháng nay mày như đứa ngẩn ngơ! Rồi nó sẽ hút hết máu, ăn thủng phổi, ruỗng lá lách lăn ra chết mất thôi…! Ơ…ơ… ,mày không phải là người rồi…! Hử rít lên như hoang thú bị trọng thương" [65, trang 37]. Lời đáp của nhân vật Ký với Hử cũng trần tục, thô nhám như thế: "Phải chặn họng mụ lại! Gã dứ quả đấm nhem nhuốc than bụi vào mặt vợ hăm dọa: - Mày im mồm ngay! Mày còn hí bằng giọng ngựa cái động đĩ tao sẽ tương một phát vào mõm rơi răng đừng trách [65, trang 38]. Ngôn ngữ văn xuôi ở đây đã thực hiện đúng chức năng của nó, bởi tính cách nhân vật như thế nào thì ngôn ngữ như thế ấy, tình huống nghệ thuật nào thì nhân vật với sự quy định tính cách của riêng nó sẽ ứng xử như thế ấy, đặc biệt ngôn ngữ ấy mang tính cá thể hóa cao độ, khắc họa chính xác tính cách và tâm trạng của nhân vật. Với định hướng này, chúng tôi thấy Cao Duy Sơn, trong rất nhiều truyện ngắn của mình, đã xây dựng thành công hình tượng người trần thuật khách quan luôn giấu kín tư tưởng, tình cảm của mình để miêu tả cuộc sống như nó vốn có quanh ta.

Truyện ngắn Âm vang vong hồn là truyện ngắn thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật và điểm nhìn của người trần thuật ấy: "Trong màn đêm đang xuống, con đường dưới chân

núi như nhỏ lại. Phía cửa hang nơi Ban ở, ánh đèn vàng nhạt hắt ra ngoài những tia sáng yếu ớt. Lão Kỵ trông như gà ăn trộm, cặp mắt tính quái của lão ngó nghiêng qua tấm liếp che cửa. Ơ hóa ra thằng Khuề nói dối lão! (…) Tiếng đấm đá, quật nhau nhàu lên, lộn xuống huỳnh huỵch. Cả hai cùng phóng chân, phóng tay, lao vào nhau chí tử"

[66, trang 121-122]. Đoạn văn như một vở kịch ngắn với bốn nhân vật Khuề, lão Kỵ, lão Lử và Ban, chỉ có lời đối thoại và hành động của nhân vật, người trần thuật tiết chế tối đa lời dẫn chuyện và không hề có lời bình luận hay trữ tình ngoại đề nào. Nhà văn đã để cho nhân vật, sự kiện và tình tiết tự nói lên chủ đề và tư tưởng của tác phẩm.

Cũng mang đặc điểm như một vở kịch ngắn tương tự như trên, trong truyện ngắn Thằng Hoán, đoạn văn miêu tả cảnh đánh ghen của thằng Hoán với tay thợ cả đang ngoại tình với vợ mình là Làn Dì: "Vụt, một cánh tay vung ra. Tiếng “ối” đau đớn như cố nén trong cổ của Làn Dì vừa bật ra mồm bỗng tắt lặng. Thân thể của thị đổ nghiêng sang một bên, lộ ra một người đàn ông mặt trắng bệch sợ hãi (…) Tao không giết mày đâu. Nhưng tao sẽ đánh dấu mày. Mặc quần vào đi… Con dê đực" [66, trang 161-162]. Ở đây người đọc bắt gặp một tình huống truyện rất giàu kịch tính với ba nhân vật thằng Hoán, tay thợ cả và Làn Dì. Chỉ có ba lời đối thoại một phía của Hoán, một loạt hành động quyết liệt của Hoán và sự run rẩy sợ hãi của hai nhân vật còn lại. Người trần thuật không bình luận mà để cho nhân vật, sự kiện và tình tiết có tính khách quan và điển hình, phù hợp với logic của cuộc sống tự nói lên tất cả.

Truyện ngắn Hòn bi đá màu trắng miêu tả một tình huống truyện gắn với sự ghen tuông của nhân vật Dồ với nhân vật Soóng: “Cửa nhà Soóng hôm nay đóng kín. Bên trong như không có người. Chỉ tiếng sáo cất lên đủ nghe. Không chút do dự. Dồ co chân đạp mạnh vào cửa. Đôi cánh nghiến nặng gần tạ mở toang (…) cạnh gỗ trúng vào thái dương khiến thằng Soóng hoa mắt. Nó loạng choạng, hai tay ôm đầu đỡ đòn. Thấy mặt Soóng máu loang đỏ, Lò sợ đến cứng hàm” [63, trang148]. Không gian nghệ thuật là căn nhà của Soóng, nhân vật Dồ xuất hiện với ba hành động liên tiếp: Co chân đạp mạnh vào cửa, đập thanh gỗ vào đầu Soóng, một lời đối thoại mang tính dung tục đời thường thể hiện sự ghen tuông.

