6. Cấu trúc của luận văn
3.2. Giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc Thái góp phần xây
dựng và phát triển văn hóa và con người trong bối cảnh hội nhập hiện nay
Văn hóa, văn học và con người là những phạm trù có mối liên hệ mật thiết với nhau. Văn học là sản phẩn do con người sáng tạo nên, là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa. Vì vậy, để xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong tình hình mới của bối cảnh hội nhập hiện nay, không thể không kể đến tầm quan trọng đặc biệt của văn học. Trong kho tàng văn học dân tộc Thái, truyện kể dân tộc Thái là một bộ phận quan trọng, có giá trị đặc sắc, lưu giữ tâm tư, tình cảm, vốn sống, cách nhận thức của người Thái trong suốt một quá trình lịch sử lâu dài. Để phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh hiện đại hôm nay, thiết nghĩ cần phải gìn giữ, lưu truyền và bảo tồn những giá trị quý giá đó trong kho tàng văn học Thái nói chung và truyện kể dân tộc Thái nói riêng.
Trước hết, văn hóa là khái niệm tuy được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội nhưng lại mang nội hàm ý nghĩa rất rộng lớn cần làm rõ. Về cơ bản, văn hóa là những sản phẩm vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo trong quá trình phát triển lịch sử để hình thành nên các giá trị, các chuẩn mực trong đời sống xã hội. Trong diễn văn khai mạc lễ phát động “Thập niên quốc tế phát triển văn hóa” tại Pháp (21/1/1998), Tổng thư ký UNESCO đưa ra định nghĩa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình” [58, tr. 23].
Như vậy, có thể thấy rằng, nói đến văn hóa là nói đến con người. Lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của loài người và của từng dân tộc riêng biệt. Bản sắc văn hóa của một dân tộc là cái cốt lõi, bản chất, những nét riêng
của một nền văn hóa cụ thể nào đó. Những nét riêng đó thường được biểu hiện qua các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể. Bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là nét riêng có của cộng đồng người Thái được kiến tạo từ những giá trị vật chất, tinh thần do những cư dân của cộng đồng mình xây dựng trong quá trình phát triển lịch sử dài lâu. Bản sắc văn hóa là một sức mạnh nội tại của dân tộc. Bản sắc văn hóa là nét riêng có của mỗi dân tộc, làm cho một dân tộc luôn là chính mình giữa bối cảnh đất nước và thế giới mở cửa, hội nhập và phát triển.
Nói về những giá trị của nền văn học cổ truyền dân tộc Thái có chi phối sâu sắc đến quá trình phát triển con người và văn hóa trong bối cảnh hội nhập, phát triển hiện nay, trước hết cần phải nhìn nhận văn học cổ truyền Thái là nơi lưu giữ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cộng đồng người Thái, có tác dụng định hướng nhận thức tâm lý giữa bối cảnh của cuộc sống hiện đại. Trong những truyện kể của dân tộc Thái, văn học luôn hướng về cái thiện, đề cao cái thiện và những giá trị nhân văn cao đẹp trong đời sống, nhờ đó văn học cổ truyền Thái mà cụ thể là bộ phận truyện kể Thái có tác dụng khuyến khích lòng hướng thiện của con người, hướng con người đến những giá trị nhân văn, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống. Truyện kể Thái dạy con người ta biết yêu, biết ghét, biết trân trọng con người dù họ có xuất thân thấp kém đi chăng nữa, biết yêu thương những người nghèo khổ, đồng cảm với những kiếp người trong cuộc đời. Đó là một vấn đề, một giá trị rất cần thiết đối với con người trong cuộc sống hiện đại hôm nay khi nền kinh tế thị trường, xu thế mở cửa hội nhập, phát triển cuốn con người vào vòng quay của nó mà lãng quên nhiều giá trị tốt đẹp của đạo đức, nhân sinh truyền thống, đặc biệt là lòng hướng thiện. Lòng hướng thiện ở đây chi phối cách con người ứng xử trong cuộc sống, chi phối hành động của mỗi người và cách con người đối xử với nhau. Trong xã hội hiện đại hôm nay, lòng hướng thiện, hướng về những giá trị chân chính càng
quan trọng hơn bao giờ hết, nó giúp con người giữ mình đứng thẳng, không sa ngã trong muôn mặt bộn bề của cuộc sống, không phá vỡ những giá trị đạo đức, nhân văn tốt đẹp giữa người với người.
