4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
- Vị trí địa lý: Thành phố Thái Nguyên là trung tâm kinh tế văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ với tổng diện tích đất tự nhiên là 189km2 bao gồm 21 phường và 11 xã. Là một trong những trung tâm công nghiệp và giáo dục đào tạo của cả nước (là 1 trong 3 trung tâm giáo dục- đào tạo lớn của cả nước). Thành phố nằm trong tọa độ từ 21ᴼ20’ đến 21ᴼ40’ độ vĩ bắc, từ 105ᴼ52’ đến 105ᴼ62’ độ kinh đông.
Phía Bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương Phía Đông giáp thành phố Sông Công
Phía Tây giáp huyện Đại Từ
Phía Nam giáp thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình
Thành phố Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, là đầu mối giao thông trực tiếp với Thủ Đô Hà Nội, có đường sắt, đường sông, quốc lộ số 3 dài 80 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 65 Km. Là cửa ngõ đi các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang. Với vị trí địa lý như trên, thành phố Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh cũng như giao lưu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.
- Địa hình: Đặc điểm địa hình của thành phố Thái Nguyên có thể chia ra làm 2 khu vực như sau:
Khu vực thành thị gồm các phường thuộc trung tâm thành phố với địa hình nói chung tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ và ít đồi núi. Trong địa bàn
thành phố, xen giữa những khu vực cơ sở hạ tầng là một số các cánh đồng bằng phẳng với diện tích nhỏ và một số đồi núi nhỏ với độ cao thấp, trung bình khoảng từ 30m - 50m.
Khu vực nông thôn gồm các xã thuộc ngoại thành thành phố mang địa hình đặc trưng của vùng trung du miền núi phía Bắc, với đặc điểm địa hình nhiều đồi núi, xen giữa là các đồi núi là những khu vực bằng phẳng hơn. Tuy có nhiều đồi núi nhưng đa số những đồi núi này có độ cao thấp, trung bình khoảng từ 80m - 100m, độ dốc không lớn, rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả và cây công nghiệp.
- Thời tiết, khí hậu: Thái Nguyên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, thuộc vùng tiểu khí hậu Đông Bắc bộ, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc và Đông Nam, được chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô.
Mùa mưa: Từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa chiếm gần 80% lượng mưa cả năm, có năm đến hơn 80%. Các tháng mưa nhiều là tháng 6, tháng 7 và tháng 9, mưa nhiều và tập trung gây ngập úng làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhất là khi mưa lớn kết hợp với bão, giông tố và nước sông lên cao.
Mùa khô: Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chiến 20% lượng mưa cả năm, các tháng mưa ít nhất là tháng 11 và tháng 1, có tháng hầu như không có mưa như tháng 1 lượng mưa đo được là 2,1mm. Tuy nhiên có những năm mưa muộn gây ảnh hưởng lớn đến việc gieo trồng cây vụ đông và mưa sớm gây ảnh hưởng đến thu hoạch vụ chiêm xuân.
- Thủy văn: Thành phố Thái Nguyên có 2 tuyến sông lớn chảy qua (sông Cầu và sông Công), bên cạnh đó có hồ Núi Cốc vừa phục vụ cho việc du lịch, vui chơi giải trí, cung cấp số lượng nước rất lớn cho việc sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Sông Cầu bắt nguồn từ địa phận tỉnh Bắc Kạn đi qua khu vực thành phố Thái Nguyên, theo Báo cáo thủy văn của tỉnh Thái Nguyên thì hàng năm qua mùa mưa lũ cung cấp 1 lượng khá lớn đất
phù sa, cung cấp 1 lượng nước rất lượng nước khá lớn cho sản xuất nông nghiệp và có tác dụng tiêu lũ cho thành phố. Sông Công được bắt nguồn từ hồ Núi Cốc cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho khu vực phía Tây và phía Nam thành phố, ngoài ra sông Công là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt của thành phố.
Nhìn chung khí hậu của thành phố có nhiều thuận lợi, song cũng gây không ít những khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng hạn hán vào mùa khô, ngập úng, lũ lụt vào mùa mưa vẫn tồn tại ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị sản xuất của ngành.
- Tài nguyên thiên nhiên và xã hội: Thành phố Thái Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú:
+ Tài nguyên đất: tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố Thái Nguyên là 18.970,48 ha.
+ Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn thành phố có 2 tuyến sông lớn chảy qua (sông Cầu và sông Công). Do đó cung cấp cho thành phố một lượng cát, sỏi phục vụ xây dựng khá lớn, đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng cho toàn thành phố. Thành phố nằm trong vùng sinh khoáng đông bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương, cỏ mỏ than nội địa Khánh Hoà thuộc xã Phúc Hà có trữ lượng than rất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.
+ Tài nguyên rừng
Thành phố Thái Nguyên có 3.023,77 ha rừng, phân bố chủ yếu ở các xã ở khu vực nông thôn như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Phúc Hà, Lương Sơn. Rừng ở Thái Nguyên chủ yếu là rừng nhân tạo và rừng trồng theo chương trình 327, rừng trồng theo chương trình PAM, trong đó: đất rừng sản xuất là 2.035,96 ha, đất rừng phòng hộ là 987,81 ha. Vùng chè Tân Cương cùng với các loại cây trồng của nhân dân như cây nhãn, vải, quýt, chanh... Cây lương thực chủ yếu là cây lúa nước, ngô, đậu... thích hợp và phát triển ở những vùng đất bằng trên các loại đất phù sa, đất mới phát triển, đất glây trung tính ít chua.
+ Tài nguyên nhân văn
Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều dân tộc sinh sống hòa thuận với nhau: Kinh, Tày, Nùng, Dao... Cộng đồng các dân tộc trong thành phố với những truyền thống, bản sắc riêng đã hình thành nên một nền văn hoá rất phong phú, có nhiều nét độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.
- Về kinh tế: Thành phố Thái Nguyên được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc. Trong những năm qua, thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước.