6. Cấu trúc của luận văn
1.3. Truyện kể dân tộc Thái
1.3.3. Truyện cổ tích
Trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam do Đinh Gia Khánh chủ biên thì truyện cổ tích được hiểu là “bộ phận quan trọng nhất trong các thể loại tự sự dân gian” [37, tr.294], “truyện cổ tích xuất hiện phần lớn khi công xã thị tộc tan rã” [37, tr.296] và “truyện cổ tích một mặt phản ánh sự đấu tranh của nhân dân chống giai cấp thống trị nhưng một mặt vẫn chịu ảnh hưởng ý thức hệ chính trị của thời đại” [37, tr.296].
Trong Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, tập II, nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu cũng đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của thể loại cổ tích:
“Truyện cổ tích là một loại truyện kể dân gian ra đời từ thời kì cổ đại, gắn liền với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, hình thành của gia đình phụ quyền và phân hóa giai cấp trong xã hội; nó hướng vào những vấn đề cơ
bản, những hiện tượng có tính phổ biến trong đời sống nhân dân, đặc biệt là những xung đột có tính chất riêng tư giữa người với người trong phạm vi gia đình và xã hội. Nó dùng một thứ tưởng tượng và hư cấu riêng (có thể gọi là “tưởng tượng và hư cấu cổ tích”) kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc thù khác để phản ánh đời sống và mơ ước của nhân dân đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải trí của nhân dân trong những thời kì, những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã hội có giai cấp (ở nước ta chủ yếu là xã hội phong kiến)” [57, tr.42].
Khi đời sống xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, xã hội hình thành và phân hóa giai cấp, đời sống có sự phân chia giàu nghèo thì tất yếu sẽ xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột. Song hành với đó, khi trình độ tư duy duy lý của con người phát triển đến một mức độ cao hơn, con người có nhu cầu hướng vào giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội, lí giải mối quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội có phân hóa giai cấp, con người nhận thức được những bất công trong đời sống, muốn tìm đến sự công bằng và ước mơ hạnh phúc giản đơn nhưng logic của cuộc đời thực chưa thể giải quyết thì họ tìm đến cổ tích để gửi gắm niềm tin, ước mơ và quan niệm của mình về một xã hội công bằng hơn.
Trong truyện cổ tích của người Thái, các tác giả dân gian Thái đã tạo ra một thế giới không có trong cuộc sống thực tại nhưng lại có sự tương đồng với thế giới thực tại nhằm phản ánh những điều bất công, bất hạnh đang diễn ra trong cuộc sống và thể hiện ước mơ của quần chúng nhân dân lao. Đó là bộ phận truyện cổ tích thần kỳ hình thành và phát triển trong thời kỳ đầu, còn bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt chủ yếu phát triển ở thời kỳ sau, bên cạnh đó, còn phải kể đến bộ phận truyện cổ tích loài vật.
Truyện cổ tích về loài vật kể về những loài vật của thế giới tự nhiên, thể hiện một sự nhận thức và lý giải đặc điểm của loài vật theo quan niệm của nhân dân lao động. Trong truyện cổ tích loài vật của người Thái, nhân vật là những
loài vật gần gũi như những con khỉ ranh mãnh, con hổ hung bạo nhưng dốt nát, con rùa thông thái, con cóc gan dạ… được miêu tả sinh động hoặc lí giải những đặc điểm sinh học của mỗi loài vật: Tại sao ve sầu không có ruột? Tại sao lông hổ lại vằn vện? Tại sao có loại ốc suối đít bằng?… Nét đặc trưng trong bộ phận truyện kể này đó là chủ yếu kể về những loài vật sống trên rừng, điều này do đặc điểm địa bàn cư trú của người Thái chi phối. Tiêu biểu cho các truyện cổ tích về loài vật của người Thái như: Khỉ và Cào Cào, Án Nhà Khàm Khạc, Rùa khóc Then, Khỉ và Hổ, Mành Khẳm không có ruột...
Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận quan trọng và có nhiều giá trị của thể loại truyện cổ tích. Trong truyện có sự chi phối của yếu tố thần kỳ đối với quá trình phát triển hệ thống tình tiết trong câu chuyện. Đối tượng phản ánh của truyện cổ tích thần kỳ là con người, nhưng khi con người bất lực trước những khó khăn thì lực lượng thần kỳ xuất hiện và giúp giúp nhân vật vượt qua thử thách. Truyện cổ tích thần kỳ thường kết thúc có hậu. Đó là những truyện cổ tích về đứa trẻ mồ côi, người con riêng, người em út hay những nhân vật nhỏ bé đầy bất hạnh… Một số truyện cổ tích thần kì tiêu biểu như: Chàng Voi nhỏ và ông Xù Xì bốn mắt năm mồm, Người hóa khỉ, Cô gái chăn vịt, Nàng Trăng -
nàng Sao…
Truyện cổ tích sinh hoạt là những truyện kể về những sinh hoạt gia đình như quan hệ vợ chồng, bố mẹ, anh em, con cái và các quan hệ xã hội như quan hệ chủ tớ, quan hệ giữa người làm thuê và ông chủ, giữa người nông dân và kẻ trọc phú… Nội dung phản ánh của truyện cổ tích sinh hoạt thường thể hiện những vấn đề đạo lý, đồng thời phê phán những lệch lạc trong quan niệm về đạo đức, trong ứng xử. Tác phẩm hướng đến những chuẩn mực đạo đức trong gia đình và trong đời sống cộng đồng. Tiêu biểu cho bộ phận này là những truyện: Kế của mẹ vợ, Kẻ trộm, Chàng Thoi mường Trời và chàng Thoi hạ giới, Con ông thợ săn…
Như vậy, truyện cổ tích của người Thái là một kho tri thức phong phú trong đời sống lịch sử của người Thái được tích lũy qua quá trình lâu dài. Truyện cổ tích của người Thái đã giải thích nguồn gốc, đặc điểm, tên gọi của sự việc, sự vật, loài vật; phản ánh cuộc đấu tranh chống lại các thế lực tàn ác và ước mơ về một xã hội công bằng, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; lý giải những xung đột cơ bản trong gia đình và ngoài xã hội; đồng thời đề cao trí tuệ dân gian, ca ngợi cách ứng xử thông minh, khéo léo của người Thái trong lịch sử phát triển của đời sống cộng đồng.