Trong truyện kể dân tộc Thái, hình tượng người bình dân là một hình tượng văn học có ấn tượng nghệ thuật sâu sắc, xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong các tác phẩm truyện kể của dân tộc này. Đây cũng là bộ phận cư dân đông đảo nhất trong cộng đồng người Thái. Vì vậy, những ước mơ, khát vọng của bộ phận quần chúng này cũng đại diện cho ước mơ, khát vọng của đại đa số cộng đồng, xã hội bản mường của người Thái.
Truyện kể dân tộc Thái phản ánh đa dạng hình tượng nhân vật bình dân, bao gồm “những người bình thường, có kẻ tinh ranh, có cả kẻ đần độn chất phác, có kẻ an phận” [16, tr.161], nhưng mẫu hình lý tưởng mà người Thái hướng đến xây dựng, thể hiện ước mơ, khát vọng của cộng đồng mình về xã hội là những nhân vật “không bỏ qua những bất công xã hội, bênh vực lợi ích số đông, dám chống lại cường quyền, ham làm, biết làm ăn, bênh vực công lý, thương người thậm chí thương cả muôn loài. Đó là mẫu hình mong chờ của xã hội Bản Mường dân tộc, có tính muôn thuở” [16, tr.161]. Nhờ những truyện kể dân gian ấy, con người hiện đại hôm nay suy ngẫm về chính mình để bản thân luôn hướng về chính nghĩa, về cái thiện và những giá trị nhân văn cao đẹp, những đạo lý tốt đẹp giữa người với người. Những con người không chỉ biết thương người mà biết thương cả muôn loài là một hình tượng đẹp trong văn học, phản ánh quan niệm nhân sinh, đạo lý tốt đẹp trong đời sống xã hội. Những hình tượng như thế đã xuất hiện rất lâu từ trong những truyện cổ được bản mường sáng tạo nên, cho ta thấy một nét đạo đức đáng trân trọng của cộng đồng dân tộc này.
Trong những hình tượng người bình dân được xây dựng trong kho tàng văn học dân tộc Thái, hình tượng nổi bật, xuất hiện nhiều lần đó chính là hình
tượng những con người mồ côi. Trong bất kì xã hội nào, ở thời đại nào, những người mồ côi cũng là những người bất hạnh hơn cả: “Đó là biểu hiện cho sự cực khổ của tầng lớp dưới đáy xã hội, biểu hiện sự bất hạnh tột cùng trong xã hội con người” [16, tr.161, 162]. Nhưng điều đáng nói, đáng trân trọng ở đây là cộng đồng người Thái đã gửi vào đó những ước mơ, khát vọng, vực dậy những con người khốn khổ ấy để họ vươn lên, đồng thời thể hiện thái độ khâm phục:
“Từ dưới đáy xã hội, nhưng trong thực tế xã hội dân tộc không hiếm những người có ý chí vươn lên, thậm chí làm nên. Xã hội Bản Mường của người dân tộc nâng đỡ, ủng hộ khuyến khích, thậm chí khâm phục họ” [16, tr.162]. Chính tinh thần nhân văn cao đẹp đó đã thúc đẩy con người vươn lên hướng đến cái thiện, vươn lên làm chủ số phận và cuộc đời của chính mình dẫu cho xuất thân của họ là những người mồ côi bất hạnh, nhưng họ sẵn sàng từ dưới đáy cùng xã hội đi lên làm chủ cuộc đời.
