B PHẦN NỘI DUNG
3.5. Sự giao thoa thể loại trong ngôn ngữ nghệ thuật của truyện ngắn Cao Duy Sơn
Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học hay còn được gọi là ngôn ngữ văn học theo Từ điển Thuật ngữ Văn học là: "Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa
học(…) Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác" [92, trang 215].
Khảo sát ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm này có sự giao thoa giữa chất thơ và chất văn xuôi với những biểu hiện cụ thể sau:
3.5.1. Ngôn ngữ giàu chất thơ với tính biểu cảm giàu hình tượng
Với kiểu loại ngôn ngữ nghệ thuật này, nhà văn Cao Duy Sơn đã viết lên những trang văn thấm đẫm chất thơ. Qua khảo sát, chúng tôi thấy những trang văn sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ ấy có tính biểu cảm cao, giàu hình ảnh, hình tượng nhờ sử dụng dày đặc các thủ pháp nghệ thuật như khoa trương, cường điệu, nhân hóa, so sánh, tượng trưng và giàu tính nhạc. Thực chất đây cũng là những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm trữ tình, và từ đó nhà văn tạo ra vẻ đẹp lãng mạn hóa, phi thường hóa cho những bức tranh thiên nhiên, xã hội và hình tượng con người miền núi của mình. Trong truyện ngắn Người săn gấu, xen giữa hàng loạt những sự kiện tình tiết dữ dội của những số phận thấm đẫm máu và nước mắt là những đoạn văn miêu tả tình yêu và khát vọng hạnh phúc của nhân vật Thim: “Bứt mộ chiếc lá cây bên đường Thim đưa lên môi, một điệu kèn lá như bơi vào giữa cánh rừng bạt ngàn, bầu trời cao rộng ngăn ngắt khe khẽ nghiêng tai lắng nghe cái điệu kèn buồn như làn khói trấu gieo chậm trong nắng vàng vắng lặng. Điệu kèn Thim dành riêng cho mình một nỗi buồn mà chỉ riêng mình mới thấm được hết nó mà chẳng muốn rơi vào tay ai” [66, trang 19]. Chỉ trong một đoạn văn ngắn ta gặp hình tượng nhân vật Thim với điệu kèn lá bay mênh mang giữa cánh rừng bát ngát, bầu trời cao rộng - tiếng kèn lá mang theo nỗi buồn và khát khao tình yêu lứa đôi xuất hiện trong tình cảnh ngang trái của Thim. Ba hình ảnh nhân vật Thim thổi kèn lá, cánh rừng xanh, bầu trời xanh, được nhân hóa để khẽ nghiêng tai lắng nghe điệu kèn, và hình ảnh "nắng vàng vắng lặng", tất cả không gian thiên nhiên và con người ấy hợp lại để diễn tả hình tượng con người cô đơn và bức tranh thiên nhiên kia là tấm gương soi cho tâm trạng của Thim.
Trong truyện ngắn Tượng trắng, giữa khung cảnh núi rừng hoang vắng, giữa những người hủi thật khủng khiếp với hình dáng kì dị, tật nguyền, xuất hiện hình tượng một cô gái miền núi được khắc họa bằng nguyên tắc lãng mạn hóa, phi thường hóa: “Trong cái âm thầm lặng lẽ của rừng núi, cô gái mỗi ngày một lớn dần. Càng lớn cô càng xinh đẹp, tóc cô mỗi ngày một dài và dày lên trong vành khăn cuốn đầu. Môi đỏ như bi chuối rừng, mắt đẹp như mắt con chim hục phầy. Da trắng mịn như nõn chuối. Cô gái đẹp đến nỗi thú rừng cũng phải ngơ ngác không nỡ nhảy ra chặn đường quấy rầy" [66, trang 115]. Thủ pháp so sánh tầng bậc được sử dụng tới ba lần kết hợp với thủ pháp khoa trương, cường điệu: Môi đỏ như bi chuối rừng; mắt đẹp như mắt con chim hục phầy; da trắng mịn như nõn chuối và biện pháp nói tăng khi miêu tả cô gái đẹp đến nỗi thú rừng ngơ ngác, không nỡ nhảy ra chặn đường, vừa biểu hiện sự sáng tạo, học tập từ vốn văn hóa dân gian Tày của Cao Duy Sơn, vừa là minh chứng cho tính biểu cảm giàu hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm này.
