6. Cấu trúc của luận văn
3.3. Những vấn đề đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn học cổ
3.3.2. Những vấn đề đặt ra trong bảo tồn
Văn học là di sản vô cùng quý giá của mỗi dân tộc. Đó là tinh hoa, cốt lõi được xây dựng, phát triển qua bao thế hệ và chứa đựng linh hồn của chính dân tộc đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn biến đổi không ngừng, khi điều kiện lịch sử đã có sự thay đổi, xã hội luôn phát triển theo quy luật chọn lọc, kế thừa, bổ sung và đổi mới. Văn học là một hình thái nghệ thuật phản ánh tư duy, trình độ của con người ở từng thời điểm nhất định, gắn với đặc trưng ở từng giai đoạn lịch sử nhất định. Đó là những giá trị quý báu chúng ta cần phải gìn giữ và phát triển nhưng trước những thay đổi của đời sống hiện đại, vấn đề bảo tồn văn học dân gian nói chung và những truyện kể dân gian Thái nói riêng cũng đứng trước muôn vàn khó khăn và thách thức.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, dân tộc Thái là cộng đồng dân tộc thiểu số có số lượng các phẩm truyện kể rất phong phú và có giá trị đặc sắc. Chúng ta
còn lưu giữ được khá nhiều truyện kể dân gian của người Thái, tuy nhiên, rất nhiều trong số đó lại là những tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt. Chính vì vậy, việc dịch những tác phẩm văn học từ tiếng Thái ra tiếng Việt là một quá trình công phu, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức, con người và nguồn kinh phí rất lớn. Càng ngày, phạm vi những người hiểu và nắm rõ về chữ Thái, tiếng Thái cổ có thể đảm đương nhiệm vụ lịch sử ấy càng thu hẹp. Vì vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa đến kho tàng truyện kể Thái để những giá trị văn học quý báu đã được cộng đồng người Thái từ bao đời sáng tạo, gìn giữ không bị mai một, đồng thời gìn giữ những giá trị quý báu cho thế hệ mai sau. Đây là vấn đề lớn, là sứ mệnh đặt ra cho thế hệ mai sau cần tiếp tục để gìn giữ những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Một vấn đề nữa cần phải đặt ra trong quá trình bảo tồn và lưu giữ văn học dân gian Thái đó chính là vấn đề các tác phẩm dân gian khuyết danh. Truyện kể dân gian Thái cũng như kho tàng văn học dân gian của dân tộc đều là những tác phẩm không có tên tác giả, đây là đặc trưng tiêu biểu của văn học dân gian nói chung. Tuy nhiên, khi vấn đề khuyết danh đi kèm với đặc trưng diễn xướng dân gian thì đồng thời đặt ra những vấn đề trong việc bảo tồn đúng những tác phẩm truyện kể này. Truyện kể dân gian Thái thường gắn liền với hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng là Khắp Thái. Trong quá trình lưu truyền và diễn xướng, nhân dân tự mình sửa chữa nội dung tác phẩm ban đầu. Quá trình ấy có thể có những mặt tích cực nhưng đồng thời không tránh khỏi những tiêu cực và càng làm cho quá trình bảo tồn những tác phẩm truyện kể càng trở nên khó khăn hơn khi tác phẩm chưa được dịch ra tiếng Việt để tất cả mọi người có thể đọc và hiểu được. Cuộc sống của người Thái gắn liền với những thung lũng rộng lớn, môi trường sống cũng liên tục thay đổi, du canh du cư nên khó để xác định và phác họa lại quá trình lịch sử phát triển của bộ phận truyện kể của dân tộc này.
Bên cạnh những truyện kể Thái gắn liền với hình thức diễn xướng dân gian là Khắp Thái thì còn một bộ phận truyện kể không được diễn xướng mà chỉ tồn tại dưới hình thức chữ viết hoặc theo lời kể của những người Thái cao tuổi. Vì vậy, với bộ phận những truyện kể đó, việc lưu giữ trọn vẹn cho thế hệ mai sau là vô cùng khó khăn.
