Dự báo xu thế biến đổi các giá trị văn học cổ truyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc thái (Trang 64 - 66)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3. Những vấn đề đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn học cổ

3.3.1. Dự báo xu thế biến đổi các giá trị văn học cổ truyền

Những truyện kể dân gian Thái là sản phẩm sáng tạo của cộng đồng người Thái trong suốt một quá trình lịch sử lâu dài. Những hình tượng nghệ thuật trong các truyện kể Thái như hình tượng người phụ nữ thủy chung, dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc trong Xống Chụ Xon Xao, Khun Lũ -

Nàng Ủa…, hình tượng người anh hùng của có công với Bản Mường như nàng

Han…, những người anh em sâu đậm nghĩa tình, trong khó khăn gian khổ luôn yêu thương, giúp đỡ nhau… đã để lại những ấn tượng đậm nét trong tâm thức của người Thái bao thế hệ. Việc nhiều thế hệ người Thái đặt tên con mình bằng tên các nhân vật trong văn học như Chương, Nhĩ, Lũn, Hùng (các tên của Chương Han qua các giai đoạn), dùng tên các địa danh trong truyện đặt tên cho các địa danh của các mường, các bản người Thái… đã chứng tỏ những dấu ấn sâu đậm của bộ phận văn học này trong đời sống của cộng đồng người Thái nói chung. Những giá trị tốt đẹp được phản ánh trong văn học cùng với những đặc

sắc về nghệ thuật cũng chính là nhân tố tạo nên sức sống lâu bền của truyện kể Thái, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Vì vậy, chúng ta có thể tự hào và tin tưởng rằng, những giá trị tinh thần lớn lao được người Thái bao thế hệ sáng tạo trong các truyện kể Thái sẽ còn được lưu truyền, được yêu mến và trân trọng ở hiện tại và tương lai.

Trong giai đoạn hiện nay, bằng sự nhận thức về tầm quan trọng của những giá trị văn học cổ truyền Thái trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đời sống văn hóa, văn học Thái đã nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học và chính những người con của cộng đồng người Thái trên khắp mọi miền. Các lễ hội văn hóa của người Thái, các ấn phẩm, tạp chí nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian Thái và các bài viết trong các hội thảo khoa học là những nghiên cứu quan trọng, những đóng góp không nhỏ vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của văn học Thái trong cuộc sống hôm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh phần ý nghĩa tích cực như vừa chỉ ra ở trên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, trong bối cảnh chung của nền kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa hiện đại, có thể thấy văn học dân gian nói chung và văn học Thái cũng như truyện kể Thái nói riêng cũng đang đứng trước muôn vàn thách thức, khó khăn. Những truyện kể của người Thái thường gắn liền với hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của người Thái là Khắp Thái. Có thể sơ lược Khắp (hát) là sinh hoạt văn học phong phú và đa dạng nhất của người Thái: “Khắp - nghĩa thực là hát, nghĩa rộng là thơ ca, còn có nghĩa là làn điệu dân ca, các kiểu trình diễn thơ ca” [16, tr.192]. Khắp thường kèm theo tiếng nhạc, múa xòe, theo nhịp của chống chiêng. Bên cạnh đó, khắp đôi khi còn tự phát tùy hứng vài ba người hay từng người hát lúc đi nương, hái củi, lúc ru con… Tuy nhiên, phần lớn Khắp phải mang tính trình diễn, thường diễn ra ở những lễ hội, không gian văn hóa tập thể. Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì

hình thức sinh hoạt văn hóa này một cách thường xuyên và phổ biến trong cộng đồng người Thái không phải một điều dễ dàng. Đồng thời, trong tình hình phát triển của xã hội hiện đại với sự thâm nhập sâu rộng của văn hóa mạng đến mọi ngóc ngách của đời sống, việc gìn giữ, phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khắp Thái cũng như các truyện kể dân gian Thái đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ - đội ngũ nắm giữ sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền văn học Thái trong tương lai sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đặc trưng lưu truyền trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, văn học dân gian Thái nói chung, truyện cổ Thái nói riêng cũng chưa xuất hiện thường xuyên trong sách giáo khoa và chương trình giáo dục ở các cấp học, các buổi chuyên đề, ngoại khóa… Vì vậy, việc phổ biến văn học cổ truyền Thái đến tầng lớp học sinh, sinh viên… nhìn chung chưa được rộng khắp. Đó cũng là một hạn chế trong việc lưu truyền và phát huy những giá trị của văn học cổ truyền Thái trong bối cảnh hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc thái (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)