Trong truyện ngắn Những đám mây hình người, đoạn văn miêu tả nồi nước tắm của nhân vật Lơ là đoạn văn thấm đẫm chất thơ: "Gã mơ màng. Trong mắt gã phía góc bếp sau tấm vải hồng Lơ đang chậm rãi vục gáo múc nước xối nhẹ lên mái tóc, nước tràn lan thân thể thon thả mịn màng của nàng. Khoảnh khắc tất cả đều hóa một màu trắng, dịu dàng, thanh khiết" [65, trang 63]. Chỉ một chi tiết nồi nước tắm đang sôi trên bếp của Lơ, nhà văn đã gửi vào đó ba sắc màu của ba loài hoa vàng, trắng, đỏ của hoa cúc, hoa đào tháng ba và hoa bưởi, đặc biệt thủ pháp so sánh được sử dụng thật táo bạo, tài hoa để tạo ra vẻ đẹp lãng mạn hóa, phi thường hóa cho chi tiết nồi nước tắm rất bình thường này: "Bàn tay thon hồng của nàng buông những bông bưởi trắng muốt như những chú chim câu bé xíu lao mình theo những bong bóng nước quyên sinh" [65, trang 63]. Rồi thủ pháp dùng động nói tĩnh khi nhà văn để cho những bánh xe ngựa nghiến xuống mặt đường lộc cộc âm vang, không gian ấy phải tĩnh lặng đến nhường nào?! Tất cả nhằm tôn vinh khoảng khắc thanh tẩy không chỉ thân thể mà còn nhân cách của nhân vật Lơ. Nếu miêu tả nồi nước tắm và hành động tắm rửa của nhân vật bằng ngôn ngữ văn xuôi đích thực thì sẽ không thể có được vẻ đẹp lãng mạn hóa ấy.
Trong truyện ngắn Mùa én gọi bầy, với nhân vật Thùng có ngoại hình dữ tợn, hành động thô lỗ, nhưng khi bị hối hận dày vò bởi vợ con Thùng đã bỏ hắn mà đi, thì lời đối thoại mà như độc thoại của hắn lại ẩn giấu một chất thơ đặc biệt: "Mày có để ý ngoài trời kia không? Mùa đông đã đến rồi. Những con chim én đang gọi bầy rủ nhau đi về phương Nam đấy. Giá như lúc này tao hóa thành con chim, dù có phải vượt ngàn rừng ngàn núi nếu nghe tiếng của Đẹm ngọi tao cũng bay đi, tìm đến. Nhưng giờ biết đi đâu mà tìm. Nghe đâu cô ấy đã đưa con đi Nam. Tao giờ như con chim lạc bầy"
[65, trang 34]. Ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả để bằng liên tưởng và tưởng tượng, người đọc xúc động khi hình dung về nhân vật Thùng đang dõi mắt ngắm đàn chim én bay về phương Nam tránh rét, rồi thấy mình như con chim lạc bầy không biết về đâu. Những hình tượng ấy vừa biểu cảm khi diễn tả tinh tế trạng thái tâm hồn đầy giằng xé của nhân vật, vừa giàu chất thơ ở những suy tư và cảm xúc giàu tính nhân văn ấy. Thì ra đằng sau hình hài dữ tợn và số phận bi kịch này vẫn có một góc sâu trong tâm hồn kia ẩn giấu vẻ đẹp của tình yêu thương chân thành, của sự sám hối muộn màng. Có thể ví von rằng ở đây Cao Duy Sơn đã gạn lọc được "vàng mười nhân ái" từ trong bùn đất của những số phận bi kịch.
Truyện ngắn Bong bóng ngoài mưa là truyện ngắn trữ tình, vì vậy ngôn ngữ nghệ thuật của nó biểu cảm và giàu hình tượng: “Trên đường phố trong mưa, bóng hai người đang dìu nhau bước. Dưới chân họ những bong bóng nước đang đua nhau mọc lên sau những hạt mưa dày đặc. Bất ngờ họ nắm tay nhau chạy ào ào trong cái lán cắt tóc bị bỏ trống. Anh khẽ nói: - Vẫn chỗ này phải không em: - Chị mỉm cười gật đầu rồi khẽ nghiêng người lắc nhẹ mái tóc. Những giọt nước từ mái tóc chị bắn vào mặt anh mát lạnh. Đôi bàn tay chị kín đáo nắm vạt áo căng nhẹ, anh vô tình nhìn sang, chị ngượng ngùng nép vào ngực anh thì thầm như một giấc mơ phải không anh” [65, trang 107]. Nếu mở đầu tác phẩm là cơn mưa khiến hai nhân vật "anh" và "chị" vô tình gặp nhau trong quán vắng, để tình yêu chớm nở và hạnh phúc đơm hoa thì đến đoạn kết tác phẩm, khi đã đứng trước ngưỡng cửa tòa án để xử li hôn, lại một cơn mưa khiến họ nắm tay nhau chạy ào vào một lán cắt tóc bỏ trống. Thủ pháp điệp cấu trúc với hai cơn mưa ấy xuất hiện hai lần trong tác phẩm, dù trong những hoàn cảnh khác nhau, đã khiến tình yêu tưởng chừng tan vỡ được hàn gắn lại. Cơn mưa trở thành biểu
tượng nghệ thuật đầy chất thơ, khi nó gợi liên tưởng về kỉ niệm tình yêu đôi lứa, về thử thách nghiệt ngã trong hạnh phúc gia đình, về vẻ đẹp trong trẻo, nhân hậu và bền chặt trong trái tim những con người miền núi kia. Sự hàm súc của ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng tạo ra trường liên tưởng mạnh mẽ và rộng mở hơn bất cứ lời miêu tả dài dòng nào vốn là đặc điểm và thế mạnh của ngôn ngữ thơ.
