CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Thu thập dữ liệu là một phần của quá trình nghiên cứu và đóng vai trò quan trọng cho việc phục vụ quá trình nghiên cứu. Mục đích của tác giả khi sử dụng các phương pháp thu thập dữ liệu nêu ra sau đây là nhằm mang lại các thông tin hữu ích, chuẩn bị cho việc nghiên cứu. Các dữ liệu liên quan đến quá trình nghiên cứu thường phân bổ ở nhiều nơi, ở nhiều thời điểm nên cần có phương pháp thu thập dữ liệu cụ thể nhằm xác định và lấy ra được các dữ liệu một cách chọn lọc nhất, cũng như thu được các thông tin một cách đáng tin cậy. Nhiều dữ liệu hết sức phức tạp và có nhiều nguồn cung cấp nên việc áp dụng các phương pháp thu thập dữ liệu là cần thiết để tiết kiệm được thời gian, chi phí và đạt được hiệu quả khi thu thập thông tin.
Việc thu thập dữ liệu được chia ra làm hai quá trình. Thứ nhất là thu thập dữ liệu thứ cấp và thứ hai là thu thập dữ liệu sơ cấp
2.1.1. Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp là các dữ liệu có sẵn, có thể ở bên trong hoặc bên ngoài doanh nghiệp, thường là đã công bố. Để phục vụ mục đích nghiên cứu của đề tài, tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn có sẵn như sau:
- Các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần giai đoạn 2016-2018.
- Các báo cáo quản trị, báo cáo quản lý vốn, báo cáo giá thành, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, báo cáo tổng kết
- Các giáo trình, tạp chí, báo cáo hoặc các xuất bản khoa học có liên quan trong và ngoài nước.
- Các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ có liên quan đến đề tài nghiên cứu của các tác giả trước.
- Các bài đăng và số liệu trên các website như: pvpower.com.vn, cafef.vn,...
2.1.2. Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp
Dữ liệu sơ cấp là các dư liệu được thu thập lần đầu, là những dữ liệu chưa có sẵn mà tác giả phải là người chủ động đi thu thập. Để thu thập dữ liệu sơ cấp, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp quan sát
Phương pháp này được thực hiện bằng cách quan sát trực tiếp cách thức hạch toán các chỉ tiêu kế toán có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, khoản phải thu, hàng tồn kho, các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn. Cách xây dựng các chỉ tiêu tài chính kế hoạch hàng năm, cách phương thức để đạt được các chỉ tiêu đó tại văn phòng quản lý và các chi nhánh phụ thuộc. Sau khi quan sát, có thể phỏng vấn để biết thêm chi tiết về cách thức thực hiện các công việc. Phương pháp quan sát cho ra kết quả khách quan. Tuy nhiên phải thực hiện quan sát nhiều lần để tìm ra quy luật.
Phương pháp phỏng vấn trực tiếp
Phương pháp phỏng vấn (Interview Method) là phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp bằng cách phỏng vấn các đối tượng được chọn. Đây là phương pháp duy nhất để biết được ý kiến dự định của đối tượng phỏng vấn, tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp các cán bộ thuộc Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán văn phòng Tổng công ty và các chi nhánh phụ thuộc, chủ yếu là các lãnh đạo và các chuyên viên tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp. Người thực hiện phỏng vấn là tác giả của luận văn. Việc phỏng vấn có thể được tiến hành bằng cách gặp mặt trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua thư.
Trong luận văn, tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn để thu thập dữ liệu sơ cấp. Cụ thể, cách thức phỏng vấn đó là:
Tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp lần lượt 32 cán bộ, nhân viên làm tại Ban Tài chính kế toán & Kiểm toán PV Power. Các cán bộ, nhân viên quản lý thu xếp vốn, dòng tiền đều được thông báo và có sự chuẩn bị trước. Người thực hiện phỏng vấn là tác giả của luận văn. Thời gian phỏng vấn có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ. Các câu hỏi trong cuộc phỏng vấn trực tiếp vừa là câu hỏi đóng vừa là câu hỏi mở, hoặc ở dạng bán cấu trúc. Cụ thể người được phỏng vấn sẽ cho biết tình hình doanh thu trong quá khứ và hiện tại trong 03 năm gần nhất, nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp, các thuận lợi, khó khăn trong việc duy trì và nâng cao doanh thu, lợi nhuận, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp, đề xuất của từng cá nhân nhằm giải quyết các khó khăn trên. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên tác giả đã chuẩn bị sẵn bảng câu hỏi khảo sát nhưng do tính chất phức tạp của cuộc phỏng vấn, nhiều vấn đề cần phải đề cập cùng với thời gian của người được phỏng vấn có hạn nên tác giả chủ yếu thu thập thông tin qua việc hỏi đáp trực tiếp với người được phỏng vấn theo bảng câu hỏi khảo sát và trực tiếp ghi vào bảng câu hỏi khảo sát chứ không yêu cầu người được phỏng vấn điền vào bảng này.
Nội dung phỏng vấn chủ yếu nhằm thu thập thông tin để đánh giá công tác quản lý dòng tiền mục 3.3 và định hướng giải pháp ở mục 4.2 của luận văn.
Toàn bộ dữ liệu thu thập được hình thành tập dữ liệu được tác giả sử dụng cho nghiên cứu luận văn.