PHẦN 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.8. Vai trò của polysaccharide từ nấm đối với sức khỏe
1.8.5. Tính kháng virus của polysaccharide từ nấm
Một vài polysaccharide từ nấm dược liệu và nấm ăn đã được công bố có các chất thể hiện hoạt tính kháng virus thông qua tăng sự giải phóng IFN- γ và tăng cường sự phát triển của các tế bào đơn nhân máu ngoại vi (PBMC- peripheral blood mononuclear cell) [70], [81]. Các dịch chiết carbohydrate khác nhau từ nấm Lentinus
edodes đã được thử nghiệm và kết quả chỉ ra rằng dịch chiết này có hoạt tính kháng
virus gây bệnh sốt bại liệt loại 1 (PV - 1) và virus đậu bò loại 1 (BoHV - 1). Các minh chứng thu được cho thấy các polysaccharide có tác dụng kháng virus và chúng hoạt động ở giai đoạn đầu của quá trình sao chép ở cả hai chuỗi virus [108]. Đối với việc điều trị vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), chưa có một số lượng nghiên cứu thực nghiệm đủ lớn liên quan đến các polysaccharide từ nấm. Đáng chú ý, lentinan và một proteoglucan có tính acid từ G. lucidum đã được áp dụng thành công như một liệu pháp điều trị bổ sung đối với HIV trong việc kết hợp với các thuốc kháng HIV thông thường vì chúng có khả năng tăng cường sức đề kháng đối với virus HIV và hạn chế độc tính của các thuốc chống HIV. Một nghiên cứu đã được tiến hành đối với 88 bệnh nhân HIV dương tính với CD4 ở mức 200-500 tế bào/mm. Các bệnh nhân được điều trị với sự kết hợp của lentinan polysaccharide từ L. edodes
và didanosine (ddI). Sự kết hợp này đã tạo nên sự tăng đáng kể CD4 kéo dài đến 38 tuần, trong khi nếu chỉ điều trị bằng ddI thì mức tăng CD4 là 5 % ở 14 tuần [42]. Hoạt tính kháng HIV tương tự cũng đã được phát hiện ở các glucan từ G. frondosa và
T. versicolor [70], [81].