Với truyện ngắn Cố nhân cũng thế, khi nhân vật ấy trở về thăm quê hương, ngôn ngữ nghệ thuật diễn tả tâm trạng hoài niệm với bao buồn vui, thương nhớ, dòng hoài niệm như một dòng sông nhỏ đang trôi chảy mà kỉ niệm như những gốc cây mô đá làm thương nhớ trào dâng. Hình ảnh người thương và người thân làm dòng sông hiền hòa bỗng nổi sóng: "Những hình người lướt qua, những góc phố, mái nhà luộm nhuộm cũ kỹ, gợi tâm trạng hoài niệm ấm áp. “Thế là ta đã trở về, có bao giờ ta quên cái phố huyện nằm trong thung núi này (…) Rồi một ngày được trở lại Cô Sầu.” - Và bây giờ thì đây, sau một phần tư thế kỷ phiêu bạt như gió hoang toàng" [65, trang 218].
Đặc biệt với truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối, tâm trạng của nhân vật nữ “Nàng tiên Páo Lò” khi đã giàu có và trở về tìm lại đứa con gái đã gửi gắm thầy Hạc mười mấy năm trời đã được diễn tả với bao cung bậc cảm xúc, tình cảm, được gợi lên từ bao hình ảnh có sự đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại: “Bà bám vai thầy Hạc bước ra cửa. Trong bà chợt hiện lên cái đêm đông buốt giá, cõng con đi trong gió mưa. Nó còn bé và đái ướt lưng mẹ. Khi chia tay nó vẫn đạp chân bình bịch xuống giường và phun mưa phì phì (…) Ngôi nhà bên suối sau lưng bà đã chìm xuống trong bóng đêm. Chỉ tiếng róc rách của con nước hao gày đan vào không gian yên ả những âm thanh tự ngàn đời. Mọi con suối đều đổ về sông. Mọi con sông đều chảy về biển”. [63, trang 45]. Hình tượng em Lữ giờ đã lớn khôn được tái hiện trong hoài niệm khi "nó còn bé và đái ướt lưng mẹ", hình ảnh tượng trưng "trong mắt bà mùa đông năm đó vẫn buốt giá như bây giờ", hình ảnh so sánh ngầm giữa con suối thực chảy sau lưng nhà thầy Hạc với những đứa con lạc mẹ như những con suối kia rồi sẽ có ngày tìm về với biển… Tất cả đã kết hợp hài hòa để tạo nên vẻ đẹp trữ tình cho ngôn ngữ nghệ thuật trong đoạn văn này.
Nhưng có lẽ tiêu biểu hơn cả là ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ trong truyện ngắn Hoa bay cuối trời, tính biểu cảm - giàu hình tượng xuất hiện trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, đây là ngôn ngữ đối thoại của Khơ và Dình với tính khoa trương, thủ pháp so sánh luôn gắn với cái đẹp, cái cao cả ở mức phi thường: “Được lời này của em, dù nhà trên trời anh cũng tìm ra. Anh sẽ đợi đến khi nào em hé môi hoa nhận lời anh ngỏ. Dù phải trồng cây đá trước của nhà em, đến khi đá nảy mầm anh cũng sẽ đợi”. [63, trang 98]. Không chỉ có ngôn ngữ đối thoại của nhân vật mà ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện cũng được thi vị hóa, lãng mạn hóa: "Đó liệu có phải tâm nguyện cuối cùng hay cảm xúc bất chợt sau bao năm gặp lại? Khơ nhìn sâu vào mắt nàng. Ở đó nườm nượp những người đang đổ về lễ hội pháo hoa Pác Gà; những gốc đào nở hoa thắm đỏ, con suối xuân trong vắt và giá buốt; chiếc vòng đỏ đeo vào cổ tay trắng tròn của nàng… Ngày xưa, ngày xưa hiện về trong đôi mắt nàng cười". [63, trang 217]. Dòng hoài niệm của Khơ được miêu tả qua hình ảnh đôi mắt đầy sự tiếc nhớ, ngôn ngữ trần thuật khắc họa thật sống động bức tranh quá khứ với bao hình tượng: Lễ hội pháo hoa Pác Gà, rừng đào nở hoa thắm đỏ, con suối xuân trong vắt và giá buốt, chiếc vòng đỏ đeo vào cổ tay trắng tròn của nàng… Từ "ngày xưa" được điệp lại hai lần gợi liên tưởng về tiếng gọi của Khơ thả vào quá khứ rồi âm vang vọng về da diết. Chỉ có ngôn ngữ đẫm chất thơ mới mang những phẩm chất ấy và tạo ra những hiệu quả nghệ thuật ấy.