Như vậy, trước thực tế sáng tác, lưu truyền và diễn xướng của truyện kể dân gian Thái gắn với những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc này, chúng ta thấy vấn đề bảo tồn truyện kể Thái đứng trước rất nhiều thách thức. Vấn đề mấu chốt trong quá trình giữ gìn và phát huy các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc Thái là quá trình ấy phải do chính người Thái thực hiện. Chỉ có những người Thái am hiểu về vốn sống, về văn hóa, ngôn ngữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình mới có thể đảm đương sứ mệnh lịch sử gìn giữ, bảo tồn kho tàng truyện kể Thái vốn còn rất nhiều điều bí ẩn mà chúng ta chưa thể đặt chân đến. Bảo tồn và phát triển truyện kể dân tộc Thái cũng như kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái là một việc làm đặc biệt cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, để bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa nói chung và giá trị văn học cổ truyền của các dân tộc thiểu số nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo cơ hội bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn học dân gian. Thông qua các lễ hội văn hóa được tổ chức hàng năm với quy mô và sự đầu tư xứng đáng, những giá trị văn hóa, văn học truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó có người Thái có cơ hội được quảng bá rộng rãi với bạn bè trong cả nước, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Quá trình hội nhập và phát triển sẽ tác động nhiều mặt đến đời sống văn hóa, văn học của các dân tộc thiểu số vốn ít có sự giao lưu với nền kinh tế thị trường và nhịp sống của xã hội hiện đại. Để bảo tồn và phát huy
được những giá trị văn hóa, văn học ấy trong bối cảnh hiện nay, mỗi dân tộc cần tự mình khẳng định bản lĩnh văn hóa từng dân tộc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, cũng phải nhìn nhận quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc Thái còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh kinh tế thị trường và thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, cộng đồng người Thái mở rộng giao lưu như một xu thế chung tất yếu. Nhưng chính trong bối cảnh đó, một bộ phận người Thái muốn tiếp thu cái mới, cái hiện đại mà chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… và cả nền văn học của dân tộc mình. Văn học Thái không được một bộ phận giới trẻ người Thái yêu thích, gìn giữ mà chính họ lại không thấy hết được mặt trái của quá trình hội nhập nên dễ đi chệch hướng trên con đường đi tìm cái mới, cái hiện đại.
Nền văn hóa Thái nói chung, văn học dân gian và truyện kể dân tộc Thái nói riêng một mặt đã được quan tâm, có những biện pháp để bảo tồn, lưu giữ. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm mới dừng lại ở quá trình sưu tầm lại để bảo tồn nhưng chưa được thực sự “sống lại” trong đời sống và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái. Những tác phẩm được sưu tầm lại mới chỉ nằm im trên trang giấy, trong các thư viện chứ chưa thực sự đi vào đời sống người Thái khắp mọi miền để họ được nghe, được thuộc, được cảm nhận… Chính vì vậy, những tác phẩm đã được sưu tầm lại mới chỉ được giới nghiên cứu biết đến chứ chưa được phổ biến rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của chính cộng đồng người Thái.
Nói đến những hạn chế trên cũng phải kể đến những khó khăn của đội ngũ làm công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, văn học truyền thống. Không chỉ riêng đối với dân tộc Thái mà với đại đa số các dân tộc thiểu số Việt Nam, đội ngũ chuyên trách cho công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá
trị truyền thống ấy có lẽ còn rất mỏng. Đội ngũ những người có kiến thức chuyên sâu nghiên cứu về văn học dân gian chưa nhiều, trong khi đó để quá trình ấy đạt hiệu quả cao thì cần có sự kết hợp giữ người nghiên cứu và chính những người Thái am hiểu về văn hóa dân tộc mình. Những yếu tố trên cùng sự đầu tư kinh phí cho những nghiên cứu khoa học và quá trình bảo tồn, lưu giữ giá trị văn học cổ truyền Thái còn hạn chế khiến cho quá trình gìn giữ những giá trị văn học quý báu ấy còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Dân tộc Thái là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều thành tựu về văn học với những tác phẩm nổi tiếng, không chỉ riêng người Thái mà còn được đông đảo các dân tộc khác biết đến. Với bản lĩnh của một dân tộc qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộc Thái đã khẳng định được vị trí của mình bằng một nền văn học cổ truyền Thái với những giá trị đặc sắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa len lỏi đến từng ngõ ngách của đời sống xã hội thì đồng bào dân tộc Thái cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó, mở cửa tiếp cận với xu thế chung này. Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình hội nhập và phát triển, xu thế toàn cầu hóa cũng có những mặt trái, tác động không nhỏ đến đời sống con người. Đứng trước tình hình hiện nay, cần có những giải pháp thiết thực, kịp thời để bảo tồn và phát triển những giá trị văn học quý báu trong kho tàng truyện kể dân tộc Thái.