Trong xã hội của người Thái, khác với xã hội của người Kinh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng Nho giáo, xã hội Bản Mường phần nào coi trọng và đề cao người phụ nữ. Người phụ nữ trong đời sống xã hội của người Thái được coi “là cội nguồn, là ánh sáng của tình yêu, mà xã hội con người nhờ nó mà có tất cả, vì nó mà tồn tại” [16, tr.162]. Chính nhờ vị trí đặc biệt đó mà văn học Thái có nhiều tác phẩm viết về người con gái, người phụ nữ. Hình tượng người phụ nữ trở thành hình tượng trung tâm trong nhiều truyện kể, là đối tượng phản ánh quan trọng, cũng nhờ đó mà truyện kể dân tộc Thái xuất hiện nhiều tác phẩm viết về đề tại tình yêu đôi lứa, đồng thời ghi nhận nhiều tác phẩm kiệt xuất viết về đề tài này. Các tác phẩm này thường đề cao tình yêu tự do, lên án những hủ tục, những lực lượng xã hội đã ngăn trở và đẩy nhân vật rơi vào bi kịch. Qua những truyện kể viết về đề tài tình yêu tự do, dám đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc, các tác giả dân gian muốn gửi gắm ước mơ về một tình yêu lí tưởng, lòng thủy chung, vượt qua ranh giới giàu nghèo để bảo vệ tình yêu, đặc
biệt là những người phụ nữ. Có thể kể đến đó là các truyện thơ tiêu biểu cho đề tài này như: Xống Chụ Xon Xao, Khun Lũ - Nàng Ủa, Khun Tỡng - Khun Tĩnh -
Nàng Nĩ…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số phận của người phụ nữ Thái cũng không ít bất hạnh. Số phận họ cũng thường bị chi phối trong tay những người đàn ông, cũng phải chịu nhiều sự ràng buộc từ các luật tục, tâm lý xã hội. Từ những chi phối của điều kiện xã hội, những câu chuyện tình yêu ấy vẫn mang âm hưởng chủ đạo là nỗi buồn da diết, thấm thía và day dứt. Nhưng điều đáng nói ở đây là văn học Thái, truyện kể của người Thái đã thẳng thắn phản ánh quá trình đấu tranh quyết liệt để vươn lên giành quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của những người phụ nữ Thái, họ dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là truyện thơ Xống Chụ Xon Xao: “Xống Chụ Xon Xao nêu hình tượng một người phụ nữ đấu tranh quyết liệt vì tình yêu đến thắng lợi cuối cùng. Dù hoàn cảnh tâm lý và quyền lực, đồng tiền đã buộc cô phải tạm thời chấp nhận sự thất bại, dù người yêu của cô sau những đấu tranh thất bại đã đầu hàng số mệnh, nhưng cô vẫn kiên trì đấu tranh. Cuối cùng mối tình đầu thơ mộng, trong trắng không mảy may vụ lợi ấy, dù đã không còn nguyên vẹn nữa, đã đoàn tụ ở những năm cuối của cuộc đời hai người” [16, tr.163].
Bên cạnh hình tượng người phụ nữ trong truyện thơ Xống Chụ Xon Xao, ta còn bắt gặp hình tượng những người phụ nữ dám đứng lên và đấu tranh để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc của chính mình trong truyện Tạo Hôm - Nàng Hai
hay hình tượng Nàng Ủa trong truyện Khun Lũ - Nàng Ủa.
Đặc biệt, điều rất đáng trân trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật văn học trong các truyện kể của người Thái đó chính là việc xây dựng hình tượng nữ anh hùng có công lớn trong lịch sử của người Thái là nàng Han. Người phụ nữ ấy được xây dựng thành một hình tượng tiêu biểu, một nữ tướng
có công lớn với Bản Mường, được nhân dân coi trọng, tôn thờ, đề cao. Trong văn học cổ của người Kinh, không nhiều những tác phẩm truyện dân gian xây dựng hình tượng người anh hùng có công xây dựng và bảo vệ đất nước qua những hình tượng người phụ nữ như thế. Đó là điều đáng trân trọng ở cách nhìn nhận, thái độ của cộng đồng Thái trước lịch sử và vấn đề người phụ nữ.