Qua các ví dụ kể trên, chúng tôi thấy ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất văn xuôi đã được triệt tiêu toàn bộ tính lãng mạn hóa, phi thường hóa, dù là ngôn ngữ trần thuật

của người kể chuyện hay ngôn ngữ đối thoại của nhân vật đều ít sử dụng các biện pháp tu từ, để đem lại tính khách quan và tính điển hình cho các hình tượng nghệ thuật mà ngôn ngữ ấy đang khắc họa. Nếu như với ngôn ngữ giàu chất thơ, người trần thuật thường bộc lộ trực tiếp tư tưởng và tình cảm của mình đối với nhân vật hay đối với các sự kiện được miêu tả trong các tình huống truyện giàu sắc thái trữ tình, thì ở ngôn ngữ văn xuôi, tình trạng đã ngược lại, người trần thuật giấu kín tư tưởng và tình cảm của mình, triệt tiêu toàn bộ sắc thái thẩm mĩ mang tính lãng mạn hóa, phi thường hóa. Từ tình huống truyện giàu tính trữ tình chuyển sang tình huống truyện trần tục của đời thường. Sự kết hợp hài hòa hai kiểu loại ngôn ngữ nghệ thuật kể trên không chỉ là minh chứng cho sự giao thoa thể loại trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, mà còn tạo ra vẻ đẹp, sức hấp dẫn đặc biệt cho những truyện ngắn xuất sắc này và đây cũng là một thành công trong nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Cao Duy Sơn ở phương diện ngôn ngữ nghệ thuật.

Tiểu kết chương 3:

Ở chương 3, chúng tôi tập trung nghiên cứu sự giao thoa thể loại biểu hiện ở hình thức nghệ thuật trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Đó là sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong nghệ thuật tự sự với bốn phương diện tiêu biểu: - Ở phương diện cốt truyện có sự song hành của hai kiểu loại cốt truyện, đó là kiểu cốt truyện giàu chất thơ trong một loạt truyện ngắn trữ tình, cấu trúc của cốt truyện "mờ" đi với sự "nghèo nàn" tình tiết sự kiện, ít kịch tính mà lại "đậm" về diễn biến tâm trạng, với chiều sâu nội tâm của nhân vật; Đó là kiểu cốt truyện truyền thống của tác phẩm tự sự tuân thủ tương đối chặt chẽ các bước cơ bản đã được các giáo trình Lí luận văn học

đúc kết cho tác phẩm tự sự. Với phương diện biểu tượng nghệ thuật, chúng tôi phát hiện có hai loại biểu tượng nghệ thuật đan xen, lồng ghép với nhau: Biểu tượng giàu chất thơ và biểu tượng giàu chất văn xuôi với một bên là vẻ đẹp lãng mạn hóa, thi vị hóa thậm chí phi thường hóa, và một bên là những biểu tượng trần tục đời thường mang tính khách quan hóa và điển hình hóa. Ở phương diện hình tượng người trần thuật, hai kiểu loại hình tượng người trần thuật song hành đan xen: Người trần thuật thi sĩ bộc lộ trực tiếp tư tưởng và tình cảm chủ quan và hình tượng người trần thuật khách quan đáng tin cậy của tác phẩm tự sự. Ở phương diện ngôn ngữ nghệ thuật,

các biện pháp tu từ để luôn hướng tới cái đẹp, cái cao cả ở mức độ lí tưởng, ngôn ngữ nghệ thuật ấy song hành và gắn kết với ngôn ngữ văn xuôi cụ thể, chân thực mang tính trần tục đời thường và cá thể hóa cao độ, luôn hướng tới sự miêu tả và xác định đặc điểm của đối tượng đang được nói đến.

Sự giao thoa thể loại ở hình thức biểu hiện kể trên in đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật Cao Duy Sơn, góp phần quan trọng vào thành công cho các truyện ngắn của nhà văn này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi trong truyện ngắn của cao duy sơn (Trang 92 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)