6. Cấu trúc của luận văn
2.3. Giá trị thẩm mỹ
2.3.1. Khái niệm
Văn học là nghệ thuật của cái đẹp, vì thế tất yếu mang giá trị thẩm mỹ. Văn học mang tới cho người đọc những vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật của quê hương đất nước, vẻ đẹp của những mảnh đời cụ thể, vẻ đẹp hào hùng của chiến trận. Ngoài ra, văn học còn đi sâu khám phá, phát hiện, miêu tả vẻ đẹp của con người từ ngoại hình đến nội tâm với những diễn biến sâu sắc của tư tưởng, tình cảm.
Cơ sở của giá trị thẩm mỹ trước hết là việc con người có nhu cầu hưởng thụ cái đẹp, thưởng thức cái đẹp từ trong cuộc sống. Trong thế giới hiện thực xung quanh luôn có sẵn những vẻ đẹp nhưng không phải tất cả chúng ta đều có thể nhận biết và cảm thụ nó. Thông qua tác phẩm văn học, qua lăng kính cảm nhận của người viết, người đọc cảm nhận được những cái đẹp từ cuộc sống. Văn học còn đem đến sự rung động của con người trước cái đẹp, tạo cho con người những rung cảm tinh tế trong cuộc sống.
Cái đẹp trong văn học thể hiện cả ở nội dung và hình thức nghệ thuật khiến người đọc thêm yêu mến cuộc sống, thêm khao khát hướng tới Chân,
Thiện, Mĩ. Văn học đem đến cho con người những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc đời, từ cái đẹp của thiên nhiên, đất nước đến những cái đẹp trong cuộc sống con người. Đối tượng phản ánh chủ yếu mà văn học hướng tới chính là con người và cuộc sống con người. Chính vì vậy mà văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp con người từ ngoại hình đến nội tâm, tư tưởng, tình cảm… Và bản thân tác phẩm văn học cũng mang giá trị thẩm mỹ. Hình thức đẹp của tác phẩm từ kết cấu đến ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật cũng chính là một nội dung quan trọng của giá trị thẩm mỹ trong văn chương.
2.3.2. Biểu hiện trong những truyện kể Thái
Giá trị thẩm mỹ là giá trị luôn được hướng tới trong những tác phẩm văn học nói chung. Văn chương luôn hướng đến cái đẹp, làm đẹp thêm cho cuộc sống. Trong từng câu chuyện kể của người Thái, giá trị thẩm mỹ luôn được coi trọng, mỗi câu chuyện đều hướng đến cái đẹp của cuộc sống hay cái đẹp trong chính những con người của cộng đồng dân tộc mình.
Trong câu chuyện Sự tích ta bó bua, phần đầu truyện kể lại rằng: “Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, đầu bản nọ có một mó nước rất trong và mát. Ở đó có những cây sen mọc lên rất đẹp, hương sen tỏa ra thơm ngát, nên được gọi là “ta bó bua”. Con gái trong bản thường hay đến chăn vịt, vui đùa” [41, tr.55]. Câu chuyện về cô gái đi hái bông sen ấy không chỉ phản ánh quá trình đầu tranh của con người chiến thắng các thế lực tự nhiên, bảo vệ cuộc sống của chính mình mà hơn thế nữa còn phản ánh một quan niệm thẩm mỹ mà cộng đồng người Thái muốn hướng đến. Bông sen mọc lên ở bến nước làm đẹp cho bản mường, đồng thời, bông sen ấy còn tượng trưng cho cuộc sống tinh thần cao đẹp mà họ đang muốn hướng tới. Tất nhiên, để vươn tới cuộc sống lý tưởng, con người phải trải qua biết bao gian nan, thử thách, đôi khi phải đánh đổi bằng cả máu và mạng sống của mình.
Khi xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn, con người càng văn minh hơn thì nhu cầu hướng đến cái đẹp của họ cũng càng được thể hiện rõ nét hơn.