Truyện cổ dân tộc Thái nói riêng và truyện cổ của nhiều dân tộc nói chung đều khai thác đề tài quen thuộc là đề tài tình cảm gia đình. Những mối quan hệ trong gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng… đều trở thành đề tài quen thuộc trong nhiều câu truyện cổ. Câu chuyện Tình anh em trong tuyển tập
Truyện cổ Thái (tập 2, quyển 2) kể về câu chuyện hai anh em nọ cha mẹ sớm qua đời nhưng sống với nhau rất êm ấm, hòa thuận. Tuy nhiên, từ khi người anh lấy vợ thì tính nết lại thay đổi hoàn toàn, chiếm hết tài sản và trở nên giàu có, còn người em thì nghèo khó. Từ đó, người anh chỉ chơi với người giàu mà xa lánh người em nghèo khổ. Nhưng đến một hôm, khi người anh vào rừng và bắn được một con nai, người vợ mới bàn với chồng bày mưu để thử lòng những người bạn và người em trai. Qua đó, họ mới hiểu được dù bị người anh đối xử không công bằng nhưng người em vẫn luôn coi trọng tình cảm ruột thịt, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia mọi khó khăn trong cuộc sống. Còn những người bạn giàu có kia, họ chỉ thân thiết với người anh khi việc có lợi cho mình. Cũng nhờ một lần như vậy mà tình cảm anh em lại trở lại tốt đẹp, gắn bó, yêu thương nhau như xưa. Câu chuyện về tình anh em cũng là một bài học đạo đức, đề cao tình cảm của những người ruột thịt trong gia đình - những người trong mọi khó khăn vẫn cưu mang, đùm bọc, chở che nhau…
Truyện cổ dân tộc Thái xây dựng hình tượng những người mồ côi bất hạnh nhưng luôn tìm cách vươn lên để chiến thắng số phận và xuất thân thấp kém; những hình tượng người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh quyết liệt để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc, luôn chung thủy dù gặp muôn vàn khó khăn; hình
tượng những người anh hùng có công trong lịch sử xây dựng và bảo vệ bản Mường… Qua những hình tượng nghệ thuật đó, truyện kể dân gian Thái khơi gợi trong mỗi con người lòng hướng thiện, hướng về những giá trị nhân văn cao đẹp: lòng thủy chung, tinh thần vươn lên chiến thắng số phận, lòng biết ơn đối với những người có công với cộng đồng mình… Đó là những chuẩn mực đạo đức, những thang giá trị cần phải có đối với mỗi người không chỉ ở thời đại con người sáng tạo những truyện dân gian trên mà hơn thế nữa còn vô cùng quan trọng trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Vì vậy có thể nói, truyện kể dân tộc Thái đã góp phần định hướng nhận thức tâm lý, khuyến khích lòng hướng thiện và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển.
Xây dựng và hướng xã hội đến những giá trị tốt đẹp, bên cạnh việc đề cao, ca ngợi những giá trị nhân sinh tốt đẹp còn phải kể đến việc phê phán những con người, những việc làm xấu xa. Phê phán cái ác, cái xấu cũng quan trọng như việc đề cao cái đẹp, cái thiện. Ở bất cứ thời đại nào, trong bất kỳ dân tộc nào cũng tồn tại song hành hai mặt đối lập đó. Truyện kể dân gian của người Thái cũng phản ánh đồng thời cả hai phương diện đó trong đời sống xã hội con người. Văn học Thái phản ánh những hình tượng các thế lực thống trị gian ngoan, bóc lột và xảo quyệt, cậy quyền cậy thế ức hiếp những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Đó là những con người mặt người dạ thú: “Hổ vằn ngoài da, Người vằn trong dạ”. Phê phán những cái xấu, cái ác song song với việc đề cao cái thiện, cái đẹp, cái cao cả đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, hướng họ về những điều tốt đẹp và bài trừ những điều xấu xa, từ đó hướng đến xây dựng một xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn.
Trong truyện Hai anh em mồ côi (theo lời kể của Lương Thị Vân) trong cuốn Truyện cổ Thái (tập 2, quyển 2), câu chuyện kể về việc hai anh em chia
tài sản, người em ra ở riêng sau khi người anh trai lấy vợ. Người anh nghe lời vợ chỉ chia cho người em một mảnh ruộng khô cằn ở góc rừng và một con dao cùn. Nhưng nhờ lương thiện, thật thà, cuối cùng người em nhận được sự giúp đỡ của một ông già râu tóc bạc phơ và có trâu cày, có nước tưới ruộng, rồi chịu