Quan niệm về cái đẹp của người Thái thể hiện ở nhiều lần thay đổi cách búi tóc của người phụ nữ: búi tóc ngược hay búi tóc xuôi. Những câu chuyện kể này có thể rất đơn giản nhưng sau đó lại là cả một phong tục tập quán truyền thống rất được người Thái quan tâm, phản ánh quá hình vận động hướng về cái đẹp. Phong tục ấy là cả một quá trình tìm hiểu công phu để chọn lấy một nếp sinh hoạt đẹp hơn, hướng đến cái toàn mỹ hơn, phản ánh nhu cầu thẩm mĩ của cộng đồng người Thái từ xa xưa.
Trong các truyện thơ của người Thái, những nhân vật nam chính diện đều phản ánh quan niệm của nhân dân lao động về cái đẹp. Họ có thể xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, từ những người mồ côi, người lao động bất hạnh hay từ những gia đình giàu có nhưng nét đặc trưng là đều mang vẻ đẹp cả trí tuệ và tâm hồn, là những người con hiếu thảo, những người nam nhi chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Qua những hình tượng nhân vật đó, tác giả dân gian muốn gửi gắm ước mơ về một xã hội công bằng, lý tưởng, hạnh phúc trong tình yêu. Các nhân vật như Lưu Vĩnh (Ngu háu), Túng Tân (Trạng Nguyên), Ú Thêm (Ú Thêm)... là những người con tiêu biểu cho đức tính cao đẹp là lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Trong các truyện thơ, người Thái xây dựng những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho những lẽ sống đẹp, những chuẩn mực đạo đức mà con người hướng đến. Đó là lòng thủy chung son sắt trong tình yêu đôi lứa, là lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ… Có thể thấy những tư tưởng nhân văn cao đẹp đó qua một số truyện thơ tiêu biểu như Xống Chụ Xon Xao, Trạng Nguyên,
Ú Thêm, Ngu háu…
Trong truyện Trạng Nguyên, Túng Tân là nhân vật sớm phải chịu bất hạnh khi mồ côi cha từ nhỏ, gia đình lâm nạn nên nghèo khổ, thời thơ ấu hai mẹ con phải dắt nhau đi xin ăn:
Tạo thái an về trời, bỏ lại Túng Tân Hai mẹ con bỗng bơ vơ nghèo khốn Ngày ngày ăn xin qua bữa triền miên Khắp chốn cùng Mường, phố chợ nối liền, Gặp người tốt, nhường cơm xẻ áo
Nhưng cũng không ít kẻ mắng mỏ khinh khi
Trong tình yêu, câu chuyện tình cảm động giữa Túng Tân và Ngọc Hoa. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, người con gái ấy vẫn một lòng bảo vệ tình yêu, chung thủy trong tình yêu, lo lắng cho gia đình yên ấm:
Tình thế đó Cúc Hoa đứng dậy Khóc biệt ly cha mẹ rồi ra đi,
Nàng cùng quẫn theo chồng về quê hương nghèo khó Cùng đắp xây hạnh phúc gia đình,
Thành vợ thành chồng yêu thương thắm thiết. Nàng lo lắng để gia đình yên ấm
Và không phụ lòng người vợ đã không bỏ mình khi nghèo khó, khi đỗ đạt, Túng Tân từ chối lấy công chúa để trở về bên người vợ thuở hàn vi. Chàng cũng không phụ lòng người mẹ già một thời khốn khó từng phải dắt con đi ăn xin từng bữa qua ngày, đến khi thành danh, Túng Tân cũng không quên chăm lo, hiếu thảo với người mẹ già bất hạnh:
Xin xây đắp gia phong vạn kiếp Đền ơn mẹ nuôi nấng lúc hàn vi
Nhân vật Ú Thêm trong truyện thơ cùng tên cũng là người con hiếu thảo hết mực. Khi các mẹ bị vua bỏ rơi trong hang sâu, lúc đó mới ba tuổi, chứng kiến cảnh tăm tối cực nhọc của mẹ khi nuôi mình, chàng đã biết nhận thức và có tình yêu thương mẹ cùng các dì sâu sắc.
Qua các nhân vật trong các truyện thơ kể trên, có thể thấy được các tác giả truyện thơ Thái đã xây dựng những quan niệm về con người lí tưởng qua
cách ứng xử, lẽ sống trong cuộc đời, qua đó gửi gắm mơ ước về một xã hội tốt đẹp, thông qua đó thể hiện giá trị nhân đạo, nâng niu trân trọng vẻ đẹp con người. Đó là những giá trị thẩm mỹ cao đẹp được lưu truyền qua những truyện kể dân gian Thái.
Như vậy, qua nghiên cứu các giá trị của văn học cổ truyền Thái, có thể thấy rằng, các giá trị nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục được thể hiện trong hầu hết các thể loại của truyện kể dân gian Thái. Tuy nhiên, mức độ đậm nhạt, sâu sắc của từng giá trị ở mỗi thể loại là khác nhau. Nếu như giá trị nhận thức (về thế giới tự nhiên, vũ trụ và nhận thức về con người) được thể hiện rõ rệt nhất qua thần thoại thì những nhận thức về đời sống và các mối quan hệ xã hội của con người lại được nhận thức sâu sắc qua cổ tích, truyện thơ. Giá trị giáo dục trong văn học cổ truyền Thái là một quá trình phát triển từ thể loại thần thoại (nơi lưu giữ những tri thức khoa học về tự nhiên, con người) đến truyền thuyết (những kiến thức lịch sử) và cổ tích, truyện thơ (giáo dục lối sống, đạo đức, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội). Giá trị thẩm mỹ của truyện kể dân tộc Thái chủ yếu được thể hiện ở thể loại cổ tích, truyện thơ với những tác phẩm ca ngợi cái đẹp, sự hào hiệp trong cuộc sống và cái đẹp của đạo đức con người. Sự biểu hiện đậm nhạt khác nhau như trên được quy định bởi chính đặc trưng của từng thể loại văn học cổ truyền. Ngoài những giá trị cơ bản trên, có thể nhận thấy rằng văn học cổ truyền Thái còn có giá trị giải trí, được thể chủ yếu qua thể loại truyện cười.
Tiểu kết chương 2
Dân tộc Thái ở Việt Nam là một trong những dân tộc thiểu số có những thành tựu nổi bật về văn học. Những giá trị của văn học cổ truyền Thái được khẳng định trên nhiều phương diện, trong đó phải kể đến bộ phận truyện kể của người Thái có giá trị đặc sắc. Truyện kể dân tộc Thái là một bộ phận trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc Thái có thể xác định qua hệ thống các giá trị cơ bản: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ.
Truyện kể dân tộc Thái là kho tri thức khổng lồ của người Thái tích lũy qua ngàn đời, cho ta những nhận thức về thế giới, tự nhiên, vũ trụ; về con người và xã hội. Bên cạnh đó, những tác phẩm đó còn có ý nghĩa đối với việc giáo dục con người những kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua thời gian và hình thành những tư tưởng nhân ái, hào hiệp trong cộng đồng và gia đình. Đồng thời, là những tác phẩm văn học nghệ thuật, truyện kể Thái tất yếu chứa đựng giá trị thẩm mĩ, hình thành những tình cảm thẩm mĩ, những cảm xúc thẩm mĩ ở con người.
Truyện kể dân tộc Thái là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu, đồng thời phản ánh quá trình phát triển lịch sử của cộng đồng người Thái trong suốt một chặng đường dài lâu. Những giá trị đó trong bối cảnh hiện nay cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy? Đó cũng là vấn dề được triển khai ở chương 3 của luận văn.
Chương 3
PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỔ TRUYỀN CỦA TRUYỆN KỂ DÂN TỘC THÁI TRONG BỐI CẢNH
HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN